Mùa Đông với những
tuyết rơi giá lạnh và mưa dầm đã âm thầm lặng lẽ trôi qua. Bây giờ cuối tháng
chạp,bắt đầu đi vào tháng giêng,với sự giao thoa thời tiết bên ngoài, cùng với
sự bâng khuâng lo lắng và nỗi nhớ quê hương đã xâm chiếm tâm hồn tôi. Trong khoảnh
khắc,tôi chợt nhận ra mùa Xuân đã đến.
Sống trong một đất nước văn minh,đầy những vật chất quyến rũ,con người lúc nào
cũng bị chi phối bởi thời gian. Nhưng với tôi như không vô tình bị hút vào
trong quỹ đạo đó ! Tôi phải tự tạo cho mình một tác phong để bắt kịp với thời
gian,nghĩa là có tính phù hợp và chủ động. Dù đã có sự cân nhắc,nhưng thật sự
tôi vẫn bị quay cuồng điên đảo theo cuộc sống diễn tiến hằng ngày với công
việc. Nhiều lúc tôi muốn tạm nghỉ ngơi để rong chơi trên đồi hay trên một bờ
biển thơ mộng nào đó,để tìm cho mình những khuây khỏa tâm hồn,hoặc muốn có một
chút ít thời giờ để tìm đọc một vài tin tức nói về sự thật của đất nước,quê
hương Tây Ninh của tôi,một tỉnh nhỏ nghèo nàn nằm trong dãy đất hình cong chữ
S, trải dài bên bờ Thái Bình Dương bao la, mà hiện tại nơi đó có biết bao nhiêu
nỗi bất công,những thiếu thốn,người dân không có tự do,dân chủ,nhân quyền,những
sự mất mát đã mất mát rồi,nhưng nay vẫn còn tiếp diễn. Nhiều lúc,tôi cũng muốn
đi tìm cho mình một chân lý thực tiễn,để có thể níu kéo đi những phiền muộn của
cuộc đời,nhưng đành phải giơ hai tay qua khỏi đầu,đầu hàng chấp nhận một sự
thật. Thật đáng buồn cho số phận! Số phận làm người tha phương.
Trong bằng hơn nửa tuổi đời so với một thế kỷ,tôi đã thật sự nếm trải với nhiều
mùa Xuân đã đi qua nơi quê nhà,cũng như qua nhiều nơi xa lạ. Có những mùa Xuân
chỉ ngồi trong một góc xà lim nhỏ trong trại giam,để rồi ôn lại những gì đã
biến chuyển qua đời mình. Và cũng có những mùa Xuân ôm ghì nấc súng nơi một
vùng rừng biên giới xa xôi nào đó của đất nước,mà lòng cứ dõi về nơi gia
đình,nơi đó có Mẹ,có em,có bà con thân thuộc đang quây quần trước đĩa bánh mứt,
hột dưa, sau phút giao thừa đầy xác pháo trước ngõ. Những vui buồn lẫn lộn của
bao mùa Xuân nơi quê nhà, dù muốn hay không vẫn là kỷ niệm tạo cho tâm hồn của
những ai đó là người Việt không có cảm xúc thoải mái,nhưng chắc không chối bỏ
được hương sắc mùa Xuân của quê hương đầm ấm,đậm đà thật tuyệt vời và nhiều
tính dễ thương. Bây giờ,đã hơn hai mươi mấy mùa Xuân trôi qua trên xứ người rất
êm nhẹ với thời gian,nhưng lòng tôi không thật dễ dàng êm dịu. Mỗi ngày tôi
nhận được những tin tức cộng đồng nơi các báo chí Việt ngữ hải ngoại, hầu hết
như hoàn toàn là những tin tức nóng hổi,giật gân,nhưng vui ít,buồn nhiều đã xảy
ra từng ngày trên nhiều mặt báo. Tôi thật đau buồn vì những tin tức không hay
đã liên tiếp diễn ra có thực trong cuộc sống hằng ngày mà những người Việt tị
nạn đang gồng và gánh phải. Sự cam chịu nếu không muốn nói là vô lý của con
người cứ dai dẳng chuyển tiếp không ngừng như một cơn lốc xoáy cuồn cuộn trỗi
dậy,dù cố ý hay vô tình làm cho con người bị ảnh hưởng cuốn bức theo.
Nhiều tin
tức làm bàng hoàng trong mảnh đời tị nạn, khi được nghe báo chí tường thuật có
những gia đình ly tán vì mãnh lực đồng tiền, những phụ nữ bị kẻ ngoại nhân hãm
hiếp vứt xác vào thùng rác,những gia đình khổ sở vì con cái hút sách,hoặc đi
theo băng đảng tội phạm.Đáng buồn hơn,con cái thuê người giết cha mẹ ruột của
mình chỉ vì cha mẹ ngăn cản không cho hẹn hò với bạn trai… Đó là những nổi
thương tâm, những mất mát thực sự đem đến nỗi đau cho bao gia đình,thì làm sao
họ có được một mùa Xuân,với mộng ước nhỏ nhoi,mặc dù đời sống thật là ngắn
ngủi.Thật ngán ngẫm ! Đôi khi tôi cũng muốn thu mình vào trong im lặng để có
quan niệm riêng tư và tự nhủ hãy sống cho mình những gì mình đã có để giữ sự
cân bằng trong tâm hồn.Nhưng cuối cùng cũng không đành lòng trước bao nhiêu
thực tế với thói đời của con người,để rồi phải lên tiếng cảnh tỉnh thế hệ
trẻ: “Đừng bao giờ quên cội nguồn dân tộc”.Đó là những tình cảm
thiêng liêng,truyền thống của người Việt bao lâu đời.Với mục đích hướng thiện
và lòng mong muốn làm một đóm lửa nhỏ,góp phần cùng bao ánh lửa khác soi sáng
đêm đen đã đánh động trái tim tôi.Tôi đã không ngần ngại đi tìm cho mình một
công việc có ý nghĩa với chính mình bằng “nghề gõ đầu trẻ” (1) với một hy vọng
mong manh góp phần vào cho thế hệ mai sau thấy được một hướng đi đúng với
truyền thống dân tộc của mình. Đã bao mùa Xuân rồi,tôi vẫn âm thầm lặng lẽ với
ý nghĩ của tôi và nhiều khi tôi đã bị nhiều cú sốc nặng với công việc này,tưởng
như đã bỏ cuộc.Thực tế cho thấy tỉ lệ giới trẻ ý thức về dân tộc rất thấp.Những
kỳ vọng mùa Xuân của tôi dường như không có nhiều trong tâm hồn giới trẻ hải
ngoại mà nó được thay vào đó bằng một mùa Đông lạnh giá,băng hoại.
Một đêm
trằn trọc khó ngủ hơn nửa khuya,tôi bật vội chiếc máy hát mượn lời nhạc để ru
giấc ngủ.Giọng ấm đều của nam danh ca Duy Khánh đã đưa tôi lại gần ngày Tết của
quê hương: "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy Mai, Đào nở
rộ trên nương…..” tự nhiên tâm hồn tôi se lại và lại càng không ngủ
được. Nước mắt của tôi đã rơi từ lúc nào!? Có lẽ lời nhạc đã khơi lại cho tôi
nhớ về người Mẹ đã khuất,một thời gian truân “thân cò quẳng gánh” lo cho con
mình thành nhân.Thú thật,từ nhỏ tôi đã có cảm tình hay nói khác hơn là rất thích
những điệu hát trầm ấm,qua những tình khúc quê hương mà Duy Khánh đã hát. Những
nhạc phẩm:“Biết Trả Lời Sao, Đêm Tiền Đồn, Những Ngày Xưa Thân Ái ...” là những
ca khúc tôi rất tâm đắc.
Mùa
Xuân năm nay thật buồn đối với tôi.Trong thao thức bỗng chợt nhớ những kỷ niệm
của mùa Xuân nơi quê nhà. Nhớ Saigon,những buổi tối tôi cùng dăm ba đứa bạn đạp
xe ra Bến Bạch Đằng ngồi nhai khô mực quanh những quán cóc nhỏ ven sông giữa
trời lộng gió.Mắt tận thấy ánh trăng vằng vặc rọi trên sông nước hòa cùng ánh
sáng của đèn điện tạo những luồng sáng nhấp nhô trên sóng nước thật thú vị,mộng
mơ. Nhớ buổi chiều ba mươi Tết tôi vội vã chạy đánh những bộ lư đồng để chưng
trên bàn thờ cho kịp giờ rước ông bà,hay cùng các cháu nhỏ đi săn nhặt những
viên pháo chưa nổ từ những nơi có nhiều xác pháo.Nhớ những ngày cùng gia đình
kéo nhau về Tây Ninh ăn Tết.Ngồi dưới bóng tre làng nhâm nhi những ly rượu đế
với vài con cá lóc nướng trui cùng tô nước mắm gừng thơm lừng nhìn người qua kẻ
lại với quần áo màu sặc sỡ,đồng thời còn nghe được những tiếng hát thật trữ
tình qua sáu câu vọng cổ của các thanh niên nam nữ của làng trong ngày hội đầu
năm. Họ mừng vui ngân nga những lời hát như mời mọc khách làng xa đến dự
hội "Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca. Ngọt hương lúa tình quê thêm
đậm đà. Dào dạt bao niềm yêu trên nhánh lúa…..” Làm sao tôi có thể
quên những hình ảnh những mùa Xuân thân ái đầy ắp kỷ niệm yêu thương.
Thời gian! Thời gian lướt nhanh không chờ đợi,tôi đã xa mất những ngày Xuân của quê hương tôi,đúng nghĩa hơn là tôi đã đánh mất nó. Tôi đã quên đi những đêm cố thức để mừng đón giao thừa trong lễ nghi tôn giáo…… Và bây giờ, với khung trời xa lạ này,có hoài niệm chăng nữa,mùa Xuân cũng đến với bao sự thiếu vắng trong tôi,khi nghĩ đến những gì cũng đều đã mất. Nhìn lại những hình ảnh thân thương của người thân,những khung cảnh thơ mộng của quê hương Tây Ninh thưở nào,hiện tại chỉ còn trong ký ức.
Thật
buồn, tôi tự tình với dòng chữ này bên cạnh ly cà phê lạnh ngắt,như tâm hồn của
tôi đang trống trải nhiều năm. Nhiều năm tôi tưởng chừng mình như con chim lạc
đàn đã bay xa vào trong một vùng trời khác,mà môi trường khác lạ với nguồn gốc
ban đầu.Tôi phải hết sức làm lụng cực nhọc để trả cái món nợ tiền kiếp mà tôi
đã nghĩ mình vay mượn của đời từ nguyên thủy làm người. Tôi không oán giận, tôi
tự an ủi và vỗ về mình,nhưng đôi khi trong lòng vẫn còn xâu xé. Có lúc tôi cảm
thấy xót xa cho thân phận.Tôi có thể khóc ngay và có thể cười,sau khi đã nghĩ
đó là cuộc đời mà tôi đã sinh ra nhầm thế kỷ.
"Lũ chúng ta đầu
thai lầm thế kỷ.
Một đời người u uất
nỗi chơ vơ.
Đời kiêu bạc
không dung hồn giản dị.
Thuyền ơi thuyền! Xin
ghé bến hoang sơ "
(Phương xa) – Vũ
Hoàng Chương
Thời gian chợt đến,
chợt đi như bóng câu qua cửa sổ. Thời gian đã làm phai màu trên mái tóc của
tôi, thay đổi như những ngã rẽ cuộc đời. Sau cuộc sum họp rồi chia ly, như mùa
Xuân chợt đến rồi sẽ đi qua nhường chỗ cho mùa Hè oi ả.
Duy Văn
(1)Từ năm 1995
đến 1998 Tổng Thư Ký trường Việt Ngữ Âu Cơ thành phố Sanfrancisco và cũng là
thầy giáo dạy môn Văn của trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét