Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Cải Cách Ruộng Đất – Phần 2 :Những Giai Đoạn “Đấu Tranh” Trước 1954


CCRD-TUHINH3
Đại Cương:Trong kế hoạch nắm vững toàn bộ nông thôn miền Bắc, Cộng sản phải tiến qua nhiều giai đoạn, theo một kỹ thuật tinh vi bắt đầu bằng cuộc Cải cách Ruộng đất được Đảng mệnh danh là “một cuộc cải cách long trời lở đất” mà hậu quả là khiến cho người dân trở thành một đoàn người khiếp sợ Đảng, đến độ bảo sao cắm đầu nghe vậy, không dám oán than ngay cả với người thân trong gia đình.
Nhưng, bắt đầu một cách rất nhẹ tay, năm 1951, Cộng sản Việt Nam lập ra một thứ thuế nông nghiệp đánh vào tất cả những ai có ruộng, vườn trồng trọt được hoa màu. Đến năm 1952-1953 là giai đoạn áp dụng chính sách giảm tô mà thí điểm là khu Tư như Hoàng Hoá, Phú Thiện và vùng Trung du Bắc Việt như Bắc Giang, Phú Thọ, v.v… Chính sách giảm tô đã làm cho hàng ngũ địa chủ kinh sợ, xuống tinh thần. Các tầng lớp phú nông, trung nông lo lắng, và sốt sắng tham gia cách mạng để cầu an vì sợ bị xếp hạng vào thành phần địa chủ. Trái lại, các tầng lớp bần nông, cố nông thì sung sướng, thỏa mãn. Đến năm 1954, chính sách được áp dụng ở Nghệ An và Trung du Bắc Việt, mặc dầu ở mức tương đối tàn bạo, nhưng so với năm 1956 hãy còn được coi là… ôn hòa.
Từ 1954 đến 1955, chính sách Cải cách Ruộng đất tạm ngưng tiến hành vì Việt cộng đặt nặng vấn đề chống phong trào di cư, tranh thủ quần chúng để giữ dân ở lại.
Những người may mắn vượt thoát trong cuộc " Di Cư 1954 " vào Nam
Những người may mắn vượt thoát trong cuộc ” Di Cư 1954 ” vào Nam
Tới giữa năm 1955, cuộc di cư hoàn tất, việc phân chia lãnh thổ đã rõ ràng, chính quyền Cộng sản bắt đầu áp dụng chính sách Cải cách Ruộng đất trên toàn lãnh thổ Bắc Việt. Việc áp dụng được thi hành theo từng đợt, mỗi đợt từ 1 tới 3 tháng với khẩu hiệu: “dựa vào bần cố nông, đoàn kết trung nông, liên hiệp phú nông, đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ”.
Trong phạm vi bài này, ta sẽ nghiên cứu Thời Kỳ Đấu Tranh Cải Cách Ruộng Đất trước năm 1954, và bài kế tiếp sẽ nghiên cứu chi tiết thời kỳ sau 1954….

Dựa theo kinh nghiệm đấu tranh tại Hoa Lục, cuộc Cải cách Ruộng đất tại Bắc Việt lần lượt trải qua các giai đoạn căn bản sau đây:
- Giai đoạn thi hành chính sách thuế nông nghiệp.
– Giai đoạn phóng tay phát động quần chúng đấu tranh chống phản động (đấu tranh chính trị).
– Giai đoạn phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giảm tô giảm tức.
– Giai đoạn phóng tay phát động quần chúng đấu tranh Cải cách Ruộng đất.

Nếu hiểu như trên thì, trong Kế hoạch Cải cách Ruộng đất, hai giai đoạn đầu làphần chìm hay là phần chuẩn bị, giai đoạn đấu tranh giảm tô là phần làm thử để rút tỉa kinh nghiệm, và giai đoạn sau chót là phần nổi hay là phần thực hiện. Để nắm vững toàn bộ Kế hoạch Cải cách Ruộng đất của Cộng sản Việt Nam, ta hãy quay trở lại giai đoạn 1951, khi chính sách thuế nông nghiệp mới được ban hành.
Thời Kỳ
Trước Hiệp Định Genève 1954


I. Chính sách Thuế Nông NghiệpNhư đã nói trong bài trước, chính sách thuế nông nghiệp của Chính quyền Kháng chiến nằm trong toàn bộ chính sách thuế khoá gồm cả thuế Công nghiệp, Thương nghiệp, Sát sinh, Lâm sản, Thổ sản, Xuất nhập cảng v.v… ra đời từ ngày 1 tháng 7 năm 1951 do sắc lệnh số 40/SL. Nhưng, trong tất cả mọi thứ thuế thì thuế Nông nghiệp là nguồn lợi căn bản thay thế các loại thuế có từ trước như thuế ruộng đất, đảm phụ Quốc phòng, công phiếu Kháng chiến, ủng hộ chiến sĩ mùa Đông v.v…. Thuế Nông nghiệp nhằm cung ứng một số lượng lương thực và tài chánh lớn lao cho Việt cộng trong nỗ lực chiến tranh ngày càng cấp bách và nặng nề.
Hai nữa là, một phần của chính sách Cải cách Ruộng đất, thuế Nông nghiệp là một đòn phủ đầu để đánh quỵ những thành phần có nhiều ruộng đất, mà chưa cần dùng tới bạo lực. Một số địa chủ không chịu nổi thuế cao quá, phải tự động hiến ruộng đất cho Đảng và Nhà nước (lúc đó còn mệnh danh là “Chính quyền Kháng chiến”). Một số khác, nếu không hiến đất cho Đảng và Nhà nước, dĩ nhiên sẽ không đủ sức nộp thuế theo đúng sự đòi hỏi của Nhà nước. Như thế là chính họ đã gián tiếp kết bản án cho mình trong giai đoạn sắp tới.
Sau hết, trong việc thi hành chính sách thuế Nông nghiệp, Cộng sản để cho dânbình nghị lẫn nhau, nghĩa là người nọ ấn định mức lợi tức của người kia để cán bộ dựa vào đó bổ thuế theo tỷ lệ thuế của chính quyền. Khi để cho dân chúng bình nghị lẫn nhau, Cộng sản đã tự đề cao là chúng theo chính sách dân chủ, nhưng thực ra, dụng ý của Đảng là mượn tay người để đánh người, gây mầm đấu tranh căn bản theo chiến thuật của Cộng sản là “lấy mâu thuẫn diệt mâu thuẫn”.
Theo tài liệu chính thức, được phổ biến trên tờ Cứu Quốc số 2080 ngày 6-7-1952, thì tất cả những nông dân nào có mức lợi tức trung bình từ 71Kg gạo một năm trở lên đều phải nộp thuế. Thuế Nông nghiệp là thứ thuế lũy tiến, lợi tức càng lớn thì tỷ lệ thuế càng cao.

Phân Hạng Thuế Nông Nghiệp
Phân hạngPhân hạng Lợi tức trung bình
mỗi đầu người
Tỷ lệ thuế
1từ 71Kg tới 95Kg5%
296Kg – 115Kg6%
3116Kg – 135Kg7%
4136Kg – 155Kg8%
5156Kg – 175Kg9%
6176Kg – 205Kg10%
7206Kg – 235Kg11%
8236Kg – 265Kg12%
9266Kg – 295Kg13%
10296Kg – 325Kg14%
11326Kg – 355Kg15%
12356Kg – 385Kg16%
13386Kg – 425Kg17%
14426Kg – 465Kg18%
15466Kg – 505Kg19%
16506Kg – 545Kg20%
17546Kg – 585Kg21%
18586Kg – 625Kg22%
19626Kg – 665Kg23%
20666Kg – 705Kg24%
21706Kg – 775Kg25%
22776Kg – 805Kg26%
23806Kg – 855Kg27%
24856Kg – 905Kg28%
25906Kg – 955Kg29%
26956Kg – 1005Kg30%
271006Kg – 1055Kg31%
281056Kg – 1105Kg32%
291106Kg – 1155Kg33%
301156Kg – 1215Kg34%
311216Kg – 1275Kg35%
321276Kg – 1335Kg36%
331336Kg – 1395Kg37%
341396Kg – 1455Kg38%
351456Kg – 1515Kg39%
361516Kg – 1575Kg40%
371576Kg – 1635Kg41%
381636Kg – 1695Kg42%
391696Kg – 1755Kg43%
401756Kg – 1815Kg44%
411816Kg trở lên45%
 Theo bảng phân hạng thuế này thì, trên lý thuyết, tỷ lệ thuế tối đa là 45% mức lợi tức trung bình, nhưng trên thực tế, qua kỹ thuật “bình nghị”, chính quyền có thể khiến một người khá giả phải đóng thuế tới… 100% lợi tức. Ví dụ: Mức lợi tức trung bình của nông dân A là 1800Kg, chính quyền có thể vận động để dân “bình nghị”, gán cho nông dân A mức lợi tức là… 4000Kg và khi phải đóng theo tỷ lệ 45% thành 4000 X 45/100 = 1800Kg, thế là nông dân A bị phá sản, vì làm được bao nhiêu phải nộp thuế hết.
Trước khi bình nghị, cán bộ Đảng lãnh đạo việc “phân mảnh định hạng” tức là xếp hạng từng mảnh ruộng tùy theo đất cao, thấp, tốt, xấu theo thứ tự A, B, C v.v….
Kỹ thuật bình nghị gồm có “bình sản lượng”“bình diện tích”. Khi đã “phân mảnh định hạng” xong, cán bộ thuế triệu tập nông dân, gồm tá điền và chủ điền, để “bình sản lượng”, tức là ấn định mức năng suất của một mảnh ruộng. Điểm cốt yếu của kỹ thuật “bình sản lượng” là Đảng dùng những phần tử cốt cán là các tá điền có đảng tịch, hoặc có cảm tình với Đảng để “bình sản lượng”.
Những người này xác nhận mảnh ruộng do mình canh tác có một sản lượng thật cao. Dĩ nhiên, người chủ điền hay những người có mảnh ruộng kế cận, cùng một hạng, phải chấp nhận mà không có cách gì thanh minh; bởi vì, trên danh nghĩa, người tá điền là người trực tiếp cày cấy trên mảnh ruộng và biết được năng suất của mảnh ruộng. Nếu người chủ đất khai báo một năng suất thấp, mọi người dễ dàng tin rằng chủ đất đã khai gian để trốn thuế. “Bình diện tích” nghĩa là xác định lại diện tích của từng thửa ruộng. Mặc dù trong trích lục của mỗi thửa ruộng đều có ghi diện tích đó, nhưng cán bộ thuế không chấp nhận, viện cớ rằng nhân viên của Chính phủ Bảo hộ thời xưa đã ăn tiền của chủ điền mà bớt diện tích để bớt thuế.
Dĩ nhiên, khi “bình diện tích” thì bao giờ thửa ruộng cũng bị gán cho một diện tích lớn hơn, mặc dù không có đo lường chính xác. Sau khi đã “bình sản lượng” và “bình diện tích” thì tổng số thu hoạch của một thửa ruộng chính là sản lượng nhân với diện tích. Ví dụ: Một thửa ruộng có diện tích 3 mẫu và có sản lượng 2 tấn mỗi mẫu, thì tổng số thu hoạch của thửa ruộng là 3 mẫu X 2tấn/mẫu = 6 tấn mỗi năm.
Giai đoạn áp dụng chính sách thuế Nông nghiệp đã hoàn toàn thành công, với kết quả là chính quyền vơ vét được một số lượng tài lực lớn lao, đồng thời gây nên được mầm mống mâu thuẫn “bình nghị”.
 Tới đây, ta cần ôn lại một số danh từ và lề lối làm ăn sinh sống của nông dân trong giai đoạn Cải cách Ruộng đất của Việt cộng. Những danh từ như tá điền, điền tốt, bần cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ là những danh từ chỉ các loại nông dân chuyên nghiệp tùy theo mức độ tài sản mà họ có.
Một bần nông, theo định nghĩa của Việt cộng, là một nông dân nghèo không có đất đai để cày cấy, hoặc chỉ có mấy sào ruộng là tối đa. Một bần cố nông là một người suốt đời chỉ là một nông dân nghèo (vô sản). Một trung nông, theo định nghĩa của Việt cộng, là một người có một vài mẫu ruộng trở lại. Một phú nông là người có cả chục mẫu ruộng trở lên. Một trung nông hay phú nông có thể là mộtđịa chủ nếu người đó không trực tiếp canh tác mà thuê người khác làm cho mình. Một điền tốt là một nông dân đi làm công cho một địa chủ và được trả công như một người thợ. Một tá điền là một nông dân mướn đất của địa chủ với điều kiện phải trả một mức lời nào đó cho địa chủ, theo từng mùa canh tác. Số lời đó được gọi là địa tô và lối làm ăn như thế gọi là “tá canh” hay “làm rẽ”. Số lời (địa tô) chia cho chủ đất có thể dưới hình thức tiền bạc hoặc hoa màu; ví dụ như trong giai thoại ông Trạng Quỳnh cấy rẽ đất của Bà Chúa (có lẽ thời Vua Lê, Chúa Trịnh). Những nông dân trực tiếp canh tác đất của mình thì gọi là “trực canh”.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp, một số đông nông dân bỏ vùng mất an ninh để về Tề, và Việt Minh đã khuyến khích những người khác chiếm hữu đất đai bỏ lại để canh tác. Tình trạng này được gọi là “chiếm canh”, một vấn đề tế nhị về chính trị, đã được chính quyền Quốc gia dưới chế độ Bảo Đại giải quyết bằng cách chấp nhận cho những người chiếm canh được hưởng toàn bộ hoa lợi do họ làm ra, tuy nhiên quyền sở hữu đối với ruộng đất vẫn thuộc chủ đất nếu họ trở về canh tác(Thông điệp đầu Xuân Ân lịch 1951 của Quốc Trưởng Bảo Đại).
Vấn đề định nghĩa các thành phần bần nông, trung nông, phú nông và địa chủ là vấn đề rất quan trọng đối với Việt cộng trong việc ngầm xác định ai là đối tượng cần liên hiệp và ai là đối tượng cần tiêu diệt trong giai đoạn đấu tranh chính trị sắp tới. Gọi là ngầm xác định vì, trong giai đoạn “Thuế Nông Nghiệp”, Việt cộng chưa công khai hoá chủ trương tiêu diệt địa chủ mà chỉ nhắm vào một số nạn nhân có tính cách điển hình, và “tội danh” của họ dựa trên “căn bản pháp lý” của Thuế Nông Nghiệp, chứ không phải trên căn bản thành phần giai cấp.

1
II. Giai Đoạn Đấu Tranh Chính Trị
Như đã nói trong giai đoạn thi hành Thuế Nông Nghiệp, Việt cộng đã dùng đảng viên xúi giục một số nông dân, nhất là bần nông làm tá điền, gán cho những thửa ruộng mà họ cày cấy có một năng suất rất cao, khiến cho người chủ đất phải trả một số thuế nhiều khi tới 100% hoặc trên 100% số thu hoạch.
Người chủ đất nạn nhân chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc chịu đầu hàng bằng cáchhiến đất cho Đảng và Nhà nước (lúc đó còn mệnh danh là “Chính quyền Kháng chiến”), hoặc ỳ ra đấy vì không đủ sức nộp thuế theo đúng sự đòi hỏi của Chính sách Thuế Nông nghiệp. Bằng cách thứ hai, họ đã tự kết bản án cho mình trong Giai đoạn Đấu tranh Chính trị mà Việt cộng gọi là “phát động quần chúng đấu tranh chống phản động”.
Trong giai đoạn “phát động quần chúng đấu tranh chống phản động”, Đảng Cộng sản nhắm vào ba mục đích chính yếu.
Mục đích thứ nhất là Đảng dùng bạo lực của quần chúng để đánh quỵ bớt một số phần tử lừng khừng chống đối nguy hiểm, trong đó có một số địa chủ, nhưng Đảng chưa để lộ kế hoạch đấu tranh giai cấp hạ địa chủ. Tất cả những phần tử bất mãn với chính sách của Đảng, nhất là chính sách Nông nghiệp đều bị quy cho tội “phản động”, “thông với giặc”.
Mục đích thứ hai là Đảng chuẩn bị kỹ thuật đấu tranh bạo lực, luyện tập cho cán bộ quen với các kỹ thuật xâm nhập. khai thác mâu thuẫn, đấu tranh bạo độngdành cho cuộc Cải cách Ruộng đất.
Mục đích thứ ba là Đảng muốn vơ vét dân công và tân binh, đồng thời làm áp lực thu thuế Nông nghiệp. Đảng đã đạt được mục đích này vì nhiều người bở vía trước cuộc đấu tranh bạo lực đã xung phong đi dân công hoặc đi tân binh, giúp Đảng giải quyết được nhu cầu cấp bách của chiến tranh.
Cuộc “phát động quần chúng đấu tranh chống phản động” đã lấy đề tài Thuế Nông nghiệp và Đảng muốn nhóm họp Đại hội Nông dân để nêu câu hỏi: “Tại sao có người chưa thanh toán thuế?”.
Anh Nguyễn Văn Thân, một hồi chánh viên, đã kể lại một cách tóm lược nội dung một buổi Đại hội Nông dân như sau:
“Chủ tọa của buổi họp là những phần tử nông dân cốt cán, nghĩa là đảng viên hoặc cảm tình viên, và họ đã nắm trong tay một danh sách những phần tử cần phải triệt hạ. Khi nêu câu hỏi về việc thiếu thuế Nông nghiệp, chủ tọa đoàn kêu tên một người thiếu thuế và ra lệnh du kích trói nạn nhân lại, treo lên, rồi dùng cực hình tra tấn, đánh đập, mớm cung để nạn nhân khai tội “chủ mưu xúi giục” cho những người có tên trong danh sách có sẵn, tức là sổ đen của Đảng. Nhờ kỹ thuật này, Đảng đã bắt đầu bằng một người thiếu thuế Nông nghiệp mà kết tội những phần tử đối lập chính trị nằm trong sổ đen, không nhất thiết phải là những người thiếu thuế. Và, tất cả những tội nhân, sau khi bị đánh đập tra tấn theo kỹ thuật mớm cung, lần lượt từ người này chuyền lan tội lỗi sang người khác, họ bị giam giữ để chờ ngày ra Tòa án Quân sự Tỉnh”
    .
Tóm lại, một nông dân thiếu thuế Nông nghiệp được dùng làm đầu nối để triệt hạ những kẻ đối lập bị Việt cộng mệnh danh là “việt gian”, “phản động” hay “theo Tây”. Đó là điểm mấu chốt của phong trào “phát động quần chúng đấu tranh chống phản động”.
Cuộc “đấu tranh chống phản động” được phát động vào khoảng cuối năm 1952, đầu năm 1953, đã làm nông thôn kinh hoàng nghẹt thở. Và kế tiếp theo đó, Đảng cho phát động “đấu tranh giảm tô” vào khoảng tháng 4 năm 1953.

III. Đấu Tranh Giảm TôCuộc “phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giảm tô giảm tức” là cuộc thí nghiệm thực sự của kỹ thuật Cải cách Ruộng đất theo phương pháp Cộng sản.
Để phát động đấu tranh, Đảng tổ chức những “Đội đấu tố”, gồm những cán bộ đã được Trung Cộng huấn luyện, và gửi họ xâm nhập vào làng. Những “Đội đấu tố”, này về sau trở thành các “Đội Cải cách Ruộng đất”, đã giả dạng làm nông dân và được các Uỷ ban Hành chánh làng, xã giới thiệu tới cư ngụ tại những gia đình nghèo nhất trong xã.
Các Đội này áp dụng một kỹ thuật tâm lý chiến rất tinh vi để mua chuộc cảm tình những gia đình nông dân nghèo nơi họ cư ngụ, đó là kỹ thuật tam cùng: cùng ăn(góp phần ăn chung), cùng ở (cùng ở chung một nhà) và cùng làm (mà không lấy công). Đây là giai đoạn chuẩn bị đấu tranh, một giai đoạn quan trọng nhất, gồm ba mục tiêu:

– Mua chuộc tình cảm nông dân nghèo.
– Gây căm thù giữa các nông dân nghèo đối với địa chủ và xúi giục họ đấu tranh.
– Điều tra tỉ mỉ các gia đình khác trong làng, xã.

Kỹ thuật “tam cùng” này rất thành công. Sau khi đã chịu sống cực khổ với bần nông, giúp đỡ tận tình trong mọi công việc, mua chuộc được cảm tình của bần nông, “cán bộ tam cùng” bắt đầu rỉ rả nhồi sọ, tuyên truyền cho bần nông căm thù địa chủ là chính địa chủ đã gây nên cảnh cùng khổ cho họ. Sau khi gây được căm thù, cán bộ tam cùng phải thuyết phục bần nông đứng lên đấu tranh tiêu diệt địa chủ.
Khi đã thuyết phục được một bần nông chịu đứng lên đấu tranh với địa chủ, cán bộ gọi là đã “xây dựng được một rễ”. Một “rễ” phải ưu tiên là một thân nhân gần nhất của địa chủ có tội, chẳng hạn như là vợ bé, con gái, con nuôi, hoặc gia nhân,… vì trong trường hợp như vậy, những lời tố cáo (vu oan giá họa) của “rễ” đối với địa chủ sẽ gây được xúc động tâm lý mạnh mẽ hơn.. Nếu không tìm được người có liên hệ gần với địa chủ thì phải tìm người có liên hệ xa, và nếu cùng quá không tìm được người có liên hệ xa gần thì mới phải tìm người ngoài để “xây dựng rễ”.
Khi đã xây dựng được một rễ, lại có thể móc nối thêm các rễ khác làm thành một“chuỗi rễ”. Trong trường hợp cán bộ không thuyết phục được một “rễ” thuận ý đấu tranh với địa chủ, cán bộ nói là “gặp phải rễ thối”. Sau bao nhiêu công lao “tam cùng”, họ lại phải đi tìm một “rễ” khác.
Anh Nguyễn Văn Thân, và một số nhân chứng hồi chánh viên khác, đã kể lại những mẩu giai thoại bi hài về “Đấu tranh Giảm tô” như:
“…. Cảnh sống tam cùng đã đưa đến nhiều bi-hài kịch: Có khi đội viên là một chàng trai mà gia đình bần cố lại có con gái lớn nên chuyện hủ hóa đã xảy ra; hoặc giả khi người nghèo khổ nhất làng lại là một bà cụ già bị bệnh thần kinh, ăn nói bất nhất, hoặc một người có lương tâm tốt nên dù đội viên Cải cách Ruộng đất có cố gắng đến mấy, họ cũng không thể hoặc không chịu đứng ra tố người địa chủ, nhất là khi họ đã từng chịu ơn của người địa chủ đó. Vì vậy mới có danh từ “rễ thối” để chỉ các loại này…”
    .
Sau khi đã chuẩn bị xong các nhân vật chính trong cuộc đấu giảm tô, các Đội Cải cách Ruộng đất mới ra mắt công khai tại làng, xã, và lập tức, các cơ cấu tổ chức cũ như Uỷ ban Hành chánh Xã v.v… đều bị giải tán để giao quyền hành lại cho Đội và những phần tử cốt cán đảm nhiệm. Làng xã lúc đó lập tức bị phong tỏa, chỉ riêng Đội Cải cách có thể liên lạc bằng đường dây điện thoại với trung ương hoặc cấp trên của họ là Đoàn Cải cách Ruộng đất. Các địa chủ liền bị cô lập, giam lỏng hoặc bị quản chế thực sự, tài sản của họ bị niêm phong.
Tất cả gia đình của địa chủ cũng bị cô lập, bị khủng bố tinh thần, bị nhục mạ, trẻ con được xúi giục ném đá, đánh đập gia đình địa chủ mà họ không có quyền phản ứng lại, người lớn được quyền chửi bới gia đình địa chủ mỗi khi gặp mặt. Chẳng những gia đình địa chủ lâm vào cảnh cùng đường, mà thân nhân, bạn bè cũng bị đẩy vào tuyệt lộ. Những người này, nếu còn giữ cảm tình với gia đình địa chủ, tìm cách ngấm ngầm giúp đỡ hoặc bênh vực địa chủ mà bị Đội Cải cách phát giác là sẽ bị ghép vào tội “Liên quan phản động”.
Phần chính của tấn kịch Đấu Giảm tô là phần “Thoái Tô”, “Đấu Địa Chủ”“Xử án Địa chủ”.
Trial of a Bourgeois Landowner
Ta biết rằng việc giảm tô đã được “Chính quyền Kháng chiến” quy định bằng một sắc lệnh số 78/SL ngày 14 tháng 7 năm 1949 ấn định một mức chung là giảm đi 25%. Điều này có nghĩa là ưu đãi các tá điền và theo luật mới, địa chủ phải giảm bớt số lời (“địa tô”) đánh trên tá điền.
Vì lề lối làm việc luộm thuộm ở nông thôn, khi địa chủ giảm tô cho tá điền chẳng hề có việc ghi biên lai làm bằng chứng. Vì thế, 4 năm sau, khi có phong trào Đấu Giảm tô, địa chủ bị coi như không hề giảm tô cho tá điền theo như sắc lệnh, và Đội Cải cách hướng dẫn tá điền “khai nợ” để đòi địa chủ phải “Thoái tô” cho tá điền, nghĩa là hoàn trả cho tá điền số địa tô thặng dư mà địa chủ đã lấy một cách trái phép (theo sự “mớm cung” của cán bộ Cải cách và sự khai gian của tá điền). Số nợ “thoái tô” này nhiều hay ít là do Đội ấn định trước, tùy theo số tài sản, nữ trang của địa chủ mà “Đội” đã điều tra biết được.
Sau khi “xây dựng” xong “chuỗi rễ” và trước khi địa chủ bị đem ra tố khổ, đội viên Cải cách phải nhồi sọ “chuỗi rễ” qua một khóa học về “Tội ác của địa chủ”, dạy họ cách nói, cách kể tội… với những bằng chứng ngụy tạo, như lời anh Nguyễn Văn Thân thuật lại dưới đây:
“…. Chủ yếu là dạy họ tả chân với những chứng tích cụ thể
    (nhưng gian trá)
để làm xúc động quần chúng. Thí dụ như một cái sẹo cũ bị ngã từ hồi còn bé sẽ được trình bày là vết dao chém của địa chủ ác ôn, hoặc cặp mắt bị kèm nhèm, mù lòa vì bệnh đau mắt hột hay lông quặm
    (trichiasis)
sẽ dùng để tố là địa chủ ác ôn bắt thức khuya, dậy sớm chăn heo, nuôi gà, không cho ngủ…. Hoặc nếu một bà lão rụng tóc hết vì già hay vì bệnh hoạn thì sẽ dùng chứng tích này để tố địa chủ nắm tóc giựt, đánh đập…. Nếu là phụ nữ thì sẽ tố rằng bị địa chủ hiếp dâm hàng trăm lần v.v…”
    .
Sau khi lập xong “bản tội ác” của từng địa chủ, các đội viên Cải cách bắt đầu tập dượt các “chuỗi rễ” cho thuần thục về “Cách tố khổ địa chủ trước quần chúng”, y như như công việc của Đạo diễn và Diễn viên trước khi trình diễn. Họ phải học tập từ cách ăn nói, tới điệu bộ… trước một hình nộm địa chủ. Tiếp đó, Đội Cải cách mới công bố “Ngày đấu tố”.
“…. Trong thời gian này, dân làng rất sợ sệt và ngoan ngoãn, nhất là các thành phần trung nông và phú nông, bảo họp là họ đi họp, bảo khóc là họ khóc, bởi ai cũng sợ bị“nâng”lên thành phần địa chủ. Đại hội họp mấy đêm liền, mỗi đêm sẽ có một “rễ” chính lên tố khổ kể tội địa chủ với sự phụ họa của một vài “rễ” phụ. Đại hội này được gọi là“ôn nghèo kể khổ”
    .
Trước khi lập báo cáo, Đại hội được xem trình chiếu phim “Bạch Mao Nữ”
    (một nhân vật với cốt truyện của Trung Quốc)
. Truyện phim nói về một cô gái đi ở cho địa chủ, sau bị tên này hiếp dâm, áp bức, hành hạ, nên cô ta phải trốn lên núi theo “Cách Mạng” cho đến khi Đội Cải cách Ruộng đất về làng, cô mới trở lại thì tóc cô đã bạc trắng.“Ảnh hưởng của cuốn phim đã tác động sâu đậm trong tâm lý quần chúng nông thôn chất phác. Họ đã xúc động, khóc thật sự trước cảnh dã man, tàn ác của tên địa chủ trong phim ảnh vừa chiếu thì, ngay sau đó, Đội Cải cách liền đưa các “rễ” ra trình diện nông dân và kể khổ. Thế là khí thế sắt máu của giai cấp bần cố nông nổi dậy theo tiếng khóc, tiếng kể lể của các “rễ”, đã được Đội cho học tập từ trước. Khí thế ghê rợn đó đi từ việc hô các khẩu hiệu “đả đảo địa chủ cường hào” đến việc ký tên vào quyết nghị xin xử tử hoặc kết án tù tên địa chủ cường hào đó. Thư ký Đội Cải cách sẽ lập biên bản phiên Đại hội, lập báo cáo điển hình và trình lên Đoàn Uỷ duyệt lại để xin quyết định của Trung ương. Mấy hôm sau, Đoàn gửi công văn xuống chỉ thị rằng Trung ương đồng ý với bản án của… toàn dân đưa ra.
“Sau đó là việc tổ chức “Pháp trường đấu”. Các đội viên Đội Cải cách Ruộng đất sẽ không tham dự nữa mà phải xây dựng (huấn luyện, nhồi sọ) cho các gia đình bần cố “chuỗi rễ” làm việc đấu tố, và lập Tòa án nhân dân, gồm có: Chủ tịch đoàn và các Uỷ viên Hội đồng Tòa án là các thành phần “chuỗi rễ” đã được các đội viên “xây dựng”, không có Luật sư bào chữa cho bị can, có Đoàn Uỷ và chính quyền địa phương tham dự. Bị can là các địa chủ cường hào đã bị giam từ trước và đến khi đó, bị giải ra “đấu trường” tại sân đình hay sân trường làng, toàn thể dân làng đều phải có mặt và tập trung theo thành phần để tham dự. Trong phiên đấu này, các “chuỗi rễ” đã được huấn luyện cũng lại đứng ra kể tội, tố một cách tóm tắt hơn, và sau đó, vì không có Luật sư nên “Tòa” cho phép “bị can” tự bào chữa; tuy có hình thức “dân chủ” như thế, nhưng thực ra, bị can chỉ còn cách cúi đầu nhận tội, nếu người nào ngoan cố không nhận, hoặc nói sai ý của Chủ tịch đoàn thì lập tức Chủ tịch đoàn hô khẩu hiệu đả đảo và nông dân tham dự ở dưới hô theo để áp đảo tinh thần bị can và cấm không cho bị can nói tiếp. Sau đó, Chủ tịch đoàn chỉ việc tuyên án bị can theo một bản án đã do Trung ương định sẵn”.
Đoạn dưới đây thuật lại một cuộc đấu tố với những tội nhân điển hình tại Xóm Chuối, tỉnh Ninh Bình, khi Đội Cải cách về làng và anh Nguyễn Văn Thân được cử làm Thư ký Đội:
“…. Đoàn tôi về thi hành chính sách tại Ninh Bình. Đoàn trưởng là anh Thu, đã từng là Chính uỷ Trung đoàn và lúc đó đang làm Tỉnh uỷ viên. Tôi thuộc Đội 6. Đội trưởng là chị Văn, lúc đó mới 20 tuổi, mồ côi, đi ở đợ cho địa chủ từ nhỏ và đã tham gia Cải cách Ruộng đất các đợt 1, 2, 3 và 4 với tư cách “rễ”. Đợt này là đợt thứ 5 chị được đề cử làm Đội trưởng. Về văn hoá, chị chỉ biết ký tên mà thôi, nhờ chúng tôi dạy cho chị. Đội chúng tôi được cử về Xóm Chuối, tỉnh Ninh Bình. Xóm này rất nghèo, số gia đình có khoảng trên 100, và thực tế thì chúng tôi chỉ thấy có 3 gia đình tạm gọi là khá giả, nghĩa là có từ 10 đến 15 mẫu ruộng, có ao, có vườn. Thứ nhất là gia đình ông Quản Năm, có con là Thiếu tá Trung đoàn phó 3/14, có 15 mẫu ruộng, con cháu đông nên chỉ mướn 3 anh tá điền làm công. Chúng tôi về “xây dựng” 3 anh này để đứng ra tố ông Quản Năm, nhưng 3 anh không chịu, nên sau phải vận động cô cháu họ của ông cụ tên là Min đứng ra đấu. Gia đình thứ hai có 10 mẫu ruộng, nhưng lại giao cho người cháu quản lý, còn chính gia chủ lại đi buôn bán ở thị xã Hà Nam, có con đi bộ đội chết (tử sĩ) sau, người cháu sợ bị ghép tội “Liên quan phản động” nên đứng ra đấu tố gia đình ông này. Gia đình thứ ba là gia đình bà Quản Hảo, một thành phần địa chủ mới giàu do công khó làm ăn vì ruộng đất toàn do con cái tự canh tác, không mượn người. Đội tôi đưa cháu gái đứng ra tố bà cô.“Sau khi tìm được ba địa chủ, xây dựng được “chuỗi rễ”, Đội tôi làm báo cáo điển hình về Đoàn xin duyệt y, nhưng Đoàn không chấp nhận vì chưa đạt tiêu chuẩn tỷ lệ là 5% và Đội tôi phải “cố” làm sao để nâng số gia đình địa chủ lên 5 người. Làm đi làm lại, Đội tôi đành chịu thua nên Đoàn phải cử một anh cố vấn tên Thanh về để giúp giải quyết. Anh Thanh này có thành tích chuyên môn phát hiện địa chủ;nên sau khi có sự giúp đỡ của anh ta, chúng tôi có thêm hai gia đình địa chủ nữa để đấu tố. Hai gia đình này chỉ có một hai mẫu ruộng, nhưng có xe đạp, có con đi học ở Hà Nội, và nhất là một trong hai gia đình địa chủ có lần đi lính cho Pháp trước rồi sau về làm Phó lý tên gọi là Phó Hội Kha.
“Khi đã xây dựng đủ số 5 gia đình cường hào địa chủ, chúng tôi lập báo cáo và khi đó Đoàn mới duyệt phương án và đòi phải có ít ra là 2 cường hào ác bá phải bị xử tử. Chúng tôi định đưa bà Phó Hội Kha ra làm vật hy sinh vì ông chồng bà trước kia đi lính cho Pháp và làm Phó lý, tuy nay đã chết, nhưng nợ máu vẫn còn và bà vợ phải trả. Nhưng, bà Phó Hội Kha nghe được tin này đã thắt cổ tự tử trước khi bị chúng tôi đưa ra đấu trường. Tuy vậy, khi lập Tòa án Nhân dân, bà Phó Hội Kha vẫn bị xử khuyết tịch và bị tịch biên gia sản để trả lại cho nông dân.
“Riêng tôi được phân công “bắt rễ” với một bà 55 tuổi, không con, có họ với ông Quản Năm. Bà này bị bệnh thần kinh nhẹ. Tôi đã phải áp dụng kỹ thuật “tam cùng” thật là khổ sở: ăn đói, ngủ thiếu, làm khổ, nên trong thời gian này, tôi bị sút năm, sáu Kí-lô, và điều nản nữa là bà này lại là một “rễ thối”, nghĩa là bà ta chẳng nói, chẳng hiểu và chẳng làm gì cả. Sau, tôi phải bỏ lờ bà ta để tìm một “rễ” khác để xây dựng, đó là anh Thà, một thanh niên tá điền, cờ bạc, rượu chè nên rất căm thù ông Quản Năm. Rồi cô cháu họ của ông Năm, tức chị Min, tố bị ông hiếp tất cả 17 lần…. Mặc dù các gia đình này có con là bộ đội cũng vẫn bị tố như thường, mà khi con về còn bị Đội Cải cách bắt vì nghi là về liên lạc với địa chủ…”.
Tóm lại, “Đấu giảm tô” chính là một giai đoạn thực tập thí nghiệm cho chiến dịch “Đấu tranh Cải cách Ruộng đất”. Phong trào Đấu giảm tô đã thực sự sử dụng đến bạo lực của nông dân, đã thực sự gây chém giết, đổ máu và tỏ ra thành công hơn giai đoạn “Đấu tranh chống phản động” nhờ đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm hơn. Trong giai đoạn đấu tranh chống phản động, qua kỹ thuật “mớm cung” theo dây chuyền, nhiều nạn nhân đã khai lung tung ra ngoài sự dự liệu của cán bộ Đảng khiến cho Đảng không nắm vững được phong trào. Trong giai đoạn đấu tranh giảm tô, những người đứng ra tố cáo đã được cán bộ huấn luyện, giáo dục, nhồi sọ và chuẩn bị rất kỹ lưỡng tới mức hoàn hảo.
Một điểm rất quan trọng đáng lưu ý ở đây là quy tắc kích tỷ lệ. Đảng đã nhắm đến trong giai đoạn đấu tranh giảm tô là không phải chỉ riêng địa chủ mới bị xử tử mà cà những người có một, hai mẫu ruộng cũng phải lãnh những phát đạn kết liễu cuộc đời, vì bị kết vào những tội phản động, phản quốc, thông đồng với giặc Pháp v.v…. Làm như vậy, Đảng đã gián tiếp cảnh cáo những phần tử phú nông và trung nông khác phải coi chừng, đừng có nho nhoe chống đối.
Cuộc Đấu tranh Giảm Tô đã kéo dài tới đầu năm 1954 thì tạm thời được ngưng lại khi Chiến trường Điện Biên Phủ đi vào giai đoạn nghiêm trọng và quyết định.
Nói tóm lại, cuộc Cải tạo Nông nghiệp tại miền Bắc bắt đầu vào năm 1951 với chính sách Thuế Nông Nghiệp, trùng hợp với giai đoạn Tổng Phản Công trên phương diện quân sự với các trận đánh lớn như Trận Vĩnh Yên (khai diễn ngày 13 tháng 1, 1951), Trận Mao Khê (khai diễn đêm 23 rạng ngày 24 tháng 3) và Trận Sông Đáy (khai diễn ngày 29 tháng 5). Sự trùng hợp này giải thích nhu cầu cấp bách trên ba phương diện:

– Động viên nhân lực và tài lực cho chiến tranh.
– Đánh gục các thành phần Quốc gia yêu nước nhưng không ủng hộ Việt cộng dưới danh hiệu Việt Minh.
– Chuẩn bị đánh gục các thành phần Quốc gia yêu nước đang tham gia cuộc Kháng Chiến Chống Pháp, nhưng có thể trở thành chống lại Việt cộng khi Kháng Chiến thành công.

Sự chuẩn bị này dành cho giai đoạn sắt máu sắp tới, mà ta sẽ nghiên cứu trong bài báo kế tiếp; trong đó, các câu hỏi sau đây sẽ được giải đáp:

– Việt cộng làm cách nào tiêu diệt các thành phần Quốc gia yêu nước tham gia Kháng Chiến?
– Nhân dân có thái độ như thế nào để chống lại các hành động gian ác của Việt cộng?
– Việt cộng dùng thủ đoạn gì để đối phó với phản ứng của nhân dân?
Võ Trường Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét