Bài thuyết-trình này đi
sâu vào trong chi-tiết những vấn-đề như: (1) chủ-quyền lịch-sử của VN trên hai
quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, ít nhất cũng từ TK 17; (2) chủ-quyền này đã
được quốc-tế công-nhận qua những hiệp-định quốc-tế như Hiệp-định Hòa-bình San
Francisco 1951 (có 51 nước tham-dự), Hiệp-định Genève 1954 chia đôi VN với
HS-TS được xác-định rõ ràng là thuộc về miền Nam (sau là VNCH), Hiệp-định
Hòa-bình Paris 1973 định nghĩa sự toàn vẹn lãnh-thổ của miền Nam dựa trên
định-nghĩa ở Genève, và Định-ước Quốc-tế do 12 nước ký dưới sự chứng-kiến của
Tổng-thư-ký Liên-hiệp-quốc vào ngày 2/3/1973 bảo đảm việc thực-thi Hiệp-định
Paris 1973. Như vậy thì chủ-quyền của VNCH trên hai quần-đảo Hoàng-sa và
Trường-sa đã quá rõ, không ai có thể phủ-nhận được.
Tâm Việt
Cali Today News - Hôm thứ Sáu vừa qua, 5 tháng 12, 2014, tại
Thượng-viện Quốc-hội Canada đã diễn ra một “Bàn tròn về Tranh chấp Biển đảo ở
Biển Đông/Nam-hải và bản Hiệp-định cuối cùng về Hòa-bình ở Việt-nam vào năm
1973” (“The Roundtable on the South-China Sea Territorial Dispute and the Final
1973 Peace Accord on Vietnam” trong tiếng Anh và “La table ronde sur le conflit
territorial en mer de Chine méridionale et l’accord de paix final de 1973 sur
the Vietnam” trong tiếng Pháp). Sở dĩ sinh-hoạt này có tên trong hai thứ
tiếng Anh-Pháp là vì mọi tài-liệu chính-thức của Quốc-hội Canada đều phải được
dịch sang hai thứ tiếng chính-thức của nước này.
Đây là một bàn tròn do Thượng-nghị-sĩ Ngô Thanh
Hải (TNS Canada gốc Việt) tổ-chức với sự hiện diện và tiếp tay của TNS Lang,
Chủ-tịch Ủy-ban thường-trực về Quốc-phòng và An-ninh của Thượng-viện Canada,
TNS Andreychuk, Chủ-tịch Ủy-ban thường-trực về Ngoại-giao và Thương mại
Quốc-tế, cũng như ông David W. Kilgour, nguyên là Phó-Chủ-tịch Hạ-viện Canada
và Bộ-trưởng Ngoại-giao đặc-trách Á-châu/Thái-bình-dương. Trong thời-gian
xảy ra cuộc bàn tròn, người ta còn thấy có sự thăm viếng của mấy Thượng-nghị-sĩ
khác nữa như TNS Deepak Obhrai, Bộ-trưởng Quốc-hội về Ngoại-giao và Nhân-quyền
cũng như TNS Tim Uppal, Quốc-vụ-khanh về các vấn-đề Đa-văn-hóa.
Về phía Việt-nam tham-dự bàn tròn thì từ Mỹ có
phái-đoàn dẫn đầu bởi G.S. Nguyễn Ngọc Bích, Chủ-tịch Ban Điều hợp Trung-ương
của Nghị-hội (Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ) đồng-thời là chủ-tịch Ủy-ban Lâm-thời
VNCH. Trong phái-đoàn đến từ Hoa-kỳ còn có cựu-Dân-biểu Bùi Văn Nhân (tức
ký-giả Vi Anh) đến từ Quận Cam, B.S. Nguyễn Thể Bình đến từ Washington, ông Hồ
Văn Sinh, phó-CT Ủy-ban Lâm-thời VNCH cũng đến từ Cali, riêng cựu-Dân-biểu Lý
Hiền Tài thì vào phút chót đã không sang được vì trục trặc giấy tờ. Đến
để ủng-hộ và yểm-trợ cho Ủy-ban có tới ba phái-đoàn lớn tới từ Montréal, Ottawa
và Toronto, gồm hầu hết là những bộ mặt quen thuộc trong giới đấu tranh trong
những năm qua ở xứ “đất lạnh tình nồng.” Tỷ-dụ, đến từ Montréal là có cả
ông chủ-tịch Cộng-đồng và hai luật-sư của Cộng-đồng. Phái-đoàn Toronto
thì do ông Trần Quang Thọ hướng-dẫn và được đón tiếp ân-cần bởi Tiến-sĩ Lê Duy
Cấn, nguyên phó-Chủ-tịch Liên-hội Người Việt Canada, và ông Trịnh Vũ Điệp, một
thành-viên lâu đời của Liên-hội và cũng nguyên là một ủy-viên trong
Tổng-Liên-Hội Người Việt Tự Do (1991-1993). Riêng TS. Lê Duy Cấn, tuy mới
phục-hồi từ một biến-cố mạch máu não hiểm nghèo, cũng vẫn khoản đãi toàn-thể
các phái-đoàn từ Hoa-kỳ và các tỉnh-bang Canada về vào tối thứ Năm, 4 tháng 12,
ở tiệm Vietnam Palace. Được biết, ông còn là người chủ chốt đang thúc đẩy
Dự-án Bảo-tàng-viện Thuyền-nhân ở Canada từ nhiều năm nay. Ngay tại
Ottawa thì phái-đoàn khá hùng hậu với sự tham-gia đông đảo của các vị phụ nữ.
Tổng-cộng số người VN có mặt hôm đó cũng phải đến trên 50 người.
Phần trình bầy vấn-đề
Vì hôm 21/10 đã có một vụ khủng-bố Hồi-giáo
xâm-nhập tòa nhà Quốc-hội bắn chết mấy người nên việc kiểm-soát an-ninh để vào
đã trở nên rất gắt gao. Mặc dầu vậy, các phụ-tá của TNS Ngô Thanh Hải,
đặc-biệt là cô Tanya Wood và một luật-sư trẻ 22 tuổi, cô Julie Phạm, học ở
trường đại-học Carleton ra, đã tỏ ra rất niềm nở đón tiếp mọi người và hướng
dẫn vào phòng họp rộng rãi, trang trọng và thật đẹp. Bắt đầu từ 9 giờ
sáng, đồng-bào ta đã lục-tục tới. Sau khi được mời dùng cà-phê cho ấm
lòng là những lời chào hỏi nhau vì không phải là tất cả mọi người đều đã biết
nhau. Mọi người vui vẻ được thấy tấm lòng của nhiều vị mà sau gần 40 năm
vẫn kiên trì với cuộc đấu tranh. Gặp cô Phương Thu, cựu-hiệu-trưởng
trường trung-học Bùi Thị Xuân Đà-lạt, Giáo-sư Bích đã reo lên: “Trời, trên 50
năm rồi mới được gặp lại Bạn!” Và bao lời hỏi han thân-tình để gợi lại
kỷ-niệm từ những ngày còn làm sinh-viên du-học ở Mỹ nửa thế-kỷ trước. Là
một nhà giáo và là con của cụ Trần Văn Khắc, một huynh-trưởng lão thành của
Hướng đạo VN, cô Phương Thu từ khi đến Canada vẫn một lòng phục-vụ ngành
giáo-dục và xây dựng cả một trường Việt-ngữ để giữ tiếng Việt cho các con em
của đồng-bào trong vùng.
Đến đúng 11 giờ, phụ-tá của TNS Ngô Thanh Hải,
ông Vincent Labrosse mời mọi người vào chỗ để có thể bắt đầu bàn tròn.
TNS Ngô Thanh Hải đọc diễn-văn khai mạc. Ông cám ơn cử-tọa đã đến
từ xa xôi, nhất là phái-đoàn Hoa-kỳ, đến để bàn về “những căng thẳng ngày càng
lên cao [ở Biển Đông/Nam-hải]… có thể bùng lên bất cứ lúc nào thành một cuộc
chiến khu-vực lôi kéo những cường-quốc bên ngoài vào.” Vì nhiệm-vụ của
Ủy-ban Thường-trực về An-ninh Quốc-gia và Quốc-phòng ở Thượng-viện là phải
nghiên cứu và báo-cáo về các vấn-đề an-ninh quốc-phòng ở trong vùng Ấn-độ,
Á-châu Thái-bình-dương cũng như tiềm-lực ảnh-hưởng của những vấn-đề đó đến
an-ninh quốc-phòng của Canada nên ông rất mong “phát huy vai trò ngày càng lớn
của Canada đối với vùng ấy và khuyến khích việc tìm ra một giải-pháp hòa-bình
và hợp pháp cho cuộc tranh chấp trên biển đang diễn ra ở Biển Đông/Nam-hải.”
Đi kèm theo bài diễn-văn khai mạc của ông là một trang rưỡi những câu hỏi
mà Ủy-ban của ông mong được nghe một phần những câu trả lời trong bàn tròn ngày
hôm nay.
Sau đó, TNS Ngô Thanh Hải đã lần lượt mời TNS
Lang phát biểu về tầm quan-trọng của bàn tròn. Ông Lang cho rằng chủ-nhân
của Canada là người dân Canada, và những TNS như ông có thì cũng chỉ là để phục-vụ
người dân Canada—trong đó có người Canada gốc Việt. Do đó nên ông rất
mong được nghe những sự góp ý của chúng ta. Đến lượt bà TNS Andreychuk,
bà cho biết bà không thể ở được nguyên ngày nhưng bà cũng rất mong được nghe
phần trình bầy chính để có thể hướng-dẫn chính-sách ngoại-giao và ngoại-thương
của Canada. Cựu-Dân-biểu David Kilgour thì cho rằng sự quan-tâm của ông
đối với các vấn-đề VN đã có từ xa xưa rồi ông kể một chuyến viếng thăm VN cùng
với TNS Ngô Thanh Hải cách đây ít năm, qua đó ông hiểu thêm được rất nhiều về
sự thiếu vắng nhân-quyền rất thậm-tệ ở VN.
Bắt đầu vào phần trình bầy, Bác-sĩ Nguyễn Thể
Bình được yêu-cầu đọc một lá thư mà cựu-Quốc-vụ-khanh VNCH, ông Lê Trọng Quát,
viết từ Paris, Pháp-quốc, gởi Thủ-tướng Stephen Harper của Canada và nhờ TNS
Ngô Thanh Hải chuyển đi giùm, nói lên ý-chí của người dân miền Nam phải được
quyền tự-quyết dân-tộc đúng như lời hứa của Hiệp-định Hòa-bình Paris 1973.
Vào phần trình bầy chính của buổi hội, Giáo-sư
Nguyễn Ngọc Bích đã đọc tóm lược của một bài thuyết-trình sáu trang mà ông đã
gởi trước lên Thượng-viện Canada để được dịch sang tiếng Pháp và được in sẵn
trong một hồ-sơ đầy đủ cho các tham-dự-viên. Bài thuyết-trình này đi sâu
vào trong chi-tiết những vấn-đề như: (1) chủ-quyền lịch-sử của VN trên hai
quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, ít nhất cũng từ TK 17; (2) chủ-quyền này đã
được quốc-tế công-nhận qua những hiệp-định quốc-tế như Hiệp-định Hòa-bình San
Francisco 1951 (có 51 nước tham-dự), Hiệp-định Genève 1954 chia đôi VN với
HS-TS được xác-định rõ ràng là thuộc về miền Nam (sau là VNCH), Hiệp-định
Hòa-bình Paris 1973 định nghĩa sự toàn vẹn lãnh-thổ của miền Nam dựa trên
định-nghĩa ở Genève, và Định-ước Quốc-tế do 12 nước ký dưới sự chứng-kiến của
Tổng-thư-ký Liên-hiệp-quốc vào ngày 2/3/1973 bảo đảm việc thực-thi Hiệp-định
Paris 1973. Như vậy thì chủ-quyền của VNCH trên hai quần-đảo Hoàng-sa và
Trường-sa đã quá rõ, không ai có thể phủ-nhận được. Dựa vào vai trò
trung-lập và đứng đắn của Canada qua sự hiện-diện của Canada trong hai ủy-hội
quốc-tế đình chiến 1954 và hòa-bình 1973, ông Bích đề nghị Canada, một trong 12
quốc-gia có ký tên trong Định-ước quốc-tế tháng 3/1973, có thể đứng ra vận-động
tái-nhóm hòa-đàm Paris để quyết-định phải trái trong việc Trung-Cộng xâm-chiếm Hoàng-sa
bằng vũ-lực vào tháng 1/1974 (vi-phạm sự toàn vẹn lãnh-thổ của miền Nam) và
Hà-nội cưỡng-chiếm miền Nam (vi-phạm toàn-bộ Hiệp-định Hòa-bình Paris 1973) làm
triệt-tiêu quyền dân-tộc tự-quyết của người dân miền Nam. Mà trong một
hội-nghị Paris được tái-nhóm thì Bắc-kinh không có quyền phủ-quyết như họ có ở
Hội-đồng An-ninh LHQ, chặn đứng được mọi nỗ lực đem vấn-đề tranh chấp Biển Đông
ra trước quốc-tế.
Sau phần trình bầy của G.S. Nguyễn Ngọc Bích,
Luật-sư Lâm Chấn Thọ (Montréal) được mời trình bầy về những khía cạnh công-pháp
quốc-tế. Ông đạp đổ những luận-điệu mà ta thỉnh thoảng được nghe, cho
rằng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (mà vào năm 1973 được gọi là “Chính-phủ cách
mạng lâm-thời miền Nam VN”) mới là quốc-gia kế-thừa VNCH: theo Luật-sư tất cả
những bằng-chứng ta có ngày hôm nay (từ Hà-nội hay thậm-chí cả từ miệng của
những người đi theo Mặt Trận như Trương Như Tảng, Nguyễn Văn Trấn, Tạ Bá Tòng
v.v.) đều công-nhận Mặt Trận là một con đẻ, một công-cụ trực-tiếp của Hà-nội
nhằm xâm-chiếm miền Nam thì nó làm gì có tư-cách độc-lập để mà đòi quyền gì.
Ông Thọ còn đưa ra những điều khoản trong Hiến-chương Liên-hiệp-quốc như
Điều 2.4 cấm ngặt việc đi xâm-chiếm nước khác bằng vũ-lực (do đó TC chiếm
Hoàng-sa hay Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa chiếm VNCH là hoàn-toàn bất hợp pháp).
Xong ông lại nêu Điều 3 và Điều 73 của Hiến-chương LHQ để chứng minh là
một quốc-gia bị tạm-chiếm như VNCH không hề mất chủ-quyền trên lãnh-thổ của
mình, tóm lại một quốc-gia đi xâm-chiếm nước khác không có quyền cắt xén lãnh-thổ
của nước kia. Và cuối cùng, một quốc-gia bị tạm-chiếm như nước Pháp dưới
thời Hitler hay Tây-tạng ngày hôm nay vẫn có quyền có một chính-phủ hợp pháp
ngoài lãnh-thổ của mình (thường được gọi là một “chính-phủ lưu-vong”) và chính
chính-phủ của cựu-Thủ-tướng Nguyễn Bá Cẩn, chính-phủ hợp pháp cuối cùng của
VNCH, vào tháng 5/2009 đã nộp hồ-sơ về lãnh-hải của VNCH cho Ủy-ban về luật
biển của Liên-hiệp-quốc.
Sang phần thảo-luận
Bàn tròn đã tạm ngưng sau phần trình bầy chính
của vấn-đề để cho mọi người dùng cơm trưa. Sau bữa cơm trưa đơn sơ nhưng
rất ngon, bàn tròn tái nhóm để đi vào phần thảo-luận. Nhiều vấn-đề được
nêu ra nhưng nói chung đều đã được trả lời thỏa đáng. Riêng có vấn-đề
“Chính-phủ cách mạng lâm-thời miền Nam Việt-Nam” có được xem là một chính-phủ
độc-lập và chính-danh không là được xem khá gay go song cuối cùng, ai cũng phải
công-nhận là vấn-đề đó đặt ra cho vui vậy thôi chứ không thể bảo vệ được một
cách hữu lý.
Trong phần thảo-luận cũng còn có sự tham-gia của
một số chuyên-gia Canada như Giáo-sư David Lametti của trường đại-học McGill,
một chuyên-gia về tài-sản trí-tuệ. Ông cho biết ông đã để ý đến các
vấn-đề VN từ khi ông còn rất trẻ, còn ở trung-học. Ông đã vui khi được
tin về Hiệp-định Hòa-bình Paris 1973 nhưng rồi vỡ mộng khi thấy Hoa-kỳ đã bội
ước đối với VNCH. Giờ đây, VNCS đang thương lượng với Mỹ và Canada để vào
Hiệp-ước Đối-tác xuyên Thái-bình-dương (TPP, Trans-Pacific Partnership).
Nói chung thì thương mại là một hoạt-động tốt cho nhân-loại nhưng nếu
tiến-trình thương thảo không được minh bạch thì có thể sẽ rất nguy-hiểm, nhất
là về khía cạnh tài-sản trí-tuệ. Do đó nên ông khuyến cáo Canada phải cẩn
thận, phải đòi hỏi minh bạch trong mọi chặng thương thuyết. Không có
lý-do gì mà người dân hay cả Quốc-hội lại phải dựa vào những tin rò rỉ ra từ
các cuộc thương lượng.
Một luật-sư, ông Benoit, thì cho rằng những
lập-luận của chúng ta về phía VNCH rất vững vàng về mặt pháp-lý. Vấn-đề
làm làm sao đem ra áp-dụng, dụ được đối-phương, dụ được Trung-Cộng đi vào một
tiến-trình thương-thuyết hòa-bình.
Gần cuối buổi, cựu-Dân-biểu Bùi Văn Nhân yêu-cầu
được phát biểu. Theo ông, Việt-nam Cộng-hòa là một chính-thể chính-đáng
và chính-thống bởi chính-thể đó xuất phát từ sự lựa chọn của người dân qua
những cuộc tuyển-cử mà người dân thực-sự có quyền lựa chọn những tên tuổi, đảng
phái ra tranh cử với nhau.
Hiến-pháp VNCH 1967, chẳng hạn, là một hiến-pháp
mẫu mực trong đó có sự tam quyền phân-lập, cộng thêm một quyền thứ tư là quyền
giám-sát mà ta học được của Hiến-pháp Trung-hoa Dân-quốc. Tất cả những
quyền tự do căn-bản của người dân được tôn-trọng và thực-thi, như tự do
ngôn-luận, tự do báo chí, tự do tôn-giáo, tự do đi lại, tự do hội họp, tự do
lập đảng, tự do biểu tình, xã-hội dân-sự, v.v. Ông cám ơn Canada về tất
cả những điều Canada đã làm cho Việt-nam và ông mong là Canada có thể đóng một
vai trò tích-cực để đem lại công-lý và hòa-bình cho dân-tộc nhiều khổ đau là
Việt-nam.
Trước khi kết thúc buổi họp, Luật-sư Lâm Chấn
Thọ đã đưa ra bản thảo của một nghị-quyết để Thượng-viện Canada có thể nghiên
cứu. Thượng-nghị-sĩ Ngô Thanh Hải đã mời mọi người đọc thật kỹ và đề nghị những
điểm cần thêm thắt hay sửa sang. Ông cho rằng cái tinh-thần của
nghị-quyết và những nội-dung cụ-thể là quan-trọng, còn ngôn ngữ thì văn-phòng
Thượng-viện sẽ có ngôn ngữ riêng của họ để cho đúng với cách hành văn của
Thượng-viện. Theo Thượng-nghị-sĩ, một khi bản nghị-quyết được Thượng-viện
chấp thuận thì ông và các ủy-ban liên-hệ sẽ phải cho người nghiên cứu thêm
hoặc/và tổ-chức điều trần để chi-tiết-hóa hành-động và chính-sách của Canada về
các vấn-đề bàn cãi hôm nay. (Tưởng cũng nên nhắc là Thượng-viện Hoa-kỳ
hôm 15/7/2014 đã ra nghị-quyết S.R. 412 buộc Trung-Cộng phải rút giàn khoan 981
sớm hơn 1 tháng và đúng trước ngày phái-đoàn ở Mỹ sang Ottawa, ngày 4/12/2014,
Hạ-viện Mỹ cũng ra một nghị-quyết tương-tự, H.R. 712, kêu gọi mọi tranh chấp
trong Biển Đông phải được giải-quyết bằng con đường hòa-bình, theo công-pháp
quốc-tế.)
Điều đáng nói ở đây là bàn tròn hôm 5/12 ở
Thượng-viện Canada là một trường-hợp điển-hình của “thực-thi dân-chủ” ở Canada.
Những công-dân Canada được mời đến bàn thảo một cách cởi mở và công-khai
về những vấn-đề liên-hệ đến an-ninh quốc-phòng Canada, về một vùng mà họ có
nhiều hiểu biết, và những chuyên-gia cũng được mời đến để đưa ra những
nhận-định chuyên-môn của họ. Đó là lý-do tại sao G.S. Nguyễn Ngọc Bích
của Ủy-ban Lâm-thời VNCH đã được mời đến thuyết-trình từ Mỹ (ông đã có bài
phản-biện lập-trường chính-thức của Trung-Cộng ở LHQ đưa ra ngày 8/6/2014) và
Luật-sư Lâm Chấn Thọ được mời tham-gia vào phần thảo-luận chuyên-đề như
công-pháp quốc-tế, Hiến-chương LHQ, các hiệp-định quốc-tế và Luật Biển v.v.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét