Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

ĐÔI MẮT MÙA XUÂN

 


 BM

Nếu không nhờ đôi mắt ấy có lẽ tôi không bao giờ nhận ra vợ chồng người bạn trẻ, từng là ân nhân đã giúp tôi giữ được mạng sống của nhiều đồng đội và của cả chính mình, thời tôi còn lăn lộn trên chiến trường, khi lằn ranh sống chết nhiều khi còn mỏng hơn sợi tóc.

 

Cuối năm 1966, vừa rút quân ra khỏi Mật Khu Lê Hồng Phong, Phan Thiết, tôi dắt đại đội theo toàn bộ tiểu đoàn di chuyển lên Quảng Đức, tham dự một cuộc hành quân dài hạn nhằm truy lùng một đơn vị địch mới xâm nhập từ biên giới Miên-Việt. Cuộc hành quân kết thúc vài ngày trước Tết Nguyên Đán, nhưng tiểu đoàn có lệnh phải tiếp tục ở lại, biệt phái dài hạn cho Tiểu Khu Quảng Đức.  Tiểu đoàn (-) về nghỉ quân tại Đạo Nghĩa, một khu dinh điền do Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng lập nhằm định cư di dân từ miền Bắc sau Hiệp Định Genève, và cũng để tạo thành một vòng đai chiến lược. Riêng đại đội tôi được “solo” xuống tăng cường cho Chi Khu Kiến Đức, một quận hầu hết dân cư là người Thượng và tương đối mất an ninh. Quận trưởng lúc ấy là một sĩ quan lớn tuổi gốc Lực Lượng Đặc Biệt, người Kinh, tuy chỉ mang cấp bậc trung úy nhưng khá dày dạn, nhiều kinh nghiệm chiến trường. Các sĩ quan còn lại trong Chi khu phần đông là người Thượng, gốc Bảo An đồng hóa.


BM

Note: hình trong bài là minh họa


Sau một cuộc hành quân tảo thanh chung quanh khu vực, đại đội tôi về đóng quân bên cạnh Chi khu để binh sĩ ăn Tết. Nói vậy thôi, chứ lính đánh giặc thì có cái gì để mà ăn Tết, ngoại trừ được ăn cơm nóng thay vì gạo sấy lương khô. Riêng tôi, được ông quận trưởng biếu cho mấy lon bia và một gói đậu xanh với đường đen để nấu chè đón giao thừa. Tôi cho ban chỉ huy đại đội và trung đội vũ khí nặng đóng quân trên ngọn đồi thấp giữa một vườn cà phê khá lớn, nằm không xa quận lỵ. Ngọn đồi chỉ là một cái chấm rất nhỏ giữa trùng điệp những vòng cao độ trên tấm bản đồ quân sự đang có trên tay tôi, nhưng đây là một vị trí có xạ trường tốt và tầm quan sát bao quát chung quanh. Mặc dù chỉ còn hai ngày nữa là Tết, tôi vẫn lệnh cho đại đội luôn trong tư thế tác chiến. Ban ngày các trung đội tảo thanh chung quanh, tối tổ chức các toán tiền đồn và phục kích theo tin tình báo của Chi Khu.

 

Phía dưới chân đồi là con đường đất và bên kia đường là ngôi trường tiểu học. Trường chỉ gồm một dãy nhà cũ kỹ, mái tôn gỉ sét phủ đầy bụi đỏ. Đang mùa mưa, cả sân trường và các con đường chung quanh đều đầy bùn đỏ, nhão nhoẹt, nên bọn tôi cũng không muốn bước vào.


BM


Buổi chiều ba mươi Tết, khi đang nằm trên võng mơ màng, hồi tưởng đến những cái Tết ngày xưa, thời còn thơ ấu ở quê nhà, bỗng tôi nghe văng vẳng tiếng đàn và tiếng hát khá hay, đặc biệt giọng hát không có chút âm hưởng gì của một người sắc tộc, tôi tò mò rủ thêm hai chú lính rảo bước xuống chân đồi, đi vào trường, tìm đến nơi phát ra tiếng hát. Khi thấy bọn tôi lấp ló ngoài cửa, một thanh niên cầm đàn bước ra cười chào mừng rỡ, mời vào phòng.


Trông anh còn rất trẻ như một thư sinh, nên tôi khá ngạc nhiên khi nghe anh tự giới thiệu mình là hiệu trưởng, và căn phòng lớn nguyên là một lớp học được sửa sang lại làm chỗ ở cho anh. Trong phòng đang có một đám học trò, toàn là người Thượng, cả nam lẫn nữ. Bọn tôi đưa tay chào và mời thầy trò cứ tiếp tục cuộc vui. Anh hiệu trưởng yêu cầu tôi hát tặng thầy trò anh một bài, nêu lý do đám học trò hồi giờ chỉ nghe có mỗi giọng hát của anh nên cũng chán.


Tôi khó từ chối, nên gật đầu nhờ anh dạo đàn rồi đứng lên hát bài “ Con Đường Mang Tên Em” , bài ruột của tôi khi ấy, vì cứ mỗi lần nghỉ quân, lính tráng thường năn nỉ “ông thầy hát bài rất tình này cho tụi em nghe để thấy đời còn lên hương một chút.” Trong những ánh mắt của các cô cậu học trò chăm chú nhìn lên, tôi bỗng lưu ý tới một đôi mắt đẹp, mở to, xanh biếc. Cô bé khoảng 14 – 15, có khuôn mặt khá xinh, mái tóc rối, màu nâu đỏ, mang nét hoang dại của núi rừng. Tiếc rằng ngày ấy không có máy ảnh, và tôi lại dốt về vẽ, nên chẳng giữ lại được hình ảnh đặc biệt của đôi mắt này, nhưng rồi nó vẫn ở mãi cùng tôi trong ký ức.


BM

https://www.youtube.com/watch?v=VmdisGzxLQE


Ông thầy giáo trẻ luôn tỏ ra mừng rỡ, vồn vã. Có lẽ từ khá lâu rồi anh mới gặp lại những người Kinh. Anh ngưng hát, bảo đám học trò phụ anh làm thịt một con gà, nấu cháo đãi bọn tôi. Tôi xin cho bọn tôi được góp phần. Tôi nhờ chú lính chạy về lấy mấy ký gạo, một xâu bia, và gói đậu xanh cùng những thỏi đường đen của ông quận mới cho. Một buổi tiệc dã chiến xem như mừng giao thừa sớm, cũng vui và cảm động. Kể từ hôm ấy, tôi trở thành bạn của anh thầy giáo hiệu trưởng, có tâm hồn nghệ sĩ và rất dễ thương này. Quê anh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Sau khi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp anh thi vào một Khóa Sư Phạm Cấp Tốc và chỉ học một năm thì tốt nghiệp. Chờ khá lâu mà chưa tìm được chỗ dạy, hơn nữa nhà nghèo, cần phải phụ giúp mẹ già lo cho hai đứa em nhỏ đang tuổi học hành, anh tình nguyện lên “vùng cao” nhận ngôi trường này, một nơi mà ai cũng chê. Vài người được chỉ định nhưng tìm cách chạy chọt để được ở lại hay chuyển về nơi khác. Nhưng bù lại, trong cùng khóa sư phạm mới ra trường, anh là người đầu tiên được nhận chức danh hiệu trưởng, ngoài ra còn được phụ cấp thêm một số tiền “đắt đỏ, vùng cao”. Anh ở đây đã tròn một năm.  Tháng ngày gần như chỉ ở trong trường, làm bạn với đám học trò, hầu hết nói tiếng Việt chưa thông và hoàn toàn khác phong tục, tập quán.


BM


Nhưng cũng nhờ cuộc sống hiu quạnh giữa núi rừng này, lương tháng nào anh cũng còn nguyên để gởi về phụ mẹ, giúp các em ăn học. Học sinh không nhiều, có khi hai lớp khác trình độ phải dồn lại học chung. Ngoài công việc hiệu trưởng, anh còn phải dạy thêm lớp Nhì và lớp Nhất, nhưng cũng chỉ gần hai mươi học sinh được gộp lại thành một lớp. Có đứa đi học trễ, nên dù cùng lớp nhưng tuổi tác khá chênh lệch nhau.

 

Từ khi quen biết anh, lúc nào không bận hành quân, đặc biệt những dịp cuối tuần tôi đều ghé lại trường ca hát, ăn uống với anh. Dù vậy, tôi cũng cẩn trọng, không dám cho anh vào gặp tôi trong khu vực đóng quân.

 

Điều vui là lần nào ghé lại, tôi cũng gặp vài cô học trò xúm xít bên anh, giúp anh dọn phòng, nấu nướng. Trong số này có cô bé mang nét đẹp hoang dại với đôi mắt to, xanh biếc, từng làm tôi bất ngờ xao xuyến. Nhờ có thầy trò anh mà những ngày sống giữa núi rừng đất đỏ buồn hiu này trở nên thú vị. Tôi còn học được một số tiếng Ê-đê và vài tập quán khá lạ lẫm của họ. Đặc biệt khi sống gần họ, những con người hiền lành chân chất ấy, tôi cảm thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng yên ả, tạm quên phía trước đang có nhiều trận chiến đẫm máu đang chờ.


BM


Một hôm, khi trời sắp tối, anh thầy giáo nhờ một người lính nhắn tôi ra gặp anh gấp. Thấy anh có vẽ bồn chồn, lo lắng, trên môi không còn nụ cười vui vẻ như trước đây, tôi ưu tư, không biết có chuyện gì. Anh kéo tôi vào trong phòng, đóng kín cửa lại, bảo nhỏ cho tôi biết là một đám Thượng cộng sẽ tổ chức pháo kích và tấn công vào khu vực đóng quân của tôi, có thể ngay trong tối hôm nay. Anh bảo chính cô bé học trò có đôi mắt đẹp ấy, vừa chạy vào cho anh biết để báo tin gấp cho tôi. Cô bé cũng tỏ ra lo lắng lắm. Một người bạn của cô có cha mẹ quen biết, dính dáng đến đám Thượng cộng này. Tôi bắt tay cám ơn rồi vội vàng trở về đại đội, lệnh cho im lặng vô tuyến và âm thầm rời khỏi vị trí, di chuyển đến đóng quân tạm tại một địa điểm khác cách đó không xa, báo cho ông Chi khu trưởng biết, để có kế hoạch đề phòng, và cho Pháo Binh một số tọa độ tiên liệu để yểm trợ khi cần thiết.


Và đúng như vậy, vào khoảng một giờ khuya hôm ấy Cộng quân đã pháo kích vào ngay vị trí Ban Chỉ Huy Đại Đội của tôi trên đỉnh đồi trong vườn cà phê, nơi tôi vừa rời khỏi, bằng hai khẩu súng cối 82 ly, bắn đi từ hai hướng. Tôi đã may mắn, kịp thay đổi phòng tuyến để đánh lừa, và có kế hoạch bao vây chúng, nhưng không hiểu vì sao chúng không tổ chức tấn công, nên đại đội tôi đã mất một dịp lập chiến công. Pháo Binh của Chi Khu phản pháo kịp thời, nhưng không hiệu quả, có lẽ không biết chính xác vị trí hai khẩu pháo của địch. Sáng hôm sau, trở lại vị trí, tôi giật mình khi thấy đạn pháo đã cày nát vị trí đóng quân của mình. Ngay chỗ tôi nằm, bây giờ trở thành mấy cái hố sâu, cỏ cây tung tóe.


BM


Tôi kể cho ông quận trưởng biết sự tình. Ông cho mời anh thầy giáo vào quận khen thưởng và đãi anh cùng bọn tôi một chầu. Nhưng anh bảo, công này không phải của anh, mà là của cô học trò người Thượng. Hôm sau, chính tôi đã mang quà của ông Quận đến kín đáo trao cho cô bé, nói nhỏ lời cám ơn, và cùng ăn uống hát hò với thầy trò suốt ngày hôm ấy.

 

Khoảng năm tháng sau, đại đội tôi có lệnh rời khỏi Kiến Đức. đến phi trường Nhơn Cơ, sáp nhập với tiểu đoàn, để được không vận về Di Linh tiếp viện cho một đơn vị Biệt Động Quân bị địch quân phục kích và đang tăng cường vây hãm. Tôi chỉ kịp ghé lại trường vài phút để vội vã chia tay anh. Tôi mang tặng anh tấm poncho-light (loại chăn đắp rất mỏng và nhẹ) của một anh Cố vấn Mỹ đã tặng tôi trước khi về nước. Anh bảo sẽ rủ đám học trò ra ngã ba, nơi đoàn xe đang chờ, để tiễn tôi đi, nhưng tôi ngăn lại, không cho, bảo là không còn nhiều thời gian và tôi cũng rất bận với đồng đội của mình.


BM


Tiểu Khu cho biết đã có một đại đội Bảo An mở đường, an ninh lộ trình, nhưng khi đoàn xe đến một ngã ba thì bị Cộng quân phục kích. Chiếc xe phía trước tôi bị giật mìn ngay chỗ đoạn đường đang sửa chữa. Tôi nhảy xuống khỏi xe vừa điều động phản công vừa gọi Pháo Binh yểm trợ và xin L-19 bao vùng. Mặc dù bất ngờ, và khoảng phân nửa một trung dội trên chiếc xe đầu bị giật mìn, bất khiển dụng, nhưng nhờ những người lính thiện chiến, can đảm, giàu kinh nghiệm, nên đại đội tôi kịp làm chủ tình hình. Khi đang đứng liên lạc tìm chiếc L-19 để hướng dẫn đến vị trí, một quả đạn súng cối rơi xuống cách tôi khoảng mấy mét, mảnh đạn đâm vào chân trái làm tôi có cảm giác tê buốt. Sau khi được anh y tá chich thuốc cầm máu, sát trùng và băng bó, tôi giao đại đội lại cho anh đại đội phó, và thay vì đi đến phi trường Nhơn Cơ, tôi được tản thương cùng các thương binh khác về bệnh viện tỉnh Quảng Đức ở Gia Nghĩa. Trưa hôm sau, Ông Chi Khu Trưởng Kiến Đức đến thăm, chở theo anh thầy giáo và cô học trò người Thượng đã từng giúp tôi một lần thoát chết trước đây. Cả hai người đã ôm chầm lấy tôi mà khóc, làm tôi cũng chạnh lòng.


BM


Sau vài ngày, tôi được chuyển tiếp xuống QYV Nguyễn Huệ, Nha Trang, ngay quê tôi, bằng loại máy bay Caribou của Úc Đại Lợi. An ủi phần nào vì được gặp lại cha tôi mỗi ngày và một số bạn bè thường xuyên đến thăm. Cái chân trái của tôi bị thương khá nặng, nhưng may mắn là không bị cưa. Tôi phải điều trị ở đây hơn ba tháng. Những ngày nằm treo cái chân băng bột cứng đơ lên thành giường, nghe những đồng đội thương binh bên cạnh rên xiết, tôi càng nhận ra mình chỉ là một thằng lính mạt hạng, năm tháng chỉ còn biết có đồng đội, súng đạn, chiến trường, và ranh giới giữa sống – chết nhiều khi còn mỏng hơn sợi tóc, thì đâu dám mơ gì đến chuyện tương lai hay công hầu khanh tướng!


Đôi lúc, nhớ tới tiếng đàn giọng hát của anh thầy giáo trẻ và nhất là đôi mắt của cô bé học trò người Thượng, tôi cũng có chút xao xuyến, chạnh lòng. Đôi mắt hồn nhiên yên ả như mặt nước hồ thu giữa núi rừng tĩnh mịch mà sao cứ làm tôi gợn sóng mãi trong lòng. Tôi viết thư thăm và báo tin về cái chân ngày một phục hồi, nhưng mãi đến khi sắp xuất viện tôi mới nhận được tấm carte-postal, chỉ viết mấy dòng, với nét chữ của hai người. Tôi bỗng nhớ tới lần cuối cùng, khi hai thầy trò đến thăm tôi tại Bệnh viện Gia Nghĩa, và đã nhỏ những giọt nước mắt ân tình xuống giường bệnh của tôi.

 

Sau khi xuất viện, được nghỉ hai tuần phép, tôi về quê sống bên cạnh cha tôi. Từ ngày đi lính, ngoại trừ lần về phép ra trường, đây là dịp lâu nhất tôi được ở bên cạnh cha tôi, trong gió nội hương đồng nơi tôi đã ra đời và những năm tháng lớn lên không có mẹ. Về trình diện hậu cứ ở Ban Mê Thuột, tôi lại nhận sư vụ lệnh theo học khóa tham mưu đặc biệt một tháng tại Bộ Tổng Tham Mưu. Trở về đơn vị, vì cái chân còn yếu tôi không được về lại đại đội mà sang nắm Ban 3 Tiểu Đoàn (đặc tránh hành quân & huấn luyện, một phần vụ có liên quan ít nhiều tới khóa học vừa qua.)


BM


Tháng 6 năm 1970, lúc này tôi đã được điều động về Bô Chỉ Huy Trung Đoàn giữ một chức vụ khác , cả trung đoàn di chuyển lên Quảng Đức, để được tăng cường một tiểu đoàn Biệt Động Quân, và một Chi đoàn Thiết Quân Vận, thành lập Chiến Đoàn , mở cuộc hành quân khá quy mô sang địa phận Cam-Bốt. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn đặt bên cạnh Phi trường Nhơn Cơ. Cuộc hành quân mang tên “ Bình-Tây III” này kết thúc sau hơn một tháng với nhiều thắng lợi. Các đơn vị thống thuộc được về nghỉ quân chung quanh khu vực, chờ phương tiện triệt thoái. Một tiểu đoàn đóng quân tại Kiến Đức, anh tiểu đoàn trưởng lại là ông anh rất thân, trước kia là đại đội trưởng đầu tiên của tôi khi tôi mới ra trường. Lính bắn được con nai, anh gọi máy bảo tôi lên nhậu với anh, nhân anh cố vấn tiểu đoàn mới nhận tiếp tế, biếu lại mấy chai whisky. Tôi mừng thầm, tuy thèm lắm. nhưng nghĩ đến rượu với thịt nai thì ít mà nhớ đến đôi mắt cô bé người Thượng lúc trước thì nhiều, tôi xin phép ông Trung Đoàn Trưởng rồi hú theo mấy chú lính hộ tống chạy lên Kiến Đức. Nhai mấy miếng thịt nai và uống vội mấy hớp rượu, tôi chạy sang ngôi trường tiểu học.


Rất vui khi bất ngờ được gặp lại anh thầy giáo và có cả cô học trò thuở trước. Nhưng điều làm tôi bất ngờ hơn là hai người bây giờ đã là vợ chồng. Một tấm ảnh cưới thật đẹp được phóng lớn treo trên vách, Căn phòng ngày xưa giờ đã được nới rộng, sửa sang và trang hoàng khá ấm cúng. Tôi ngạc nhiên reo lên mừng rỡ và ôm lấy hai người. Anh còn cho biết, bây giờ cô cũng đang là cô giáo phụ trách lớp mẫu giáo của trường.


Tôi đùa, bảo “cô học trò cưới ông thầy làm chồng mà không cho tôi biết để có quà mừng”, rồi đưa cái nón sắt tôi đang cầm trên tay bảo cô ôm trước bụng, như một ví von khi chúc cho cô sớm có bầu, “bắt được cái con” để tôi gửi bù quà. Anh chồng đưa tay chỉ cái poncho-light trên giường, bảo “bọn em vẫn đắp chung cái mền quý mà anh cho đấy chứ!” Khi chia tay, tôi ôm vai hai người và nói với anh: “Chắc bây giờ anh đã chịu nhận nơi này làm quê hương rồi phải không?” Hai vợ chồng cười. Khi nói lời chia tay, cô vợ khệ nệ cầm cái nón sắt trả lại, ngước nhìn tôi với nét xúc động, đôi mắt đẹp của ngày xưa lại khuấy động trái tim tôi. Tôi cười mà thấy lòng man mác!


BM


Trong nhiều năm bị tù tội từ Nam ra Bắc, dù cuộc sống tăm tối khốn cùng, nhưng hình ảnh của anh thầy giáo và đặc biệt đôi mắt của cô bé người Thượng thỉnh thoảng vẫn thấp thoáng từ ký ức. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ không bao giờ còn gặp lại họ. Hơn nữa lúc ấy, dường như tôi cũng chẳng còn tha thiết tới điều gì.

 

Ra tù một thời gian ngắn, tôi cùng ông anh và một số bạn bè cùng tù tổ chức vượt biển. Tất cả quá khứ đành bỏ lại phía sau lưng, có còn chăng chỉ thấp thoáng đâu đó ở trong lòng.


BM


Mới đây tôi bất ngờ đọc được bản tin trên Facebook của một người nào đó ở trong nước, có kèm theo một clip ngắn. Bản tin với cái tựa “Người đàn bà khí khái của Dăk-Nông đã vĩnh viễn ra đi”. Đó là người đàn bà từng viết đơn gởi đi các nơi để phản đối việc chính quyền CS cho Trung Cộng khai thác bauxite và thiết lập nhà máy Aluminum ở Dăk-Nông (Tình Quảng Đức cũ). Bà cũng là người kịch liệt phản kháng khi chính quyền cưỡng chế, cướp đất đai canh tác của người Thượng, truy bức xô đuổi họ ra khỏi nương rẫy, bản làng, nơi mà họ đã từng bao đời khai phá và sống chết ở đây. Bà cùng người chồng đã từng bị đàn áp, bắt bớ, tù đày rất nhiều lần. Đặc biệt cái clip đã ghi lại hình ảnh bà cùng chồng tổ chức biểu tình vào tháng 7 năm 2016, khi đường ống từ nhà máy Alumin Nhơn Cơ của nhà thầu Chalieco Trung  Cộng  bị vỡ khiến 9,63 mét khối chất kiềm chảy ra ngoài, làm nhiễm độc trầm trọng nguồn nước và hủy hoại môi trường sống của dân chúng trong vùng.


BM


Đứng trước một rừng công an với đủ loại vũ khí trên tay, ông bà không hề nao núng, dang tay bảo vệ những người dân khốn khổ. Khi một đám công an lên đạn chĩa súng thị uy, bà bước tới, mở to đôi mắt sáng quắc đầy uất hận, thách thức. Tôi bỗng giật mình. Đôi mắt đâp mạnh vào tâm não làm tim tôi đau buốt. Tôi vừa nhận ra đó chính là đôi mắt đẹp hiền lành của cô bé học trò người Thượng ngày xưa, sau này là vợ anh thầy giáo mà tôi hằng quý mến. Họ đã từng cứu tôi cùng đồng đội của tôi một lần thoát chết. Và cũng chính từ đôi mắt đẹp này đã nhỏ những giọt nước mắt ân tình xuống giường bệnh tôi nằm, sau một lần tôi bị thương ở Quảng Đức, đúng 55 năm về trước. Zoom lớn cái clip trên màn ảnh computer, tôi xem thật kỹ lại một vài lần nữa để nhận rõ khuôn mặt và nhất là đôi mắt của cô nàng, mặc dù bây giờ ánh mắt ấy đã không còn hồn nhiên như mặt nước hồ thu thuở trước. Sau đó tôi cũng nhận ra người chồng, anh hiệu trưởng trẻ tuổi, dễ thương, đàn và hát rất hay ngày trước. Bây giờ cả hai đều già đi nhiều, tóc đã hoa râm và gầy gò hơn trước. Người viết bản tin cũng cho biết anh chồng đã chết trước đó gần hai năm, sau nhiều ngày bị đày ải, tra tấn trong tù. Giờ thì hai người đã gặp lại nhau ở chốn bình an vĩnh cửu.


BM


Từ nay, tôi sẽ mãi mãi không bao giờ còn nhìn thấy hai người trên thế gian này, nhưng bóng dáng của họ và nhất là đôi mắt của cô bé người Thượng năm nào sẽ không bao giờ rời khỏi ký ức và trái tim tôi. Đôi mắt đã để lại trong tôi biết bao tiếc thương, cùng cả niềm tin yêu và hy vọng. Đôi mắt của mùa Xuân.


image

https://www.youtube.com/watch?v=-sp5rar2HHk

 

 

 

Phạm Tín An Ninh

BM

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

HAI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN

 

 BM

Chắc hẳn thỉnh thoảng bạn cũng đã "ca lẻ" trong phòng tắm (chứ không phải là "ca sĩ" trong phòng trà) với bài hát "Hai năm tình lận đận". Bài nhạc này Phạm Duy đã phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, trong đó có những câu rất gợi cảm:


BM


Vâng, những câu thơ này được viết từ năm 1970 tức là hơn 50 năm rồi, mà lại vẫn đúng với tâm trạng của tôi bây giờ trong mùa đại dịch Covid. Sau 2 năm dài với bao chuyện lọc lừa, lận đận, nhà thờ chùa chiền bị đóng cửa, mất mát người thân, ai cũng đã già hơn xưa rất nhiều dù chỉ mới 2 năm.


BM

 

Tình lận đận mà tôi muốn nói ở đây không phải là tình yêu nam nữ, mà là tình người, tình quê hương, tình cảm xã hội, mà sao cũng đã phải gặp đủ thứ khó khăn lận đận.

 

Cuối năm mạt Chạp, tôi xin viết lại đôi chút kinh nghiệm trong khoảng thời gian "dịch vật" này, mong rằng bạn sẽ đồng cảm trong một vài chi tiết, cũng như hy vọng mình có thể bớt tiêu cực hơn dù có khi phải cười ra nước mắt.


BM


Đúng thế, từ cuối năm 2019 khi cơn đại dịch xuất phát từ Vũ Hán lan tỏa, thì cả thế giới điêu đứng, lận đận trong suốt hai năm dài mà còn chưa biết khi nào chấm dứt. Sau nhiều lần "lockdown" đóng cửa, người dân đã quá khổ sở, mỏi mệt nên tôi xin gọi đó là cơn lốc đau. Cơn lốc khủng khiếp này đã thổi mạnh làm đau đớn cả địa cầu. Tính tới giữa tháng 1 năm 2022, số người lây nhiễm vi trùng Covid trên thế giới đã lên tới 305 triệu người, số người chết vào khoảng 5 triệu rưởi, cũng may số người đã chích ngừa lên tới gần 5 tỷ, khoảng 60% dân số khắp nơi.


Khởi đầu chuyện 2 năm dài lận đận thì phải nhắc lại việc bắt đầu phải đeo khẩu trang. Lúc đầu năm 2019, nhiều tranh cãi, thậm chí đánh nhau, bắn nhau đã xảy ra cũng vì việc ép buộc phải đeo cái mặt nạ này, chưa kể tới việc khan hiếm khẩu trang trong thời gian đó. Để làm gương, người ta cho các bức tượng thật to, thật nổi tiếng trên thế giới cũng đeo khẩu trang. Mới đây vào Noel 2021, một nhà thờ ở Việt Nam cũng cho ba ông vua Phương Đông và Chúa Hài Đồng tức là baby Jesus đeo mặt nạ, cũng gây nhiều tranh cãi. Thú thật thời gian đầu khi thấy các tu sĩ Công Giáo, Phật Giáo đeo khẩu trang khi mặc lễ phục, tôi thấy rất lạ, rất khó chấp nhận nhưng riết rồi cũng quen. Bây giờ khi ra đường mà không có miếng vải che mặt này, lại thấy trống trải chi đâu. Nhưng tính ra che mặt cũng có cái lợi, vì không ai biết mình xấu hay đẹp, khỏi phải tốn giờ tốn tiền mua mỹ phẩm trang điểm, giảm bớt hít thở phải bụi bậm ô nhiễm. Chỉ có cái hơi lẫn lộn, nhìn người nọ xọ ra người kia. Nghe nói có ông chồng vô ý đã chở bà khác về nhà thay vì vợ mình, không biết có thật không!?


BM


Thời Covid mới bắt đầu lây lan, người ta còn dành nhau mua các nhu yếu phẩm, đặc biệt giấy dùng khi đi cầu là món hàng khan hiếm đã xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, báo chí lúc đó. Các đôi bông tai, nữ trang hình cuộn giấy vệ sinh cũng được chế tạo đánh dấu một sự kiện chưa từng có trước nay. Điều này đã làm mình suy nghĩ lại. Nhiều vật dụng, tiện nghi mình có và dùng hằng ngày nhưng vì bận rộn đã không thấy tầm quan trọng cho tới khi nó trở thành khan hiếm. Một thí dụ khác là hơi thở. Hằng phút hằng giây mình đã thở và sống, cho tới khi mình hay người thân nhiễm Covid, hấp hối khó thở thì mới thấy khi được thở bình thường là quý giá cỡ nào. Lúc bị cấm cửa trong nhà, nhất là trong thời gian hoàn toàn không thể ra đường như ở bên Tàu, bên Việt Nam, lúc đó mới thấy quý hơn những giờ khắc được sum họp, đi thăm nhau, cùng nhau ăn uống, xem văn nghệ, sinh hoạt thể thao, cộng đồng...Tin tức cũng đã loan truyền việc bên Tàu trừng phạt người dân vi phạm luật dám ra đường đi chợ, bằng cách bắt họ đeo tấm hình của mình to tướng trước ngực, đi vòng quanh thành phố để bêu xấu. Tục “gọt đầu bôi vôi” ngày xưa mà nay vẫn còn bị áp dụng tại xứ Tàu, nghe thấy mà rầu.

BM


Tiếp theo phải nhắc tới chuyện chích ngừa. Mới đầu người ta ước ao mau có thuốc chủng để bớt chết vì dịch, nhưng khi có thuốc rồi thì một số suy nghĩ trái chiều đã xảy ra. Nhiều nước nếu không có giấy chứng nhận chích ngừa sẽ không được đi du lịch, thậm chí không được đi ra chợ, đi tới nơi công cộng. Nhưng ngược lại nhiều người lại không tin vào thuốc, sợ vaccine có các phản ứng phụ, thí dụ bị ảnh hưởng không thể sanh con, nên đã biểu tình chống vaccine, thậm chí bỏ xứ, bỏ việc đi Mexico hay các nước không bắt buộc phải chủng ngừa để sinh sống.

 

Chính phủ các nơi phải "dụ" người dân đi chích bằng các giải thưởng, nào là trúng xổ số nhiều tiền, nào là trúng súng săn, được uống bia miễn phí hay các món quà nhỏ. Vui nhất là được xem vũ sexy miễn phí ở Las Vegas nếu tới đó tiêm chủng. Nghe nói nhiều ông đã hăng hái tham gia chương trình này, thật là bất công vì không có vũ nam sexy cho các bà! Tại tiểu bang West Virginia, Hoa Kỳ, người ta làm bảng quảng cáo rằng không chích ngừa cũng được trúng số luôn, nhưng lô trúng là cái chết, tức là trúng được tiếng gọi của Tử Thần. Quả là chuyện dài chích ngừa, đi đâu cũng nghe người ta hỏi nhau, chích chưa, chích thuốc gì, có bị hành không. Để khuyến khích người dân chích ngừa, một nhiếp ảnh gia đã chụp được hình đàn cừu sắp hàng thành hình cái ống chích và kim chích, nhìn cũng rất đặc biệt, muốn "train" đàn cừu này đứng sắp thành hàng như thế không dễ đâu.


BM


Quan trọng hơn cả là nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề. Có thực mới vực được đạo, dù chánh phủ các nước đã cố gắng hỗ trợ, giúp tiền để người dân sống tạm qua ngày, nhưng số nhà hàng, cơ sở thương mại phải đóng cửa tạm hoặc đóng cửa luôn lên rất cao, làm biết bao người bị khốn đốn. Thương hiệu Victoria’s Secret tuyên bố phá sản, Zara đóng cửa 1200 cửa hàng, La Chapelle rút xuống chỉ còn hơn 4000 cửa hàng, Chanel, Hermes, Patek Philippe, Rolex ngừng sản xuất. Nike và rất nhiều công ty phải sa thải nhân viên liên tục. Người sáng lập dịch vụ thuê nhà AirBnb nói rằng vì đại dịch, 12 năm nỗ lực của họ đã bị phá hủy trong 6 tuần. Ngay cả hệ thống Cà-phê Starbucks cũng đóng cửa vĩnh viễn hơn 400 cửa hàng. Biết bao người có cửa tiệm khóc dở, người tiêu thụ cũng gặp bao khó khăn.

 

Riêng ngành du lịch thì thê thảm, lận đận hơn hết. Hồi xưa du lịch thì sang, bây giờ du lịch cả làng cách ly. Báo chí đã đăng tin 30 ngàn người đi chơi Disney Land ở Thượng Hải đã bị đóng cửa xét Covid rất lâu rồi mới được về nhà. Các hãng máy bay, xe taxi và Uber, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên hệ đói meo. Khi cơn dịch bớt hoành hành thì chính phủ cho đi tới đi lui trở lại, ngành du lịch tạm thời tái hoạt động, nhưng thủ tục khám xét chích ngừa vừa rắc rối vừa hao tốn nhiều tiền, làm nhụt chí khách đi chơi, đi thăm viếng gia đình. Tiếp theo vì thiếu nhân viên, thiếu xăng dầu nên nhiều chuyến bay bị đình trệ hoặc hủy bỏ hẳn, khiến việc đi chơi đã trở thành "flymare", lấy từ chữ "nightmare" tức là cơn ác mộng mà ra. Có khi chuyến bay đầy đủ xăng dầu, có phi công, đông đủ hành khách nhưng không cất cánh được chỉ vì thiếu người đẩy xe đem thức ăn lên máy bay. Nhiều con chip nhỏ, nhiều việc rất nhỏ nhưng vì bị trở ngại nên việc sản xuất bị đình trệ, khó khăn, làm giá thành tăng cao nhiều lần. Cũng có lúc khoai tây, nông sản, thịt cá phải đem bỏ bãi rác vì ảnh hưởng dây chuyền của Covid, thật là một giai đoạn đầy cam go, lận đận.


BM


Số người mất việc tại các nước kể cả Việt Nam cũng lên cao kỷ lục. Mới đầu là bị đóng cửa không được đi làm, nhưng sau khi ở nhà một thời gian thì lại đâm ra ươn lười, mệt mỏi không muốn đi làm nữa. Chưa kể rất nhiều người phải từ chức, mất việc một cách lãng xẹt. Chẳng hạn ông bộ trưởng bộ y tế nước Anh chỉ vì một cái hôn mà phải mất chức. Ông ôm hôn cô bạn gái ở nơi công cộng không theo luật gián cách xã hội nên bị phản đối. Còn rất nhiều nhân vật chính phủ, chính trị gia bị "in trouble" vì đi du lịch trong khi dân bị cấm cửa, nói một đàng làm một nẻo không làm gương "người tốt, việc tốt" cho dân nên bị ép phải từ chức.


Tại Việt Nam thì kinh khủng hơn, mới đầu nhà cầm quyền Cộng Sản rất tự hào đã chống dịch như chống giặc, nhưng rồi cuối cùng vẫn bị "dính". Khoảng 1 triệu rưởi dân lao động đã phải rời thành phố, đặc biệt là Saigon để về quê tránh dịch, tạo thành một cuộc di tản to lớn. Dân chúng về quê để có gì ăn đó, tìm cách sinh nhai vì ở thành phố mà không được ra đường đi làm, suốt ngày trong bốn bức tường chật hẹp thì làm sao sống. Việc thử nghiệm, cách ly người nghi ngờ bị Covid đã bị thực hiện cách thiếu khoa học, quan niệm sai lầm nên người dân vô cùng khổ sở. Hình ảnh người phụ nữ bị xe cần cẩu "cẩu" đi đem bỏ ở khu vực cách ly ô hợp, dơ dáy là hình ảnh xấu không tin được, nhưng đã xảy ra ở nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. 


BM


Sau khi mất hàng triệu mạng sống vì Covid, thiệt hại về tiền bạc, kinh tế, thì phải kể tới những hao tổn tinh thần to lớn chưa từng xảy ra trước giờ. Do nằm nhà lâu ngày bị tù túng ảnh hưởng tinh thần, nhiều người đã trở nên nóng nảy, thậm chí dễ dàng rút súng rồi gây ra nhiều tai nạn, chết chóc. Một người khi ra Starbucks mua bánh mì bagel ăn sáng, chỉ vì cái bánh không có cream cheese mà ông đã rút súng ra hăm dọa cô gái bán hàng. Ở Hy Lạp, một linh mục Chính Thống giáo đã tạt acid vào 7 vị giám mục khác. Rất nhiều chuyện hăm dọa, kiện tụng, đánh đấm xảy ra vì "stress" quá không chịu nổi các áp lực, khó khăn, sợ hãi trong cuộc sống. Vợ chồng thì gây lộn ì sèo vì ở nhà cả ngày, nhìn thấy nhau bèo nhèo phát chán! Có người còn đưa ra "thuyết âm mưu", cho rằng vì thuốc chích ngừa làm ảnh hưởng nên người ta mới mau quên, mau nổi nóng. Riêng "sự cố" lên cân mùa Covid thì không biết bao nhiêu là chuyện tiếu lâm đã được lan truyền. 

 

Quả là rảnh rỗi sinh nông nỗi, cấm cung ở nhà có nhiều giờ dư nếu không suốt ngày nấu ăn rồi nằm dài xem phim bộ, thì làm cái gì cho hết ngày. Các trung tâm tập thể dục lại bị đóng cửa nên tha hồ mà lên ký. Quả thế, mùa Covid các bà không làm vương phi, quý phi mà lại làm thùng phi mới chết chứ. Thương hiệu Victoria Secret chuyên bán quần áo lót cho phụ nữ bị ế ẩm, phải thay đổi người mẫu. Thay vì thon đẹp sexy, vào thời Covid hãng phải thay quảng cáo bằng hình ảnh người mập cũng có thể mặc loại quần áo lót của họ như các người mẫu! Bản thân tôi cũng bị lên cân khá khá, nghĩ cũng sợ nhưng xem hình thấy Bill Gate, nhiều tài tử ca sĩ nổi tiếng cũng tròn trịa hẳn ra, đành phải an ủi là phải theo thuở theo thì, không cần đi ngược lại thời đại, người ta sao mình vậy!


BM


Cũng có người nói đùa sẽ mướn luật sư "sue" chánh phủ vì họ không cho đi gym tập thể dục, làm mình mập ra yếu đi nên bắt họ phải bồi thường. Cũng xin mở ngoặc là mùa Covid, các luật sư đã giàu to vì có nhiều job hơn bao giờ hết. Không biết bao nhiêu vụ bất đồng, kiện tụng đã xảy ra, bên nào cũng có lý, bên nào có tiền mướn luật sư thì bên đó có nhiều cơ hội thắng hơn. Bạn bè cũng trêu chọc sau khi lận đận 2 năm với Covid, đã đạt được danh hiệu "Da trắng tóc dài". Bốn chữ này khi xưa ông bà ta dùng để diễn tả người khá giả, không bị chân lấm tay bùn, không phải cắt tóc ngắn để làm ruộng, bây giờ cấm cung ở trong nhà riết ai nấy da trắng bệch, tiệm bị cấm mở cửa không đi cắt tóc được thì tóc không dài sao được. Nhiều đám tang, đám cưới bị giới hạn số người tham dự nên vắng hoe. Năm ngoái chúng tôi đi lễ đám cưới con người bạn tại nhà thờ, khi ấy được tối đa 60 người dự, vị linh mục vui vẻ cho biết đây là đám cưới lớn nhất trong năm. 

 

Sau những lận đận vì Covid, tôi cũng xin nhắc sơ qua vài sự kiện được cho là "nổi cộm" xảy ra trong năm vừa qua.


BM


Điều đầu tiên được cho là khủng hoảng ở Mỹ khi 1,7 triệu người đã nhập cư bất hợp pháp vào xứ Cờ Hoa này. Người ta than phiền nước Mỹ ngày nay xuống cấp, chính trị rối beng, đời sống khó khăn nhưng nó vẫn là thiên đường và nhiều người tứ xứ muốn được vào sinh sống, dù là làm chui lấy tiền mặt không bảo hiểm, không giấy tờ hợp lệ. Tiếp tới là thống kê của những vấn đề an ninh quốc gia bị vi phạm, số lượng ma tuý khổng lồ bị đưa vào nước Mỹ bán chợ đen và các tội phạm, đặc biệt các vụ bắn nhau hằng loạt do sự dễ dãi quá đáng của việc cho phép mua súng. Số cảnh sát thiệt mạng khi làm nhiệm vụ trong năm 2021 cao kỷ lục, đám tang của họ thua xa đám tang của George Floyd - một người từng có nhiều thành tích bất hảo đối với pháp luật Hoa Kỳ và bị ông cảnh sát da trắng chấn cổ đến chết. Cùng thời gian này, nhiều nhà thờ bị đốt cháy, các bức tượng, di tích lịch sử bị đập phá. "Asian Hate" tức hiện tượng người châu Á da vàng mũi tẹt bị ghét, bị đuổi về Tàu cũng xảy ra thường xuyên hơn, người Việt cũng bị vạ lây, không lẽ ra đường phải đeo bảng "Tôi không phải người Tàu!"


BM


Chuyện được báo chí cho là đặc biệt xảy ra trong năm là vụ nổi loạn tại Điện Capitol, Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng Giêng 2021. Hiện vấn đề này cũng còn phải điều tra, nhiều vụ lùm xùm ý kiến trái ngược nhau. Gia đình tranh cãi, mất vui vì kẻ bênh Biden, người bênh Trump. 

 

Vào 24 tháng 3, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với trọng tải hơn 200,000 tấn đã mắc cạn ở kênh đào Suez, bịt kín tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, khiến mọi hoạt động bị đình trệ trong gần một tuần, gây thiệt hại rất nhiều.

 

Kế tới là việc sét đánh từ trời xuống trong lúc người dân Bắc Kinh đang chứng kiến màn trình diễn ánh sáng vào tháng 6, 2021, khi Trung Cộng mừng lễ 100 năm thành lập Đảng. Trung Cộng cũng hứng chịu nhiều thiên tai bão lụt như trận lũ rất lớn Hà Nam. Nhiều người cho rằng do chính quyền Trung Cộng quá ác nên uất khí tuôn ra quá nhiều đã chạm tới Trời, nên ông Trời phải trừng phạt. 

 

Việc căn nhà 12 tầng ở Surfside, Florida (Mỹ) bị sập khiến gần 100 người thiệt mạng vào ngày 24/6/2021 cũng được cho là chuyện đáng chú ý trong năm.


BM


Cuộc đảo chánh tại Miến Điện, Thế Vận Hội tại Tokyo, cuộc chiến tại Afghanistan chấm dứt cũng được truyền thông nhắc tới như những sự kiện quan trọng đã xảy ra năm 2021 trên thế giới. Riêng tôi rất quan tâm và bất bình trước các bất công, đàn áp xảy ra ở Miến Điện và Afghanistan. Hình ảnh dân Afghanistan phải trốn khỏi nước mong đi tị nạn khi bị Mỹ bỏ rơi bất ngờ không khác gì hình ảnh Saigon trong cơn hấp hối 1975. Thương thay cho người dân xứ này khi nhóm Taliban lên cầm quyền, họ giới hạn quyền cơ bản của phụ nữ, diễn giải nghiêm ngặt luật Hồi giáo khiến người dân vô cùng khổ sở.

 

Tại Đức, bà Angela Merkel hôm 8/12/2021 đã kết thúc 4 nhiệm kỳ dài tổng cộng 16 năm, nhường ghế Thủ tướng lại cho Olaf Scholz cũng là điều đáng nói trong giới truyền thông và chính trị.


BM


Trở lại Việt Nam, với tôi sự kiện quan trọng xảy ra vào tháng 12, 2021 là việc Cộng sản tiếp tục đàn áp, bắt bớ người bất đồng chính kiến. Tiêu biểu là nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù. Sau vụ Đồng Tâm, Trịnh Bá Phương cũng bị tuyên phạt 10 năm, Nguyễn Thị Tâm 6 năm và Đỗ Nam Trung 10 năm. Sau đó đầu tháng 1, 2022, anh Lê Trọng Hùng, một nhà báo độc lập cũng bị tuyên án 5 năm. Họ cũng đã kết tội ít nhất 18 người khác chỉ vì những người này dám lên tiếng đòi cải tổ xã hội. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Phóng viên không biên giới, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cũng như một số nước phương Tây đều đã mạnh mẽ lên án các vụ xử này, nhưng bọn cầm quyền Việt Nam vẫn trơ trơ thi hành "nghị quyết", tưng bừng ăn hối hộ, ăn bò dát vàng như vụ Tô Lâm và Việt Á khi đấu thầu các dụng cụ thử nghiệm Covid 19, số tiền hối lộ lên tới mức khủng khiếp và là đường dây có tính cách quốc gia rộng lớn. Những người có tài, có tinh thần đấu tranh đều bị bắt, bị trù dập cả, tương lai của nền Dân Chủ Việt Nam rồi sẽ ra sao? 


BM


Việc bà Nguyễn Phương Hằng kiện ông "thần y" Võ Hoàng Yên rồi sau đó thành "youtuber" đông đảo khán giả cũng là chuyện lạ đã xảy ra ở quê nhà, nhiều ca nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng tại Việt Nam bị vạch mặt chỉ tên, việc làm từ thiện cần phải được xem xét lại. Dù bao bất công, đói khổ vẫn xảy ra, các Hoa hậu Việt Nam vẫn tưng bừng nhận chức, một vài cô chiếm được giải trên thế giới, cũng là chuyện hay nhưng quả là Việt Nam ta thiếu hoa tươi, thừa hoa hậu!

 

Nhìn chung, thế giới năm qua hứng chịu nhiều bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai và rắc rối, trong khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sau Omicron rồi không biết còn biến thể nào nữa. Con số nợ quốc gia, thất nghiệp, lạm phát, giá nhu yếu phẩm, xăng dầu lên đến mức không tin được, nhưng thôi đành an ủi sống lây lất qua cơn đại dịch này là may rồi. Hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Dù sao cũng nên nói tới mặt tích cực của cơn dịch Covid là do nhà hàng đóng cửa ở nhà phải tự nấu ăn, nhiều người đã trở thành đầu bếp giỏi, có thì giờ trồng cây, đọc sách, dọn dẹp, gia đình có nhiều giờ hơn để quay quần bên nhau, lại cũng có thể để dành được tiền cho người nghèo vì không thể du lịch, đi shopping mua sắm. Nhưng xin đừng để cô Vi thành cô đơn, vì một số người lại quen với cách ở một mình, sống ảo, mua sắm "online" không thích gặp nhau nữa.


BM


Nãy giờ điểm qua toàn tin buồn, nghe tin tức mà không dám tin, chỉ thấy tức, thì xin nói tới tin vui nhất trong 2 năm qua là Mỹ đã phê duyệt thuốc viên điều trị Covid-19 của hãng Pfizer. Tin khác cũng vui chút chút là dù số người lây nhiễm vi trùng Omicron cao nhưng con số nhập bệnh viện hoặc chết ít hơn. Người ta cũng sáng chế ra máy thay cho chó để đi tìm ra mùi của bệnh Covid. Giống chó thính mũi ghê, ngửi được mùi Covid, nhưng kiếm không ra nhiều chó để làm công việc này, lại chưa chính xác nên ngày nay đã phát minh ra được máy, hay các Rapid Test cũng giúp rất nhiều. Chị bạn tôi hi vọng sau này chó hay máy cũng có thể tìm ra mùi “tiểu tam”, phát hiện được bồ nhí của chồng vì họ dấu rất tài tình!


BM


Tin vui khác là nếu được Thống Đốc Ron DeSantis chấp nhận và ký trong năm 2022, ngày 7 tháng 11 hàng năm tại Florida sẽ được công nhận là “Ngày Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản". Học sinh trung học tại Florida cũng sẽ được hướng dẫn về sự tàn bạo của chủ nghĩa Cộng sản và câu chuyện về những nạn nhân của chủ nghĩa này ở Cuba, Venezuela, Nicaragua, Trung Cộng, Bắc Hàn, Việt Nam, Nga… Điều này nếu thành sự thật thì tôi vui lắm, vì thế giới và giới trẻ cần biết nhiều hơn về tai hại của chủ nghĩa Mác Lê này.

 

Vâng, hy vọng năm 2022 sẽ có nhiều điều tích cực hơn, lạc quan hơn, so với hai năm vừa qua. Chúng ta ca bài “Hai năm tình lận đận”, mong rằng không có bài “Ba năm tình lận đận”. 

 

Để kết thúc 2 năm tình hư hao, xanh xao, tôi xin thay đổi không khí bằng một chuyện vui cười thời Covid để chấm dứt bài viết.


BM


Chuyện là một ông chồng nọ bị nhiễm Covid và phải cách ly. Ông bị ở riêng một mình dưới tầng hầm basement trong nhà. Hằng ngày không phải đi làm, được vợ con cơm bưng nước rót tận cửa phòng. Quần áo thay ra ông bỏ vào cái bọc chìa ra ngoài cửa, vợ đeo bao tay, bịt mũi đem đi giặt, có gì cần thì "text", thì email, ít khi vợ con dám đứng gần nói chuyện trực tiếp, khỏi nghe nói nhiều nhức xương. Sau 10 ngày, bác sĩ long trọng báo tin vui ông đã hết vi khuẩn, có thể trở về cuộc sống bình thường. Ông run run xin bác sĩ đừng báo cho bà vợ biết tin này. Ông còn muốn tận hưởng những ngày "cách ly" không bị nghe cằn nhằn, không phải giúp việc nhà, lại được phục vụ tận cửa. Bạn có muốn "được" cách ly như ông chồng trong chuyện vui cười có thật này không??!!


BM


Cuối năm Âm lịch, Tết Nhâm Dần đã sắp đến, chúc quý bạn gia quyến, một năm mới tràn đầy thương yêu, niềm tin và hy vọng. Để bớt những tiêu cực làm mình xanh xao, hư hao, lận đận, hãy cùng nhau nhắc nhở chính mình suy nghĩ tích cực, vận động cơ thể. Xin chúc nhau nhẹ gánh buồn, khỏe mạnh hơn, và nhất là không bị mắng là đồ mắc dịch dù nghĩa đen hay nghĩa bóng. Cầu chúc "Hai năm tình lận đận" được chấm dứt ngay đầu năm 2022 này

 

 

 

Nguyễn Ngọc Duy Hân