“Đầu tiên tôi phải nói về da vì tôi thực sự nghĩ nếu mình đang nghiên cứu về xăm thì mình cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng da người,” Susanna Kumschick nói.
Nhà nhân chủng học Thụy Sĩ đã tổ chức một triển lãm ở Hamburg về hình xăm như các tác phẩm nghệ thuật.
Vô đề, 2011, Họa sĩ Thea Duskin.
“Da con người là một thứ kỳ diệu, nó là một loại vải toan vẽ đặc biệt.” Bà cảm thấy ta cần nhìn cơ thể được xăm mực dưới một con mắt khác.
“Trong nhân chủng học, ta thấy việc xăm trổ xuất hiện ở rất nhiều nền văn hoá, tập tục. Tôi bắt đầu nghiên cứu và ngạc nhiên khi thấy rằng nó thực tế đã không phải là một chủ đề trong các bảo tàng về nghệ thuật và thiết kế cho đến tận thời gian gần đây."
"Đã có rất nhiều cuộc triển lãm về xăm trổ trong bảo tàng lịch sử hoặc bảo tàng nhân chủng học, nhưng không có trong bảo tàng nghệ thuật và thiết kế.”
Tác phẩm xăm Ashleigh của Saira Hunjan, 2010.
Sự quan tâm được bùng lên phần nào là nhờ ở nghệ thuật nghiên cứu hình ảnh cơ thể con người, theo Kumschick.
Bà mô tả tác phẩm của nghệ sĩ biểu diễn người Áo Valie Export: “Năm 1970 cô đã xăm hình dây nịt móc bít tất vào đùi, tiến hành xăm ở địa điểm công khai, do đấy là buổi trình diễn… Cô là một trong những phụ nữ đầu tiên đưa ra bình luận về việc thiên hạ nhìn cơ thể phụ nữ như thế nào.”
Một trong những tác phẩm ưa thích của Kumschick trong triển lãm là “cuộc phỏng vấn một phụ nữ đang nói về hình xăm che vết sẹo mổ ung thư trên vú, hình xăm làm bà cảm thấy thoải mái hơn về cơ thể mình. Đó cũng là một hình thức xăm hình đang thịnh hành trong xã hội chúng ta.”
Vô đề, 2004 của Fumie Sasabuchi
Kumschick nhắc tới quá trình các nghệ sĩ chú tâm thể hiện hình xăm trong các tác phẩm của mình. “Họ luôn luôn lấy cảm hứng từ cái đẹp; ngay từ thuở ban đầu và trong suốt thời gian dài, cơ thể con người đã là một chủ đề nghệ thuật. Việc vẽ lên cơ thể cũng như vậy thôi.”
Fumie Sasabuchi đã bổ sung thêm hình xăm vào các người mẫu ở các trang tạp chí thời trang bằng cách sử dụng các mô-tip của mafia Nhật Bản yakuza: hình ảnh này được tạo ra từ một ảnh trong trong tạp chí Vogue Angels cho trẻ em.
“Việc xăm hình ngày càng trở thành mốt bởi lẽ ngày nay chúng ta phô diễn da nhiều hơn trong quá khứ, do vậy nó nhiều khi là phương tiện chuyển tải thông tin."
"Chúng ta nên cân nhắc kỹ càng bởi vì sự thể tùy thuộc vào hình xăm nằm ở đâu trên cơ thể, thông điệp gửi đi là khác nhau theo vị trí ta chọn xăm hình. Ngày nay có một hình xăm là việc bình thường, nhưng người ta sẽ xem là thông điệp nếu ta xăm vào mặt, tức là khác với một hình xăm ở ngực hoặc mắt cá chân."
El Gangster de Iberia (Mara Salvatrucha), San Salvador, 2008.
Những công trình nghiên cứu khác đi sâu tìm hiểu hình xăm đã được sử dụng như thế nào để phân biệt con người.
Một trong những video của triển lãm cho thấy một thợ xăm đang xăm lại con số tù trên cánh tay của một người 92 tuổi sống sót qua trại tập trung Auschwitz; Nghệ sĩ Ba Lan Artur Żmijewski coi đây là một hình thức ‘hồi tưởng sống động'.
Một chú thích đi kèm tác phẩm nghệ thuật này cũng mô tả cách thức các sĩ quan SS đã bị xăm trên cánh tay nhóm máu của họ trong Thế Chiến II, khi kết thúc chiến tranh dấu ấn này đã được dùng nhận biết họ.
Nhà nhiếp ảnh và làm phim tài liệu người Tây Ban Nha-Pháp Christian Poveda đã dành một năm ở với các thành viên băng đảng Mara 18 ở El Salvador, họ xăm đầy mình số người mà họ đã giết hoặc ghi tưởng nhớ cái chết của thành viên băng nhóm. Ông này bị chết trong một trận giao tranh bằng súng năm 2009.
Gwendal và Karl Marc
Do thay đổi về thái độ trong xã hội, một số người che dấu hình xăm trong khi một số khác muốn để lộ. “Ở thế kỷ 19, trong cùng thời gian, phụ nữ ở rạp xiếc và phụ nữ quý tộc đều xăm mình, nhưng các quý bà không phô ra. Cũng không có tấm ảnh nào về họ được chụp lại.”
Bức ảnh này chụp hình Maud Stevens Wagner, một diễn viên xiếc chuyên biểu diễn tiết mục đi trên dây và uốn dẻo. Cô là phụ nữ xăm mình nổi tiếng đầu tiên ở thế giới phương Tây.
Những diễn viên xiếc khác có xăm mình gồm có Lady Viola, người xăm hình các tổng thống Woodrow Wilson, George Washington và Abraham Lincoln trên ngực, và Artoria Gibbons, người xăm một phần tác phẩm Thông Báo của danh họa Botticelli (báo Maria là mẹ Chúa) và một hình xăm khác chép lại một phần bức tranh Gia Đình Thánh Thần của Michelangelo.
Không có mấy hình ảnh được lưu lại về hình xăm của tầng lớp thượng lưu mặc dù cuộc triển lãm nhấn mạnh về bộ phim tài liệu cho thấy hai phụ nữ đang được George Burchett xăm hình.
Nghệ sỹ xăm trổ người Anh này xăm cho các thành viên hoàng gia Châu Âu, trong đó có cả vua Alfonso XIII của Tây Ban Nha và vua George V của Anh.
“Xăm hình là mốt khá thời thượng cho đến Thế Chiến Hai,” Kumschick nói. “Ngày nay Có nhiều lời ra tiếng vào về những người nổi tiếng có hình xăm trên người, nhưng việc này đã có từ thế kỷ 19, trên báo chí đầy những chuyên ai có hình xăm, đây không phải là hiện tượng gì mới mẻ.” (Thư viên Quốc Hội Mỹ, Washington)
The End, 1970, 1981, 1997 của Timm Ulrichs.
Những nghệ sĩ xăm hình hiện đại đưa ra kỹ xảo mới. “Những nghệ sĩ trẻ có kiến thức học vấn khác nhau,” Kumschick nói. “Họ đã qua các trường nghệ thuật và đã được học cách xăm hình, họ đa nghề. Thật khó để học cách áp dụng thiết kế đồ họa trên cơ thể.”
Bà có nêu trường hợp một nhóm các nhà vẽ minh họa Thụy Sĩ và nhà thiết kế đồ họa có tên là Happy Pets. “Họ nói họ nhìn vào cơ thể như nhìn vào một quyển sách; họ cũng gặp những khó khăn đúng như khi thiết kế một cuốn sách. Họ cân nhắc kích thước của các hình xăm và cân nhắc xem nên xăm vào đâu.”
Năm 1981 Timm Ulrichs đã cho xăm chữ ‘The End’ (Kết Thúc) vào mi mắt phải. Chỉ trông thấy khi mắt nhắm, nó là một thông điệp ghê sợ gợi nhớ đến các đồng tiền xu đặt vào mắt xác chết. Kumschick nói rằng hình xăm như một loại ‘đầu lâu’. “Da của chúng ta là một thứ chóng tàn, đó chính là cái khó khăn nếu ta muốn sưu tập nó. Dù thế nào thì hình xăm cũng chỉ tồn tại không lâu hơn cuộc sống của cơ thể.”
Ông Tim Steiner là một trong những "tác phẩm" được trưng bày ở Hamburg: trên lưng ông có một tác phẩm nghệ thuật do nghệ sĩ nghệ thuật khái niệm người Bỉ Wim Delvoye xăm vào.
Tác phẩm này được bán năm 2008 cho một người sưu tập nghệ thuật sống ở Hamburg, và theo như bài viết ở cuộc triển lãm, ông này “đã giành được quyền cho thuê, bán và chuyển thừa kế ông Tim Steiner như một đối tượng vay mượn và người ta sẽ lưu giữ da ông sau khi ông mất”.
Kantonsbibliothek Appenzell Ausserrhoden, Trogen, PA Herbert Hoffmann
Người xăm mình Herbert Hoffmann đã sưu tập hình ảnh về nghệ thuật cơ thể từ thập niên 1920 đến thập niên 1970. Ông hoạt động tích cực trong lĩnh vực xăm hình cho đến khi qua đời vào năm 2010, và ông được xăm bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong đó có cả Christian Warlich, Tatover Ole và Horst Streckenbach.
“Chúng tôi không biết nhiều về các hình xăm cổ, chúng không được lưu giữ trong bảo tàng như các bức họa nổi tiếng do vậy chúng tôi không thể đánh giá chúng,” Kumschick nói. “Thật khó cho các nghệ sĩ mà họ đang làm việc xăm hình, ta sẽ làm gì với những người khi mà họ ngủ, họ ăn, họ chết?"
Rất nhiều hình xăm không phải là nghệ thuật, nhưng có những hình có thể xem là tác phẩm nghệ thuật.” Bà tin rằng cần có thêm nhiều ý kiến phê bình nghệ thuật đối với việc xăm hình. “Một hình xăm, nếu nó được làm tốt, nó sẽ đi kèm với cơ thể, với con người và nhân cách (tính thẩm mỹ và ý nghĩa của hình xăm, toàn bộ câu chuyện) tất cả những thứ này cộng lại sẽ trở thành một tổng thể có một không hai. Nó là một tác phẩm nghệ thuật không thể so sánh với bất kỳ thứ gì khác.”
Fiona Macdonald
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét