Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

CDC: Người được chích ngừa đầy đủ không cần khẩu trang hoặc giữ khoảng cách

 Những người đã được chích ngừa đầy đủ giờ đây có thể tụ tập tại nhà mà không cần đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC thông báo trong hướng dẫn hôm 8/3/2021.

Người được chích ngừa không cần khẩu trang
Bục có biểu tượng của CDC. (Ảnh: Kevin C. Cox/Getty Images)

Giám đốc CDC Rochelle P. Walensky cho biết trong một thông cáo báo chí: “Có một số hoạt động mà người đã chích ngừa đầy đủ có thể thực hiện ngay tại nhà của họ. Thực hiện các bước nhằm nới lỏng các biện pháp hiện nay đối với những người đã được chích ngừa có thể giúp cải thiện việc chấp nhận và tiêm vắc xin COVID-19.”

Một người được coi là chích ngừa đầy đủ là sau hai tuần kể từ khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin Moderna hoặc Pfizer-BioNTech, hoặc hai tuần sau khi tiêm vắc-xin đơn liều Johnson and Johnson.

CDC nói rằng những người được chích ngừa đầy đủ không phải đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách với người cũng đã chích ngừa đầy đủ hoặc những người chưa được chích nhưng “có nguy cơ thấp mắc COVID-19 mức nghiêm trọng”.

Họ cũng không cần phải xét nghiệm hoặc cách ly nếu không có triệu chứng sau khi đã tiếp xúc với những cá nhân được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19, căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra.

Nhưng điều này không áp dụng cho những người đã chích ngừa đầy đủ tại các nơi ở tập thể, nhà tù và các “cơ sở cộng đồng không chăm sóc sức khỏe” khác vì họ “có thể phải đối mặt với sự thay đổi dân cư lớn, nguy cơ lây truyền cao hơn và những thách thức trong các khuyến cáo tuân thủ giữ khoảng cách.”

Những người được chích ngừa đầy đủ cũng nên cách ly và đi xét nghiệm khi họ có các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm COVID-19 vì họ vẫn có thể lây truyền virus Trung Cộng cho người khác, theo CDC.

Các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành về việc liệu những người đã chích ngừa đầy đủ có thể truyền virus hay không và liệu họ có thể có khả năng nhiễm bệnh không triệu chứng hay không.

Cơ quan liên bang nói rằng những người được chích ngừa đầy đủ nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên khi ở nơi công cộng hoặc đến thăm những người chưa được tiêm có nguy cơ cao mắc COVID-19 mức độ nghiêm trọng.

Đối với việc đi du lịch, Walensky cho biết CDC vẫn duy trì hướng dẫn hiện tại rằng mọi người nên tránh đi du lịch khi “không cần thiết”.

Walensky nói trong một cuộc họp báo ngày hôm nay: “Mỗi khi có sự biến động về lượng khách du lịch, số ca nhiễm lại tăng lên ở nơi đó. Chúng tôi thực sự đang cố gắng hạn chế việc đi lại vào thời điểm hiện tại và chúng tôi hy vọng rằng bộ hướng dẫn tiếp theo của chúng tôi sẽ khoa học hơn về những gì người đã chích ngừa có thể làm, có lẽ bao gồm cả du lịch.

Walensky nói rằng hướng dẫn này sẽ tiếp tục được cập nhật khi “nhiều người hơn được chủng ngừa, số liệu khoa học và bằng chứng được mở rộng, và khi tình hình dịch bệnh của đất nước thay đổi”.

Bà cũng cho biết, tính đến 8/3/2021 “59 triệu người Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin COVID-19 và khoảng 31 triệu hoặc 9,2% dân số Hoa Kỳ được chích ngừa đầy đủ.”

Meiling Lee
Thu Ngân biên dịch

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Những Người Vợ Lính thời lửa binh


Chị Phạm Thị Thang, Nữ Anh Thư đất Gò Công

 

                                     Phạm Phong Dinh

 

 

Chị Thàng đã chọn một cái chết thật dũng cảm và cao cả. Ôm hai đứa con vào lòng, chị Thàng bình tĩnh chờ cho những tên Việt cộng nhào vào, chị rút chốt.



Người vợ lính ở tiền đồn cáng đáng cùng một lúc hai công việc, mà công việc nào cũng biểu hiện hình ảnh và đức tính cao quí của người phụ nữ Việt Nam.

Thứ nhất, đức tính đảm đang tận tụy của người vợ, người đàn bà Việt Nam quán xuyến chuyện gia đình, trông nom dạy dỗ con cái và nấu nướng những bữa ăn.

Thứ hai, khi quân giặc đã thấy dẫy đầy ngoài những vòng rào kẽm gai, thì những người nữ chiến sĩ chưa từng một ngày được huấn luyện ở quân trường ấy đã chiến đấu như bất cứ người lính chuyên nghiệp nào. Chị cũng biết dùng máy truyền tin gọi Pháo Binh, chị biết sử dụng thành thạo mọi loại súng trong đồn có, chị ném lựu đạn ác liệt và chính xác, tấm thân nhỏ bé của chị oằn nặng dưới những thùng đạn tiếp tế. Và chị cũng sẵn sàng nằm gói thân thiên thu trong chiếc poncho, để tên chị vĩnh viễn đi vào lịch sử. Chúng ta có nhiều người chị như vậy lắm. Ở ngay tại đồn Giồng Đình này thì ít nhất cũng có những chị Phạm Thị Thàng và Trần Thị Tâm.


Đêm 2.10.1965, với âm mưu làm xáo trộn hệ thống tiếp viện của những đơn vị diện địa trong khu vực Tiền Giang để dễ dàng thanh toán mục tiêu chính nào đó, chỉ trong một đêm Việt cộng đã tổ chức tấn công 11 vị trí của quân ta với quân số thật lớn. Đồn Giồng Đình thuộc tỉnh Gò Công cũng bị áp lực rất nặng của quân địch khi hứng chịu cuộc cường kích của 300 lính cộng.


Đây là một lực lượng chính qui Việt cộng với hỏa lực rất mạnh, chúng quyết tâm hủy diệt đồn Giồng Đình nhỏ bé, mà chỉ có vỏn vẹn một Trung Đội Nghĩa Quân 24 tay súng trấn giữ. Là những con ác quỷ hung tợn và thâm độc, lực lượng cộng quân đã bố trí ở hướng có nhiều nhà dân chúng, vừa làm bia đỡ đạn cho chúng, vừa ngoác miệng tuyên truyền gây căm thù nếu quân ta bắn trả. Người dân, nhất là những ông bà lão già, đàn bà và trẻ con luôn luôn là những cái bia sống đỡ đạn cho bọn giặc hèn nhát gọi là những “người giải phóng”. Với quân số ấy, vũ khí hùng hậu ấy mà chúng cũng ngán ngại 24 chiến sĩ Nghĩa Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến nỗi phải cậy nhờ đến máu thịt của đồng bào để có cơ may thủ thắng, thì còn từ ngữ nào, hình dung từ tồi tệ nhất nào để diễn tả bộ mặt cùng hung cực ác rất đốn mạt của cộng sản nữa không.


Đúng 2 giờ đêm, quân cộng dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thượng Úy Sáu Bích, đã mở cuộc tấn công từ hai mặt đánh vào Giồng Đình, với sự tin tưởng điên rồ, rằng chúng sẽ thanh toán cái tiền đồn nhỏ xíu này trong một thời gian ngắn. Chiến thắng dường như là chắc chắn, vì với quân số mười lần hơn, mười đè một, dẫu chúng có thí chín tên thì cũng có thể hạ gục được một chiến sĩ Nghĩa Quân Giồng Đình.


Trên lý thuyết, thì giả thiết đó dường như đúng. Nhưng trên trận địa, người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn thể hiện những chuyện phi thường, mà rất hằng hiện hữu trên bất kỳ chiến trường nào, quả thật cộng quân đã chọn lầm mục tiêu. Sau ba đợt tấn công hung bạo, tưởng gạch đá cũng phải nát thành tro, đã chiếm được 2 trong số 3 lô cốt trong đồn, cộng quân vẫn phải rút trở ra. Cuộc tấn công lần thứ tư được hối hả tổ chức và thực hiện, với quyết tâm san bằng Giồng Đình. Nhưng liệu 24 chiến sĩ Nghĩa Quân có cho phép điều đó không. Câu trả lời là không, không chỉ đến từ ý chí hừng hực tử thủ của các anh, mà còn là từ đôi bàn tay yếu mềm của những người vợ lính đang sống cùng với chồng con của các chị trong đồn. Phải, cuộc chiến thắng cuối cùng của Nghĩa Quân đồn Giồng Đình sẽ không thể thực hiện được, nếu không có sự góp sức chiến đấu của những người chị này. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Không phải chỉ những người chị dũng cảm ấy không thôi, mà cả trẻ con cũng đánh.

Đồn Giồng Đình nằm ở một vùng thôn ấp hẻo lánh trong tỉnh Gò Công, do một Trung Đội Nghĩa Quân trấn giữ, với thành phần chỉ huy gồm có anh Nguyễn Văn Thi, Đồn Trưởng, anh Lê Văn Hùng, Đồn Phó và anh Lê Văn Mẫn, âm thoại viên. Trấn thủ một vị trí hung hiểm như vậy, không chỉ có 24 tay súng mà đã đủ, nên tất cả những người vợ lính trong đồn đều đã được chồng huấn luyện sử dụng thành thạo những loại máy móc truyền tin và vũ khí. Như vậy số tay súng đã được nhân lên gấp đôi.


Trong nhiều trường hợp, đến những giây phút tử sinh tuyệt vọng nhất, những em bé cũng tham chiến, khi các em gan dạ bò dưới lưới đạn của giặc để đem tiếp tế đến cho cha và mẹ. Không ai buộc những người vợ lính, con lính cầm súng đánh địch. Nhưng chính những người vợ lính, con lính ấy làm sao có thể ẩn náu tìm cái sống trong khi chồng và cha của họ sắp ngã gục ngoài chiến hào.


Khi chấm dứt đợt tấn công thứ ba, địch tạm rút để tái tổ chức tấn công, thì tình trạng bên trong đồn Giồng Đình đã khá là bi đát. Đã có đến 16 chiến sĩ Nghĩa Quân bị thương, chỉ còn 8 Nghĩa Quân còn chiến đấu được. Âm thoại viên Lê Văn Mẫn bị thương ở đầu trong lúc anh đang cố gắng gọi máy về Tiểu Khu.

Anh Mẫn gục xuống buông chiếc ống liên hợp. Chị Trần Thị Tâm, vợ anh Mẫn vội đặt con bên cạnh anh và chộp lấy ống liên hợp. Liên lạc được tiếp nối, chị Tâm nghiễm nhiên trở thành một âm thoại viên, và là cứu tinh của đồn Giồng Đình. Ở một góc đồn, anh Lê Văn Hùng và chị Phạm Thị Thàng, vợ anh, và hai đứa con nhỏ đang phải đối đầu với một lực lượng quá đông của địch.


Nhìn ra ngoài hàng rào kẽm gai, giặc đã đã tràn vào đen ngòm như những con quái vật hung hãn. Anh Hùng chỉ còn trong tay cây tiểu liên Thompson và 16 trái lựu đạn, chị Thàng có một khẩu Carbine. Thật tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, sức ép của bộc phá và súng SKZ của Việt cộng bắn vào quá gần, các em không còn khóc được nữa mà đã nằm bất động dưới chân hai vợ chồng anh Hùng. Chị Thàng thì thào:


- Chúng đang phá lô cốt chánh, để em bắn yểm trợ anh bò về giữ. Lô cốt mất là đồn mình mất, em nằm tại đây giữ mấy đứa nhỏ, nếu chúng tràn vào thì… thì… em ném lựu đạn ra, có thể cầm cự đến sáng được.


Anh Hùng ngần ngừ, anh rưng rưng nhìn vợ con, rồi nhìn về phía lô cốt. Tiếng súng từ lô cốt cuối cùng đã yếu ớt lắm, có lẽ mấy Nghĩa Quân cố thủ ở đó đã kiệt quệ quá rồi. Số phận của anh Thi Đồn Trưởng thế nào. Anh Hùng lắc đầu không dám nghĩ đến chuyện xấu nhất đã xảy ra cho đồng đội. Nhưng nếu Việt cộng chiếm được lô cốt ấy, thì coi như đánh dấu chấm hết cuộc kháng cự. Anh Hùng phải quyết định, dù quyết định đó quá đau xót, là bỏ lại vợ con, mà trong lúc quân giặc đã hò hét ngay sát bên rồi:


- Anh chạy theo giao thông hào, em bắn yểm trợ cho anh.


Anh Hùng nhìn chị Thàng và hai đứa nhỏ lần cuối cùng. Trong lòng anh quặn lên một nỗi bi thương. Trời ơi, vợ con mình. Hai đứa nhỏ chẳng biết còn sống hay đã chết. Anh phóng mình xuống hào chạy băng băng về hướng lô cốt.


Cây Carbine trên tay chị Thàng run lên, những tràng đạn rải vào những cái bóng đen đã quá gần. Anh Hùng đã bò vào được lô cốt, giữa những tiếng đạn nổ rền trời. May quá, anh Thi trưởng đồn vẫn nguyên vẹn. Súng SKZ của địch thụt ầm ầm, nhưng anh Hùng vẫn có thể nghe được từng tiếng lựu đạn nổ từ phía công sự của chị Thàng.


Nước mắt anh rơi lả chả trên nền đất. Anh đã đếm được đến con số 15, mà tiếng súng của địch vẫn nỗ dòn dã ngay sát tuyến phòng thủ của chị Thàng.


Anh biết giây phút định mệnh thảm thiết nhất cũng đã điểm. Chị Thàng sẽ làm gì với quả lựu đạn thứ 16. Anh Hùng đau đớn rên lên trong lòng : “Chỉ còn một trái lựu đạn nữa thôi, làm sao em cầm cự được đến sáng”. Chính anh cũng không có được một giây để nghĩ tiếp cái gì sẽ xảy đến cho vợ con mình, vì dưới chân lô cốt anh tử thủ đã đông nghẹt quân giặc. Đủ mọi thứ loại súng nỗ chát chúa khắp đồn, anh Hùng không biết chắc là mình đã nghe được tiếng nổ của trái lựu đạn thứ 16 chưa.


Cuộc chiến đấu đã kéo dài được một tiếng đồng hồ, quân địch đã phá được lớp kẽm gai cuối cùng và sắp tràn ngập đồn Giồng Đình. Lúc đó là 3 giờ sáng rạng ngày 2.10.1965. Tình hình đã quá nguy ngập. Anh Nguyễn Văn Thi, Đồn Trưởng, quyết định thà hy sinh còn hơn là để đồn lọt vào tay địch. Anh giật lấy ống liên hợp từ tay chị Tâm và thét lớn:


- Hãy bắn lên đầu chúng tôi ! Bắn vào giữa đồn… Hai lô cốt thứ nhứt và thứ hai đã thất thủ. Tụi tui ở lô cốt thứ ba. Hãy bắn lên trên đầu chúng tôi, Việt cộng đông lắm. Bắn đi… bắn…


Sau tiếng gọi thống thiết của người Đồn Trưởng, Pháo Binh Tiểu Khu Gò Công lập tức bắn vào đồn với loại đầu nổ cao. Loại đạn đặc biệt này nổ khi cách mặt đất chừng 4, 5 thước, rất hữu hiệu tiêu diệt biển người địch, quân ta núp trong lô cốt vẫn có hy vọng sống sót. Những cái bóng đen nhập nhoạng dưới ánh sáng hỏa châu văng tung tóe, tiếng kêu dẫy chết của chúng như tiếng rú của quỷ. Hàng tràng đạn nổ cao vẫn dội ùng oàng xuống đồn. Chiếc lô cốt cuối cùng vẫn đứng vững, anh Thi cùng anh Hùng từ trong những lổ châu mai bắn tỉa từng tên địch. Giữa tiếng súng nổ dòn, dường như người ta nghe âm thanh rì rì của máy bay. Không Quân Việt Nam đã tới. Những chiếc A1 khu trục cơ đã xuất kích. Đến đây thì “Thượng Úy” Việt cộng Sáu Bích, tên chỉ huy trận đánh đã có thể nhận thấy rằng, cuộc tấn công đồn Giồng Đình đã đánh dấu chấm hết, với phần thắng nghiêng về phía Nghĩa Quân Việt Nam Cộng Hòa. Lúc 4 giờ 30 sáng, chiến địa hoàn toàn im tiếng súng. Quân địch đã kéo những xác chết và những tên bị thương chạy trốn vào phía bóng tối.


Khi ánh hừng đông của một ngày mới đã lên, hai Đại Đội Địa Phương Quân do chính Trung Tá Tiểu Khu Trưởng Gò Công chỉ huy đã đến và tổ chức bung quân ra lục soát. Quân cộng đã để lại trận địa 23 xác chết, ở giữa đồn có 6 xác khác nằm bên cạnh lô cốt thứ ba, nơi mà anh Đồn Trưởng Thi, Đồn Phó Hùng và chị Tâm giữ máy truyền tin đã kháng cự mãnh liệt, thà chết không hàng. Những tên Việt cộng này mang trên mình rất nhiều lựu đạn và bộc phá, chắc là chúng quyết thí mạng để phá cho bằng được ổ kháng cự cuối cùng này.


Anh Thi và anh Hùng đã bắn địch theo lối xâu chéo, nghĩa là bắn chéo góc với nhau tạo thành một xạ trường quét gọn tất cả những tên cộng nào nằm trong đó. Ngày hôm sau, một người thường dân bị Việt cộng bắt đi tải thương lén trốn về được đã cho biết số bị thương của chúng chở đầy sáu chiếc ghe tam bản. Một lính cộng may mắn bị thương tên Dương Văn Thiều, 18 tuổi, sống sót và bị bắt làm tù binh. Tại sao may mắn ? Vì nếu anh ta bị kéo đi theo vào bưng biền, nếu không bị chết vì nhiễm trùng, bị những quân y sĩ Việt cộng cưa cắt bằng những loại cưa và đục của thợ mộc, thì cũng bị cấp chỉ huy ra lệnh mang anh đi thủ tiêu. Đó là lý do giải thích tại sao sau ngày 30.4.1975, người dân Miền Nam hiếm thấy người thương phế binh cộng sản trên đường phố.


Nhưng đối với anh Hùng, thì tất cả những gì mà Viêt cộng đã trả giá cho cuộc tấn công không làm anh quan tâm. Ngay khi tiếng súng vừa chấm dứt., quân cộng đã rút đi, thì anh đã như một người điên lao mình ra chỗ chiến hào mà chị Thàng đã một mình một súng trấn giữ ở đó, với một niềm hy vọng mỏng manh, rằng đừng bao giờ trái lựu đạn thứ 16 được rút chốt. Anh Hùng bò vào khúc hào mà anh đã nuốt nước mắt chạy đi. Chị Thàng cùng hai đứa con của anh nằm chết bên cạnh ba xác Việt cộng. Anh Hùng gục xuống như thân cây chuối bị một nhát dao bén chém ngọt làm đôi. Anh biết, nếu trái lựu đạn thứ 16 nổ thì chị Thàng cũng đi vào cõi chết, vì chị Thàng sẽ không bao giờ cho phép giặc bắt chị hoặc đạn của chúng bắn vào người chị. Chị Thàng đã chọn một cái chết thật dũng cảm và cao cả. Ôm hai đứa con vào lòng, chị Thàng bình tĩnh chờ cho những tên Việt cộng nhào vào, chị rút chốt!


Tiếng nổ kinh thiên cùng với xác thịt và máu của người nữ chiến sĩ đó đã được đánh đổi với ba mạng giặc. Anh Hùng ôm xác vợ con vào lòng và gần như ngất xỉu. Nhưng khi nhìn ra ngoài, những xác giặc thù nằm ngỗn ngang khắp nơi, trong nỗi đau khổ tột cùng của mình, anh Hùng thấy trong lòng dậy lên một niềm tự hào đến nghẹn ngào. Sự hy sinh của chị Thàng đã cứu sống được tất cả những thương binh Nghĩa Quân cùng vợ con các anh, nhưng trên hết cứu sống chính sinh mạng của người chồng mà chị yêu mến. Những viên đạn Carbine và 15 trái lựu đạn của chị đã đóng góp vào sự tồn tại kỳ diệu của đồn Giồng Đình. Một người lính chuyên nghiệp và thiện chiến nhất cũng chỉ làm được đến ngần ấy. Nếu cái lô cốt thứ ba không đứng vững, thì chắc chắn tất cả sinh mạng mấy mươi người Nghĩa Quân và vợ con của đồng Giồng Đình đều sẽ chết hết.


Anh Hùng ẳm chị Thàng ra ngoài, để trông thấy những người còn sống, những người vợ lính khác đã gục đầu khóc tiếc thương chị Thàng. Những nấm mộ đất được đắp vội với ba tấm bia tang tóc. Một của chị Phạm Thị Thàng, và hai kia của cháu Lê Văn Dũng và Lê Tấn Sỹ. Ôi, những người vợ của lính trong thời lửa binh. Chị Phạm Thị Thàng, chị Trần Thị Tâm, và nhiều người chị khác trên khắp nẽo chiến trường, chị Thạch Thị Định, chị Bùi Thị Xiếu, chị Am Reng.


Người lính của chúng ta, những công dân xếp hạng chót nhất trong bậc thang xã hội, nhưng là những người hứng chịu oan nghiệt trước nhất, là bức tường chắn cho sự an toàn của hậu phương phồn thịnh và hạnh phúc. Trong đời của các anh không có được một thứ ưu tiên vật chất nào cả, ngoài cái ưu tiên phải hy sinh và chết. Có những người lính từ Miền Tây ra tận miền hỏa tuyến hay trên vùng cao nguyên sương mù Miền Trung, nhiều năm liền không có lấy được một ngày phép về thăm gia đình. Nếu anh may mắn, thật đau xót, quân thù bắn anh bị thương, thì anh mới có cái diễm phúc được nắm trong tay tờ giấy phép. Còn nếu sự gọi là may mắn đó đi xa hơn một bước, anh chết, thì anh được phép dài hạn trở về và vĩnh viễn được an nghỉ ở nơi đã sinh ra anh. Đầu năm 1972, trong một trận đánh của Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại khu vực Cồn Tiên nằm sát phía Nam khu phi quân sự bên này bờ sông Bến Hải, một tiểu đoàn sau nhiều ngày cố gắng đã không thể chiếm được một cao điểm. Vị Tiểu Đoàn Trưởng gọi bốn người lính gốc Miền Tây lên hứa sẽ cấp mỗi anh mười ngày phép nếu các anh chiếm được ngọn đồi ấy. Bốn người tráng sĩ Kinh Kha đã nai nịt tề chỉnh, mang thật nhiều lựu đạn bò lên, mỗi người cầm một cây gậy ngắn dò đường. Đêm tối như mực. Hễ chọt trúng cái lổ nào là thảy lựu đạn vô cái lổ đó, vì ở đó chính là cái miệng hầm chốt của địch. Đến sáng, bốn người dũng tướng vô danh đó đã reo hò trương Cờ Vàng Việt Nam trên đỉnh cao điểm. Ôi, những ngày phép đã trở thành một ân huệ chứ không phải là một quyền lợi đương nhiên của những người lính trận.


Người vợ lính cùng chia sẻ với chồng những nỗi đắng cay thiệt thòi đó, bằng tất cả sự câm nín nhẫn nhục và vui lòng với những gì mình có. Một góc hầm tối tăm, một chiếc ghế bố cũ, vài cái nồi, chảo nhem nhuốc, những cái chén sành và những đôi đũa tre, cùng tiếng cười của lũ trẻ thơ cũng đủ làm nên thành niềm hạnh phúc vĩ đại của những người vợ lính. Chị Thàng đã chết đi, anh linh của chị cùng hai cháu bé đã thăng thiên lên cõi vĩnh hằng, nhưng những người còn sống cùng thời với chị, cho mãi đến tận bây giờ và ngàn đời sau, dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên tên chị. NGƯỜI CHỊ CAO CẢ PHẠM THỊ THÀNG. Vì tên chị đã được trân trọng ghi chép vào những trang bi tráng nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam chống Cộng sản quốc tế và Cộng sản Hà Nội, một lũ hung đồ diệt chủng, diệt dân tộc gớm ghiếc nhất của thế kỷ thứ 20 và của lịch sử hình thành nhân con người.

 

 

Phạm Phong Dinh
 

--

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

PHẢI SÒNG PHẲNG VỚI LỊCH SỬ: HUỲNH TẤN MẪM ANH NỢ CHÚNG TÔI MỘT MẠNG NGƯỜI!


HUỲNH BÁ HẢI

“…Huỳnh Tấn Mẫm và các đồng chí của ông còn nợ chúng tôi một mạng người! Và con người tài hoa, lịch lãm, tận hiến cho xã hội đó chính là LÊ KHẮC SINH NHẬT…”

lekhacsinhnhat03

Theo truyền thống, ngày 1.1 hàng năm sinh viên Tin Lành hay ngồi lại nhắc đến chuyện cũ. Năm 2020 với sự tiến bộ của IT chúng tôi lại gặp nhau online từ khắp nơi trên thế giới. Bạn bè thời sinh viên của tôi hiện nay đa phần sống ở nước ngoài: Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Việt Nam. Chỉ có một mình tôi sống ở Na-Uy, miền Bắc – Âu xa xôi lạnh lẽo. Chúng tôi, ngày xưa học các trường đại học ở Việt Nam như Đại Học Y Dược, Đại học Tổng Hợp, Đại học Kinh Tề, Đại học Sư Phạm, Đại học Tài chính – Kế toán, Đại học Ngân Hàng… Sau 1975 thì người theo Đạo Tin Lành bị cấm vào Đại Học. Những ai rất giỏi và gia đình biết chạy hay lách thì mới may mắn kiếm một chỗ ngồi trên giảng đường. 

Rời miền quê ở Quảng Nam vào Sài Gòn để theo học một chuyên ngành mới mẻ sau 1975: Khoa Luật thuộc trường Đại học Tổng Hợp Sài Gòn với học bổng loại A khoá LH92. Ngay từ đầu tôi đã gặp được sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà thờ Tin Lành ở Sài Gòn: “Tin Lành mà học Luật à?” Rồi thì: “Con ai mà gan vậy? Không thấy tấm gương của Lê Khắc Sinh Nhật sao mà lao vào?” Lúc đó tôi cũng là sinh viên Khoa Răng Hàm Mặt (Nha Khoa) của Đại Học Y Dược danh giá nên tôi ít quan tâm chuyện bên ngoài để tìm hiểu lê Khắc Sinh Nhật là ai. Hơn nữa đây là Khoá Luật đầu tiên sau 1975 tôi theo học thoả mãn óc tò mò nên xem vào học Luật Khoa như một cuộc dạo chơi là chính. Để lấy cái “giấy báo trúng tuyển Đại Học” thì ba của tôi phải trả 1 chỉ vàng và thêm 1 chỉ vàng để đi “cắt hộ khẩu” nữa. Đó là tôi may mắn đạt điểm chuẩn. Sau này vào Đại học tôi mới biết các bạn của tôi mua điểm, làm giả hộ khẩu, tốn kém hơn tôi gấp trăm lần.

Quay lại chuyện sinh hoạt sinh viên Tin Lành thập niên 1990. Lúc đó rất ít người theo Đạo Tin Lành được vào Đại Học. Chỉ có 1 nhóm nhỏ thôi. Chúng tôi học Kinh Thánh và sinh hoạt chung rất bí mật. Đã vậy tôi còn được các anh chị đi trước dặn tới dặn lui là “đừng sinh hoạt chính trị gì nha”. Lúc đó trong lớp Luật LH92 có 23 sinh viên, nhưng có 1 bạn tên Sáng tham gia chính trị khiến an ninh theo dõi chúng tôi rất sát sao. Tôi theo Đạo Tin Lành họ càng quan tâm đặc biệt hơn. Quả thật thời đó do học 2 trường Đại Học, lo dạy thêm, làm thêm kiếm tiền trang trải, lo công việc dạy thiếu nhi ở nhà thờ Tin Lành thì lấy đâu thời gian mà “quan tâm chính trị”.

Phong trào Sinh Viên Tin Lành sau 30 năm cho đến nay có hàng chục ngàn sinh viên Tin Lành nhưng không ai dám “quan tâm đến chính trị” vì còn ám ảnh đến cái chết của sinh viên Tin Lành có tên là Lê Khắc Sinh Nhật. Bị thành đoàn của ông Huỳnh Tấn Mẫm, Trịnh Đình Ban, Nguyễn Đăng Trừng giết chết vào năm 1971 ngay tại trường Luật Sài Gòn.

lekhacsinhnhat02

Lê Khác Sinh Nhật sinh năm 1948 là con trai út của mục sư Lê Khắc Hoà. Anh học Luật tại Sài Gòn và được bầu vào ban Chấp hành của Tổng Hội Sinh Viên nhiệm kỳ 1970-1971. Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật: Chủ tịch Ban Đại Diện Sinh Viên Luật Khoa Đại Học Sài Gòn niên khóa 1970 -1971, phó chủ tịch Tổng Hội SVSG 1970-1971. Vì bị thất sủng trong Tổng hội sinh viên nên đám nằm vùng Việt Cộng gồm: Nguyễn Đăng Trừng – Huỳnh Tấn Mẫm – Trịnh Đình Ban tìm cách sát hại các thành viên trong Ban Chấp Hành của Tổng hội sinh viên. Và đây là cái chết của anh Lê Khắc Sinh Nhật chấn động Sài Gòn lúc bấy giờ: 

“Ngày 28.6.1971, biệt động thành bắn chết Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật ngay tại hành lang trường Luật Sài Gòn. Ban ám sát thuộc Thành Đoàn Cộng Sản cử 2 tên tới Đại học Luật khoa số 4, DuyTân, nhận là người nhà của Lê Khắc Sinh Nhật và muốn gặp anh có việc cần. Lúc đó sắp tới mùa thi cuối niên học, Nhật đang hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất về cách thi cử tại một giảng đường. Nghe báo có người nhà tìm, Nhật đi ra. Vừa tới hành lang trước phòng Ban đại diện sinh viên, tên ám sát nhận diện đúng là Lê Khắc Sinh Nhật, hắn mau lẹ móc súng từ trong áo jacket ra bắn liền 3 phát trúng ngực Lê Khắc Sinh Nhật. Sau đó, hắn vội vàng phóng ra ngoài và nhảy lên xe, do một tên khác lái, đang nổ máy chờ sẵn. Viên Cảnh sát đứng gác bên ngoài bắn mấy phát chỉ thiên. Trên đường đào tẩu, chúng còn quăng ngược lại một quả lựu đạn, nhưng may mắn lựu đạn không nổ.

Vừa nghe tin Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát, nhạc sĩ Vũ Thành An đã sáng tác ngay một bài hát tưởng niệm, mở đầu như sau: ‘Anh sinh ngày sinh của Chúa, Chúa gọi anh về giữa tuổi đôi mươi. Anh sinh ngày sinh của Trời…’.

Thành đoàn CS giết Lê Khắc Sinh Nhật vì 2 lí do: Một là để răn đe các sinh viên thuần túy có tinh thần quốc gia; hai là để trả mối hận gây nên do Liên danh Lê Khắc Sinh Nhựt đã thắng liên danh Việt Cộng Trịnh Đình Ban (Bảy Điểm) trong cuộc bầu cử Ban Đại diện sinh viên Luật khoa niên khóa 70-71; đồng thời Nhật còn đứng Phó Nội vụ trong liên danh Lý Bửu Lâm (Kiến trúc) thắng cử trong cuộc bầu Ban Đại diện Tổng hội SVSG, giành lại Tổng hội SVSG từ tay Thành đoàn Cộng sản. Cuộc bầu cử này tổ chức tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (Nông Lâm Súc) vào ngày 20.6.1971. Sau khi biết kết quả kiểm phiếu nghiêng về liên danh Lý Bửu Lâm, bọn sinh viên Việt Cộng dở ngay bản tính côn đồ, chúng nhảy lên bục “đá thùng phiếu để hủy bỏ kết quả bầu cử” và ẩu đả hỗn loạn (Trần Bạch Đằng. Trui Rèn Trong Lửa Đó. Tái bản 1. Trang 21).

Bị thất bại trong cuộc bầu cử Tổng hội sinh viên, Thành Đoàn Cộng sản hết sức cay cú. Họ đã đưa ra 2 quyết định: Một là sát hại sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật; hai là chỉ thị Huỳnh Tấn Mẫm tập họp một số sinh viên tại trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử số 294 đường Công Lý vào ngày 28 tháng 7 năm 1971 để bầu ra một tổ chức ma, chưa bao giờ có. Đó là ‘Tổng hội Sinh viên Việt Nam’, do Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch và Nguyễn Thị Yến làm tổng thư kí.

Quyết định hạ sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật là một quyết định tàn ác, đê tiện của Thành Đoàn Cộng Sản. Vì thế, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, mặc dù họ tung ra nhiều tài liệu và sách báo khoe khoang thành tích đấu tranh của các tổ chức Thành Đoàn, nhưng đặc biệt họ không hề dám công khai nhắc tới ‘thành tích’ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật.” (Nguồn: Bạch Diện Thư Sinh).

Đám tang của sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật chấn động Sài Gòn. Khiến giới Tin Lành ám ảnh kinh hoàng cho đến tận hôm nay. Đầu tiên gia đình an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi giờ là công viên Lê Văn Tám. Sau 1975 thì gia đình cải táng phần mộ anh Lê Khắc Sinh Nhật về nghĩa trang Ân Từ Viên kế bên phần mộ thân sinh của anh. Đây là nghĩa trang Tin Lành thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay.

Cho đến gần đây tôi mới khám phá ra nỗi ám ảnh của giới Tin Lành về việc quan tâm đến chính trị có ít nhiều đến cái chết của sinh viên Luật Khoa: Lê Khắc Sinh Nhật. Người Tin Lành trong và ngoài nước rất SỢ cụm từ “chính trị”.

Cho đến nay chúng ta chỉ nghe đến người Tin Lành ở Tây Nguyên biểu tình năm 2001 và 2004. Dưới miền xuôi thì chỉ biết đến các mục sư Nguyễn Hồng Quang, mục sư Thân Văn Trường, mục sư Dương Kim Khải, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng. Còn lại các nhà thờ Tin Lành từ Nam chí Bắc, từ trong nước ra Hải Ngoại rất ngại và sợ khi bàn luận đến chính trị.

Rồi những người gây tội ác ngày xưa như Nguyễn Đăng Trừng, Trịnh Đình Ban, Huỳnh Tấn Mẫm đều bị thất sủng và gạt ra bên lê của các nhóm lợi ích của các nhóm lợi ích. Nhưng chúng tôi chưa thấy những người này lên tiếng xin lỗi hay bị đền tội vì gây ra cái chết cho những người tài năng vô tội. 

Những ngày đầu năm 2021 thì nhóm phóng viên của báo Thanh Niên họp mặt. Tôi có nghe phong phanh có xô xát đánh nhau ngay trong bàn tiệc ngày đầu năm 1.1.2021 trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, dù ông bị Nguyễn Công Khế cướp công. Bản chất của cộng sản là gian trá và bạo lực. Họ giỏi gieo rắc sự sợ hãi và sống trên nỗi lo sợ hãi hùng của nạn nhân. Không phải ngày xưa trước 1975 mà cho đến bây giờ cộng sản cũng đã dùng bạo lực để huỷ diệt nền văn minh và tiến bộ. Nguy hiểm nhất là cộng sản huỷ hoại nhân cách của con người và làm tê liệt mọi sự phản kháng trong xã hội. Sự lãnh cảm chính trị, bàng quan với vận mệnh dân tộc của giới Tin Lành Việt Nam có phần phát xuất từ sự sợ hãi bạo lực khủng bố của cộng sản. Cái chết của sinh viên Lê Khác Sinh Nhật là một ví dụ.

Huỳnh Tấn Mẫm và các đồng chí của ông còn nợ chúng tôi một mạng người! Và con người tài hoa, lịch lãm, tận hiến cho xã hội đó chính là LÊ KHẮC SINH NHẬT.

PS: Sau 1975 thì gia đình của anh Lê Khắc Sinh Nhật về sống ở Tân Thuận- Quận 7, Sài Gòn. Chị ruột của anh Lê Khắc Sinh Nhật là vợ của mục sư Đặng Thiên Ân hiện nay đang định cư tại USA. Mục sư Đặng Thiên Ân trước đây là chánh văn phòng Tổng Liên Hội – Hội Thánh Tin lành Việt Nam ( Miền Nam ) số 155 Trần Hừng Đạo- Quận 1, Sài Gòn.

Huỳnh Bá Hải

Tài liệu tham khảo:

1. https://sites.google.com/site/ngaytancuavc/home/3-toi-diet-chung/bon-sinh-vien-viet-cong-giet-thay-giet-ban?fbclid=IwAR2wSYKBYyDfmqMjPhkjM41VKf1mwewY1eystgZB7PxHnANtjCMVbochdjE

2. http://www.aihuuluatkhoa.com/yahoo_site_admin/assets/docs/Ban_A-17.13194928.pdf

3.  Phần mộ của Lê Khắc Sinh Nhật ngày nay:

lekhacsinhnhat01
nghiatrang_tinlanh

MỘT CÁI CHẾT CẦN THIẾT

 

Nguyễn Văn Sâm

 

Tối nay Thanh khó ngủ kỳ cục. Anh trằn trọc đến hơn nửa khuya trên tấm nylon giờ đây đã rin rít mồ hôi. Bực mình, Thanh ngồi dậy lấy miếng lá chuối khô lau những chỗ ướt rồi nằm xuống, cố vỗ giấc. Tại sao đêm nay mình như thấy có gì bứt rứt? Mỗi đêm hễ ngả lưng xuống là vùi giấc vì ban ngày quá cực nhọc. Không phải Thanh luôn luôn ngủ theo tiếng kẻng. Nhiều đêm anh nằm mắt mở trao tráo để sáng thức dậy đầu như búa bổ, mắt cay xè, chân đứng muốn không vững. Nhưng những bữa đó đều có lý do. Hoặc quá đói, hoặc quá buồn bã, tức giận vì ban ngày chứng kiến nhưng chuyện não lòng.

Còn nhớ tháng trước cũng vào cuối tháng âm lịch này, anh đã nằm im nhìn sao qua kẽ hở của vách vừng, vì đi làm về trễ, bị quản giáo bỏ đói với lý do không nghiêm chỉnh thi hành công tác giáo phó. Bữa đó Thanh tức tối vô cùng. Thấy mình bị đối xử tàn tệ cách vô lý. Người ta nhân danh nầy kia để làm khổ những người thất trận. Anh đã phải bụng đói đi bộ hơn 10 cây số, chặt hàng ba chục cây tre với con dao làm bằng sắt ấp chiến lược lụt nhách. Rồi phải rọc mắt, chặt cành, phải kiếm dây rừng bó lại; kéo lê về trại trên con đường giờ đây đã trở thành thăm thẳm. Tre nhỏ là bị chê, tỉa không sạch là bị phê bình; cố gắng tìm tre lớn thì phải đi xa, mang nặng, đường dài. Thế mà về trễ còn bị giảm khẩu phần. Đêm đó anh nằm ruột gan cồn cào vì đói, mệt và tức. Bọn anh giờ chẳng khác nào những tên nô lệ già, chủ vắt sức được lúc nào hay lúc nấy, rồi một bữa nào đó buồn tình họ cho một tràng súng hay bỏ đói đến khi trút hơi thở cuối cùng để khỏi tốn cơm…

Cũng có nhiều đêm anh không ngủ được vì phải nghe, phải thấy, phải biết những chuyện đau lòng. Chuyện đau lòng với người ở trại như anh không đáng nói, xảy ra thường như cơm bữa thôi, nhiều như lá rừng rậm mùa Xuân. Phải chấp nhận. Đó là cái giá phải trả cho lý tưởng đấu tranh. Đó là hình phạt đối với phần tử yêu nước thương nòi theo cách thế nhân bản không theo đường lối kéo bè kéo cánh tham nhũng thối nát. Từng vào sanh ra tử, từng đối đầu với gian nguy nhọc nhằn, Thanh không sợ cực nhọc, cũng không đau lòng cho chính bản thân và bạn bè cùng số phận. Bọn anh từng tranh đấu hào hùng tiêu diệt những tên xâm lược bây giờ sa cơ anh phải cam chịu hành hạ mà thôi. Đó là luật chơi “luật của kẻ thua người thắng”. Anh chỉ đau lòng khi chứng kiến những khổ đau của người thân thuộc. Mỗi lần như vậy anh ứa nước mắt và trằn trọc suốt đêm.

Tiếng cựa mình của người bạn nằm kế bên kéo Thanh về thực tế. Cũng có người ngủ không được sao! Anh nằm im lặng nghe. Định bụng sẽ cố gắng vỗ giấc ngủ. Bỗng người bạn hỏi nhỏ:
 
‘Thanh, Thanh đã ngủ chưa?’
 
Thanh đáp thật khẽ, hơi chỉ thoát ra cổ họng, nhưng không thành tiếng. Luật lệ ở đây cấm nói chuyện nửa khuya.
 
‘Chưa, không hiểu tại sao không ngủ được.’
 
‘Đã an ủi Nghĩa chưa?’
 
‘Đã! Mình giải thích tường tận rồi. Bất cứ người đàn bà yêu chồng nào đều có thể gặp hoàn cảnh tương tợ. Lỗi không ở chị ấy. Lỗi ở chúng nó, lỗi ở hoàn cảnh. Anh biết đó, chúng ta ở đây chịu cực khổ. Cố gắng sống sót là nhờ vào một vài điểm tựa tinh thần. Nghĩa nó thấy việc nầy như một sự phản bội lớn không thể nào chấp nhận được. Anh em mình phải dành thì giờ giải thích khuyên lơn nó kẻo nó xuống tinh thần làm bậy thì…’
 
Thanh không nói hết. Tánh Nghĩa nóng nảy và bộc trực. Nghĩa có thể làm những việc mà ít người dám làm. Hậu quả không thể nào đoán trước được.
 
Im một lúc Thanh hỏi:
 
‘Hồi chiều Nghĩa có nói gì không?’
 
Người bạn chồm vào tai Thanh thì thào: “Vượt trại.”
 
Thanh thở dài:
 
‘Cũng phải, nhưng phải hiểu rõ nó muốn làm gì…’
 
 
Đứng trong hàng Thanh nôn nao nhìn đám đàn bà già trẻ tay xách nách mang, mắt dáo dác tìm người thân. Hôm nay anh hy vọng Hồng cũng có mặt. Lúc ra đi, Hồng đã an ủi nhiều rằng nàng sẽ gắng quán xuyến cửa nhà đợi anh về, rằng khoảng thời gian độ một tháng vắng anh tuy dài đối với một người vợ nhưng rồi cũng sẽ qua, lúc đó vợ chồng sẽ bắt tay vào cuộc đời mới, trong một khung cảnh thanh bình, vợ chồng gần gũi.
 
Giờ đây đã một năm qua, một năm với hai lần thăm nuôi, mỗi lần gặp nhau nửa tiếng đủ để nắm tay, khóc ấm ức, than thở rồi thì một người nức nở nhìn theo, một người lủi thủi vào hàng tiếp tục cuộc sống tủi hờn.
 
Tiếng tên cảnh vệ gọi đến tên Thanh. Phản ứng tự nhiên anh buột miệng “Dạ có em” rồi bước ra khỏi hàng đến đứng bên cạnh tên nầy. Hắn nhìn anh từ đầu đến chân một cách hách dịch để chứng tỏ uy quyền. Cách nhìn của hắn như một kẻ cả đối với đứa đàn em ngu xuẩn để tìm xem nó có sai lầm gì không. Anh như cảm thấy mình có tội. Một năm qua, mặc dầu trong lòng mọi người đều ghét bọn này, nhưng phản ứng tự nhiên của người yếu, trước kẻ địch có súng ống đã khiến bọn anh có những cử chỉ khép nép, một thái độ sợ sệt mà nhiều khi nhớ lại Thanh và các bạn lấy làm bực tức với chính mình.
 
Anh nhìn xuống bụng mình. Bộ quần áo tươm tất nhất đã được mặc theo theo chỉ thị từ trên xuống mấy ngày trước. Cũng đã tắm rửa sạch sẽ từ hôm qua, cũng đã sửa soạn bộ mặt tươi tỉnh nhứt. Hết rồi, chỉ có bấy nhiêu thôi, còn gì nữa đâu để bày hàng hòng lấp che tính chất dã man của chế độ! Mà dầu có che giấu đến đâu đám đàn bà kia cũng sẽ qua sự sai biệt của hình vóc của người thân mình trước đây và bây giờ mà đoán biết được người chồng, người con, người cha mình đã chịu đựng những cực hình nào trong những tháng ngày gọi là học tập.
 
“Đứng thẳng lên! Chỉ có nửa giờ thôi đấy! Nhớ nhé! Không được trao đổi thư từ. Không được mất lập trường. Phải giữ tác phong cách mạng, Bác Hồ có dạy…”
 
Thanh như mỉm cười. Nụ cười bề ngoài cố cho tên nầy biết rằng anh hiểu và nhất trí nhưng bên trong anh cho đó là một loại khôi hài cù không cười.
 
Ai chẳng thấy hắn nhìn đám đàn bà của những người trong tay hắn với cặp mắt thèm muốn, lấm lét? Tác phong cách mạng gì mà như muốn nuốt chửng những hình ảnh đang diễn ra trước thị giác hắn?
 
Anh cố không nghe ý nghĩa của những lời hắn nói. Anh lơ đãng để trí tiếp thu nội dung những âm thanh đáng bực mình đó. Anh chỉ dạ dạ khi thấy hắn lên giọng hay xuống giọng thôi. Đến chừng nghe hắn ra lệnh đi anh như thoát nợ, cười chào rồi đi thẳng ra con đường hẹp giữa hai hàng rào dẫn đến đám người thăm nuôi đang đứng lố nhố dõi mắt kiếm tìm.
 
Còn đang dáo dác tìm Hồng thì Thanh thấy Nghĩa, người bạn thân cùng đội mặt mầy buồn thiu đang tất ta tất tưởi lách đám đông ngược chiều đi trở về trại. Ngạc nhiên anh chận Nghĩa lại:
 
‘Sao chưa gì hết anh đã vô rồi? Còn đồ tiếp tế đâu? Bộ không gặp chị ấy hả?’
 
Nghĩa không trả lời, anh lắc đầu chỉ về phía những người đàn bà đang chỉ chỏ. Mắt Nghĩa đỏ và đầy vẻ u uẩn.
 
Thanh nhìn ngang. Một người đàn bà còn trẻ, quần áo tương đối lành lặn nhưng rất xốc xếch, đầu tóc rối bung, nước mắt ràn rụa, sâu thẳm, một tay xách hai giỏ thực phẩm, một tay cầm cái nón lá đương lách đám đông đi vội vàng về phía hai người. Nghĩa nói mau:
 
‘Anh ra đi, tôi thấy chị ngoài đó, chị đang chờ anh đó. Tôi vô.’
 
Rồi đi thẳng.
 
Tiếng người đàn bà kêu trong nghẹn ngào:
 
‘Anh Nghĩa! Anh Nghĩa! Cho em nói! Cho em nói!’
 
Nghĩa không quay lại, anh đi mau vào cổng chia cách trại và chỗ thăm nuôi. Tên cảnh vệ nhìn anh ngạc nhiên nhưng không nói gì. Dáng Nghĩa vội vã và quyết liệt. Anh xâm xâm vào văn phòng T 4.
 
Thanh chưa biết tính sao thì người thiếu phụ đã chận anh lại năn nỉ:
 
‘Xin anh kêu anh Nghĩa ra cho em nói chuyện. Em là vợ anh ấy.’
 
Thanh chối từ:
 
‘Tôi đi vô thì không trở ra được. Đâu chị thử xin nó coi.’
 
Anh liếc mắt chỉ về tên cảnh vệ gác cổng, người thiếu phụ tất tả chạy đến chỗ tên này. Thanh ngó theo. Tiếng hai người đối đáp với nhau, Thanh không nghe rõ nhưng Thanh cũng đoán biết được đó là những lời năn nỉ đẫm lệ của người thiếu phụ đáng thương và sự từ chối chai đá của một con người không còn tình cảm, sự thương xót đã vắng mất từ lâu trong tâm hồn. Thanh thấy dường như có gì bất ổn xảy ra cho gia đình Nghĩa. Lúc này chưa biết bất ổn đó là gì vì đầu óc anh còn bị chi phối về việc tìm Hồng, Nhưng anh thấy sự nao nức gặp Hồng đã vơi đi. Anh chầm chậm tiến ra phía trước, đầu óc lung tung vì nhiều ý nghĩ. Cả sáu tháng trường vợ chồng mới gặp nhau sao Nghĩa lại bỏ vô. Sao vợ nó có vẻ hớt hơ hớt hải như vậy?
 
Tiếng Hồng kêu mừng rỡ bên tai anh:
 
‘Anh Thanh, em đây nè!’
 
Thanh quay lại, một chút ngỡ ngàng chen lẫn với hoài nghi chạy lẹ vào óc anh. Hồng đây sao? Hay là chị Hai của Hồng? Hồng sao mà già quá vậy, đen đúa, má hóp, khi cười để lộ nhiều nếp nhăn quanh miệng và những dấu chân chim ấn sâu trên khóe mắt. Hồng đó, hình ảnh tươi mát ngày xưa đã mất, chỉ còn phảng phất trong nụ cười. Thanh chớp chớp mắt và lắc đầu để giữ lại những giọt nước mắt sắp trào ra vì thương cảm, nhưng không thể; hai giọt nước mắt sống vẫn ứa ra. Anh đã hiểu, sự chờ mong, nỗi nhọc nhằn đã để lại những thành tích tai hại lên khuôn mặt người vợ trẻ của anh.
 
Tiếng Hồng vui:
 
‘Em cứ tưởng còn lâu mới tới tên anh chớ! Em chờ hơn một tiếng đồng hồ rồi, người học tập đông quá anh hé! Chắc tới hai ngàn người chớ ít sao!’
 
Thanh đưa tay xách giỏ tiếp tế giùm vợ:
 
‘Mình xích ra ngoài kia nói chuyện đi em!’
 
Đám đông bỗng láo nháo, có tiếng khóc như cha mẹ chết của một giọng đàn bà. Thanh quay lại. Người vợ của Nghĩa đang nằm lăn dưới đất bù lu, bù loa:
 
‘Anh ơi tội em lớn lắm! Nhưng mà em đâu có ý xấu. Tất cả là vì anh, cho anh. Anh ơi, hãy tội nghiệp em! Em đâu có muốn như vậy!’
 
Thanh chau mày, một cục gì đó bỗng nhiên chận ngang ngực anh. Nỗi vui mừng được gặp vợ giờ đây tan biến hẳn. Chân Thanh yếu như cọng bún, hình như hết chống đỡ nổi thân mình anh, Thanh nửa muốn bỏ đi, nửa muốn quay lại hỏi chuyện. Dầu sao Nghĩa và anh cũng là đôi bạn thân. Có gì thì mình an ủi, giúp đỡ…
 
Tiếng Hồng bên tai giọng thực tế của đàn bà:
 
‘Đi anh, chuyện chị đó tội nghiệp lắm, nhưng mà mình không giúp được gì đâu!’
 
 
Lúc Hồng bước lên xe đò thì chỗ bên cạnh đã có một thiếu phụ trạc tuổi nàng ngồi rồi. Hồng liếc mắt về phía người bạn đồng hành. Chị này sao mặt mầy có vẻ lo âu và buồn bã một cách lạ thường. Không để ý đến hoạt cảnh chung quanh, mặt cúi xuống, hai tay luôn luôn vân vê vành nón lá đặt trên đùi. Dưới chân nàng cũng hai giỏ xách có vẻ như đồ tiếp tế cho người đi học tập. Hồng hiểu đây cũng là một người đồng cảnh nên muốn làm quen để quên đoạn đường dài, nhưng ngặt người đàn bà này có vẻ gì xuất thần nên đành ngồi yên. Xe đến ngã ba vào Tòa Thánh, nhiều người xuống. Hồng quên bẵng người bạn đồng hành yên lặng của mình, lo tìm xe lam để đi lần về trại Trảng Lớn. Xe đầy, người thiếu phụ ban nãy đứng gần xe ý như muốn xin đi. Bất nhẫn Hồng nhích vô trong một chút và nói:
 
- Chị lên đi.
 
Rồi nàng như nói với mọi người trên xe:
 
- Mình ngồi chật chật chút xíu nhe bà con cô bác. Để chị này đi xe sau thì có khi trễ giờ hết thăm nuôi được, tội nghiệp!
 
Rồi bằng một giọng thật vui, Hồng nói lớn để lung lạc người tài xế:
 
- Với lại để bác tài kiếm thêm một chút đỉnh nuôi con!
 
Người thiếu phụ nhìn Hồng tỏ dấu cám ơn nhưng không nói gì. Nàng lên xe ngồi vào chỗ trống ít oi Hồng đã nhường và cố gắng nhích mình tìm thêm một khoảng không gian vừa đủ. Đôi mắt nàng vẫn buồn bã, lo âu.
 
Hai người như quen nhau từ đó. Xe chạy trên con đường đá lổm chổm, bụi đỏ bay mịt mù. Thỉnh thoảng xe xụp những lỗ gà làm mọi người nhăn mặt. Nhưng rồi mọi người cũng đến bến! Bến đây là đoạn cuối của con đường mà xe lam không thể đi được nữa. Cả bọn phải đi bộ. Đường dài và mệt, Hồng áy náy hỏi thiếu phụ:
 
- Bộ anh mới bị bắt đây hả chị?
 
Bây giờ mới nghe người bạn đồng hành của nàng mở miệng:
 
- Đâu có, lâu rồi, cả năm nay lận, một lượt với tất các các sĩ quan khác.
 
Hồng nhíu mầy, nàng nói trong trí: “Cả năm sao mà…”. Nàng liếc về bụng của người bạn gái mới quen. Thiếu phụ hiểu ý. Sự lo âu càng lộ trên khuôn mặt bất thần: Bộ dòm thấy rõ lắm sao chị?
 
Hồng cố gắng an ủi để người đối thoại vững bụng:
 
- Đàn bà thời biết, chớ đàn ông chắc họ không biết đâu.
 
Rồi nói lảng sang chuyện khác:
 
- Cha, phải họ chạy thêm một đỗi nữa thì đỡ mình chị hả, đi mỏi cẳng quá!
 
Thiếu phụ vẫn thắc mắc:
 
- Mới dòm sơ qua biết không chị?
 
- Hơi lớn đó, chị phải cẩn thận.
 
Người đàn bà bỗng bật khóc. Nàng đứng khựng lại, để hai giỏ xách xuống nức nở:
 
- Em nhớ ảnh quá nên phải đi thăm. Em biết nếu ảnh hay chuyện này thì ảnh buồn lắm, ảnh có thể nổi điên lên!
 
Ngưng một lúc thiếu phụ thở dài:
 
- Mà không đi thăm thì tội ảnh!
 
Rồi nàng tiếp tục như để trút bớt tâm sự vốn từ lâu chết giấu trong lòng.
 
- Cả tháng nay khi thấy giấy phép cho đi thăm nuôi em tính hoài mà hổng biết làm sao. Nó nói, nó chỉ cần làm giấy chứng nhận ảnh học tập tốt, biết hối cải, rồi đưa bạn nó đề nghị thả ảnh về thì ảnh được về. Em nghĩ thôi “cho” nó để cứu ảnh. Quý thì quý thiệt đó, nhưng không bằng sanh mạng của chồng mình. Mình chịu nhục một chút mà cứu được chồng. Ai dè! Sáu tháng nay chưa thấy gì! Em gặp nó trong lần về chuyến đi thăm trước. Bây giờ em không biết tính sao. Chắc em chết quá!
 
Mắt Hồng cay xè. Kết quả của một sự nhẹ dạ và một sự lợi dụng bỉ ổi! Chuyện rất dễ xảy ra, mà biết đâu mình gặp trường hợp đó mình cũng bị như vậy thôi! Không cho sợ nó ám hại chồng mình, cho thì quá bẽ bàng! Chuyện của một người không quen mà mình sao thấy đau đau trong tim.
 
 
Đêm nay, Thanh khó ngủ. Hồi chiều Nghĩa nói nội tuần này Nghĩa sẽ vượt trại. “Tôi không thể ở đây lâu. Tôi phải ra để an ủi vợ tôi. Chậm ngày nào tôi lo ngày ấy, nó ngu lắm. Chờ được gởi thơ đến nơi biết đâu nó tự tử chết rồi. Tôi phải ra để nó yên lòng là tôi không giận. Rồi tôi đi, tôi trả thù, thù riêng và thù chung. Trả thù sự đày ải của chúng mình, trả thù sự lường gạt ép bức tất cả người dân chúng ta. Nếu không liên lạc được anh em tôi sẽ làm theo cách riêng. Tôi còn đồ chơi giấu ở chỗ bí mật trước ngày rã ngũ. Chuyện vợ tôi chỉ là một cái cớ cho tôi quyết định hành động sớm hơn thôi. Tôi tức sao nó không chịu nhìn thấy bài học. Lời hứa của bọn này luôn luôn bay theo gió. Không thể tin chúng được. Tại sao vợ tôi lại chấp nhận một sự đổi chác mà nó biết chắc rằng là tôi không bao giờ chịu? Danh dự của tụi mình đâu? Mình thà chết chớ không thể để vợ con trao đổi thiệt thòi nhiều như vậy. Mà nó lại lường gạt nữa! Tôi phải ra. Tôi ra để chứng tỏ tôi muốn hành động và tôi chấp nhận mọi hậu quả”.
 
Trước sự quyết tâm của bạn, Thanh không biết nói sao. Anh chỉ lung lạc Nghĩa về phương diện hiểm nguy của hành động để bảo Nghĩa chờ lúc thiệt thuận tiện. Nghĩa có nghe nhưng qua ánh mắt Nghĩa, Thanh thấy đó chỉ là một sự nể vì. Thanh nói thầm “Nó cả quyết quá”…
 
“Thôi, để rồi mình nói nữa. Lâu lâu dần dần nó sẽ thấm…”
 
Đêm cuối tháng, trời tối như bưng. Vách lá tuy rải rác vài chỗ hở nhưng ánh sáng không rọi vào vì không có ánh trăng. Thanh nghĩ vẩn vơ, Nghĩa nói sẽ vượt trại tuần này. Nếu nó làm đêm nay thì tuyệt quá: “Trời tối om. Nhưng vái trời nó bỏ lỡ cơ hội để mình có dịp thuyết phục nó. Chưa điều nghiên, chưa biết bên kia hàng rào là gì. Xóm bên cạnh người ta có can đảm bao che sĩ quan vượt trại không? Nó mà làm ẩu thì nguy quá!”
 
Chó sủa văng vẳng trong xóm đêm. Chó sủa hơi nhiều… Thanh chìm vào giấc ngủ mơ màng… Thanh chợp mắt được một lúc thì chợt giật mình tỉnh giấc vì tiếng tu- huýt như thét lên bên tai cùng với tiếng ồn ào của các bạn cùng trại. Thanh chồm dậy, xếp lại tấm nylon. Các bạn xì xào: “Không biết chuyện gì mà tụi cảnh vệ đánh thức mình dậy lúc nầy? Trời còn tối quá. Đâu mới hai giờ sáng. Chắc lại di chuyển sang trại khác”.
 
Một luồng hơi lạnh chạy trong xương sống Thanh. Có chuyện bất tường. Mỗi lần di chuyển trại là một lần cực nhọc và hao hụt một số bạn bè. Rồi phải thích nghi với đời sống mới sau một thời gian cực nhoc, san cỏ, cắt tranh, chặt tre đắp nền, dựng nhà, đào cầu. Mỗi lần ra đi là mỗi lần vào sâu hơn trong rừng, mỗi bước đi là mỗi tách rời với người thân bên ngoài.
 
Mà sao bọn cảnh vệ nhiều như vậy? Lại có súng ống và lựu đạn nữa. Đứa nào đứa nấy mặt mầy hung dữ lầm lầm lì lì. Chuyện gì đây? Hay là nó đem một ít bọn mình đi xử bắn? Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp bay nhảy trong đầu óc Thanh. Hai tay anh em dọn dẹp cho mau, gói lại quần áo, xếp đặt gọn ghẽ những thứ cần dùng nhưng mắt láo liên nhìn ra bên ngoài. Người bạn làm tổ trưởng bước vào nghiêm trọng nhìn khắp mọi người rồi hối thúc.
 
- Anh em lẹ lẹ lên rồi tập họp ở sân học tập.
 
Một người bạn không dằn được thắc mắc:
 
- Chuyện gì đó, anh biết không?
 
- Không biết rõ, nhưng chắc quan trọng lắm. Chắc chuyện gì đó liên quan tới trại.
 
Thanh bỗng dáo dác tìm Nghĩa. Tiếng chó đêm qua, lời xác quyết của Nghĩa, đêm tối trời, sáng hôm nay Nghĩa vắng mặt. Tất cả đủ để đặt một phương trình rõ ràng. Anh hớt hải hỏi vội tới anh tổ trưởng:
 
- Đầu kia, anh em thức hết chưa?
 
- Ai mà không thức cha!
 
- Anh có thấy Nghĩa đằng đó không?
 
- Tôi không để ý. Nhưng nếu không có, chắc nó đi tiểu, đi tiêu gì đó.
 
Anh tổ trưởng bỏ đi.
 
Thanh cố nhón gót ngó về chỗ Nghĩa nằm. Chiếc chiếu rách của nó vẫn còn ở đó. Gói đồ vẫn còn trên chỗ đầu nằm. Nó đi đâu vậy cà? Đi đâu thì đi cũng phải xếp đồ đạc lại cho gọn ghẽ kẻo không thôi bọn quản giáo vào ngó thấy thì lôi thôi.
 
Một hồi còi nữa ré lên. Tiếp theo là tiếng tên cán bộ trên liên đoàn mà Thanh phân biệt được dễ dàng qua giọng nói:
 
- Đồng chí cho chúng khẩn trương lên. Tôi phải tìm đồng bọn của nó nữa. Bọn này chắc là cấu kết nhiều tên chớ không phải một mình bản thân nó đâu!
 
Thanh ngồi chết điếng. Anh không nhìn ai hết. Anh lắng nghe tên thủ trưởng L1 để biết sự tình như thế nào và cố đoán chừng chúng sẽ có biện pháp gì với Nghĩa.
 
“Tên Nghĩa đã phạm tội rất lớn với nhân dân. Xin lỗi anh em tôi phải gọi bằng tên Nghĩa vì hắn không còn xứng đáng để ta tôn trọng. Hắn đã cấu kết với bọn phản động để vượt trại. May mà nhân dân đã phát hiện cộng tác với bộ đội để bắt hắn lại… Hắn không chịu sự giáo huấn khoan hồng của Đảng! Hắn không nhìn thấy sự sai lầm của hắn trước đây. Hắn không chịu thấy nợ máu với nhân dân và cách mạng mà hắn đã phạm phải trong thời gian phục vụ cho Mỹ Ngụy. Đảng và nhân dân nuôi cơm cho hắn ở đây để hắn học tập và suy nghĩ để trở nên người công dân tốt của một nước thuộc XHCN. Hắn không biết đó là một hy sinh của nhân dân cho hắn. Trái lại…”
 
Thanh không muốn nghe thêm. Nhàm chán và trơ trẽn. Mỗi bên đều có những lập luận và lý do riêng. Cái khác là bên các anh đã cưỡng đoạt bên tôi phải nghe theo lập luận của các anh. Với súng đạn và quyền hành anh cố bắt tụi tôi thành những con cừu. Ai không muốn biến thành cừu sẽ trở thành phản động, có tội với nhân dân. Thôi im đi, giải quyết gì thì giải quyết lẹ lên.
 
Nghĩa bị bắt buộc đứng kế bên tên này. Hai tay anh bị trói quặt ra sau. Đầu tóc rối bù, mặt mầy sưng húp, và nhiều chỗ bầm tím. Chỗ hai đầu gối rách bươm và máu vẫn còn theo đường cắt chảy chầm chậm xuống chân. Nghĩa không tỏ vẻ gì sợ hãi. Dường như anh đang mỉm cười. Cái cười chịu đựng và thỏa mãn.
 
 
Sau một tuần bị nhốt “cô- nếch” với quả mìn chống chiến xa cùm vào chân mà mỗi khi di chuyển, Nghĩa đều phải ôm theo; hôm nay, Nghĩa được giải quyết số phận mình. Anh em cả trại Trảng Lớn chỉ có 5 người được đi chứng kiến. Thanh không hiểu sao mình có trong đó.
 
Ra đến cuối phi đạo, chỗ làm pháp trường Thanh đã thấy lợm giọng. Bọn cán bộ, quản giáo, cảnh vệ đều đã có mặt hầu hết, vợ con của chúng cũng tề tựu đông đủ và đương chỉ chỏ bàn tán. Họ nói cười vui vẻ như đương được xem một màn xiệc đặc biệt. Cái chết của một người để làm trò mua vui cho một số người. Thanh nuốt nước miếng khô. Anh và các bạn được lịnh phải đứng ở hàng sau cùng, sao cho tù tội không nhìn thấy!
 
Nghĩa chưa có mặt ở cây cột pháp trường mà hàng lính hành quyết đã dàn hàng chữ nhứt và sẵn sàng súng ống. Tên Thượng úy dẫn Nghĩa ra, hai tay anh vẫn bị trói quặp sau lưng. Hôm nay, Nghĩa đã được bận bộ đồ tây. Áo sơ mi trắng tay dài, quần tergal Anh, bộ quần áo anh bận ngày trình diện trước đây, Nghĩa nói nhỏ với tên thượng úy trong khi vẫn tiến về cây trụ. Tên này nhăn mặt nhưng cũng gật đầu. Nghĩa được dựa lưng vô cột. Tên thượng úy rút trong túi ra một sợi dây luột dài nhưng hắn vẫn cầm ở tay chứ chưa cột Nghĩa liền. Nghĩa bỗng nói lớn:
 
- Xin các anh cho tôi nói.
 
Mọi người im phăng phắc. Tên thượng úy bây giờ mới lên tiếng:
 
- Anh nói mau lên, đây là đặc ân lần cuối. Mong anh trước khi đền tội đừng gây thêm tội nữa!
 
Thanh âm của tên này, Thanh nghe như có vẻ xúc động. Hắn nói giọng Nam của một người ở miệt đồng bằng Cửu Long. Chắc chắn thuộc thành phần MTGPMN hay là người tập kết gì đó. Nếu hắn thuộc bộ đội Bắc Việt thì đã không cho phép tử tội nói.
 
Nghĩa hỏi:
 
- Tôi tội gì?
 
- Anh vượt trại và hành hung cán bộ.
 
- Vượt trại và hành hung cán bộ đâu đủ để lãnh án tử hình. Ai xử án. Tôi có ra tòa bao giờ đâu. Ai kết án tôi?
 
- Nhân dân và luật lệ của Đảng và Nhà Nước.
 
- Đây là trại học tập. Tôi không muốn học tập thì bỏ tù tôi sao lại xử tôi?
 
Tên thượng úy kiên nhẫn đáp:
 
- Trại học tập nhưng có luật lệ của trại. Anh hành hung bộ đội là anh đã chống lại chế độ. Anh đáng nhận lãnh bản án.
 
- Tôi đánh cán bộ vì cán bộ đánh tôi sau khi tôi đã chịu để bị bắt. Tôi đánh cán bộ chớ có đánh chế độ đâu. Cán bộ không là chế độ. Cán bộ là người, chế độ là chánh sách, là định chế. Không thể đồng hóa người với chánh sách.
 
- Anh nói xong chưa, để chúng tôi làm phận sự. Anh nên biết dầu anh nói gì đi nữa cũng không thể thay đổi gì được, quyết định đã ra, chúng ta chỉ có thi hành thôi.
 
Nghĩa cay đắng:
 
- Thôi tôi hiểu rồi, anh cũng chỉ là một thứ thiên lôi, anh không giải quyết gì được. Nhưng tôi muốn nói rằng vượt trại học tập không đáng để lãnh án tử hình, trừ phi đây là một trại tù binh. Chỉ tù binh vượt trại mới bị tử hình mà thôi. Xin anh đề nghị họ sửa lại rằng đây là một trại tù binh. Bọn Duẩn Đồng đừng xí gạt người ngoài bằng danh từ nữa…
 
Một báng súng AK quạt vào quai hàm Nghĩa. Đầu anh bật ra sau, tai tay bị trói làm anh mất thăng bằng và quỵ xuống. Mọi người nín thở chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đó. Nhưng tên thượng úy lại đứng yên. Thanh ngoài nầy biết chúng chưa giết Nghĩa vội vì chưa cột Nghĩa vô cột. Nghĩa lạng quạng sửa lại thế quỳ; bỗng anh xụp lạy hai lạy về phía Nam, phía Núi Bà Đen và nói lớn:
 
- Xin Mẹ tha tội bất hiếu cho con. Xin em tha tội cho anh. Xin Tổ Quốc tha tội cho đứa con bất lực.
 
Anh đứng dậy, mắt ráo hoảnh:
 
- Tôi sẵn sàng, xin các anh làm phận sự. Nhưng các anh nên biết rằng tôi không cần phải nói nữa chớ không phải tôi đuối lý hoặc ngán súng đạn của các anh. Anh nên biết quân nhân của QLVNCH không hèn đâu!
 
Thanh đưa tay quệt mắt. Anh đã hiểu. Nghĩa đã tính sẵn hết. Thoát, anh hành động, không thoát anh đem chính sự sống của mình chứng tỏ rằng đây không phải là trại học tập, không có gì liên quan đến học hành hết. Đây là một trại tù binh rõ rệt. Chiến tranh đã hết trên quy mô quy ước nhưng chiến tranh vẫn còn tiếp diễn theo một hình thức khác. Sự có mặt của chúng ta trong các trại học tập kiểu này thể hiện một trong những bộ mặt mới của chiến tranh.
 
Mắt Thanh mờ đi qua những giọt nước mắt lưng tròng. Bóng Nghĩa nhòe nhoẹt trước cột trụ. Tiếng lạch cạch lên cò của tiểu đội hành quyết không làm Thanh đau lòng nữa. Anh đã trui lòng mình khi tìm ra ý nghĩa cái chết mà Nghĩa phải chịu. Một tràng súng nổ dài. Mơ hồ Thanh nghe tiếng” VIỆT NAM CỘNG HÒA MUÔN NĂM” và tiếng cười mãn nguyện. Thanh nhắm mắt lại. Cái chết của mầy không vô ích đâu, Nghĩa ơi. Nó rất cần thiết đó. Nó mở đường cho tao và nhiều người khác nữa. Nó góp phần đánh đổ một huyền thoại, nó lật tung lên sự che đậy bỉ ổi của một chế độ không lương tâm, dối trá qua những danh từ. Mầy yên lòng yên nghỉ đi, Nghĩa ơi!
 
Nguyễn Văn Sâm

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

NÊN CẨN THẬN: NGƯỜI GỐC Á HIỆN NAY ĐANG BỊ TẤN CÔNG

 

 Duy Văn (Tổng Hợp)

Thời gian gần đây,người gốc châu á bị tấn công hầu như trên khắp mọi tiểu bang trên đất Hoa Kỳ. Việc tấn công hiện nay chưa biết nguyên nhân xác định. Tuy nhiên có nhiều nguồn tin cho rằng do " kỳ thị chủng tộc" bởi ảnh hưởng  nguyên nhân từ Covid (Covid China) . Cho nên các dân tộc da màu khác đã có ấn tượng với màu da vàng. Đặc biệt dân trắng thượng tôn. Cũng có những nguồn tin khác cho rằng những nguyên nhân trên chưa là yếu tố then chốt của sự việc....

Dù chờ đợi hay không để nhà chức trách nhận xét chính xác về khả năng của nguyên nhân thì người gốc châu á gần đây cũng đã bị " khủng hoảng tinh thần" về những cuộc tấn công bởi người da màu khác gây ra cho họ.

Mới đây  tại  Atlanta, Georgia Một tên da trắng, 21 tuổi, đã vào hai tiệm spa, bắn chết 8 người, 6 nạn nhân là người da vàng. Hắn đã bị bắt, và có vẻ như đang tìm cách đổ lỗi cho nạn nhân là vì hắn muốn diệt đi "mầm móng của những thèm muốn tình dục". Nói như vậy là đủ biết những tên như hắn coi đàn bà da vàng là cái gì rồi!

Mới nhất vào ngày 10 tháng 3 năm 2021, một người da trắng vô gia cư đã tấn công 2 người gốc châu á một trong hai có một người Việt cao niên đó là ông Phạm Tấn Ngọc 83 tuổi là một Niên trưởng trong Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia Hải Ngoại khi ông cùng một người bạn đi chợ trời (The United Nations Farmers Market) tại đường Market và số 7 ở thành phố San Francisco. Sau đó hắn ta lại tấn công một người phụ nữ da vàng khác trên cùng một địa điểm trên.

Kết quả của cuộc  tấn công đã làm cho ông Ngọc bị thương tích trầm trọng bởi do sự ngã té và đập đầu xuống đất. Theo tin từ bệnh viện SF cho biết: Ông Ngọc bị nứt xương mũi và mẻ xương cổ . Và Bác sĩ trong bệnh viện vẫn còn đang tiến hành khám nghiệm y khoa tiếp theo. Hiện Ông Ngọc vẫn đang còn nằm trong bệnh viện trong tinh thần tương đối tỉnh táo.

Được biết ông Phạm Tấn Ngọc là một sĩ quan cấp tá trong ngành Cảnh Sát Đặc Biệt của thể chế Việt Nam Cộng Hòa . Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 oan nghiệt của miền Nam, ông bị Cộng sản Việt Nam cầm tù đến 17 năm. 

Báo Los Angeles đưa tin:

LOS ANGELES, California (NV) – Kể từ khi đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động vào Tháng Ba năm ngoái, hàng ngàn người Mỹ gốc Á phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc qua các cuộc tấn công bằng lời nói và thể xác, hoặc bị người khác xa lánh, theo một nghiên cứu được công bố hôm Thứ Ba, 16 Tháng Ba, được đăng tải trên Los Angeles Times.

Báo cáo của tổ chức Stop AAPI Hate cho thấy trong khoảng thời gian từ Tháng Ba, 2020 đến Tháng Hai, 2021 có tới 3,795 vụ tấn công có chủ ý phân biệt chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á.

Một em bé tham gia biểu tình với tấm bảng có hàng chữ: “Đừng tấn công ông bà em.” (Hình: Ringo Chiu/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, con số này có thể chỉ là một phần nhỏ của các cuộc tấn công đã xảy ra, vì có rất nhiều vụ không được báo cáo.

Stop AAPI Hate được thành lập vào Tháng Ba năm ngoái để đối phó với các cuộc tấn công liên quan đến ý nghĩ cho rằng người Châu Á phải chịu trách nhiệm về COVID-19 vì có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Nhóm này không thu thập dữ liệu của những năm trước để có thể so sánh rằng liệu các cuộc tấn công nhằm vào người Châu Á có gia tăng trong thời kỳ đại dịch hay không.

Khoảng 68% các cuộc tấn công chống người Châu Á được ghi nhận trong nghiên cứu là quấy rối bằng lời nói, 21% là hành vi xa lánh, và 11% là hành hung thể xác.

Khoảng 9% số vụ khác là vi phạm quyền công dân như phân biệt đối xử tại nơi làm việc hoặc bị từ chối phục vụ tại một doanh nghiệp. Gần 7% các cuộc tấn công là quấy rối trực tuyến.

Hầu hết các vụ này xảy ra tại các cơ sở kinh doanh hoặc trên đường phố công cộng.

“Chúng tôi yêu cầu các nhà hoạch định chính sách ở cấp địa phương, tiểu bang, và liên bang hợp tác với chúng tôi để thực hiện các giải pháp dựa vào cộng đồng sẽ giúp bảo đảm người Mỹ gốc Á có quyền bình đẳng,” bà Manjusha Kulkarni, đồng sáng lập Stop AAPI Hate và giám đốc điều hành Hội Đồng Chính Sách và Kế Hoạch Châu Á Thái Bình Dương, nói.

Một số vụ phân biệt chủng tộc được báo cáo: Tại một ga tàu điện ngầm ở Annandale, Virginia, một phụ nữ Mỹ gốc Á đang đi cầu thang cuốn thì bị một người đàn ông liên tục đấm vào lưng và đuổi theo cô, giả ho và hét lên: “Đồ Tàu khựa…” và sau đó tuôn ra lời tục tĩu. Trong một ví dụ về sự tránh né, một tài xế gọi xe ở Las Vegas nói với một khách người Mỹ gốc Á: “Hôm nay có một người Châu Á khác đi cùng tôi, tôi hy vọng bạn không có một tí COVID-19 nào nhé!”

Hơn hai phần ba số vụ bị tấn công mang tính kỳ thị chủng tộc trong nghiên cứu là do phụ nữ báo cáo.

Trong số vụ tấn công, có hơn 40% do người Mỹ gốc Hoa báo cáo, 15% do người Mỹ gốc Hàn báo cáo, và 8% do người Mỹ gốc Philippines thuật lại.

Bà Cynthia Choi, đồng sáng lập Stop AAPI Hate và đồng giám đốc điều hành Tổ Chức Người Hoa Ủng Hộ Sự Bình Đẳng, cho biết: “Chúng ta cần tính đến cả tác động lịch sử và tác động liên tục mà phân biệt chủng tộc, thù hận và bạo lực đang gây ra đối với cộng đồng, đặc biệt là đối với phụ nữ, thanh niên và người cao niên, những người dễ bị ăn hiếp.” (Đ.Trang) [đ.d.]

Theo nguồn ti từ SF: ngày 18- 3- 2021 Tấn công cụ bà gốc Á Châu ở San Francisco, nghi can ‘lên cáng’

SAN FRANCISCO, California (NV) – Một nghi can tấn công một cụ bà gốc Á Châu ở San Francisco vào sáng Thứ Tư, 17 Tháng Ba, và phải nhập viện sau khi nạn nhân tự vệ.Theo đài CBS San Francisco, sự việc này xảy ra lúc 10 giờ sáng trên đường Market ở khu trung tâm thành phố San Francisco.

Bà Xiao Zhen Xie cầm túi chườm nước đá trên tay sau khi vụ tấn công. (Hình: Twitter Dennis O’Donnell)

 Lúc đó, bà Xiao Zhen Xie, 76 tuổi, đang đứng đợi đèn đỏ thì bị nghi can đấm vào mắt trái. Bà không biết tại sao mình bị tấn công, nhưng chỉ biết mình phải tự vệ và dùng một khúc gỗ để đánh nghi can.Lúc đó, nghi can 39 tuổi bị còng tay vào cáng cứu thương và đang chảy máu miệng sau khi bị bà Xie đánh. Sở Cảnh Sát San Francisco cho biết nghi can còn tấn công một cụ ông người Á Châu 83 tuổi trước khi đấm bà Xie.Trong một số hình ảnh đăng trên mạng xã hội, bà Xie nói chuyện với đám đông, trên tay cầm một túi chườm nước đá sau khi nhân viên công lực có mặtMột số nhân chứng kể lại họ thấy bà Xie đang đánh nghi can, khiến nhân viên công lực phải chặn bà lại.Trong một video, bà vừa khóc vừa nói với đám đông: “Anh ta đánh tôi.”Bà Xie, cụ ông người Á Châu kia và nghi can đều được đưa đến bệnh viện.Sau khi xuất viện, bà Xie kể lại sự việc với đài CBS tại viện dưỡng lão hôm Thứ Năm, 18 Tháng Ba, với con gái là bà Dong-Mei Li phiên dịch.Bà Li cho hay mẹ mình vẫn còn rất sợ hãi và mắt bị đấm trúng còn chảy máu.“Mắt trái của mẹ tôi không thấy đường và còn chảy máu. Chúng tôi phải cầm máu cho mẹ,” bà Li nói.Bà Xie nói: “Tôi không biết anh ta là ai, và không biết tại sao anh ta lại đánh tôi.”

Nghi can nằm trên cáng sau khi bị bà Xiao Zhen Xie đánh lại. (Hình: Twitter Dennis O’Donnell)

 Bà kể lúc đó mình tìm thấy một khúc gỗ gần chỗ mình đang đứng và dùng khúc gỗ đó để tự vệ.Anh John Chen, cháu của bà Xie, cho biết bà mình rất sợ hãi và không dám ra đường lại.Hiện nay, Sở Cảnh Sát San Francisco chỉ cho biết nghi can là một ông 39 tuổi, chưa cho biết danh tánh, và chưa biết được lý do bà Xie bị tấn công có liên quan đến kỳ thị hay không.Gia đình của bà Xie mở một trang GoFundMe để kêu gọi giúp đỡ về các chi phí y tế. Đến chiều Thứ Năm, 18 Tháng Ba, trang GoFundMe này có gần 9,000 người đóng góp và thu được hơn $265,000, trong khi mục tiêu chỉ có $50,000.Theo gia đình, bà Xie từng vượt qua được bệnh ung thư, nhưng bị tiểu đường hơn 10 năm. Số tiền GoFundMe này sẽ được gia đình đùng để trả các chi phí y tế, giúp bà Xie đi bác sĩ tâm lý, và trả các chi phí sống khác cho bà. (TL) [qd]

Tệ nạn tấn công người da vàng, chúng tôi nghĩ rằng không thể chấm dứt trong đầu hôm sớm mai. Mà hiện tượng chưa thể ngưng mà sẽ trở thành một " phong trào ấn tượng" với người da vàng. Cho nên Cộng đồng VN chúng ta cần phải lên tiếng. Sự kỳ thị người Á châu ngày càng gia tăng. Xin mọi người cẩn thận, và xin hãy lên tiếng với mọi người Á châu khác. 

Duy Văn (Tổng Hợp)