Đã sang Mỹ, xin đừng tiếc công học lại
Tôi khuyên bạn đừng nên đốt cháy việc học nếu bạn có cơ hội học tập tại Mỹ. Tương lại bạn sẽ trả lời câu hỏi đó. Còn nếu bạn đi du học rồi trở về Việt Nam để làm thì không cần phải học lại đại học, học thẳng lên cao học cho rẻ tiền, rồi lĩnh lương Việt Nam đi.
Nhân đọc bài bằng cấp ở Việt Nam có được công nhận tại Mỹ không và bài các loại trường học ở Mỹ, tôi có vài ý kiến sau.
Bạn từ Việt Nam đến nước Mỹ để học. Bao nhiêu năm nay trong cuộc đời bạn ăn cơm Việt, ở nhà Việt, giao tiếp bằng tiếng Việt, tranh luận cũng bằng tiếng Việt. Mọi thứ đều là Việt. Nay bạn đến nước Mỹ lấy tấm bằng đại học và định ở lại cạnh tranh với người Mỹ trong việc chạy đua tìm viêc làm. Liệu bạn có đủ sức cạnh tranh với người Mỹ ở đỉnh cao công việc hay không? Bạn muốn được trả lương như người Mỹ? Bên cạnh đó, người Mỹ đã có nền tảng trình độ tiếng Anh trong hơn 12 năm từ cấp 1 đến cấp 3.
Trung bình chương trình đại học đòi hỏi bạn khoảng từ 120 units (3 unit/lớp = 40 lớp) đến 130 units. Giả sử bạn được chấp nhận khoảng 10-70% tín chỉ từ Việt Nam chuyển sang. Bạn học còn lại 90-30% tại đại học ở Mỹ. Bạn có dám tự tin là mình sẽ làm tốt công việc hơn người Mỹ không? Hiện giờ tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao tại Mỹ (khoảng trên dưới 10%). Tôi khuyên bạn đừng nên đốt cháy việc học nếu bạn có cơ hội học tập tại Mỹ. Tương lại bạn sẽ trả lời câu hỏi đó. Còn nếu bạn đi du học rồi trở về Việt Nam để làm thì không cần phải học lại đại học, học thẳng lên cao học cho rẻ tiền, rồi lĩnh lương Việt Nam đi.
Ngay bản thân tôi, từng học Đại học Kinh tế tại Việt Nam. Tôi đến Mỹ năm 2005, nộp đơn xin việc bookkeeper trong 6 tháng đầu nhưng không ai nhận vì tôi không biết phần mềm kế toán của Mỹ. Phần mềm Quickbooks tuy rất dễ nhưng Đại học Kinh tế đâu có đào tại tôi đâu. Họ đào tạo Words, Excel, Access nhưng cái các công ty nhỏ của Mỹ đang dùng là Quickbooks kia mà. Thế rồi tôi lao vào học tại Adult Education lớp Accounting, Quickbooks, Excel, Access, Word, English… trong vòng 6 tháng. Tôi học như điên từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm trong 6 tháng. Học vừa xong tôi nộp đơn xin làm Bookkeeper cho một cửa hàng bán hoa với mức lương 8 USD/giờ. Làm khoảng 3 tháng tôi nhảy việc sang công ty khác với mức lương 10 USD/giờ, rồi 13 USD/giờ…
Cuối năm 2007, khi nộp đơn xin việc tại một công ty phần mền giáo dục, mức lương của tôi đạt được 20 USD/giờ, cũng là vị trí Bookkeeper. Ông chủ là người Ấn Độ, phải nói là ông ta rất thông minh trong vai trò vừa là kỹ sư vừa là chủ tịch của công ty. Công việc Bookkeeper cho người Ấn Độ không phải dễ dàng, không chỉ là nhập số liệu như data entry. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học. Tôi bắt đầu nhập học tại San Jose Community College (SJCC) năm 2006. Nhưng kiến thức tại SJCC không đủ để tôi tồn tại trong công ty phần mềm này. Ông chủ tôi trả lương Bookkeeper nhưng muốn tôi làm tốt công việc hơn cả CPA (Certified Public Accountant), CPA chủ yếu là lắng nghe ý kiến của tôi rồi ký APPROVAL mà thôi. Nếu để CPA tự làm mọi thứ thì công ty phải trả thêm tiền. Thế là tôi năn nỉ bạn bè học tại đại học (univeristy) cho tôi đi học ké một số môn như Income tax, Payroll tax, Corporataion tax… Trường SJCC không có dạy Corporation tax, Payroll tax… phải đợi vào San Jose State University (SJSU) mới có lớp đó. Nếu tôi đợi đến lúc vào được SJSU để học thì tôi đã mất công việc tại công ty phần mềm này rồi.
Khi khai thuế cho năm 2009, CPA không dùng hết credit từ Net operation loss (NOL) từ năm 1999 khoảng $300,000 (NOL của 1999 sẽ hết hạn trong năm 2010 thuế). Năm tới công ty có lãi nên phải tận dụng cho năm 2009. Tôi đề nghị CPA chỉnh sửa lại thuế 2009 (tax amendment). Thế là tôi tiết kiệm được khoảng 100.000 USD tiền thuế cho công ty trong năm tới (Coporation tax là 30% của net income). Ông chủ tôi rất tin tưởng tôi mọi thứ nhưng khi tôi đề nghị tăng lương thì ông chủ tôi lại bảo tôi là ông cứ đi tìm việc làm tại công ty khác nếu họ trả lương cho tôi cao hơn. Ba năm qua tôi không hề được tăng lương thêm một đồng nào cả. Đó là ví dụ để bạn thấy sức cạnh tranh tại Mỹ khốc liệt cỡ nào nếu bạn muốn được việc làm tốt với mức lương cao.
Nói về trình độ tiếng Anh của tôi, chồng tôi là người Mỹ da trắng chính gốc. Mỗi ngày đều cùng tôi giao tiếp tiếng Anh, coi phim Mỹ, tranh luận Mỹ nhưng chồng tôi vẫn thường khuyên tôi nên đăng ký học lại speaking vì giọng của tôi phát âm không tuyệt đối chuẩn như người Mỹ. Hiện giờ tôi đã lên SJSU. Sau khi tốt nghiệp xong tôi sẽ đăng ký học lại speaking. Khi thi vào SJCC, tôi đã đủ điểm vào English 1A nên tôi không phải học ESL. Đó là sai lầm rất lớn của tôi vì môn nói và luyện giọng không được rèn luyện một cách có khoa học tại trường.
Vì lấy chồng Mỹ nên tôi phải tự kiếm tiền trang trải học phí, sinh hoạt. Chồng tôi không hề giúp đỡ vì muốn tôi tự đứng trên đôi chân của chính mình. Tôi không hối hận đã lấy chồng Mỹ vì đổi lại chồng tôi rất tôn trọng tự do của tôi và tôi được nói tiếng Anh, tranh luận tiếng Anh hằng ngày miễn phí với chồng tôi. Cái gì cũng có cái giá của nó.
Năm đầu khi đến Mỹ, tôi không được vào College liền vì California đòi hỏi tôi phải trả mức học phí Out of state nếu tôi chưa sống tại California đủ một năm. Tôi đến Mỹ với hai bàn tay trắng. Không có tiền để vào Community College học thì làm sao tôi có thể đủ tiền vào University đây? Tôi đi học tại Adult Education. Tại đây tôi quen một cô bạn người Đài Loan, và một cô bạn người Trung Quốc. Cả hai đều có kinh nghiêm thâm niên về kế toán ở đất nước họ. Cô bạn người Đài Loan vì quá tự tin về 10 năm kinh nghiệm kế toán tại Đài Loan, khi đi xin việc làm không chịu chấp nhận mức lương khởi điểm 10 USD/giờ vì cô ta chưa có kinh nghiệm tại Mỹ nên đâu ai dám trả lương cao. Cuối cùng, nghe lời tôi khuyên bảo cô ta chấp nhận mức lương đó nhưng vì có quá nhiều kinh nghiệm từ Đài Loan cô ta không chịu thay đổi theo yêu cầu việc làm của Mỹ, thế là cô ta thất nghiệp cho đến hôm nay. Còn cô bạn Trung Quốc của tôi, cô ta nộp đơn vào thẳng để học thạc sỹ về kế toán. Học nửa chừng cô ta không theo kịp chương trình vì trình độ nền tảng kiến thức xã hội không có, tiếng Anh không được đào tạo bài bản mặc dù cũng có chồng người Mỹ như tôi. Bây giờ cô ta chấp nhận làm việc với mức lương 11 USD/giờ cho công việc tiếp tân của một công ty Trung Quốc.
Trong lúc học tại SJCC, tôi có một cô bạn thân người Việt. Cô ta học xong SJCC và nộp đơn xin vào SJSU ngành kế toán. Khi nộp đơn cô điền vào đơn là có bằng đại học tại Việt Nam. Trường SJSU bắt cô ta phải nộp bảng điểm từ Việt Nam. Tốn rất nhiều công sức và thời gian mới lấy được bảng điểm Việt Nam sang đây nộp cho SJSU (lấy bảng điểm, dịch bảng điểm, đánh giá bảng điểm…). Làm xong mọi thủ tục, cô ta nhận được thông báo của trường là tiểu bang (California state) cắt giảm ngân sách nên không chấp nhận người học có hai bằng đại học trừ khi là cô ta chịu đổi sang học ngành không hot tại SJSU. Ngành kế toán, quản trị, business, engineering… là những ngành hiện đang hot tại trường này. Ngành không hot là ngành ngôn ngữ học, toán…
Chị họ của tôi đến Mỹ trước tôi nên chị ta tốt nghiệp đại học 4 năm trước tôi. Chị ta tốt nghiệp ngành kế toán nhưng không xin được việc làm tại các công ty Mỹ vì chị ta không có khả năng giao tiếp tiếng Anh thiệt lưu loát. Cuối cùng đành chấp nhận công việc văn phòng tại một nhà trẻ tư nhân. Người ta giao cho chị làm giấy tờ, không để chị làm kế toán vì không tin tưởng trình độ tiếng Anh của chị.
Bản thân tôi hiện đang học tại SJSU. Tôi định sau này khi tốt nghiệp sẽ tìm việc làm cho chính phủ hoặc mở văn phòng CPA của chính tôi. Để mở văn phòng CPA, tôi phải tranh thủ nâng cao kinh nghiệm kế toán cũng như phải trải qua các kỳ thi về CPA. Bên cạnh đó, tôi không ngừng nâng cao về mặt tiếng Anh và kiến thức xã hội.
Muốn thành công tại Mỹ tôi phải nỗ lực rất nhiều. Kinh nghiệm của tôi là không nên đốt cháy một giai đoạn nào cả. Đã vào đại học học thì tiếc gì phải học thêm vài môn nữa. Đã mua con trâu rồi còn tiếc gì sợi dây thừng phải không bạn?
Jolene
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét