Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Phiên tòa xử Đại tá Hồ Ngọc Cẩn ở Cần Thơ


image
Ông Hồ Minh Tiến (tên gọi thân mật là Sáu Sơn), Chánh án Tòa quân sự cách mạng TP Cần Thơ năm nay tròn tuổi 80 người, nhưng ký ức về vụ án đầu tiên của chính quyền cách mạng ở Cần Thơ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng còn sống động trong tâm trí ông.

Giữa năm 1975, ông Sáu Sơn mang quân hàm đại úy, phụ trách Ban Quân pháp cục Chính trị Quân khu 9 được biệt phái sang Ban Quân quản giữ chức Chánh án Tòa án Quân sự cách mạng TP Cần Thơ. Tháng 7 năm đó, Tòa án Quân sự cách mạng TP Cần Thơ mở phiên tòa đầu tiên đưa ra xét xử một số bị cáo có nhiều tội ác với cách mạng và nhân dân. Công tác chuẩn bị xét xử được tiến hành rất chu đáo. Thời gian và địa điểm xét xử được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng lúc bấy giờ. Địa điểm mở phiên tòa là Vận động trường Cửu Long (nay là Văn phòng Thành ủy TP Cần Thơ). Ngay từ chiều hôm trước, trên các ngã tư đường dẫn đến vận động trường Cửu Long ta đều bố trí xe thiết giáp của quân đội án ngữ. Tôi còn xin được 2 máy bay trực thăng vũ trang của Quân khu 9 làm nhiệm vụ thường xuyên tuần tiễu trên bầu trời để đề phòng bất trắc.

image
Ông Hồ Minh Tiến
Hôm đó, từ sáng sớm trên các nẻo đường của TP Cần thơ, người dân lũ lượt kéo về nơi xử án. Ước tính có gần 6.000 người đến chứng kiến phiên tòa đầu tiên của chính quyền cách mạng. Vì là phiên tòa đầu tiên của Khu Tây Nam bộ (TNB) nên Khu ủy còn yêu cầu lãnh đạo Tòa án Quân sự các tỉnh trực thuộc Khu về tham dự để rút kinh nghiệm. Hội đồng xét xử (HĐXX) được thành lập do Đại úy Hồ Minh Tiến - Chánh án Tòa án Quân sự cách mạng làm Chủ tọa, ông Nguyễn Cúc, Ủy viên Ban An ninh Khu TNB (sau này là Trưởng ty công an tỉnh Cửu Long) và ông Đào Hồng Giỏi thành viên Mặt trận Khu làm Hội thẩm chuyên môn (như Thẩm phán ngày nay); ông Trần Công Chánh, Điều tra viên công an Khu làm Ủy viên công tố và ông Ngô Tấn Sĩ làm thư ký phiên tòa. Tất cả HĐXX đều mặc quân phục.

Ông Sáu Sơn nhớ lại: “Hôm đó HĐXX đưa ra xét xử 3 vụ án. Vụ đầu tiên là xử tên Xệ. Xệ nguyên là trung đội trưởng du kích của ta nhưng ra đầu hàng giặc. Sau đó trở thành tên chỉ điểm ác ôn, quay lại giúp sức cho địch giết hại rất nhiều đồng bào và cán bộ cách mạng ở Cần Thơ. Bản án tử hình được tuyên là thích đáng cho những tội lỗi mà Xệ đã gây ra.

Vụ thứ hai là xét xử 2 tên chuyên dùng xe gắn máy cướp giật vàng trên đường phố thuộc địa bàn TP Cần Thơ. Trước tòa chúng khai nhận đã hành nghề cướp giật vàng từ trước ngày giải phóng, sau đó lợi dụng chính quyền cách mạng có quá nhiều việc để làm chúng liên tiếp gây ra các vụ cướp giật. Cho đến khi bị bắt, số vụ cướp giật lên tới hàng trăm vụ, số vàng cướp được nhiều đến mức chúng không thể nhớ hết. HĐXX đã tuyên án tử hình tên ngồi sau ra tay cướp giật, còn tên cầm lái lãnh án 10 năm tù.

image
Đại tá Hồ Ngọc Cẩn
Vụ thứ 3 là vụ xét xử Hồ Ngọc Cẩn, nguyên là đại tá, Chỉ huy trưởng tiểu khu, cũng là tỉnh trưởng Chương Thiện (tỉnh Hậu Giang ngày nay). Qua thẩm vấn HĐXX đã làm rõ tội ác của Hồ Ngọc Cẩn. Ngay trong thời điểm Tổng thống chính quyền Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng trên toàn miền Nam vào lúc 11 giờ ngày 30/4/1975, Cẩn vẫn bất tuân, y vẫn ngoan cố hô hào “tử thủ đến cùng”, mãi đến sáng ngày 1/5/1975, quân ta đánh giải phóng Chương Thiện và bắt được Cẩn…

Điều đáng lưu ý trong phiên tòa này là có phần tuyên thệ của HĐXX. Trước khi làm các thủ tục để bước vào phần thẩm vấn, HĐXX cùng đứng lên, đưa nắm tay và Chủ tọa phiên tòa đọc lời tuyên thệ: “Vì công lý xét xử công tâm không thiên vị bất kỳ ai, bất kỳ điều gì trong vụ án này”. Sau phần tranh tụng, HĐXX đã tuyên án tử hình Hồ Ngọc Cẩn. Vào thời đó, xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm, án được thi hành ngay và bị cáo không được quyền kháng cáo.

image
Sau những vụ án mà Tòa án quân sự Quân quản xét xử, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP Cần Thơ được chuyển biến rất tốt, nhân dân rất phấn khởi vì bọn phản cách mạng đã bị trừng trị. Người dân càng tin tưởng hơn vào chính quyền cách mạng.

Chia sẻ về chặng đường gần 20 năm làm Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 9, ông cho rằng, người làm công tác xét xử phải công tâm, vì lợi ích cách mạng, vì lợi ích nhân dân mà hành xử và lòng dũng cảm là nhân tố không thể thiếu trong mỗi người Thẩm phán. Trên cương vị Chánh án của ông cũng đã phải trải qua nhiều thử thách. Đó là ông buộc phải tuyên án những người một thời đã từng là đồng đội, một thời cưu mang cách mạng và có những lúc đã là bạn bè, cùng ăn, cùng ở cùng làm với mình thời kháng chiến cam go, nếu không giữ vững các nguyên tắc thì khó vượt qua- ông nói.



Trần Cửu Long

1 nhận xét: