Sài Gòn vừa giãn cách xã hội đợt I mười lăm ngày, từ ngày 31/5 đến ngày 14/6, đợt II tiếp theo 14 ngày, đợt III tiếp theo… Lại tiếp 15 ngày bắt đầu từ ngày 9 tháng 7 với những biện pháp cứng rắn.
Nhà nước cấm họp chợ cóc, chợ nhà lồng rồi tới cả chợ đầu mối, dừng luôn các hàng quán bán mang đi.
Thoạt tiên, tại chợ cóc thường họp trong các hẻm hẹp quanh co, khu đất nhỏ…, Trên tường chỗ mọi ngày là hàng bún, hàng rau… đều dán mảnh giấy ghi số điện thoại. Mọi người cứ theo đó mà gọi đặt nửa ký bún gạo, hai ký mồng tơi… chị chủ sẽ chạy xe máy giao hàng đến tận nhà.
Ngoài chợ vẫn còn vài hàng bán lén lút. Người bán đứng vẩn vơ thậm thụt vài mớ rau, dăm cân thịt với ánh mắt không ngưng dáo dác, canh chừng thấy bóng dáng của nhân viên kiểm tra là vội vàng vơ bao vơ túi, ném đại vào những căn nhà gần kề rồi bỏ chạy mất tăm, chút nữa từ từ quay lại. Khách cần gì, người bán sẽ chạy đi khe góc đâu đó lấy hàng. Trứng gà, trứng vịt giá gấp đôi. Rau xanh tăng gấp ba… Rau gia vị tăng gấp bốn, năm lần ngày thường.
Hàng phở, bánh canh… take away tụt hẳn vào nhà, luôn miệng la lớn nhắc chừng khách đứng xa ra cách hai thước theo đúng quy định. Nhà cửa đường sá chật hẹp nên đứng cách chừng nửa mét là tốt rồi chứ chỗ đâu mà cách nhau tới hai mét. Hiện giờ kiểu bán này cũng đã chấm dứt. Hàng bún riêu đóng chặt cửa. hàng xóm quanh quanh trong khu vực kêu điện thoại dặn, chừng nửa tiếng sau, chủ quán xách mấy bịch tới: bịch bún, bịch rau, bịch nước… lén chạy tới giao rồi phóng đi thật nhanh.
Ở những ngôi chợ to lớn, có tên tuổi đàng hoàng, người đi chợ phải khai báo y tế và đo thân nhiệt ở cổng trước khi bước vào khu nhà lồng vắng vẻ. Phía ngoài chợ vẫn bày bán ì xèo thịt cá, rau cỏ. Khi chợ bị cấm hẳn, lác đác vài mẹt hàng nhanh chân bán chạy, nếu bị bắt phải đóng phạt bạc triệu nên một vài người đành túm mấy bọc hàng trên xe máy, móc vào tay xe, cân sẵn từng bọc nửa cân tép, ký đùi gà…, khách trả tiền cầm đi ngay chứ không có thời gian săm soi xem hàng vừa ý hay không. Bán kiểu này thường cân thiếu và chịu mắc trả công bán chạy chứ không thể trả giá. Đành chặc lưỡi có hàng mua là may rồi.
Ba chợ đầu mối và 2/3 chợ nhà lồng phải đóng cửa. Nhiều gia đình nhắn người thân ở quê gửi thực phẩm lên thành phố tiếp tế. Các thùng hàng chằng chéo băng keo kín mít kìn kìn gửi lên. Chỉ có điều vì phải qua nhiều chốt kiểm soát mất nhiều thời gian nên hàng hóa, nhất là rau xanh, trái cây lên đến nơi không có bãi đậu, trước khi tới tay người nhận đã bị héo úa, dập nát. Thêm lý do khiến nông sản tăng giá chính là chi phí xét nghiệm, xăng dầu lên giá, các chốt kiểm soát dày đặc…
Siêu thị chật cứng. Mới 9g sáng, ngay cổng ngoài chăng dây không nhận xe vào nữa “đề nghị khách hàng buổi chiều hãy quay lại”. Bên trong khách ngồi chờ hằng tiếng đồng hồ theo thứ tự “mười khách ra, mười khách vào”; chọn hàng xong xuôi khi tính tiền lại đứng sắp hàng thêm cả tiếng nữa… Tập trung vào siêu thị, xếp hàng vào bãi giữ xe, xếp hàng khai báo y tế, xếp hàng chờ vào siêu thị, xếp hàng trả tiền. Mất cả buổi chồn chân mỏi gối và thật may mắn bõ công khi vào tới nơi trên kệ còn hàng!
Các cửa hàng tiện ích, các …Mart, các …Food đều xếp hàng đằng đẵng. Những cửa hàng này nhỏ, hàng hóa không phong phú lắm nên xếp hàng độ mười người đổ lại. Thế mà cũng phải dài người hàng tiếng đồng hồ để quét QR code khai báo y tế và cứ một người đi ra người khác mới được vào. Mệt mỏi tới phiên vào thì các quầy thực phẩm tươi: thịt cá rau, sữa… đều trống rỗng sạch bách.
Có nơi khai báo y tế qua tờ giấy. Có nơi quét code. Có nơi sẵn wifi, nơi không. Có người smart phone kèm mạng, người dùng điện thoại “cục gạch”. Ông trung niên đưa cái smart phone nhờ cô security cửa hàng tiện lợi quét code. Bà già không có điên thoại đứng trước cổng chợ Bến Thành đưa tờ giấy kê khai món hàng nhờ anh bảo vệ vào trong kêu chủ từng sạp lấy ra dùm “một con bồ câu, hai con gà ác, nửa ký lưỡi vịt…”
Mọi người xoay qua mua hàng online đang được khuyến khích. Chưa lúc nào chợ online rộn rịp như bây giờ. Đủ thượng vàng hạ cám ở đây. Cũng rau quả, thịt cá, gà vịt… được quảng cáo là “từ vườn nhà trồng, nuôi”. Cũng sườn heo, thăn lưng bò, lườn ngỗng… từ các nước Mỹ, Úc, Nga…
Hàng online cũng cháy hàng. Shipper chạy tới tấp. Nhà hết thức ăn cho trẻ nhỏ, vội đặt online “tới ngay” thì bốn ngày sau mới nhận hồi đáp “còn đặt hàng nữa thôi!!!”..
Trước ngày phong tỏa, mọi người hối hả tích trữ thực phẩm. Một bà mua cả chục thùng mì gói. Cô nọ chất nửa xe nước ngọt, nửa xe dầu gội đầu, sữa tắm. Thiên hạ thấy trên kệ còn món gì là vét hết cái đó. Một ông trong siêu thị bước ra than: “Hết hàng rồi, đành mua mấy chai nước suối với hộp bánh quy”. Còn chị khác theo trend ra dạ cầu Ông Lãnh mua mớ củ cải héo với mấy trái bắp về nấu canh.
Nhà nước giả định ba tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày giãn cách xã hội “tình huống 3 xấu nhất là dịch gia tăng mạnh và mất kiểm soát, lúc đó phải tính toán phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn….”
Dân tình lại nhốn nháo tích trữ. Thực phẩm tăng khủng khiếp lại khó mua. Có siêu thị phát phiếu cho khách được vào 15 phút, 30 phút… Siêu thị khác hạn chế lượng hàng chỉ bán mỗi người 2kg rau, 2 vỉ trứng… Nơi nữa khách đứng ngoài cửa, ghi hàng cần mua vào mảnh giấy, nhân viên siêu thị sẽ mang ra. Có siêu thị phải đóng cửa giữa giờ vì hết hàng. Hàng về không kịp.
Lần này, do các cửa hàng take away phải đóng cửa nên một hàng phở xổ ra trước quán bán rẻ mấy thúng húng quế, ngò gai; tiệm hủ tíu đại hạ giá chanh, ớt, rau tần ô… Thứ nào bày ra bán cũng hết cấp kỳ.
Bà hàng xóm có con rể làm ở chợ đầu mối mang về ít rau để trước cửa nhà cũng hết nhấp nháy. Một anh ở Hốc Môn làm y tá cho bệnh viện trong quận Năm. Có giấy thông hành đi đường mỗi ngày nên anh nhân tiện chở rau muống ruộng, rau cải vườn vào bán cho đồng nghiệp.
Gia đình anh nhân viên văn phỏng tạm yên tâm với tủ lạnh nhét chặt không còn chỗ thở, đồng thời cũng tránh việc phải ra ngoài mỗi ngày đi mua thức ăn. Góc bếp chất đầy gạo, nước mắm, nước tương, dầu ăn, đường, thùng mì gói, tã em bé, sữa, bột giặt… và cả nước ngọt. Rau quả gói giấy báo xếp dưới đất cho mát chắc là không thể giữ quá một tuần. Rau không thể trữ lâu. Vì thế đây là mặt hàng lúc nào nhu cầu cũng cao. Thực phẩm đắt quá lại khó mua. Rau tươi đắt gần với thịt, cá. Anh nhân viên lo xa: “Không biết hết đợt phong tỏa này có tiếp đợt khác nữa không nên thực phẩm dùng tới đâu lại mua tiếp tới đó”.
Chợ búa không họp, hàng quán đóng cửa, ngại xếp hàng siêu thị, khó ra ngoài vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt…, thế mà không hiểu sao mấy bà nội trợ trong xóm không rành smartphone vẫn tìm ra được những mối mua bán thực phẩm một cách dễ dàng mau chóng. Mới sáng sớm, một thanh niên vút qua giao bốn ổ bánh mì nóng hổi cho hai gia đình. Hồi nữa một chị ghé xe tới giao hàng đặt hôm trước và thông báo hôm nay có cá tươi mới cập bến (?), mấy bà nhao nhao hỏi có cá bông lau không, cá mú, tôm đất…
Rạng sáng ngày đầu tiên của nửa tháng phong tỏa. Thành phố yên ả. Ở góc phố có thau xôi trên chiếc xe đạp, một xe máy chất thúng rau cải… Mua, bán gấp rút trước 7g sáng là giờ làm việc của nhân viên công quyền.
Tiệm tạp hóa mấy ngày đầu phong tỏa đóng cửa kín mít. Tiếp theo hé cửa hí hí, ai muốn mua gì lại gần thì thào xong rút ra xa đứng ngó lơ đợi lấy hàng với vẻ không quen biết gì nhau.
Trời chưa rạng sáng đi siêu thị, giả thực phẩm tươi đắt hơn ngày thường chút đỉnh nhưng vẫn rẻ hơn bên ngoài. Có điều mất công sắp hàng mà chưa chắc đã được vào. Vào đến nơi thì nhiều kệ trống rỗng hoặc các mặt hàng rau quả đã vơi gần hết, chỉ còn ít cà chua, khổ qua, rau cải… héo quắt. Kể cả các mặt hàng khác như sữa tươi, xúc xích, nước ngọt, dầu ăn, nước mắm… cũng cạn.
Dù vậy, cửa hàng vẫn còn khá nhiều loại trái cây mắc tiền như sầu riêng, kiwi, nho, táo… Ngoài ra, khách vẫn mua được thịt nhập khẩu, hải sản đông lạnh…
Dân chúng được trấn an hàng không thiếu, chỉ là không kịp đổ hàng vào.
Giữa buổi sáng, một cửa hàng thực phẩm lớn kéo sập cửa cuốn, ngoài cửa là những thùng hàng rỗng xếp cao ngất. Một cửa hàng khác liên tục đóng cửa nguyên ngày không lý do, chỉ treo tấm bảng “Ngày mai mở cửa từ 6g đến 18g”. Không biết siêu thị hết hàng hay thiếu nhân viên vì có người bị cách ly.
Nông sản từ nông thôn chuyển đi các nơi qua bao nhiêu gập ghềnh. Thời gian chờ đợi xét nghiệm âm tính quá lâu, quá đắt, thời hạn có giá trị lại ngắn,. Có bác tài đang trên đường đi thì giấy xét nghiệm hết hạn, tới trạm kiểm soát, xin đi tiếp một đoạn đến trạm y tế để test nhưng không được đành phải quay đầu xe ngược lại trạm y tế vừa đi qua. Có trường hợp phải thay tài xế giữa đường dài. Hôm nay tờ thông hành đó được bỏ rồi. Xe chở gà con, thức ăn gia súc bị chăn lại vì không phải là mặt hàng thiết yếu. Về phẩn chủ xe, chi phí vận chuyển tăng cao, về phần tài xế, nhiều thủ tục rắc rối gây nản lòng.
Hành trình khó khăn khiến hàng tươi hư hỏng nhiều, chi phí vận chuyển tăng cao. Dân thành phố mua thực phẩm giá đắt trong lúc nhiều vùng nông thôn, nông dân phải chặt bỏ nông sản làm thức ăn gia súc hay làm phân bón. Không kể có nơi lệnh phong tỏa hạn chế nông dân ra đồng.
Kinh nghiệm mới đây được rút ra là tổ chức bán thực phẩm qua xe lưu động, trong bưu điện, nhà thuốc, chuỗi cửa hàng chuyên doanh hàng mẹ và bé… Bán theo combo từng bọc 5kg…
Mọi người cũng không hiểu lắm tại sao cấm người chuyên nghiệp bán thực phẩm để nhân viên nhà thuốc, thường là dược tá hoặc nhân viên shop… bán thay; hoặc thay vì chợ búa được sắp xếp chặt chẽ tại đúng vị trí của nó hơn là bưu điện, cửa hàng bán đồ dùng em bé…?
Thành thử chợ búa buộc sẽ phải mở lại.
SGCN
***