con Mẻo sắp qua nhường chỗ năm con Rồng sắp đến . Nói theo đúng ý nghĩa
của 12 con giáp trong phong thủy là năm Quý Mão sắp mãn “ bàn giao” lại cho năm
Giáp Thìn để thống lĩnh thời gian trong vòng 12 tháng tới.
Nhân đây để tìm hiểu và nói về năm Giáp Thìn, thiết tưởng cần nên lược sơ
qua về 12 con Giáp. Con Giáp là một lối nói phương ngữ Nam bộ chỉ chu kỳ 12 năm
âm lịch theo thứ tự Tý, Sữu , Dần, Mẹo, Thìn , Tị , Ngọ, Mùi , Thân , Dậu, Tuất,
Hợi (tương ứng với Chuột,Trâu, Cọp (Hổ),
Mèo, Rồng, Rắn, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn (Heo). Cho nên dân gian có câu “ 12 con
Giáp không giống con nào cả”.
Thật vậy, với 12 con vật chúng ta thấy hình thù không con nào giống con nào
cả! Các con vật khác như Chuột, Trâu, Cọp, Mèo...người ta có thể thấy
được trong đời sống hàng ngày. Riêng con Rồng thì chưa ai
thấy bằng tận mắt bao giờ, và nếu có thấy chỉ là thấy trên biểu tượng hình vẽ
hoặc điêu khắc v.v.
Vậy là con Rồng là gì
mà con người phải tưởng tượng khắc vẽ thờ phượng như con vật linh? Sau đây chúng ta
thử tìm hiểu về con vật này.
I.Rồng hay (Long) là
một loại vật có trong thần thoại.
Rồng là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông
và phương Tây. Trong cả phương Đông lẫn phương Tây, hình ảnh loài rồng đều được
biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng ở các nước
châu Á có nhiều khác biệt với rồng ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Rồng Á châu
được tôn thờ như thần vật. Rồng Tây phương bị coi là loài quái vật có hình
tượng hung dữ, nên các nước châu Âu coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự
hung dữ. Theo tự điển Larousse, rồng là một con vật hoang đường, hình rắn nhưng
lại có cánh và có đuôi. Nó có hình dáng của khủng long có thêm sừng, cánh, vây
lưng và có thể phun ra lửa hoặc nước… Da của nó rắn chắc, không loại vũ khí nào
có thể sát thương được nhưng lại có điểm yếu nằm ở mắt và lưỡi, thường sống nơi
hẻo lánh, con người ít đặt chân đến.
Theo truyền thuyết Hy lạp, có một vị thần là Achilles, dũng sĩ vô địch. Anh là
con Thetis, nữ thần biển với vị vua Hylạp Pelus. Từ thưở nhỏ Achilles được tắm
máu rồng nên cơ thể trở thành mình đồng da sắt, có sức mạnh vô song, nhưng chỉ
có gót chân máu rồng không thấm tới nên chỗ này trở thành nhược điểm duy nhất
của Achilles. Trong trận chiến thành Troy, Achilles bị trúng tên của Paris bắn
vào gót chân và chết. Từ đây có ngạn ngữ ‘gót chân Achilles’ để ám chỉ một
người dù có mạnh mẽ đến đâu vẫn có một yếu điểm nào đó.
Văn hóa phương Đông rất kính trọng và coi Rồng là một loại thú linh. Rồng có
mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay. Theo từ điển Việt Nam của
Lê Văn Đức, rồng là con vật mình dài, có vảy to, miệng rộng, một sừng, chân có
vấu, được sinh ra ở dưới nước nhưng lại biết bay trên mây. Người xưa tin rằng
bốn biển lớn là Ðông Hải, Tây Hải, Bắc Hải và Nam Hải, mỗi nơi đều có một Long
Vương ngự trị.
Rồng vừa biết trườn như rắn, lại thêm chân, thêm móng, vừa có cánh bay trên
trời, vừa bơi trong nước, vừa chạy trên bộ như khủng long… Rồng có thể hút
nước, phun mưa, lại khạc ra lửa, làm chủ trên mọi môi trường, trên mọi địa hình
địa vật. Rồng có nhiều, loại có vãy gọi giao long, loại có sừng trên đầu là cầu
long, loại có cánh bay gọi là ứng long, loại không bay gọi là bàn long… Ðặc
biệt, rồng có cặp mắt lồi rất lớn, sáng quắc như lộ hào quang trông thật dữ
tợn. Rồng thở ra khói, phun ra lửa hoặc nước. Miệng rồng rất rộng với nhiều
răng lởm chởm chìa ra ngoài như miệng cá sấu. Về nơi ẩn thân, rồng thường ở
những nơi có nước. Vì vậy mới có câu “Long đàm Hổ huyệt” hay “hang Hổ, đầm
Rồng” để chỉ những địa thế âm u, hiểm trở hay chỗ náu thân của những tay chọc
trời khuấy nước. Về màu sắc, có các loại Rồng xanh, trắng, đỏ, đen hay vàng.
Trong số này, rồng vàng cao qúi nhất nên được dùng để tượng trưng cho Thiên Tử.
Vì vậy, áo của vua được gọi là Long Bào có thêu rồng vàng bốn chân, năm móng.
Huyền thoại còn cho rằng rồng đực ngậm một viên ngọc rất qúi trong miệng, do đó
nhiều tranh cổ vẽ cảnh hai con rồng tranh một viên ngọc gọi là “Lưỡng Long
Tranh Châu”. Ðôi khi cũng có những bức tranh vẽ hai con rồng vờn mặt trăng gọi
là “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”. Người ta còn phân biệt được cả Rồng đực lẫn Rồng
cái bằng cách nhìn vào phần đuôi. Ðuôi rồng đực cuộn lại cứng như một cây côn
dùng để làm vũ khí mỗi khi xung trận, còn đuôi rồng cái lại xòe ra như chiếc
quạt. Theo ghi nhận của người xưa, rồng là một loại thần với 1.000 loài có thể
ở trên trời hoặc dưới nước. Bởi vậy, rồng là con vật dễ vẽ nhất, không ai cãi
được. Trong khi đó, 11 con giáp (Tí, Sữu, Dần Mão…) là có thực nên nếu vẽ sai
thì ai cũng biết.
Chính vì rồng là một huyền thoại nên nó được tôn vinh lên mức huyền bí. Trong
tứ linh, Long Ly Quy Phụng thì rồng đứng hàng đầu. Long là con Rồng, Ly hay Lân
là con Kỳ Lân, Qui là con Rùa và Phụng là một loài chim qúi.
1. Quan niệm Rồng tại Việt Nam.
Người Việt hãnh diện là “con Rồng cháu Tiên”. Truyền thuyết kể: Lộc Tục, con
vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy
con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua
xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một
trăm quả trứng, nở ra một trăm người con. Ngày kia, Lạc Long Quân nói với Âu
Cơ: Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn khanh là dòng dõi thần tiên.
Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay được một trăm đứa con, khanh hãy
đưa năm mươi con lên núi, còn trẫm sẽ dẫn năm mươi đứa xuống biển. Từ truyền
thuyết này mà người Việt Nam tự hào có “long phụ tiên mẫu”.
Người Việt Nam thời xưa tin tưởng rằng Rồng và Kỳ Lân, là những linh vật mang
biểu tượng của Thiên Tử, mỗi khi xuất hiện là có điềm lành hoặc minh chúa ra
đời để mang thái bình thịnh trị cho thiên hạ. Từ đó có tục lệ Múa Lân vào những
ngày đầu năm trong dịp Tết Nguyên Ðán hay những ngày khai trương, lễ lạc, đám
hỏi đám cưới… để hy vọng sẽ được may mắn, thành công phát đạt.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua,
như áo bào của vua gọi là long bào, sân điện là long đình, xe của vua là long
giá, gương mặt vua là long nhan, giường vua nằm là long sàng, thân thể vua là
long thể, thuyền rồng để vua du thủy, bệ rồng là ngai vua ngồi… Trong thuật
phong thủy, việc tìm đất để khai phá, làm nhà, gieo vãi, nuôi trồng, hầu an cư
lạc nghiệp cần xác định phương hướng, những mạch đất tốt chạy ngoằn ngoèo gọi
là long mạch.
Người Á Ðông tin rằng Rồng là một linh vật mỗi khi xuất hiện thường đưa đến
điềm lành cho hạ giới, nên hay được dùng để đặt cho tên người hay những địa
danh. Thi sĩ Lê Đình Bảng viết: “Thật bất ngờ, địa danh mang tên rồng lâu đời
nhất nước ta là thủ đô Hà Nội. Số là, xửa xưa, Hà Nội mang tên Long Đỗ, cái
rốn, cái bụng con rồng. Mãi đến năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư vầ Hà
Nội và đặt tên là Thăng Long, vì theo chuyện kể, nhà vua thấy vượng khí của
mãnh đất mới này bay lên, nom cứ như là một bầy rồng múa lượn, quấn quýt. Cả
đến cái truyền thuyết rùa vàng ngậm gươm báu dâng Vua Lê đặng trị quốc an dân
sau này cũng mang ý nghĩa tương tự. Phía hữu ngạn Sông Hồng, có Long Biên; nội
vi Hà Nội có Hàm Long. Đã có Thăng Long để rồng bay lên thì phải có bãi đáp Hạ
Long để để rồng hạ cánh chứ. Vịnh Hạ Long, một quần thể đảo với hàng nghìn ngọn
núi đá vôi xen lẫn núi đất mang nhiều hình thù, trông tựa nghìn con rồng chìm
nổi rủ nhau bơi lội tắm mát ngoài khơi. Chính vì vẽ đẹp kì vĩ ấy, Hạ Long đã
được UNESCO công nhận là một trong 360 di sản văn hóa thế giới (1994). Ngoài
ra, về phía Đông Vịnh Hạ Long, còn thấy Bái Tử Long là đảo Phù Long (rồng nổi),
tên cũ của đảo Cát Bà và ngoài khơi tỉnh Quãng Ninh là cụm đảo Bạch Long Vĩ.
Đặc biệt, ở núi Long Tu có loài cỏ quý chữa bá bệnh, vốn được bảo quản để làm
ngự y tiến vua. Càng xuôi vào phương Nam, càng thấy xuất hiện nhiều địa danh
mang tên Rồng. Ở Nam Định, có chợ Rồng nổi tiếng. Ở Thanh Hóa, có núi Hàm Rồng
hiên ngang bên bờ sông Mã. Ở Quãng Bình, có núi Thanh Long, Long Tị, Phúc Long,
nơi Đào Duy Từ (1572-1634) xây lũy Trường Dục và viết nên khúc ngân “Ngọa Long
Cương Vãn” thác ngụ chí khí ẩn nhẫn chờ thời khi mở cõi ở đất phương Nam.
“Chốn này thiên hạ đời dùng, ắt là cũng có Ngọa Long ra đời. Chúa hay dùng
đặng tôi tài, mừng xem bốn bể dưới trời đều yên”.
Tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), có núi Rồng; ở Huế có núi Kim Long (
có chùa Thiên Mụ), một thắng cảnh tầm cỡ, đặc biệt phụ nữ rất đẹp, đến nỗi vua
Tự Đức đã phải dan díu làm nên câu thơ tán dương:
“Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”.
Bình Định có núi Hàm Long, Biên Hòa có núi Bửu Long, Long Ẩn; Hà Tiên có núi
Dương Long. Đấy là chưa kể đến con sông Mêkông chảy qua 5 nước, khi vào Việt
Nam, rẽ ra 9 cửa, gọi là Cửu Long Giang và khu vực vựa lúa của cả nước rộng hơn
bốn triệu hecta là đồng bằng sông Cửu Long. Từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông
Nam Bộ, ta bắt gặp Long Khánh, Long Thành, Long Đất, Long Sơn, Long Điền, Long
Giao (Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu), Phước Long, Bình Long (Bình Phước); về
sông nước miền Tây Nam bộ, sẽ gặp Long An, Long Định (Tiền Giang), Long Hồ
(Vĩnh Long), Long Mỹ (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Long Phú (Sóc Trăng)…
Nếu phải liệt kê xã, ấp mang tên con rồng, e khó mà kể xiết. Và sẽ là một thiếu
sót không tha được, nếu không nhắc đến cảng nhà Rồng lịch sử, nghe đâu có xuất
xứ từ đời vua Gia Long thì phải?” (x. BGCN, tháng 1.2012).
2. Rồng trong
đời sống dân gian
Trong dân gian, rồng có nhiều loại và có những so sánh, ví
von thú vị:
- Thanh long (rồng xanh): Tả thanh long, hữu bạch
hổ.
- Hoàng long (rồng vàng): “Rồng vàng tắm nước ao tù”.
- Hắc long (rồng đen) và Bạch long (rồng trắng), dân gian
có câu:
Rồng đen lấy nước thì nắng
Rồng trắng lấy nước thì mưa.
Hoặc:
“Rồng đen lấy nước được mùa
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày”.
Từ hiện tượng thiên nhiên như “rồng hút nước” đến
nết người: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo”. Thậm chí râu rồng
đựơc coi là loại cao lương mỹ vị, xưa chỉ dành cho vua chúa: “Nem công, chả
phượng, râu rồng”.
Trong tình yêu đôi lứa, rồng được xuất hiện trong nhiều so
sánh thú vị, đây là những cung bậc của nỗi nhớ mong:
"Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây”.
Hoặc:
- “Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây
Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây”.
- “Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi”.
Và cái cách so sánh hiện thực của nhiều đôi lứa thật là thi
vị và tinh tế:
“Thế gian được vợ hỏng chồng
Có đâu như rồng mà được cả đôi”.
Thật ngoa ngoắt khi so sánh:
“Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho”.
Và khi nói về nòi giồng:
“Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.
Đây là cuộc gặp gỡ niềm mơ ước:
“Tình cờ anh gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng”.
Lúc giận hờn, trách cứ:
“Rồng nằm bể cạn phơi râu
Những điều anh nói dấu đầu hở đuôi”.
Còn đây là khi nói về lòng chung thuỷ và hạnh phúc gia
đình:
Trăm năm ghi tạc chữ đồng
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai”.
Hình tượng con rồng còn là nơi gửi gắm niềm ước ao và khát
vọng của người phụ nữ trong hôn nhân:
- Gái có chồng như rồng có vây
- “Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá chép vượt vũ môn hoá rồng”.
- “Một ngày tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài”.
Ngày xưa đi thi tiến sĩ, ai đỗ được ghi tên lên bảng, gọi
là “long bảng” - bảng rồng:
“Bao giờ cá lý (chép) hoá long
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa”.
Rồng Việt Nam còn hiền hoà, bình dị, gần gũi trong những
hội hè, đình đám, liên hoan cho thêm phần hấp dẫn, sinh động: múa rồng, bơi
thuyền rồng… Rồng còn vui đùa cùng trẻ nhỏ, trò: rồng rắn lên mây mãi đồng hành
với mỗi người dân đất Việt trong suốt cuộc đời.
Trong thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập, hình ảnh con
rồng Việt hội tụ lương tri, trí tuệ và khát vọng vươn tới những đỉnh cao của
những người dân trên dải đất hình rồng, đang trở thành một con rồng châu Á ngày
một cường thịnh. Con rồng Việt Nam cao quí nhưng bình dị, thân thương như thế
đó, rồng đi từ đời sống hàng ngày vào thế giới linh thiêng, hội tụ vẻ đẹp của
4.000 năm lịch sử. Rồng không chỉ là niềm tin tâm linh nguyên thủy của cư
dân văn minh lúa nước thuở xa xưa, mà gần gũi thân thương với mỗi người dân “Con
Rồng, cháu Tiên”.
3. Rồng theo
hình tượng Trung Hoa.
hóa
Trung Quốc nói riêng và phương Đông nói chung đều coi Rồng tượng trưng cho may
mắn và tinh thông nhất trong 12 con giáp. Rồng còn là biểu tượng của danh dự,
quyền lực và sự lỗi lạc. Rồng mang lại sự giàu có, phúc đức, hòa thuận và
trường thọ.
Thời kỳ
phong kiến, Rồng tượng trưng cho vua hay còn gọi là thiên tử, con trời. Chỉ có
thiên tử mới được dùng các biểu tượng Rồng và các đồ vật có màu vàng ánh kim.
Tầng lớp quan lại và thứ dân tuyệt đối không được làm điều tương tự nếu như
không muốn mất mạng vì phạm thượng.
Rồng Trung
Hoa cũng gây ra nhiều tranh cãi. Mới đây, cư dân mạng Trung Quôc đã bàn tán sôi
nổi vê địa vị của rồng, vốn được xem là biểu tượng quốc gia. Một số học giả cho
rằng người Trung Quốc và Tây phương có những quan niệm khác nhau về rồng. Con
rồng Trung Quốc là biểu tượng siêu nhiên, và không có những nét hung hăng như
trong ý nghĩ của người Tây phương.
Tranh luân
bùng nổ khi một giáo sư ở Thượng Hải nơi quan niệm cảa Tây phương về rồng có
thể khiến người ta nghi tiêu cực về Trung Quốc. Nhưng 90% người trả lời khảo
sát của một trang web Trung Quốc không đồng ý, nói rằng con rồng vẫn là biểu
tượng truyền thống.
Rồng Tây Phương |
Bàn Cẩm,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Rồng Phượng Trung Quốc, nói không nên lẫn
lộn hình ảnh của hai nền văn hóa. Ông nói: “Rồng trong văn hóa Tây phương có
một vị trí thấp, nhưng tại Trung Quốc đó là biểu tương văn hóa và tinh thần thể
hiện phồn thịnh và may mắn”. Một số học giả khác từng đề nghị những ai nói
tiếng Anh thì dùng âm Hán - long - khi nói về rồng Trung Hoa, để phân biệt với
Rồng Tây phương.
4 Những người tuổi Rồng trên thế giới.
Tương tự
như những phẩm chất mà người ta gán cho con Rồng, những người tuổi Thìn thường
được cho là có những tố chất phi phàm, thông minh trời phú và có năng lực lãnh
đạo xuất chúng.
Các đấng
sinh thành đặt nhiều kỳ vọng vào quý tử sinh vào năm Thìn. Phải chăng ai đó
trong số những đứa trẻ sinh vào nămThìn sẽ trở thành nhân tài xuất chúng và sẽ
làm thay đổi thế giới trong tương lai?
Trong số
các nhà lãnh đạo của thế giới sinh vào năm Thìn có sự góp mặt của hai nhân vật
kiệt xuất là Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Và bên nước Anh Elizabeth II đăng quang nữ hoàng Anh Quốc, trị vì trong suốt 60
năm qua tại vương quốc này cũng là người tuổi Thìn.
Trong thể
thao, tay vợt Jimmy Connors khuynh đảo làng quần vợt thế giới và trở thành một
trong những tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại, trong khi huấn luyện viên bóng
bầu dục Mỹ Bill Belichick gây khiếp sợ đối với bất kỳ đội bóng nào muốn thách
thức với 3 lần đoạt danh hiệu huấn luyện viên xuất sắc nhất và 5 lần đăng quang
ngôi vô địch giải Super Bowl.
Lĩnh vực
kinh doanh có sự góp mặt của Craig Newmark, nhà sáng lập Craig’s List, người
tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực quảng cáo. Các vị Giám đốc điều hành (CEO)
là người tuổi Thìn điều hành các tập đoàn hàng đầu của Mỹ và thế giới như Coca
Cola, Exxon-Mobil, Alberto-Culver, Time Warner, Colgate- Palmolive, Viacom,
UPS, Radio Shack, Clorox, Tiffany & Company, Hershey, ITT, Macy’s, Xerox và
Walgreens.
Như vậy,
những cặp vợ chồng sinh con vào năm Thìn hoàn toàn có thể tin tưởng đứa con của
họ sẽ trở thành lãnh tụ Chính trị hay của một hãng kinh doanh khổng lồ nào đó.
Tại sao không mơ mộng một chút để đứa con tuổi Thìn sau này phấn đấu trở thành nhà lãnh đạo,
hay chí ít cũng là người thành đạt ở một lĩnh vực nào đó.
5. những
danh nhân Việt tuổi Thìn
Theo quan niệm của người Việt, người tuổi Thìn
rất trung thực, năng nổ nhưng rất nóng tính và bướng bỉnh. Họ là biểu tượng của
quyền lực, sự giàu có, thịnh vượng và của hoàng tộc. Dưới đây là những nhân vật
lịch sử nước Việt đã sinh ra và mất đi trong năm con rồng.
Còn nhiều
tranh cãi về năm sinh nhưng nhiều ý kiến cho rằng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
sinh năm Thìn 1232 và mất năm 1300. Ông là danh tướng thời nhà Trần, anh hùng
dân tộc, người có công rất lớn trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Đồng
thời ông còn là một nhà nghiên cứu quân sự với các bộ binh pháp Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp bí truyền.
Trần Hưng
Đạo được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh
Trần. Ông nổi tiếng với thiên tài chỉ huy quân sự, tính cương quyết và sự khảng
khái. Trong tác phẩm ‘Hịch tướng sĩ’, Trần Hưng Đạo đã đi vào lịch sử với
những áng văn hùng hồn mà chứa chan lòng yêu nước “Ta thường tới bữa quên
ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả
thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội
cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Xuân Diệu
tên thật là Ngô Xuân Diệu. Ông sinh ngày 2/2/1916 và mất ngày 18/12/1985), là
một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới,
được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình” và được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa
vào cuốn Thi nhân Việt Nam
Ông quê ở
làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng
Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ và
mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.
Trong sự
nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ
lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài
Thanh. Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong
những chủ soái của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở
giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông
vàng (1939), Trường ca (1945).
Trần Quang
Diệu (1760[–1802), tuổi Thìn là một trong Tây Sơn thất hổ. Ông cùng
với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã cố sức chiến đấu để bảo vệ vương triều này,
nhưng không thành công, và cả hai đều bị vua Gia Long xử tội chết.
Ngoài ra,
còn rất nhiều những danh nhân trong lịch sử sinh ra trong năm Thìn như: Không
Lộ Thiền Sư (1016-1094),, người được coi là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lộ (1400-1442), tuổi Thìn, là vợ thứ của Nguyễn Trãi và là một nữ
quan nổi tiếng nhà Hậu Lê, gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên. Nguyễn Như Đổ
(1424-1526), tuổi Giáp Thìn, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà
giáo dục thời Hậu Lê. Phan Thanh Giản (1796-1867), là một danh sĩ, một đại thần
triều Nguyễn.
Thời chống
Pháp, lịch sử Việt Nam cũng có hai lãnh tụ khởi nghĩa tuổi Thìn. Trương Định
(1820-1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, , là võ quan nhà
Nguyễn, và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859-1864. Nguyễn Thiện Thuật
(1844-1926), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, một trong các cuộc khởi nghĩa của
phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, lãnh tụ này tuổi Giáp Thìn.
Những
danh nhân đã mất trong năm Thìn
Trong lịch
sử, đã có rất nhiều những nhân vật mất đi trong năm Thìn vì những lý do khác
nhau. Đa số tên tuổi của họ đều đã được người dân biết ơn ghi lại trong tên
những con đường, trường học… trên cả nước.
Bà Triệu
Thị Trinh là danh nhân nổi tiếng đã mất trong một năm Thìn. Bà Triệu còn được
gọi là Triệu Ẩu sinh năm 225 và mất năm Mậu Thìn 248. Bà là một trong những vị
anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam với công lao đánh đuổi quân Đông Ngô
xâm lược.
Năm Thìn còn chứng kiến
sự ra đi của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765–1820). Là một nhà thơ nổi
tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam, ông được người Việt kính trọng gọi ông
là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được UNESCO công nhận
là danh nhân văn hóa thế giới. Cho đến ngày nay, tác phẩm Truyện Kiều (tên gọi
phổ biến của tác phẩm Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du vẫn
luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt. Đây là một trong số ít các tác
phẩm lớn được nhiều người dân đủ mọi tầng lớp học thuộc lòng. Đối đáp bằng
những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh
hoạt văn hoá của một số cộng đồng người Việt. Nguyễn Du mất năm 1820.
Nhà bác học
Lê Quý Đôn tên thật Lê Danh Phương, là quan của nhà Hậu Lê đồng thời có thể coi
là một nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Ông sinh năm Bính Ngọ 1726, tại làng
Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh
Thái Bình và mất năm Giáp Thìn 1784. Sinh thời Lê Quý Đôn nổi tiếng là người
uyên bác, Với tài trí thông minh và kiến thức, Lê Quý Đôn đã để lại cho hậu thế
khoảng 40 bộ sách, bao gồm hàng trăm quyển, có giá trị đủ các thể loại như lịch
sử, địa lý, thơ, văn, chú giải kinh điển, triết học, lý số. Có thể kể ra như:
Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ…
Lịch sử còn
ghi lại sự ra đi của rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong năm Thìn như: Huyền
Trân công chúa sinh năm 1287, mất năm 1340, người đã được gả cho vua Chiêm
Thành (Champa) là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên
đến phía bắc Quảng Trị), mở rộng thêm bờ cõi nước Việt ngày nay. Năm Thìn 1340
còn chứng kiến sự ra đi của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người đã góp công lớn
trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược.
Năm Thìn
1448 cũng là năm mất của hai khai quốc công thần nhà Hậu Lê là Lê Văn Linh và
Nguyễn Chích. 180 năm sau, cũng là năm Mậu Thìn 1628, Tể tướng Nguyễn Văn Giai
công thần "khai quốc" thời Lê trung hưng, nổi tiếng chính trực và
biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng
là một nhà thơ thời Lê - Trịnh cũnng qua đời.
Nguyễn Hữu
Cảnh, mất vào năm Thìn trong một cuộc nam chinh. Ông tên thật là Nguyễn Hữu
Thành, sinh năm 1650, là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem
là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định vào
năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành
chính thuộc lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay.
Giai thoại
dân gian kể rằng: Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm từng có mối ân tình với nhau với
câu đối “Da trắng vỗ bì bạch nổi tiếng”. Có một điều đặc biệt là hai nhân vật
của lịch sử này đều mất vào năm Thìn 1748. Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, hiệu
là Hồng Hà Nữ Sĩ. Bà là tác giả tập truyện Truyền kỳ tân phả, và là
dịch giả bản Chinh
phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Còn Cống Quỳnh tên thật là Nguyễn
Quỳnh, ông sinh năm 1677, nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều
giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ
Trạng nguyên.
Còn rất
nhiều nhân vật lịch sử khác mà tên tuổi của họ gắn liền với năm Thìn. Dù sinh ở
thế hệ nào nhưng có một điều chắc chắn là những công lao của họ không có tuổi.
Họ luôn sống mãi trong lịch sử, đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt.
6. Rồng
trong Y học.
Theo Dược sĩ Pham Minh Dương, thì những loại cây
thuốc trong Đông y có mang tên Long ( Rồng) đều là những loại cây thuốc quý hiếm
như cây Cây
vẩy rồng, xương rồng, móng lưng rồng, cỏ răng rồng, địa long, hải long, ban
long...
Cây vẩy rồng: còn gọi là cây
mắt rồng, đồng tiền lông, tên thuốc là kim tiền thảo, Bộ phận dùng toàn cây,
thu hái chủ yếu vào mùa hè hoặc mùa thu dùng tươi hay phơi, sấy khô. Theo Đông
y, kim tiền thảo vị ngọt, đắng, tính hơi hàn quy kinh can và bàng quang. Tác dụng
lợi thủy, thông lâm, trị đái buốt, đái dắt, thanh nhiệt tiêu kết tụ. Chủ trị
các trường hợp sỏi gan, mật, sỏi thận, sỏi bàng quang, các chứng nhiệt lâm, đái
buốt, đái dắt, chữa hoàng đản, tiêu sưng, giải độc, trị mụn nhọt lở loét, viêm
da, bỏng lửa. Liều dùng 20-40g dưới dạng thuốc sắc. Trường hợp tỳ hư, đại tiện
lỏng thì không nên dùng.
Cây xương rồng: Dân gian thường
dùng làm thuốc chữa đau nhức răng, lấy cành xương rồng cạo bỏ gai, đem nướng
cho nóng, mềm, rồi giã nát, loại bỏ xơ, thêm ít muối vào. Khi đau răng lấy ít
thuốc trên, đặt vào nơi răng đau, ngậm chặt lại, nước dãi tiết ra thì nhổ đi,
ngày ngậm 3-4 lần sẽ khỏi, súc sạch miệng không được nuốt nước. Ngoài ra, dân
gian còn dùng chữa mụn độc, lấy cành xương rồng bổ dọc làm hai đem hơ nóng, áp
mặt cắt lúc còn đang nóng vào chỗ sưng đau, sang độc sẽ tự tiêu.
Cây móng lưng rồng còn gọi cây quyển bá, vạn niên
tùng. Bộ phận dùng toàn cây, cắt bỏ gốc rễ, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô để
dùng. Thành phần hóa học chủ yếu là các flavonoid, một vài glycoside khác. Móng
lưng rồng có vị hơi đắng, tính hàn, quy vào kinh can, tỳ. Dùng sống có tác dụng
phá huyết, tiêu ứ chữa kinh nguyệt bế tắc, đau bụng kinh, trưng hà. Sao đen có
tác dụng cầm máu. Thường dùng chữa ho ra máu, nôn ra máu, đại, tiểu tiện ra
máu, kinh nguyệt quá nhiều, băng lậu ở phụ nữ. Liều dùng 6-10g. Trường hợp có
thai không dùng.
Cỏ răng rồng: Tên thuốc là long nha thảo còn gọi
tiên hạc thảo. Long nha thảo được dùng cả cây, thu hái vào mùa thu, phơi trong
bóng râm, hay sấy nhẹ đến khô. Thành phần hóa học chứa tanin, flavonoit, rutin,
isoquercetin. agrinol. Vị đắng chát, tính hơi ôn; quy kinh can, tỳ. Là vị thuốc
cầm máu, chữa ho ra máu, nôn ra máu, đổ máu cam, đại, tiểu tiện ra máu, lỵ tật,
băng huyết. Liều dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra còn dùng làm thuốc bổ
tâm, chữa mụn nhọt, sang lở.
Long duyên hương còn gọi long phúc hương hay long
tiết. Tên khoa học là ambragrea. Long duyên hương có nghĩa là nước dãi con rồng
(long là rồng, duyên là nước dãi con rồng, hương là có mùi thơm). Sự thật không
phải là dãi con rồng mà chỉ là một chất đặc, sản phẩm tiêu hóa trong ruột loài
cá voi. Chất này bài tiết ra nổi trên mặt biển rồi trôi dạt vào bờ, người ta
vớt về phơi khô làm thuốc và là nguyên liệu quý trong công nghệ hương liệu, là
chất định hương cao cấp. Thành phần hóa học long duyên hương có khoảng
25% chất ambrein là dẫn xuất của cholesterol, acid benzoic. Long duyên
hương có tác dụng lợi khí, hoạt huyết, làm giảm đau, sát trùng giống như xạ
hương, dùng trong trường hợp ho, hen suyễn, đau trong tim, đau bụng, các
chấn thương ứ huyết.
Địa long hay rồng đất là toàn thân của con giun đất đã được
làm sạch, phơi khô. Thuốc có vị mặn, tính hàn quy vào kinh vị, can, tỳ,
thận. Tác dụng trị ho chữa hen suyễn, trấn kinh trong trường hợp sốt cao, co
giật; làm thông lạc, trị phong thấp, tê đau, liệt nửa người, dùng lợi niệu,
chữa chứng thấp nhiệt tiểu tiện khó khăn, giải độc, tiêu viêm điều trị chứng
thương hàn, sốt rét bụng kết báng, dùng ngoài chữa mụn nhọt, lở loét. Địa
long còn có tác dụng bình can hạ áp, chữa tăng huyết áp có hiệu quả. Liều dùng
từ 6-12g. Với những người ở thể hư hàn không nên dùng.
Hải long hay rồng biển là một loài cá, họ hải long, có ở vùng
biển nước ta được khai thác để làm thuốc. Bộ phận dùng toàn thân, bỏ ruột, phơi
khô. Thành phần hóa học chứa nhiều acid amin và các chất lipid... tác dụng bổ
can thận, mạnh gân xương. Dùng làm thuốc bổ kích thích sinh dục, tăng cường
sinh lý, chữa liệt dương, di tinh, phụ nữ khó mang thai, trường hợp đau lưng,
mỏi gối, báng bụng. ngoài ra còn có tác dụng chữa đinh độc, ung nhọt. Liều dùng
6-12g/ ngày dưới dạng thuốc bột, sắc, hay thuốc rượu. Hải long tác dụng mạnh
hơn hải mã.
Ban long còn gọi là lộc giác giao là chế phẩm cao được bào chế từ gạc
hươu nai. Sở dĩ gọi ban long là chỉ con hươu sao, con vật có đốm (ban), quý như
rồng. Ban long vị ngọt, tính ấm quy kinh can, tỳ, thận là thuốc ôn bổ hạ
nguyên, bồi bổ dương đạo, sinh tinh tủy, mạnh gân xương, bổ huyết, chỉ huyết.
Là thuốc quý chủ trị các chứng di tinh, yếu sinh lý, thiếu máu, hoại huyết, hoa
mắt, chóng mặt, mắt mờ, suy nhược tạng phủ, cơ thể, lao lực, người già sức yếu,
lưng đau, gối mỏi, băng lậu, phụ nữ hiếm muộn do xung nhâm hư tổn, rối loạn
chức năng nội tiết, thuốc có tác dụng an thai, cầm máu chữa thổ huyết, khái
huyết. Ngày dùng 10g ăn với cháo nóng hoặc ngâm rượu uống.
7. Tòa Thánh Tây Ninh nằm trong địa thế
Lục Long Phò Ấn
du khách đến viếng Toà Thánh, cái lôi cuốn đầu tiên là hai lầu chuông và trống cao ngất. Một hệ thống kiến trúc kiểu Pháp nằm giữa hai khu rừng Thiên nhiên màu xanh biếc.
Jeanine Anboyer trong quyển "Mỹ thuật Viễn Đông" nhận định rằng : Người VN đã biết chọn những cảnh thiên nhiên đẹp nhất để xây dựng những công trình thờ cúng của họ ( Les arts de I' Extrême Orient. Pario 1948 trang 83). Đó là lối kiến trúc cổ VN theo lối kiến trúc cảnh vật hóa ( Architecture VayAagec ) một tu sĩ Nhật Bản cũng cho rằng Toà Thánh được xây cất trên suối ngầm chảy qua 6 cửa gọi là "Lục long phò ấn" hay "Lục long kết tụ". Vùng đất này rất phát triển về Đạo pháp và nhân tài (Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa và nay, Sài Gòn 1972, trang 177).
Viễn cảnh Toà Thánh Tây Ninh về phía Đông (cung Chấn) gối lên giồng Sân Cu (đất lành) , mặt trước phía tây ( Cung Đoài) trông ra sông Vàm Cỏ Đông. Phía tả (Nam) Thanh long nước sông Cẩm Giang - Bến Kéo chảy cuộc quanh . Đó là điểm kết long mạch, sách lỗ Ban Kinh gọi là hàm rồng. Phong thủy dương âm hội đủ Cận Cảnh, hồ Động Đình ( bàu Cà Na) nước chảy không ngừng ( pháp luân thường chuyển) vào rạch Ao Hồ Tây Nam ( câu). Hai bên trái phải Toà Thánh là hai cánh rừng Thiên nhiên xanh biếc hài hòa cảnh trí. Phía Bắc (cung Ly) suối Lâm Vồ. Phía Đông Bắc (cung Tốn) là Suối Đá. Phía Đông ( cung Chấn) Suối Cái chảy về Nam ( cung Khảm) qua Đoạn Trần Kiều, Suối Con lươn ra Giải khổ Kiều, bốn suối hợp sức tưới mát và bao quanh vùng Thánh địa, hợp với sông Vàm Cỏ Đông, Cẩm Giang mà kết tụ Lục Long Phò Ấn. Biểu hiện Tay Long (dương), Tay Hổ (âm) không đối lập nhau mà còn hòa hợp lẫn vào nhau nhiều lần viễn cảnh như cận cảnh. Bên trái (Thanh Long), bên phải (Bạch Hổ) thế sông núi châu đầu vào nhau như hình móng ngựa ( đại kích! ). Địa thế Lục Long phò Toà Thánh đó, không đâu tốt đẹp bằng.
Về Lục Long, trong kinh dịch, Chu Công giải nghĩa 6 hào của quẻ Thuần Càn ( ) thành 6 rồng như sau :
HÀO ĐẦU : Rồng còn ẩn náo chưa ( đem tài) hàng được (tiềm long vật dụng) tức rồng còn dưới vực sâu chưa lên mây nên chưa biến hóa được. Ý nói người chưa gặp thời thì nên trau giồi hạnh phúc, luyện thành tài trí, ở ẩn không cầu danh, không ai biết mình thì cũng chẳng buồn.
HÀO HAI : Rồng đã hiện ở cánh đồng ra mắt đại nhân thì lợi ( hiện long tại điền lợi kiến đại nhân). Người giúp đời mà không khoe công lao, giữ lòng thành tín và được trung chánh gặp đại nhân thì lợi.
HÀO BA : Người quân tử suốt ngày hăng hái đến tối vẫn còn thận trọng , dù nguy hiểm mà không tội lỗi ( quân tử chung nhật, càn cân tịch tịch nhược Lệ Vô Cửu). Người quân tử giữ lòng trung tín mà tiến sức lập ngôn lấy lòng thành lập sự nghiệp. Ở địa vị cao mà không tự kiêu, ở địa vị thấp mà không lo lắng .
HÀO BỐN : Như rồng có khi bay lượn, có khi nằm vực, tùy thời mà không lầm lỗi ( hoặc được tại uyên vô cửu).
Thận trọng tùy thời cơ, nên tiến thì tiến (như rồng bay nếu không thì chờ đợi (rồng nằm vực) chuẩn bị cho kịp lúc ra giúp trời.
HÀO NĂM : Rồng bay trên trời ra mắt đại nhân thì lợi (phi long tại thiên lợi kiến đại nhân). Mây bay theo rồng, gió bay theo cọp. Ý nói Thánh nhơn ra đời người người trông theo.
HÀO CUỐI : Rồng lên cao quá có hối hận (kháng long hữu hối). Rồng bay quá khó xuống, nếu hành động sẽ xảy ra điều đáng tiếc vì cực thịnh tắc suy nên lui bước để giữ đạo người quân tử .
" Thời thừa lục long dĩ ngự thiên"
Đức Lý Thái Bạch giáng dạy về Lục Long phò ấn như sau :
"Lão khen Thái Thơ Thanh phải đó , tưởng chư hiền hữu không thấy nữa. Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Địa, sâu hơn 300 thước như con sông, trung tim đất giáp lại trúng giữa sáu nguồn làm như sáu con rồng tranh nay nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi gọi là "Lục long phò ấn" Ngay miếng đất đó đặng ba đầu, một đầu ra giếng mạch Ao Hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia"
(Trích từ quyển " Đại Đạo Bí Sử " của Hiền Tài Trần Văn Rạng)
II. Kết luận
Con rồng –
sinh vật vốn chỉ tồn tại trong trí tượng tưởng của con người – xuất hiện trong
văn hóa của cả phương Tây lẫn phương Đông. Tuy nhiên, ở mỗi nền văn hóa, con
rồng lại mang những ý nghĩa khác biệt, thậm chí… đối lập nhau.
*Con rồng từ lâu đã xuất hiện trong các truyền thuyết của
người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực
Đông Á. Con vật đứng đầu bộ “tứ linh” này thường được mô tả trực quan là sự
tổng hợp các bộ phận của 9 con thú: đầu của lạc đà, sừng của hươu, tai của bò,
mắt của thỏ, mình của rắn, bụng của một con sò lớn, vảy của cá chép, móng vuốt
của đại bàng và bàn chân của hổ. Rồng thường cắp một viên ngọc - vật tượng
trưng cho trí tuệ và chân lý - trong miệng hay trong lòng bàn chân.
Theo quan niệm của đa số các dân tộc ở châu Á, rồng là vị
thần có quyền năng rất lớn, có thể hô mưa gọi gió, đội sông lật biển, kiểm soát
lũ lụt. Con rồng chính là thần linh bảo hộ vạn vật, là nguồn nước tưới cho
ruộng đồng tốt tươi, đem đến những vụ mùa bội thu cho con người.
Được xem là vua của tạo sinh động vật, nên rồng còn
là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn và tốt đẹp đối với người phương Đông.
Trong những truyền thuyết, thần thoại của các nước phương Đông, dù cốt truyện
có khác nhau nhưng con rồng luôn được coi là một biểu tượng cho sự cao quý tốt
đẹp. Người Việt Nam ngàn đời nay vẫn luôn tự hào về dòng dõi “con Rồng cháu
Tiên” của mình hay bà mẹ thủy tổ của người Khơme là con gái của vua rồng huyền
thoại.
Các vị hoàng đế Trung Quốc xưa thì cho mình là những con
rồng do Ngọc Hoàng Thượng đế sinh ra. Chiếc giường mà vua ngủ, vì vậy, được gọi
là “long sàng”, ngai vàng được gọi là “ngai rồng”, những bộ trang phục thiết
triều được gọi là “long bào”, xe mà vua đi thì được gọi là “long xa”; thậm chí,
hoàng hậu có thai thì cái thai ấy được cung kính gọi là “thai rồng”.
Con rồng trong tâm niệm của người Hàn Quốc là biểu tượng
của sức mạnh tâm linh, của may mắn, giàu sang và hạnh phúc. Trong những ngôi
chùa, ngoài nhiệm vụ bảo vệ ngôi tam bảo, con rồng còn đem lại sự bình yên,
giàu có và thịnh vượng cho con người. Tương tự như vậy, con rồng của người Ấn
Độ, Malaysia, Indonesia là những vị thần của tự nhiên, có bản chất nhân từ,
thường gắn liền với những ngọn núi, khu rừng thiêng hay những vùng biển nhất
định. Con rồng Nhật Bản, thậm chí, còn có thể biến ước mơ của con người thành
hiện thực.
Rồng hiển linh trong khi đó được cho là điềm báo đất nước
sẽ có vị minh quân hay hiền nhân, hoặc những triều đại tốt đẹp. Tháng 8/1010,
tương truyền khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La thì thấy rồng
bay lên nên đã đặt tên kinh đô mới là Thăng Long để thể hiện khát vọng và tư
thế vươn lên của cả dân tộc. Ở Lào, thế kỷ XV, vua Setthathilat cho dời kinh đô
từ Luông Pha băng ra Viêng Chăn và đặt tên thủ đô là Si Xattanahutta, có nghĩa
là kinh đô của hàng triệu con rồng nhằm biểu dương sức mạnh của vương quốc.
* Nếu phương Đông xem rồng là biểu tượng cho sự tốt đẹp, may mắn
và thịnh vượng thì ngược lại, người phương Tây lại coi rồng là biểu tượng cho
sự xấu xa, độc ác và là đối tượng mà con người cần phải chinh phục. Vết tích cổ
xưa nhất về rồng ở phương Tây nằm trong truyền thuyết Hy Lạp nói về Cadmus –
cháu của thần biển Poseidon. Theo câu chuyện này, Zeus đã bắt cóc Europa – một
người phụ nữ trẻ khỏi quê hương Phoenicia của nàng. Cha nàng đã ra lệnh cho anh
trai Europa là Cadmus đi tìm và Cadmus chỉ được trở về khi tìm thấy và mang
được em gái về cùng.
Cadmus biết là sẽ không bao giờ tìm được em nên quyết định
tìm một vùng đất mới để gây dựng nên thành phố của riêng mình. Nghe theo lời
khuyên của Apollo, Cadmus tìm thấy Thebes là nơi thích hợp để xây dựng thành
phố. Tuy nhiên, khi đi tìm nguồn nước thì tất cả mọi người bị một con rồng canh
giữ ngọn suối giết chết. Sau đó, Cadmus đã giết chết con rồng, nhổ răng của
rồng và gieo xuống mảnh đất. Từ mỗi chiếc răng được gieo đã nảy sinh ra một
người lính, những người này đánh giết lẫn nhau cho đến khi chỉ còn năm người
sống sót. Cùng với họ, Cadmus đã xây dựng nên thành phố của mình và 5 người kia
trở thành những cư dân đầu tiên của thành phố.
Con rồng của người châu Âu nói chung có hình dáng của con
khủng long nhưng có thêm sừng, cánh, vây ở lưng và có thể phun ra lửa hoặc
nước… Nếu người Trung Quốc quan niệm rằng sự khác biệt của con rồng nằm ở số
móng vuốt thì người châu Âu lại cho rằng con rồng càng có nhiều đầu thì càng có
địa vị cao. Các đầu này có khả năng tự mọc ra nếu bị chặt mất đầu cũ. Con rồng
trong quan niệm của người châu Âu cũng được xem là loài vật tượng trưng cho sức
mạnh nhưng nghiêng về ý nghĩa độc ác, hung dữ.
Người Tây
Ban Nha cho rằng, con rồng thuộc giới nữ và phun ra lửa. Hơi thở của nó chứa
chất độc, có thể phá hủy tất cả mọi thứ. Con rồng theo truyền thuyết của người
Italia lại là một con rắn bất tử, sống trong rừng sâu và có thể giết chết con
người chỉ bằng ánh nhìn của nó. Còn các chuyện của Hungary kể lại rằng, con
rồng vốn mang đặc điểm của loài phá hoại, chuyên sách nhiễu người dân, sống
trong một khu đầm lầy và thường xuyên bắt cừu và lợn của con người.
Nhìn chung, trong các tích truyện của các dân tộc ở châu Âu, con
rồng thường được miêu tả là con vật “hữu dũng vô mưu”, làm nền cho sự xuất hiện
của một người anh hùng. Vị anh hùng này sẽ là người giết chết con rồng quái vật
để cứu cả một dân tộc hay nàng công chúa, hoặc giành lấy kho báu…. Tựu chung
lại, con rồng trong thần thoại phương Tây chính là hiện thân của sự xấu xa, độc
ác, cần bị trừng phạt...; đối lập với nhân vật chính là những anh hùng địa
phương. Chiến đấu với rồng chính là quá trình con người đấu tranh và giành
thắng lợi trước những thế lực đen tối, chinh phục. Trong các câu chuyện của
người Thiên chúa giáo, sự khuất phục rồng của các vị thánh trở thành biểu tượng
chiến thắng của cái thiện.
Như vậy,
trong quan niệm của người phương Đông, rồng là biểu tượng của sự cao quý tốt
đẹp, thăng hoa và thịnh vượng. Hình tượng con rồng thể hiện sự vươn tới cái đẹp
chân - thiện - mỹ. Ngược lại, với các nước phương Tây, con rồng là biểu tượng
của sự xấu xa, độc ác, phá hoại. Nhưng quá trình người dũng sỹ tiêu diệt rồng
cũng chính quá trình con người đấu tranh chiến thắng những cái xấu, cái ác, cái
tối tăm để hướng đến những điều tốt đẹp nhất, thể hiện rõ nét vẻ đẹp của bản
thân. Vì vậy, có thể nói hình tượng con rồng của người phương Đông cũng như
phương Tây đều góp phần thúc đẩy xã hội, giúp con người nhận thức và khám phá
thế giới.
Ngày nay, từ hình ảnh mang tính chất biểu tượng, con rồng đã
được “hiện thực hóa” khi được dùng để chỉ 4 nước, vùng lãnh thổ có nền kinh tế
phát triển nổi bật ở châu Á là Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Bốn
con rồng châu Á này đã duy trì được tốc độc tăng trưởng cao và công nghiệp hóa
nhanh trong những năm 1960 đến 1990. Trong thế kỷ 21, cả 4 nước này đã phát
triển thành các nước tiên tiến, có thu nhập cao và chuyên môn hóa trong những
lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, là điển hình cho các nước đang phát triển khác
học tập…
Duy Văn biên soạn
Tài liệu tham khảo.
-LM Nguyễn Hữu An (trong Sống Tin Mừng Tình Yêu)
- NV Trần văn Hạc (Tổ Quốc VN)
- Hà Dung (HQ)
-DS Phạm Minh Đường.
-Hiền Tài Trần văn Rạng.
|
|
|