Vì sao Tả Quân Lê văn Duyệt xuất thân thái giám nhưng khi mất
lại nằm cùng bà Phu Nhân ?
Từ lâu người Sài Gòn, Gia Định,Chợ Lớn xem Tả Quân Lê văn Duyệt
là một vị thần có hơi hám tâm linh dân gian...Đây là một hiện tượng độc nhứt vô
nhị.
Các dịp Lễ Tết số lượng người đi Lăng Ông đông gấp nhiều lần
đình chùa, ngày thường khách vẫn nườm nượp nhang khói không lúc nào nguội lạnh.
Ngày Tết Nguyên Đán đầu năm trong tiết tháng Giêng se lạnh, khi
mà Trời Đất giao hòa cùng lòng người thì bá tánh thích ghé Lăng Tả Quân đặng
cầu nguyện cho một năm an bình, tài lộc...
Sài Gòn còn có mộ và đền thờ của Võ Tánh,Trương Tấn Bửu, Võ Di
Nguy nhưng đông nhứt vẫn là Lăng Ông Bà Chiểu. Gần đó có đền thờ Trần
Hưng Đạo nhưng dân Nam Kỳ ít khi lui tới .
Dân gian coi ông như thần và tế lễ ông tại lăng mang nghi thức
thờ thần. Nghi lễ cúng kiếng tại lăng pha trộn giữa nghi lễ thờ cúng ông bà, tổ
tiên của người Nam Kỳ với nghi lễ cúng thần.
Người Việt cúng trái cây,bánh và nhang đèn. Người Hoa cúng heo
quay theo tục của họ.
Vì ngày xưa Tổng Trấn làm cho Sài Gòn ,Nam Kỳ giàu
mạnh nên nhiều người Việt lẫn Hoa coi ông là Phúc Thần ,thành ra cúng tế ông là
cầu xin ,đó là lẽ thường xuất phát từ tâm tưởng của người dân
Xin bắt đầu vài dòng về những ngày xưa
Năm 1760 ông Lê Văn Hiếu cùng vợ chồng con trai ông bà là ông bà
Lê Văn Toại rời Quảng Ngãi theo ghe bầu vô Nam Kỳ và tới vùng Mỹ Tho,sau định
cư tại Vàm Trà Lọt
Ông Lê Văn Toại và bà Nguyễn Thị Lập sanh ra con trai Lê Văn
Duyệt ở đây
Ông Lê Văn Toại sanh được 4 con trai,ông Duyệt là con thứ
hai,con trưởng
Tương truyền, từ năm 14, 15 tuổi ông Lê Văn Duyệt thường tự
than: “Sanh ra ở đời loạn mà không dựng cờ nổi trống làm đại tướng, để công
danh trên thẻ bạc, thì chẳng đáng làm mặt trai!”.
Năm 1765 gia đình này dời nhà qua bên Long Hưng sanh sống
Năm 1780 trong đêm mưa gió,Tây Sơn truy sát chúa Nguyễn Phước
Ánh đã chạy từ Gia Định về Mỹ Tho tới vàm Ông Hổ và ghe chèo bị mắc cạn .Ông Lê
Văn Toại chèo ghe ra cứu chúa Nguyễn và tùy tùng đem về nhà mình trú tạm
Sau thấy ông Duyệt lanh lẹ,cũng khỏe mạnh,chúa trả ơn gia đình
họ Lê bằng cách nhận con trai họ là Lê Văn Duyệt cho đi theo cùng đặng làm thái
giám nội cung
Sử Nguyễn chép Lê Văn Duyệt tuổi thơ không chịu học hành mà chỉ
thích bắt chim, đánh cá,đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe chơi trò
tập trận
Đại Nam liệt truyện cho biết “ông mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn,
có tài lực”, và mắc bệnh “ẩn cung hình” từ lúc mới sanh.
Ẩn cung hình tức bộ phận sanh dục quá nhỏ và hình như con tằm
không thể sanh con được
Nhiều nhà sử học nói ông không có bộ phận sanh dục nam ,có người
nói đó là tật "ẩn tinh hoàn"
Chữ " ái nam ái nữ" là chữ không chính xác với một
nhân vật lịch sử
Trích "Nhật ký hành trình" của John White ,London
1824, tr. 236:
"Tổng Trấn Sài Gòn nghe lời người ta nói là một hoạn quan.
Trông hình dáng của ông đã chứng minh khá rõ tiếng đồn này. Ông ấy khoảng 50
tuổi , có cái nhìn thông minh. Ông có vẻ hoạt động mạnh về thể chất & tinh
thần
Gương mặt tròn , nhẳn , không râu. Riêng giọng nói rất chát tai
, giống tiếng đàn bà. Còn y phục của ông ta giản dị giống như y phục của người
nghèo .."
Theo mô tả thì ông không có râu,giọng hơi chát,tức là âm hơi
bổng, nội tiết tố nam testosterone hơi bị ít
Từ thái giám ,ông được làm cai đội nội cung,rồi tham gia đánh
trận
Dũng cảm và quyết đoán,ông đánh trăm trận trăm thắng .Nổi danh
trận Thị Nại Quy Nhơn
Tả Quân Tổng Trấn Lê Văn Duyệt gan dạ,lập nhiều chiến công vào
bậc nhứt khai quốc công thần thời Gia Long
Ông từng giữ chức Tổng Trấn Gia Định Thành 2 lần: từ 1812 đến
1815 (triều vua Gia Long) và từ 1820 đến 1832 (đời vua Minh Mạng)
Tả Quân lúc uy quyền, tuy chữ ít nhưng lòng người ai cũng kính
phục, gọi ông là Ông Lớn Thượng, là Lê Thượng Công
Ông là người giỏi quân sự lẫn chánh trị, ngoại giao,là một vị
quan nghiêm khắc, thanh liêm
Dù quyền hành lớn, ông không hề hiếp đáp kẻ dưới, hoặc tìm mọi cách để tư túi riêng.lính của ông có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bóc dân gian
Vì bất đồng cách trị quốc với vua Minh Mạng nên ông vua này để
bụng với ông Duyệt nhưng do Lê Văn Duyệt có quyền uy lớn trong triều đình nên
vua Minh Mạng không làm gì được
Nên hiểu ông Duyệt là thủ lãnh thế lực Nam Kỳ thời đó,phe Nam Kỳ
góp phần cho nhà Nguyễn trung hưng,Nam Kỳ giàu có ,nạp thuế,góp lúa gạo nhiều
nhứt cho Huế
Tả quân Lê Văn Duyệt được vua Gia Long tin tưởng giao như như
phó vương Nam Kỳ tự trị,vua Gia Long nhờ dân Nam Kỳ mà trung hưng nhà
Nguyễn,sống mấy chục năm ở Nam Kỳ nên vua hiểu bụng dạ người Nam Kỳ,cái tánh
hảo sảng nhưng cũng rất tự do ,Nam Kỳ tuy nhìn là dễ tánh nhưng thực sự rất
khó,nguyên tắc rất chặt
Thời của ông Tả Quân cai quản thì đất Gia Định-Nam Kỳ tự do kinh
tế thị trường,doanh nhân ngoại quốc Tây -Tàu bán buôn,truyền giáo tự do
Thời Minh Mạng cương vực lãnh thổ Đại Nam bao trùm Lào và Cam
Bốt ,công của phe Nam Kỳ rất lớn vì góp của cải,lương thực vào chuyện đó
Sanh thời vua Minh Mạng không sợ ai ,ông nắm quyền tột đỉnh ở
Huế,nhưng lại cảm thấy phe Nam Kỳ có thể uy hiếp triều đình
Lịch sử tréo ngoe ở chổ khi thạnh quá thì sẽ suy.Chánh trị mà,đó
là quyền lợi của Nam Kỳ và Huế đã có sự mâu thuẩn nhau
Vua Gia Long vì được người Tàu Minh Hương giúp trung hưng nhà
Nguyễn nên ông có chánh sách “nhẹ tay” , Minh Hương được miễn lao dịch và miễn
thuế thân.
Năm 1824, Minh Mạng buộc tất cả người Tàu di cư phải đóng thuế
thân kể cả người Minh Hương ,Lê Văn Duyệt phản đối
Lê Văn Duyệt cũng chống lịnh cấm đạo Thiên Chúa ,chống chủ
trương trọng nông ức thương của Minh Mạng.Minh Mạng chủ trương triệt luôn quyền
tự trị của người Chàm ở trấn Thuận Thành ,ông Duyệt cũng chống
Khi ông Duyệt còn sống,biết lão thần có uy tín lớn nên vua làm
ngơ,khi ông Duyệt vừa qua đời thì vua Minh Mạng ra tay
Chờ sau khi Tả Quân Lê Văn Duyệt mất vào năm 1832 việc đầu tiên
của vua Minh Mạng là phá hết thế lực,phe cánh của Tả Quân ở Gia Định và đặt
quan cai trị trực tiếp
Vua Minh Mạng triệt phiên bớt thế lực của Tả Quân,bỏ quy chế tự
trị của Gia Định trấn,lập tỉnh trực thuộc Huế,áp dụng chánh sách thắt chặt kinh
tế ở Nam Kỳ nên đã bị Nam Kỳ phản ứng chống đối
Những cái này ông Duyệt còn sống lại cho tự do
Quan từ Huế vô,việc đầu tiên là khám tư dinh và truy xét tài sản
của Lê Văn Duyệt,sau đó có những cử chỉ bất kính với người vừa mất
Tổng đốc Nguyễn Văn Quế ,bố chánh Bạch Xuân Nguyên và án sát
Nguyễn Chương Đạt sai dựng lên một vụ án xử Lê Văn Duyệt
Người Minh Hương,người Công giáo,điền chủ,quan lại Nam Kỳ bất
bình
Đêm 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), con nuôi Tả Quân là Lê Văn
Khôi cùng 27 lính hồi lương đột nhập dinh Bố Chánh giết cả nhà Bạch Xuân
Nguyên.
Quan Tổng đốc Nguyễn Văn Quế cũng bị giết
Tới ngày 7 tháng 6 năm 1833,quân binh biến chiếm cả Nam Kỳ lục
tỉnh một cách dễ dàng,Huế rúng động
Dân Nam Kỳ ủng hộ vang trời
Phe Lê Văn Khôi bao gồm: Dân điền chủ Nam Kỳ,Cố đạo,giáo dân
Công giáo , người Tàu bốn bang –kể cả con cháu Mạc Cửu ở Hà Tiên ,con cháu
Thoại Ngọc Hầu,người Miên (Con trai ông Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn) ,Tiểu vương
Chàm ở trấn Thuận Thành (Bình Thuận) một số người dân tộc ở Tây Nguyên cũng có
dính líu
Chúng ta nên nhìn kỹ,cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi bắt nguồn từ
chính sách triệt phiên ,cấm đạo và bế quan tỏa cảng của vua Minh Mạng.ở Nam Kỳ
,nó là mâu thuẩn chánh trị giữa Nam Kỳ mà Tả Quân là thủ lãnh và triều đình Huế
mà vua Minh Mạng là đại diện
Cuộc binh biến thách thức vua Minh Mạng trong hơn 2 năm từ 1833
tới 1835
Và trong thế bị ép,Lê Văn Khôi làm binh biến,vua Minh Mạng sau
đó dẹp được nhưng Huế cũng một phen xấc bấc xang bang và người ta đồn trong
thời gian đó vua Minh Mạng sợ Lê Văn Khôi hành quân thốc ra đánh úp Huế nên đem
vàng bạc chôn rất nhiều nơi ở Huế
Lê Văn Khôi không đánh rốc ra Huế là một sai lầm,để triều đình
có thì giờ đem quân vào Nam ,trước tiên là khủng bố giới điền chủ nuôi Lê Văn
Khôi
Vụ binh biến thành Phiên An của Lê Văn Khôi rốt cuộc bị triều
đình dẹp yên
Cả thảy 1.831 người trong thành đều bị chém đầu và vùi xác chung
trong một hố ở Đồng Tập Trận mà vua Minh Mạng gọi là Mả Ngụy-Mả Biền Tru
"Chiều giông Mả ngụy cũng giông.
Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây
Sống thời gươm bén cầm tay
Chết thời một sợi lông mày cũng buông
Thương thay Mả ngụy mưa tuôn..."
Trong đó có 800 người Tàu Nam Kỳ.Sử chép có một người tên “Bốn
Bang” trước khi chết để lại bài thơ lục bát dài 308 câu kể lại sự kiện gọi là
“Bốn Bang thư”,bài thơ này là của ông Lưu Hằng Tín
Xin nhớ, Bốn Bang không phải tên người nào riêng lẻ,là bốn bang
hội của người Tàu gồm Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam.Tức là hiểu
rằng có 4 bang hội Tàu hổ trợ tài chánh và nhơn lực cho Lê Văn Khôi
Triều đình áp giải về Huế xét xử và tử hình lăng trì,bêu đầu 8
người,cầm đầu -trong đó có Lê Văn Cù -con trai 7 tuổi của Lê Văn Khôi (Khôi đã
chết trước đó) ,một giáo sĩ Pháp tên Marchand (Cố Du), hai người Tàu tên Mạch
Tấn Giai (người Tiều) và con trai nhỏ của ông này , Lưu Hằng Tín (người
Quảng).Sau khi bêu đầu thì xác được đưa trả về Nam chôn
Sai lầm của Lê Văn Khôi khi đi cầu viện quân Xiêm vì thế tính
chánh danh đã không còn được sự ủng hộ của bá tánh Nam Kỳ
Sau khi chiếm thành Phiên An, chém 1.831 người chôn ở mả ngụy
–mả biền tru.Vua Minh Mạng cho phá thành xây laị thành nhỏ
Vua Minh Mạng đã san bằng mả của ông Duyệt và lôi nguồn gốc thái
giám của ông Duyệt ra miệt thị.Ngay tại mả Tả Quân vua Minh Mạng cho đóng tấm
bia đề chữ "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ“ (Đây chỗ tên hoạn quan
lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước”
Đến lúc Tả quân Lê Văn Duyệt mất đi, vua Minh Mạng mới tuyên án
tội của Lê Văn Duyệt trên ngôi mộ của ông
Vì bị oan khuất,hạ nhục mà dân lại còn thương nhiều hơn,từ tình
cảm tới tâm linh,thành linh thần Gia Định
Lăng Ông linh thiêng trong lòng dân Nam Kỳ,người Tàu Chợ Lớn kêu
là Lăng của phò mã gia gia,nghĩa là lăng cha ông phò mã (Cha thừa kế của phò mã
Lê Văn Yên-ông này là cháu ông Duyệt,con ông em Lê Văn Phong )
Tương truyền tướng tinh của Tả Quân là con cọp ,khi còn sống lúc
ngủ thì ban đêm có người thấy có bóng dáng con cọp hiện ra chợp chờn ở bên cạnh
Vì Tả Quân có danh vọng với Nam Kỳ, cho tự do thông thương,kinh
tế thị trường,tự do truyền đạo,có tầm nhìn của một người Nam Kỳ mở ,lòng dạ
thoáng ,tầm nhìn rộng đã bị hạ nhục ngay cái mả-chổ chôn nấm xương tàn của mình
Suốt mấy chục năm khu mả của ông hoang vắng không ai dám đi qua
,truyền rằng đêm xuống nghe quân reo ngựa hí,có ma khóc lóc ở đó
Dân Gia Định cả Việt lẫn Tàu đều đau thương
Tả Quân Lê Văn Duyệt càng bị hạ nhục,bị xử khi đã chết thì cái
tiếng linh của ông càng lan rộng trong dân gian
Dân kể giai thoại rằng những năm 1950 vua Thành Thái dịp Tết nọ
lơn tơn đi chơi Lăng Ông,có ai đưa cho cựu hoàng cây nhang ,ông nói rằng:”Nó
(Ông Duyệt) phải lạy tao chứ tao không lạy nó”
Có chuyện truyền rằng vua Thành Thái vào Nam Kỳ đi ngang Lăng
Ông thì xe hơi bị chết máy, Thành Thái phải sai bỏ cái xiềng trên mộ ông mới nổ
máy được (Nhưng thực tế cái xiềng ấy đã được bỏ đi từ đầu đời Thiệu Trị )
Lăng Ông linh thiêng trong lòng dân Nam Kỳ,người Tàu Chợ Lớn kêu
là Lăng của phò mã gia gia,nghĩa là lăng cha ông phò mã
Kế bên mả vợ chồng Tả Quân người dân xưa dựng lên 上公廟 “Thượng Công
miếu” từ 1841 , không ngày nào là không có người đến cúng kiếng bánh trái,nhang
đèn
Đó là lòng dân,dân thương nên dân cúng
Còn vì sao xuất thân là hoạn quan mà Tả Quân lại có Phu Nhân và
lăng ngày nay có hai ngôi mộ song táng kế bên?
Tả Quân phu nhân tên là Đỗ Thị Phận
Đọc "Sài Gòn năm xưa" ông Vương Hồng Sển chép rằng :
"Nghe nói lại, lối năm 1885, thì chợ cũ ở vào xóm nhà dưỡng
đường Chợ Rẫy, nay chỉ còn trơ lại một danh trơn và đây có lẽ là một chợ hồi
đời trước, đến trào Pháp lại dẹp đi. Trước dưỡng đường Chợ Rẫy, xưa kia có một
ngôi mộ cổ bằng vôi, kiểu chạm trổ rất khéo, tương truyền là của một ông hầu
tứớc họ Đỗ (Tombeau du marquis de Đỗ)
Trường Viễn Đông Bác cổ đã xin liệt kê làm cổ tích,nhưng chủ đất
là người có thế lực, một hai xin phá để cất phố xá và viên Toàn quyền Decoux
ưng lời, thiệt là rất tiếc cho một cổ tích không có người ủng hộ
Mộ phần họ Đỗ này có dính líu với Tả quân phu nhơn, tên tộc là
Đỗ Thị Phẫn. Tương truyền khi Lê Tả quân bị tội, phu nhơn về ngụ nơi xóm Chợ
Rẫy, trong một ngôi chùa Phật, do bà mẹ năm xưa đứng tạo lập tục danh là Chùa
Bà Dội." (Hết trích)
Tức là khúc Chợ Rẫy là đất của bên ngoại nhà bà Đỗ Thị Phẫn,chùa
Bà Đội là chùa của má bà lập ra
Chúng ta chỉ có một chi tiết mơ hồ về Tả Quân phu nhân Đỗ Thị
Phận
Vào năm 1900, bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng và lúc đó còn mả
họ Đỗ,còn chùa Bà Dội là chùa nào tới nay chưa xác định được
Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt vốn là thái giám,sanh ra
có tật "ẩn cung" nhưng trưởng thành trong chiến trận
Sử thần triều Nguyễn viết “Chư tướng thời trung hưng chỉ có
Duyệt cùng Nguyễn Văn Trương đánh giặc không thua trận nào”.
Ông Tả Quân tánh rất nóng và có học vấn hạn chế
Sau 1802 ông Lê Văn Duyệt là Đệ Nhứt Khai Quốc Công Thần của nhà
Nguyễn ,vua phong ông là Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân,tước
Quận Công
Sau đó vua Gia Long ban vợ cho Tả Quân Lê Văn Duyệt
Sử không ghi dòng nào về bà vợ họ Đỗ này
Trong truyện ngắn "Đức Tả Quân" của Phạm Hữu Hoàng có
ghi là " Bấy giờ trong triều có nàng Đỗ Thị Phận, là ái nữ quan Thượng bảo
khanh Đỗ Phiên. Đỗ Thị Phận dung nhan xinh đẹp, giỏi về y thuật, tính tình
nghiêm nghị"
Thượng bảo khanh thời Gia Long là quan trật Tòng tam phẩm.Tuy
nhiên chưa tra ra ông Thượng bảo khanh Đỗ Phiên là ai
Nhưng bà Đỗ Thị Phận này có lẽ cũng là con quan và vào cung làm
cung nữ .Thời xưa bà Từ Cung Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc mới vô cung cũng làm
cung nữ hầu hạ đó thôi
Nhà vua ban hôn cho Tả Quân với bà Đỗ Thị Phận ,tức bà Đỗ này
làm phu nhân Tả Quân ,cả hai người phải chấp nhận
Vua Gia Long đổi tên bà Đỗ từ Phận ra Phẫn
Chữ 墳 phẫn có nghĩa cao lớn,đất nhô lên. Đỗ Thị Phận thành Đỗ
Thị Phẫn,tên được vua ban cho luôn ,quá vinh dự
Trong "Đức Tả Quân"Phạm Hữu Hoàn tả tâm trạng đêm hợp
cẩn vợ chồng nghe rất có lý ,chồng là thái giám,vợ cung nữ và họ rất tôn trọng
nhau về lý trí
(Trích)
"Đỗ Thị Phẫn mặc áo tân nương, khăn đỏ rũ che mặt ngồi trên
ghế đợi. Tả quân bước vào, tới ngồi ghế đối diện.
Tả quân lên tiếng, rành rọt:
– Nàng là nương tử vua ban. Nhưng ta không thể cùng nàng chăn
gối. Mong nàng hiểu cho. Đây là phòng riêng của nàng, cần gì cứ nói với ta
Lời vừa rồi của Tả quân làm Đỗ Thị Phẫn giảm bớt căng thẳng.
Không ngờ Tả quân thẳng thắn, dứt khoát như vậy. Mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng
hơn. Nàng bớt lo âu như lúc bước vào dinh thự của Tả quân trong tiếng pháo nổ
đón dâu. Lê Văn Duyệt gọi hai tỳ nữ vào căn dặn chăm lo cho nàng, rồi đi ra
ngoài.
.........
Trong cuộc sống hằng ngày, Lê Văn Duyệt không để Đỗ Thị Phẫn
thiếu thốn điều gì. Những lễ hội cung đình, Tả quân đều đưa phu nhân đi dự.
Việc hiếu nghĩa cả hai phía, Tả quân đều lo chu toàn. Mỗi khi có việc quân phải
đi xa lâu ngày, Tả quân tin cậy căn dặn vợ quán xuyến việc nhà
Đỗ Thị Phẫn quen dần với cuộc sống mới
Càng gần gũi, nàng thấy Tả quân không như những gì mường tượng
ban đầu
Người chồng chưa bao giờ đồng tịch đồng sàng luôn cảm thông và
hết sức tôn trọng nàng. Qua nhiều lần hàn huyên tâm sự, ít nhiều đã có sự gắn
bó."(Hết trích)
Thuyền theo lái,gái theo chồng
Tả Quân phu nhân gắn bó với chồng mấy chục năm,bà là người hiền
thục đoan chánh,lo từng chút cho chồng từ miếng ăn tới giấc ngủ,ông là người
liêm khiết và sĩ diện
Năm 1832 Cọp Gấm Đồng Nai Lê Văn Duyệt lìa đời khi đương chức
Tổng Trấn Gia Định Thành tại tư dinh của ông ở khu dinh Độc Lập ngày nay
Trần Bảo Định trong "Kệ kinh trong lòng người" viết
lại giây phút vợ lìa chồng như sau:
" Ánh bạch lạp không đủ sáng để soi thủng bóng tối đêm
cuối, phu nhân Đỗ Thị Phẫn quỳ bên giường bịnh lắng nghe lời trăn trối của
chồng:
- Nếu, một mai ta đi về cõi khác, phu nhân quay lại xóm Rẫy xưa,
nơi mẹ trước kia đã tạo lập ngôi chùa Phật, tục danh chùa Bà Dội mà nương
náu...
Gió rít tường thành dữ dội, tiếng mưa át cả lời người sắp ra đi
và những hạt mưa đêm không thấm thấu nổi những giọt nước mắt của phu nhân Tổng
trấn Gia Định thành
- Nàng đừng tiếc thương ta, bởi ta chỉ là kẻ yêm hoạn tầm
thường... ta không thể... thiệt là, vô cùng có lỗi với phu nhân
Minh Mạng đầu nuôi chí cả, óc thông minh, trái tim còn nóng hổi,
chưa lạnh lùng...tuy bụng dạ có hẹp hòi đố kỵ...
Ta tin rằng, Minh Mạng sẽ trả thù ta, nhưng với phu nhân chắc là
không. Bởi, Minh Mạng thừa biết ta với nàng chỉ là phu thê trên danh nghĩa...
"
Tả Quân mất ngày 30 tháng 7 năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 8
năm 1832) hưởng thọ 69 tuổi
Tả quân còn có hai cô hầu rất thương ,bằng chứng ngày nay mé
ngoài vòng thành Lăng Ông còn có mả hai cô hầu rất lớn.
Đêm 8/5/1833 Lê Văn Khôi làm binh biến chiếm thành Gia Định ly
khai triều đình Huế trong 2 năm trời làm Huế một phen thất kinh
Đại Nam Thực lục chép trước khi phát động binh biến, Lê Văn Khôi
có tới bẩm với bà Đỗ Thị bà đã khóc ròng nói: “Các ngươi làm thế thì chắc chắn
Thượng công sẽ bị đào mả thôi".
Ngày 16 tháng 7 năm 1835, quân triều đình Huế chia làm 8 mũi,
tấn công ồ ạt vào thành Gia Định,vụ binh biến bị dẹp.
Vua Minh Mạng làm án xử Lê Văn Duyệt nhưng chừa Đỗ phu nhân ra
vì biết bà là vợ danh phận và không có con nối dõi.
Đỗ phu nhân về Chợ Rẫy sống ẩn dật, nhịn nhục ở chùa Bà Dội tới
chết.
Khi bà mất người nhà vạch rào ban đêm đem quan tài bà chôn kế
bên Tả Quân ở trong Lăng Ông Bà Chiểu. Lúc này mả bị đục bia,san núm, xiềng
xích và nhiều lời đồn về ban đêm ma quỷ gào thét vang trời .Người vợ đồng cam
cùng chịu hình phạt với chồng.
Ngày nay đi lăng Ông thấy mả Tả Quân và Phu Nhân họ Đỗ nằm song
song nhau ,ta biết hai ông bà chung thủy và sắt son với nhau
"Đạo nào bằng đạo phu thê
Tay ấp, má kề, sanh tử có nhau"
Tình nghĩa vợ chồng từ trong cách sống và sự tôn trọng nhau.
Người xưa có lòng sáng tợ mặt trời
Kết luận:
Chưa có ông tướng nào có được vị trí tâm linh như Tả Quân Lê Văn
Duyệt .
Chưa vua nào phong Thần cho ông, nhưng dân coi ông là Thần , coi
ông như Phước Thần của Sài Gòn, kêu nơi gửi nắm xương tàn của ông là
“Lăng Ông” ( Đức Tả Quân là người duy nhứt mà nơi yên nghỉ được dân thành
kính tôn xưng là “Lăng” ngang hàng với các Vua nhà Nguyễn ).
Sống làm tướng bách chiến bách thắng,sống làm quan thanh
liêm lo cho dân, chết làm Thần của dân
Có gì hạnh phúc hơn !?
Mang lễ vật cúng không phải là mê tín dị đoan, tục này có từ đời xưa với lòng tin "có kiêng có lành". Người Việt thờ tổ tiên, thường vẫn làm mâm cơm cúng giỗ ông bà, thì mang lễ vật cúng Tả Quân cũng như cúng ông bà vậy thôi .
Cúng Lăng Ông hay có xây chầu hát bộ. Đó là nét văn hóa đặc
trưng Nam Kỳ xưa cần giữ gìn .
Cầu khấn Tả Quân cũng không phải mê tín dị đoan,cũng chẳng phải
trả giá, trả treo gì với tiền nhân ,thực chất nó là niềm tin,là tình thương,là
sự gửi gắm lòng thành ,niềm tin của dân Nam Kỳ vào Tả Quân .Cái sự "linh
thiêng" và "linh ứng" là một đặc trưng ở đây mà các nơi khác
không có được.
Đốt giấy tiền vàng bạc ở Lăng Tả Quân thường là người Tàu ,đó là
tục của họ, họ cúng chùa Tàu cũng vậy mà thôi.
Lăng Ông Bà Chiểu đã trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ Thần
điển hình của người Nam Kỳ vùng Sài Gòn Gia Định, đồng thời cũng là biểu tượng
giáo dục tinh thần chánh trị cho thế hệ trẻ Nam Kỳ
Thông điệp là: Sống có chánh kiến, dám làm, dám chịu trách
nhiệm, tay gươm tay viết, biết ý thức đem lợi ích về cho Nam Kỳ, biết
phản và chết vẫn hiển linh bảo vệ xứ sở mình.
-Nguyễn Gia Việt-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét