Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Trận Kịch Chiến Cuối Cùng Của Lữ Đoàn 147 TQLC Ở Aí Tử




* Mặt trận Quảng Trị giữa tháng 4/1972:
Như đã lược trình trong số trước, cuộc tổng tấn công của 45 ngàn Cộng quân vào khu vực giới tuyến tỉnh Quảng Trị đã diễn ra vào ngày 30 /3/1972. CQ đã khởi động trận chiến với hàng ngàn quả đạn pháo kích dọn đường cho chiến xa và bộ binh tấn công cường tập cùng một lúc vào tuyến phòng ngự của các đơn vị Thủy quân Lục chiến (TQLC) và các trung đoàn 2,56, 57 thuộc Sư đoàn 3 Bộ binh. Sau hơn hai tuần lễ kịch chiến, trước áp lực quá nặng của đối phương, để bảo toàn quân số, lực lượng VNCH đã triệt thoái các căn cứ hỏa lực tại quận Gio Linh và phía Tây quận Cam Lộ. Đến giữa tháng 4/1972, tuyến phòng thủ của lực lượng VNCH tại Quảng Trị giới hạn từ bờ Nam sông Đông Hà trở vào.
Tại khu vực phía Tây căn cứ Ái Tử, trong thời gian từ 9 đến 11/4/1972, CQ đã tung nhiều đợt tấn công bằng chiến xa và bộ binh vào căn cứ Phượng Hoàng (Pedro) do tiểu đoàn 6 TQLC phòng thủ nhưng đã bị quân trú phòng và lực lượng tăng viện đẩy lùi. Đối phương bị tổn thất nặng: hơn 600 CQ bỏ xác tại trận địa, 21 chiến xa bị bắn cháy (chi tiết về trận đánh này đã được trình bày trong số báo thứ Sáu ra ngày 23/7/1975). Khi chiến thắng trên được báo về bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ở Đà Nẵng, trung tướng Hoàng Xuân Lãm-tư lệnh Quân đoàn 1 đã lạc quan cho rằng cuộc tấn công của CSBV đã bị chận lại và lực lượng VNCH có thể phản công đẩy lùi địch về bên kia sông Bến Hải.
Một kế hoạch phản công toàn diện được hoạch định, trong đó có thêm một số đơn vị Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân, Thiết Kỵ tăng viện Sư đoàn 3 Bộ binh. Hải quân và Không quân Hoa Kỳ cũng được lệnh gia tăng các hoạt động yểm trợ cho mặt trận Quảng Trị. Về phía Cộng quân, sau khi bị thất bại trong trận tấn công vào căn cứ Phượng Hoàng, đối phương biết rằng nếu tấn công trực diện sẽ bị thua nên đã thay đổi chiến thuật: gia tăng mức độ pháo kích vào căn cứ Phượng Hoàng, gây tổn thất cho đơn vị trú phòng, tạo áp lực để lực lượng phòng thủ phải triệt thoái. Cùng với các trận hỏa công, đối phương điều động một tiểu đoàn len lỏi vòng ra phía Đông để phục kích đường về của tiểu đoàn TQLC đang phòng thủ căn cứ này.
Ngày 12 tháng 4/1972, trước áp lực quá nặng của pháo CQ, tiểu đoàn 6 TQLC đã phải bỏ căn cứ Phượng Hoàng rút về Ái Tử. Trên đường rút quân, tiểu đoàn Cọp Biển đã phản phục kích đánh tan 1 tiểu đoàn CQ đang khai triển đội hình. Trong trận kịch chiến này, một số chiến binh Cọp Biển tử trận, trong đó có 1 đại úy. (Tài liệu của cựu đại tá Turley ghi rõ sĩ quan đã hy sinh là đại úy Nê, tiểu đoàn phó, tuy nhiên khi đối chiếu với danh sách các sĩ quan giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó TQLC từ tháng 1/1972 đến tháng 1/1973 được ghi trong tạp chí KBC, chúng tôi không tìm thấy tên của cố sĩ quan này).
Sau khi TQLC rút khỏi Phượng Hoàng, CQ đè nặng áp lực ở tuyến Đông Hà và mặt Đông Ái Tử. Kế hoạch phản công do bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 hoạch định đã không tiến hành được, khó khăn chính là tổng số quân sĩ và vũ khí cần thiết để bổ sung khẩn cấp cho các đơn vị VNCH bị tổn thất trong các trận giao tranh vẫn chưa kịp đáp ứng, trong khi mức thương vong tiếp tục gia tăng.


* Lữ đoàn 147 Thủy quân Lục chiến, trận chiến cuối cùng tại Ái Tử và Quảng Trị:
Ngày 23 tháng 4/1972, lữ đoàn 147 TQLC với 2 tiểu đoàn 4 và 8 và tiểu đoàn 2 Pháo binh TQLC, sau một thời gian ngắn dưỡng quân để tái chỉnh trang và bổ sung quân số, đã được điều động đến thay thế vùng trách nhiệm của lữ đoàn 258 TQLC ở phía Tây căn cứ Ái Tử và tiếp nhận thêm tiểu đoàn 1 TQLC đang phòng thủ tại căn cứ Phượng Hoàng. Bộ chỉ huy lữ đoàn 258 và 2 tiểu đoàn 4 và 8 Thủy quân Lục chiến về Huế tái bổ sung. Riêng tiểu đoàn 2 cũng được đặt thuộc quyền điều động của bộ chỉ huy lữ đoàn 147 TQLC.
Từ ngày 23 đến 26 tháng 4/1972, CQ liên tục pháo kích vào vị trí đóng quân của 4 tiểu đoàn TQLC. Đến đêm 26 tháng 4/1972, Cộng quân mở cuộc tấn công cường tập vào cụm tuyến phòng ngự của tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 8 TQLC. Sau nhiều đợt pháo kích, CQ tung bộ binh và chiến xa mở nhiều mũi tấn công vào tuyến đóng quân của hai tiểu đoàn nói trên. Trận chiến đã diễn ra trong đêm tối, chiến xa và bộ binh CQ cố tiến sát đến công sự phòng thủ của các đại đội Cọp Biển. Hỏa tiễn M 72 và lựu đạn đã được sử dụng rất hữu hiệu để chận đứng cuộc tấn công ồ ạt của đối phương. Suốt đêm 26/4/1972, dù sự yểm trợ của Không quân và Pháo binh bị hạn chế, nhưng với tinh thần chiến đấu quyết tử, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 8 TQLC đã chận đứng và đẩy lùi nhiều đợt xung phong của đối phương, bắn cháy 12 chiến xa T 54.
Sáng ngày 27 tháng 4/1972, tuyến phòng thủ của TQLC thu hẹp lại, chỉ còn cách Ái Tử từ 2 đến 3 km. Đêm 27/4/1972, pháo binh CQ bắn trúng kho đạn Ái Tử, một khối lượng đạn dược dự trữ bị phá hủy. Ngày 28 tháng 4/1972, CQ áp lực nặng phòng tuyến Đông Hà do 1 đơn vị Biệt động quân án ngữ, khiến đơn vị này phải rút quân về Ái Tử, trách nhiệm phòng thủ mặt Đông tiếp giáp với tiểu đoàn 8 TQLC. Trong đêm 29 tháng 4/1972, CQ tiếp tục tấn công vào tuyến phòng thủ của các đơn vị lữ đoàn 147 TQLC. Sáng ngày 30 tháng 4/1972, các chi đội chiến xa M 48 được điều động sang phía Tây của TQLC, do thiếu phối hợp, đơn vị bộ chiến phòng thủ mặt Đông nghĩ rằng đơn vị thiết giáp bạn rút lui, nên cũng triệt thoái về Quảng Trị, chỉ còn lại các đơn vị TQLC phòng thủ căn cứ Ái Tử, 2 mặt Bắc và Đông bị bỏ trống.
Trưa ngày 30 tháng 4/1972, lữ đoàn 147 TQLC được lệnh rút khỏi Ái Tử để tăng cường cho lực lượng phòng ngự thị xã Quảng Trị. Theo tài liệu của cựu trung tá Trần Văn Hiển, nguyên trưởng phòng 3 Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, đối chiếu với tài liệu của Ủy ban Quân sử Hoa Kỳ, thì kế hoạch triệt thoái đã được bảo mật và thi hành nghiêm chỉnh. Nhưng cũng do thiếu phối hợp, toán Công binh của Sư đoàn 3 Bộ binh theo lệnh của bộ Tư lệnh Sư đoàn đã đặt chất nổ làm sập cầu Quảng Trị trên Quốc lộ 1 và cầu xe lửa bắc qua sông Thạch Hãn trước khi đoàn xe của tiểu đoàn 2 Pháo binh TQLC với 12 khẩu đại bác 105 ly kéo theo sau đi qua. Đoàn cơ giới và Pháo binh bị kẹt lại ở bờ Bắc đã được phá hủy tại chỗ. Ba tiểu đoàn 1, 4, 8 Thủy quân Lục chiến vượt sông Thạch Hãn, bố trí chiếm giữ các vị trí trọng yếu ở bờ Nam.


* Cuộc triệt thoái về hướng Nam:
Sáng ngày 1 tháng 5/1972, bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, đồng thời là bộ tư lệnh chiến trường Quảng Trị thông báo cho các đơn vị trú phòng nguồn tin: “5 giờ chiều cùng ngày địch sẽ pháo trên 10,000 đạn pháo binh và hỏa tiễn vào thị xã Quảng Trị” và cho lệnh các đơn vị lui quân khỏi thị xã để tránh pháo. Chính lệnh lui quân trong tình hình nguy kịch, đã dẫn đến sự triệt thoái hỗn loạn của các đơn vị. Theo ghi nhận của các cố vấn TQLC thì vào sáng đó, chỉ còn lữ đoàn 147 TQLC là còn đầy đủ các đơn vị với quân số đầy đủ và vẫn kiểm soát, phòng ngự chặt chẽ các tuyến trọng điểm trong thị xã.
Đến giữa trưa, bộ tham mưu Sư đoàn 3 BB và 8 cố vấn Hoa Kỳ của Sư đoàn vẫn còn ở lại trong Cổ Thành. 14 giờ 30 chiều ngày 1/5/1972, bộ chỉ huy lữ đoàn 147 TQLC và 4 tiểu đoàn thống thuộc cùng với gần 30 chiến xa và thiết vận xa còn lại của lữ đoàn 1 Kỵ Binh khởi sự triệt thoái khỏi Quảng Trị tiến về Huế theo Quốc lộ 1 (đoạn đường bộ từ trung tâm thị xã Quảng Trị đến Huế dài 59 km). Sau khi Thủy quân Lục chiến triệt thoái, chuẩn tướng Vũ Văn Giai-tư lệnh Sư đoàn 3 BB kiêm tư lệnh chiến trường Quảng Trị và các sĩ quan tham mưu lên 3 thiết vận xa trong cố gắng theo kịp các đơn vị của Sư đoàn 3 BB đã triệt thoái trước đó. Sự việc xảy ra đúng vào khi các trực thăng Hoa Kỳ được gọi đến khẩn cấp để giải cứu các vị cố vấn Hoa Kỳ và nhân viên Việt Nam của họ.
Theo tài liệu của cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng, sự cố gắng của tướng Giai để theo kịp đoàn quân Sư đoàn 3 Bộ binh đã gặp trở ngại lớn. Quốc lộ tràn ngập người và xe, thiết vận xa chở tướng Giai đã không tiến lên được, cuối cùng ông phải quay về Cổ Thành và sau đó được trực thăng Hoa Kỳ bốc đi cùng với vài sĩ quan thân tín. Chuyến trực thăng cuối cùng chở tướng Giai cất cánh vào lúc 16 giờ 55 phút cùng với vị đại tá cố vấn trưởng Sư đoàn 3 Bộ binh trên phi cơ. Vừa rời khỏi mặt đất, chiếc trực thăng này đã bị CQ đã đột nhập vào thị xã bắn hàng loạt đạn bằng vũ khí cá nhân.
Một ghi nhận đặc biệt về hệ thống chỉ huy tại chiến trường Quảng Trị là quyền điều động các đơn vị Thủy quân Lục chiến: theo tài liệu của cựu trung tá Trần Văn Hiển, ngày 3 tháng 4/1972, bộ Tổng tham mưu QL/VNCH đã không vận bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến và lữ đoàn 369 ra tăng cường cho Quân đoàn 1, thế nhưng 2 lữ đoàn 147 và 258 TQLC vẫn đặt thuộc quyền điều động của bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh. Từ khi bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC đặt bản doanh hành quân tại Huế, đã có những trường hợp, các đơn vị Thủy quân Lục chiến chỉ thi hành lệnh của bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 sau khi đã trình và được sự chấp thuận của bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC.
Tình trạng nói trên này kéo dài cho đến khi trung tướng Ngô Quang Trưởng, từ quân đoàn 4 ra giữ chức tư lệnh Quân đoàn 1 thay thế trung tướng Hoàng Xuân Lãm vào đầu tháng 5/1972 thì việc sử dụng các đơn vị Thủy quân Lục chiến mới được điều chỉnh lại. Theo chỉ thị của trung tướng Trưởng, các lữ đoàn TQLC nhận lệnh trực tiếp của bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC. Với sự chỉ huy thống nhất này, lực lượng Thủy quân Lục chiến đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ vững vàng phòng tuyến Mỹ Chánh trong các tháng 5 và 6/1972, cũng như đã cùng với Sư đoàn Nhảy Dù chiến đấu hữu hiệu trong cuộc tiến quân tái chiếm Quảng Trị.

Vương Hồng Anh tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét