Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

GIẶC CHÂU CHẤU

GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ

“ Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”

Câu nói này đã được truyền miệng từ nhiều thế kỷ, ngụ ý sự chiến đấu không cân bằng giữa hai đối thủ. Một bên có quân hùng tướng mạnh và một bên thì là một nhóm quân ô hợp . Ai ai nhìn vào cuộc chiến đấu kiểu như vậy cũng đều phải nực cười, nhưng hiệu quả cuộc chiến như thế có khi ngược lại, hoặc nếu không có kết quả như mong muốn thì phe có quân ô hợp cũng đã làm cho phía binh hùng tướng mạnh nhận nhiều tổn thất.
 Cũng trên ý nghĩa câu tục ngữ này, ta nhớ lại một giai đọan lịch sử của nước ta. Đó là vào đời vua Dực Tông, khoảng tháng năm âm lịch, ở Sơn Tây, Bắc Ninh, có nạn châu chấu phá họai mùa màng rất dữ tợn. Châu chấu từ phương Bắc bay sang, từng đàn như những đám mây, bay rợp cả một góc trời không biết cơ man nào mà kể . Chúng hạ cánh xuống những cánh đồng của Sơn Tây, Bắc Ninh. Thế là chỉ khỏanh khắc , những cánh đồng lúa xanh tươi mơn moon  đó đã tan hoang, xơ xác. Vua quan cũng như dân rất sợ hãi. Nhà vua phải ra lệnh là hễ ai bắt  được một đấu châu chấu là thưởng 8 quan tiền quý. Vậy mà nạn chấu chấu vẫn không tiêu diệt được . Cảnh mất mùa đói kém diễn ra còn tệ hơn cả chiến tranh.
Cũng năm ấy, tại Sơn Tây, Bắc Ninh, Cao Bá Quát và các đồng bọn của ông khởi nghĩa . Triều đình bèn cho quân đi dẹp và gọi đảng của ông là “ giặc châu chấu”.
Trên thế giới, có lẽ không mấy nước là không bị một lần nạn châu chấu. Năm 1925 trước công nguyên, châu chấu tấn công ở Tuynidi đã làm chết đói 80 chục vạn  người. Thế kỷ trước, năm 1867 người dân Algeries cũng chịu số phậnthảm thương ấy. Năm 1952, lại đến lượt Iraq bị nạn châu chấu. Còn Trung Quốc cũng nhiều phen bị châu chấu phá họai.
Trong kinh thánh cũng đã từng chép lại cảnh tượng tàn khốc của giặc châu chấu:
“ Vào một buổi sáng, gió nong nóng nổi lên, những đám mây châu chấu vù vù bay tới đất Ai cập. Một trận mưa rào châu chấu đổ xuống. Đâu đâu cũng có châu chấu, không sao kể xiết được . Châu chấu tràn ra khắp nơi, che lấp cả mặt đấtphá phách cây cối, mùa màng. Một cái lá xanh, một ngọn cỏ cũng không còn trên lãnh thổ Ai cập…”

Vậy những con châu chấu đó từ đâu đến, làm sao mà chúng đông đúc và có sức mạnh tàn phá như vậy? Ta hãy thử đi tìm nguồn gốc của chúng để ngõ hầu hiểu biết phần nào về chúng.
Châu chấu  thuộc bộ sâu bọ , cánh thẳng có tên khoa học là Locusta migratoria
( migratoria có nghĩa là di cư). Chúng thường sống thành tập đoàn khổng lồ  và có thể di cư hàng tháng từ nơi này đến nơi khác xa hàng ngàn cây số . Chúng rất háo ăn  với bộ răng bằng chất Kitin, chúng có thể nghiến nát các cành lá một cách dễ dàng nhanh chóng.
Ngày nay người ta chưa thật rõ nguyên nhân phát sinh ra những trận giặc châu chấu, nhưng biết rằng châu chấu sinh rất nhanh. Chúng lớn lên ở xứ nóng rồi di cư sang xứ lạnh. Mỗi con châu chấu một năm đẻ 11 lần, mỗi lần tới 90 trứng. TRong kinh thánh Mahomad có viết: “ Mỗi con châu chấucái đẻ 99 trứng . Nếu chúng chỉ đẻ thêm thành 100 trứng thì thế gian này sẽ bị ngập lụt bởi loại sâu bọ đó”.
Châu chấu nở ra con, bò lũ lượt trên cánh đồng, nhưng chưa có cánh để bay. Sau khi vài lần lột xác , chúng trưởng thành thành những con châu chấu lớn, khỏe mạnh và tập hợp thành từng đàn để đi tàn phá. Những đàn châu chấu gồm một số lượng nhiều kinh khủng. Giả sử có một đàn châu chấu bò ngang qua một đường xe lửa, thì xe lửa sẽ không tài nào đi được nữa. Nếu cứ phóng qua thì xác châu chấu chết ngập đường sắt thành một chất nhầy  khiến cho bánh xe quá trơn không thể kéo được tàu. Đoàn xe đành phải chờ cho đến khi châu chấu bay hết mới có thể tiếp tục chuyển bánh được. Khi chúng bay qua nơi nào, mặt đất ở đó tối sầm lại, tiếng vỗ cánh của chúng ầm ầm như gió mưa.
Chúng bay đi đâu? Hình như theo một bản năng di truyền về sinh đẻ, đặc biệt chúng kéo nhau đi thật xa để đẻ. Người ta đã thấy trong các đám mây châu chấu chỉ gồm toàn những con trưởng thành đang độ họat động sinh dục. Chúng hạ cánh xuống một nơi nào đó, con đực và con cái giao hợp với nhau rồi đẻ trứng xuống đất.

CHỐNG GIẶC CHÂU CHẤU
Quy trình sinh đẻ và phát triển của châu chấu như thế cho thấy số lượng đông đảo của chúng hàng năm đến vô số lượng con, vì thế  sức tàn phá của nó cũng thật ghê gớm. Vậy muốn chống lại sức tàn phá của nó con người làm cách nào để chống lại chúng?
 Theo kinh nghiệm, chúng ta biết được nạn châu chấu không xảy ra thường xuyên , điều này có nghĩa chúng thỉnh thỏang lại xuất hiện không theo một chu kỳ nào cả và người ta cũng chưa nắm được quy luật họat động của chúng . Có lẽ trong những điều kiện thuận lợi nào đó, những châu chấu đã sinh sản quá mau chóng thành những trận giặc. Trên thế chưa có nơi nào thóat nạn  châu chấu kể cả những miền lạnh như Canada. NHững nạn châu chấu thường xảy ra ở những miền nóng hay ấm áp, như Ấn Độ. Algeries, Thổ Nhĩ Kỳ…. Ở những nơi này người ta tìm cách chống giặc châu chấu. Người ta làm những hàng rào để chặn đường bay của châu chấu bằng những tấm lưới vãi hoặc tôn. Châu chấu bay ngang qua đó sẽ bị vướng và rơi xuống. Dưới chân những hàng rào đó, người ta đòao sẵn những đường hào cho châu chấu rơi xuống đó và lấp đất đi. Năm 1890 – 1891, ở Algeries đã sử dụng tới 20000 tấm lưới có thể xây dựng 1500km  hàng rào . Nhờ đó, họ đã tiêu diệt được 560 tỉ trứng và 1450 tỉ châu chấu non. Ở Á Căn Đình đã chuẩn bị 30000 km hàng rào lưu động để có thể sử dụng bất cứ lúc nào , chống lại sự tấn công của châu chấu.
 Bên cạnh sự phòng ngự cơ học đó , người ta còn dùng những thuốc hóa học như DDT để tiểu trừ. Năm 1951, một đàn châu chấu khổng lồ đã tấn công Pakistan , Á Rập, Xu Đăng và Iran. Bộ trưởng nông nghiệp Iran  đã phải tuyên bố đó là một trận giặc chưa hề thấy trong lịch sử Iran. Trong địa hạt Ápba, xe hơi chết trên đám bùn châu chấu ngập tới trục xe. Theo yêu cầu của chính phủ Iran, một đoàn máy bay Liên sô đã cất cánh bay tới Iran rắc thuốc trừ sâu để trừ giặc châu chấu. Những chất độc khá mạnh như  Hexaclorua , Benzen  cũng được mang sử dụng.
Tuy nhiên trong việc chống châu chấu, tốt nhất là phát hiện sớm trung tâm hình thành châu chấu non và tiêu diệt tại chỗ.

Không phải tất cả các lọai châu chấu đều có khả năng di cư và gây thành các trận giặc châu chấu. Có nhiều loại châu chấu khác sống đơn độc. Đối với lọai châu chấu này, vai trò của chim ăn sâu có một ý nghĩa lớn.

CHÂU CHẤU LÀ MÓN ĂN BỔ DƯỠNG CỦA NGƯỜI DÂN VÀ LÀ NGUỒN THỰC PHẨM CỨU ĐÓI CỦA CÁC TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ.
Phàm ở trên đời cái gì cũng có hai mặt : lợi và hại. Bên cạnh những tác hại do châu chấu gây ra cho con người châu chấu vẫn còn vớt vác lại đôi chút giá trị về dinh dưỡng của nó. Người dân ta thường bắt châu chấu về vặt bỏ chân, đầu, cánh đi, giữ thân bụng lại, rang lên làm thức ăn.
Phân tích giá trị dinh dưỡng của châu chấu người ta nhận thấy như sau: 68,910 gam nước, 0,688 gam chất lân, 8,251 gam chất đạm, 0,005 gam chất vôi, 0,999gam chất mỡ và 1.210gam các khoáng chất.
Trong những năm tháng tù đày dưới chế độ cộng sản hà khắc, cơm chẳng đủ ăn , nhưng các tù nhân là các sĩ quan , công chức của Việt Nam Cộng Hòa phải làm việc vất vã lao cực ngoài đồng áng, hoặc nơi rừng sâu thì châu chấu , cào cào , dế cơm, con rết …là những thực thực phẩm chống đói. Các vị tù nhân khi đi lao động ngoài đồng áng bắt gặp châu chấu hay cào cào thì quả là bửa đó xem như trời đãi, có được một bữa ăn  thịnh sọan. Cách thức ăn của họ cũng không giống nhữ những người dân là phải cắt đầu bỏ chân cánh … Họ không bỏ nhiều lắm các phần trên cơ thể của châu chấu . Khi bắt gặp châu chấu họ liền lột cánh, thế rồi đưa vào lửa nướng và bỏ vào miệng ăn một cách ngon lành. Có lẽ vì quá đói và thiếu nhiều chất dinh dưỡng trong lúc bị cầm tù hay vì nếu bỏ hết sẽ phí phạm thực phẩm chăng? Vì ngay việc bắt gặp các con châu chấu cũng không phải là dễ , cũng phải ngó trước ngó sau để khỏi phải bị bọn cán bộ dòm ngó cấm đoán. Người viết bài này có một thời cũng đã ăn châu chấu và cả con rết khi bị cầm tù thời gian gần 10 năm.
Tóm lại , chấu chấu là loại sâu bọ có sức tàn phá mùa màng khủng khiếp, đưa đến nạn mất mùa và gieo tang tóc cho nhân lọai, nhưng bên cạnh sự dữ ác của chúng , nhưng châu chấu còn là một món ăn ngon là một thứ thuốc bổ nữa. Trong Đông y, người ta thường dùng châu chấu làm thuốc bổ chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em
( bệnh sài cơn). Như vậy là nhất cữ lưỡng tiện, bắt châu châu  vừa bảo vệ mùa màng , nhưng cũng vừa để tận dụng vị thuốc bổ tự nhiên ấy.

HÀ ĐÌNH HUY





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét