Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

MỘT SỰ THẤT HỨA HAY VỤNG VỀ?



NANCY GIBBS
NGUYỄN MINH TÂM dịch
  
MỘT TỔNG THỐNG GIỎI  cần có thái độ ung dung bình tĩnh. Ông nên điềm nhiên đối xử với kẻ thù như một cơ hội để gỉải quyết xung đột. Ông lúc nào cũng phải mang dáng điệu một nhà lãnh đạo đầy thẩm quyền, uy tín, vui theo niềm hạnh phúc của dân chúng, và đau buồn khi đất nước gặp hoạn nạn. Ông phải tỏ ra bình tĩnh trước ống kính truyền hình. Nhưng sự khiêm tốn không đến một cách tự nhiên khi nhân vật đó được trao cho vai trò lãnh đạo thế giới tự do. Vì thế cho nên dấu hiệu cho thấy nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama bắt đầu đi đến một bước ngoặt quan trọng hiện ra không phải từ lúc uy tín của tổng thống xuống thấp, hay khi đồng minh của phe ông lắc đầu lảng tránh xa ông, hay khi những nhà bình luận thời cuộc tranh nhau phê bình chính phủ áp dụng việc thi hành Luật Obamacare vụng về đến mức nào. 
Nhiệm kỳ hai của tổng thống Obama bắt đầu suy suyển khi ông phải đứng ra xin lỗi. Ông Obama đã phạm ba lỗi rất lớn cùng một lượt: Lỗi thứ nhất là không nắm rõ việc làm của chính  phủ. Lỗi thứ hai là để việc làm quan trọng, mang dấu ấn tên tuổi của ông trở thành một tin tức bị bêu riếu trong bản tin hàng ngày. Lỗi thứ ba là không nói thực khi ông hứa với người dân rằng luật Obamacare sẽ không đụng chạm đến họ nếu họ không cho phép. Ông từng tuyên bố: “Nếu qúi vị thích chương trình bảo hiểm sức khoẻ của mình hiện có, cứ việc giữ kế hoạch đó mà theo.”. 
Những người ủng hộ ông Obama có thể than rằng giới báo chí thổi phồng vấn đề cho lớn để khai thác tin tức nóng bỏng. Nhưng thực ra vụ tai tiếng về Obamacare đang trở thành một vấn nạn cho ông Obama. Nó có thể biến ông trở thành một vị tổng thống tầm thường, tệ hại như nhiều tổng thống khác ở nhiệm kỳ hai. Việc sửa chữa trang mạng  Healthcare.gov rồi đây có được thực hiện hoàn chỉnh, đúng kỳ hạn hay không là một chuyện, việc thay đổi nhóm phụ tá cao cấp trong văn phòng tổng thống sẽ phải làm ra sao, hồi sau sẽ rõ. Nhưng chắc chắn là uy tín của ông Obama đã bị sứt mẻ rất nhiều khi ông để cho truyền thông, và các đối thủ Cộng Hoà khai thác lỗi lầm của chính phủ. Rất nhiều câu hỏi được nêu ra: Liệu rằng chính sách về Obamacare có được cứu vãn hay không? Nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống sẽ bị tai hại đến mức nào sau vụ này? Vì sao Bạch Cung lại qúa tự tin, và vụng về trong việc thi hành luật Obamacare? Người ta đã phải tốn phí nhiều thì giờ về vụ làm gián điệp ở trong nước và ở ngoại quốc, về sự thay đổi bất ngờ trong chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng ở Syria, không đồng thuận trong vấn đề thương thuyết với Iran, và cuối cùng vụ tranh cãi về ngân sách làm suy giảm tốc độ phục hồi kinh tế. Văn phòng tổng thống đã điên đầu với nhiều vấn đề nan gỉải. Bỗng dưng cái các chuyên viên cao cấp lại để xảy ra rắc rối khi áp dụng luật bảo hiểm sức khoẻ. Những khó khăn chồng chất khiến cho những người mến mộ ông Obama phải đặt câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra trong đội ngũ chuyên viên làm việc trong Toà Bạch Ốc khiến cho cơ sự xảy ra tệ đến như vậy.”.
Lòng tin của người dân vào chính phủ liên bang xuống thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Hiện nay, mọi chú ý đều dồn vào Tổng Thống và các thành viên viên cao cấp trong đảng Dân Chủ. Uy tín của Tổng thống xuống rất nhanh. Theo cuộc thăm dò của báo Washington Post và đài ABC hiện nay 57% dân chúng Mỹ nói họ chống lại luật Affordable Care Act. Uy tín của tổng thống Obama xuống thấp chưa từng thấy, chỉ còn 41%, không những về cách điều hành chính phủ, mà còn về chữ tín của tổng thống. Lòng tin là một thứ hương phấn hết sức quan trọng giúp ông có thể theo đuổi chính sách có thể không được lòng dân, nhưng ông vẫn thực hiện được vì dân chúng thích ông. 
Chuyên viên cao cấp trong viện nghiên cứu Brookings Institution, ông William Galston, trước đây từng làm cố vấn cho chính phủ Clinton, phải nói rằng: “Tình huống bây giờ hết sức bấp bênh, mọi thứ đều bị nghi ngờ. Ông Obama không thể dễ dàng thay đổi chủ đề chính trị, Luật bảo hiểm sức khoẻ là một việc hết sức quan trọng, mang dấu ấn của ông Obama. Nó là một lời hứa long trọng ông đưa ra cho dân Mỹ. Nó không chỉ là một nghĩa vụ luân lý, đạo đức mà còn là một sự cần thiết về chính trị. Mọi chuyện khác đều không cứu vãn được uy tín của ông, trừ phi ông lèo lái được con tầu đi đúng hướng trong việc sửa chữa thiếu sót khi thi hành luật bảo hiểm sức khoẻ.”.

Không Giữ Đúng Những Lời Hứa

TỔNG THỐNG RA TRƯỚC CÔNG CHÚNG nhận lỗi, tỏ ý hối tiếc, và hứa sẽ sửa chữa lỗi lầm, kể cả việc thay đổi nhân sự. Đó chính là thủ tục quen thuộc ông Obama làm hai ba lần. Trong cuộc họp báo ngày 14 tháng11, và cả khi nói chuyện riêng với phụ tá cao cấp, tổng thống Obama thú nhận chiến dịch ghi danh áp luật bảo hiểm sức khoẻ được tung ra một cách vụng về, thật là tai hại. Ông tự trách mình đã không biết đến những rắc rối xảy ra cho website. Ông gây thiệt hại cho uy tín của những người khác trong đảng Dân Chủ, và từ nay ông sẽ bị mất tự tin khi làm nhiều việc khác. Ông chia sẻ sự đau khổ của những người bị công ty bảo hiểm từ chối, không tiếp tục bảo hiểm cho họ nữa. Ông dùng thuật ngữ của môn “football”, chữ fumble - đánh rơi quả banh, để ám chỉ ông đã thất bại nặng khi khởi sự áp dụng luật Obamacare. 
Nhưng tất cả các cuộc cải cách đều có kẻ thắng và người thua. Trong đó, việc chuẩn bị, lập kế hoạch là phần chính yếu để cho luật Affordable Care Act thành công. Ở đây không có vấn đề chụp hụt trái banh, hoạch định kế hoạch là phần cốt lõi của chương trình bảo hiểm. Có người phải mua bảo hiểm, nhiều hơn mức họ cần dùng, để có thể bù đắp cho chi phí bảo hiểm của những người già cả hay đau yếu. Mọi người dân Mỹ ở  Hoa Thịnh Đốn đều hiểu rõ điều này. Do đó, những người bênh vực luật Obamacare tìm cách dụ ngon dụ ngọt công chúng khi họ tìm cách bán chương trình bảo hiểm của mình cho 48 triệu người trong nước, chưa có bảo hiểm sức khoẻ.
Ngoài vấn đề chính sách, còn có vấn đề chính trị. Việc thi hành luật Affordable Care Act gặp nhiều tai tiếng cho đảng Dân Chủ đến nỗi ông Obama phải vội vàng ngưng áp dụng. Ông yêu cầu công ty bảo hiểm tiếp tục cung cấp bảo hiểm thêm một năm cho những người vừa bị cắt bảo hiểm. Biện pháp này bắt buộc các công ty bảo hiểm và những viên chức phụ trách bảo hiểm ở mỗi tiểu bang phải thi hành ngay. Nhiều chuyên gia tiên đoán rằng việc sửa chữa kiểu đó sẽ khiến cho lệ phí bảo hiểm tăng cao, và người thọ thuế sẽ phải trả khoản bồi hoàn mà chính phủ trả thêm cho các công ty bảo hiểm. Bà Sandy Praeger, Ủy Viên Bảo Hiểm của tiểu bang Kansas tiên đoán rằng biện pháp sửa chữa của Tổng thống sẽ gây rất nhiều xáo trộn trong thị trường bảo hiểm y tế, giá biểu lệ phí sang năm sẽ tăng cao.
Việc triển hạn bảo hiểm cho những người vừa mới bị cắt bảo hiểm mới chỉ là một lỗi lầm đầu tiên. Sau đó là việc Tổng thống thất hứa. Ông đã từng tuyên bố nhiều lần: “Nếu bạn ưa thích bác sĩ hiện nay của bạn, bạn có thể tiếp tục đi bác sĩ đó.” Thực tế cho thấy ông Obama đã không giữ lời hứa này khi thi hành luật Obamacare. Điều khoản người mua bảo hiểm có quyền tự do chọn lựa bác sĩ không còn áp dụng  từ Indiana sang California để giữ mức lệ phí bảo hiểm xuống thấp. Ông cũng từng hứa rằng những người sẵn có bảo hiểm ở sở làm sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng thực tế cho thấy có một số người bị sở làm cắt bảo hiểm, hay phải bỏ tiền túi trả phụ thêm rất nhiều nếu muốn được duy trì bảo hiểm cũ. Ông David Hogberg, một viên chức cao cấp trong tổ chức National Center for Public Policy Research cho biết “chắc chắn bảo hiểm y tế theo luật Obamacare sẽ khiến giới tiểu thương phải tốn tiền mua bảo hiểm nhiều hơn.”. Cuộc thăm dò mới đây của tổ chức Public Opinion Strategies cho thấy có đến 28% cơ sở kinh doanh nhỏ, với số nhân viên từ 40 đến 500 sẽ bỏ không mua bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên được nữa vì tốn phí quá cao. Ông Hogberg giải thích: “Khi chính phủ đòi hỏi công ty bảo hiểm phải cung cấp thêm nhiều quyền lợi cho người có bảo hiểm, đương nhiên lệ phí bảo hiểm sẽ phải tăng. Đó là lẽ điều không thể tránh được.”.
Bình thường hàng năm mỗi cá nhân có quyền thay đổi bảo hiểm sức khoẻ của mình. Họ thay đổi vì nhu cầu riêng của họ. Có đến 70% thay đổi xảy ra hàng năm. Có người nhận thấy nếu họ ghi danh được vào chương trình Obamacare họ sẽ có một kế hoạch bảo hiểm tốt hơn, và rẻ tiền hơn. Nhưng điều không may cho Bạch Cung là những lợi lộc do Obamacare đem lại ít được người ta nói đến, như trường hợp thanh niên được tiếp tục hưởng bảo hiểm theo cha mẹ cho đến năm 26 tuổi. Trong lúc đó, bất cứ một khó khăn, hay trục trặc nào cũng đổ lỗi cho luật Obamacare. Phe Cộng Hoà khai thác mạnh yếu điểm này. Họ tuyên bố: “Đạo luật xâm phạm vào quyền tự do của cá nhân lại không áp dụng được khi đem ra thi hành.”. Chắc chắn họ sẽ lập đi lập lại ý kiến này trong nhiều  cuộc bầu cử năm 2014.

Những Vụng Về, Sai Lầm Của Chính Phủ Obama

KHI CÒN LÀ MỘT ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG, ông Obama tỏ ra tự tin, coi thường thủ thuật chính trị. Ông chê ê kíp của tổng thống Clinton làm việc cực khổ như lực sĩ chạy điền kinh. Ông không cần biết đến vấn đề guồng máy chính phủ nên LỚN  hay NHỎ, ông sẽ lập ra một guồng máy chính phủ THÔNG MINH. Trong đợt tranh cử vòng đầu hồi năm 2008, ông nói: “Tôi ra tranh cử tổng thống không phải để làm người điều khiển một guồng máy hành chính. Việc làm của tôi là lập ra viễn kiến - vision. Tôi sẽ ra chỉ thị guồng máy hành chánh phải làm việc theo chiều hướng nào.”. Bà Hillary Clinton đã phản pháo bằng cách nhắc nhở ông Obama: “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta cần một Tổng Thống hiểu rõ rằng ông ta phải trực tiếp điều hành guồng máy chính phủ.”.
Ít ra là bản thân ông phải trực tiếp trông nom việc thực hiện sáng kiến của ông. Cho đến ngày 1 tháng 10 vừa qua, ông Obama vẫn tin rằng việc đăng ký gia nhập chương trình bảo hiểm Obama sẽ dễ dàng như mua một cái TV hay mua vé máy bay qua internet. Đến khi sự việc xảy ra không đơn giản như họ tưởng, chính phủ bèn giải thích rằng dân chúng qúa hăng say đăng ký gia nhập, khiến cho trang mạng không làm xuể. Mãi về sau, người ta mới công nhận rằng việc đăng ký không đơn giản như chính phủ nghĩ, vì hệ thống bảo hiểm  sức khoẻ rất phức tạp, phải so sánh, phải tìm hiểu thu nhập của người xin đăng ký…. Bà Elaine Kamarch, trước đây từng làm việc cho chính phủ của ông Clinton, hiện đang đứng đầu tổ chức Center for Effective Public Management của Viện Brookings nhận xét rằng: “Tổng thống Obama chưa bao giờ có được những phụ tá có kinh nghiệm về vấn đề quản trị hành chánh công. Tuy tôi không đồng ý với hai ông James Baker và Dick Chenney về mặt chính trị, nhưng tôi phải công nhận là hai ông này rất giỏi về hành chánh. Chính phủ của tổng thống Obama không có ai sánh kịp với hai ông này.”.
Tại sao ông Obama không biết trước những khó khăn sẽ xảy ra? Trong một cuộc họp báo, ông thú nhận: “Tôi đã không được thông báo đầy đủ về sự phức tạp của vần đề. Lẽ ra việc đăng ký phải dễ dàng, đơn gỉan như mua vé máy bay qua hãng Travelocity hay mua hàng qua Amazon.”. Tổng thống Obama phải đích thân kiểm soát lại một tuần trước khi tung ra chiến dịch đăng ký trên mạng. 
Những cố vấn, phụ tá làm việc trong Bạch Cung làm việc như thế nào để đến nổi Tổng thống không được thông tri trước sự việc quan trọng như vậy. Theo chỗ chúng tôi điều tra thì thấy rằng từ hồi tháng Ba, cố vấn của công ty McKinsey & Co đã báo động cho các cố vấn cao cấp của tổng thống qua 14 tấm hình bằng slide show về những rủi ro có thể xảy ra khi bắt đầu tung ra chiến dịch đăng ký. Đến tháng Tư, Chủ tịch Ủy ban tài Chánh thượng viện, ông Max Baucus cũng cảnh cáo trước rằng chính phủ chưa làm đầy đủ việc gỉai thích và quảng bá cho dân chúng rõ về luật bảo hiểm sức khoẻ. Ông còn nói thẳng với bà Kathleen Sebelius, Bộ trưởng Y Tế rằng: “Tôi muốn cảnh cáo trước cho bà rõ là chuyến xe lửa về bảo hiểm y tế sắp sửa lao nhanh xuống vực thẳm.”. Đến tháng Bảy, chính ông Henry Chao, Phó Giám đốc về tin học của Centers for Medicare and Medicaid cũng bắt đầu tỏ ra hết sức lo lắng sẽ xảy ra tai hoạ khi bắt đầu áp dụng luật Obamacare.
Nhưng tất cả phụ tá, cố vấn ở Toà Bạch Ốc vẫn cố tình bưng bít, không báo cho Tổng thống biết, cứ coi như mọi chuyện sẽ xảy ra một cách bình thường để Tổng thống yên tâm.  

Tổng Thống 
Có Thể Cứu Vãn Được 
Tình Thế Hay Không?

TỔNG THỐNG TUYÊN BỐ RẰNG ÔNG CÒN  một chiến dịch vận động quan trọng khác phải làm đó là hoàn thiện việc cải tổ  hệ thống bảo hiểm y tế. Hồi đầu năm nay ông mời một chuyên gia hàng đầu về thăm dò dư luận là ông David Simas vào Bạch Cung làm việc. Trách nhiệm của ông Simas là làm sao “bán” được chương trình cải tổ y tế cho dân chúng Mỹ. Đây là một công tác hết sức tế nhị, nó không giống như việc vận động tranh cử, hay vận động hình thành một đạo luật. Hồi tháng Bảy, ông Simas nói với báo TIME như sau: “Bảo hiểm sức khoẻ là một vấn đề hết sức riêng tư của từng cá nhân.  Chúng ta gửi người mua bảo hiểm đến một nơi họ phải chọn quyết định có mua hay không một sản phẩm hoàn toàn xa lạ đối với họ.”. Nhưng ông Simas rất tự tin vào cuộc cải tổ y tế. Ông cho rằng luật Obama sẽ được dân chúng mến chuộng và cám ơn. 
Cứ nghĩ như vậy nên những người thuộc đảng Dân chủ mới giật mình tỉnh ngộ khi nhận thấy họ đang bị hố nặng. Nếu bầu cử giữa nhiệm kỳ xảy ra vào lúc này, chắc chắn đảng Dân Chủ sẽ thua to. Họ hết sức tức tối khi những ưu điểm của luật Obamacare như việc mở rộng chương trình Medicare cho nhiều người, việc cung cấp bảo hiểm cho những người có bệnh từ trước, và việc cho thanh niên dưới 26 tuổi được tiếp tục hưởng bảo hiểm theo cha mẹ không hề được nhắc đến. Đó là những điểm son của luật Obamacare, nhưng chẳng được nhiều người chú ý trong cơn “bão tố” về bảo hiểm y tế hiện nay. Những đảng viên Cộng Hoà trong quốc hội không màng xem xét lại những điểm tốt đó, họ chỉ nằng nặc đòi tiêu hủy luật Obamacare. 
Phụ tá của ông Obama lý luận rằng việc phải làm ngay lúc này là sửa đổi điạ chỉ gia nhập chương trình Obamacare, không nên trách cứ, hay đổ lỗi cho nhau. Một viên chức cao cấp trong Bạch Cung nói: “Khi website hoạt động tốt, mọi chuyện khai thác về chính trị của vấn đề sẽ qua đi. Nếu bạn thuê nhà thầu đến sửa nhà, hắn làm hư chuyện, bạn nên bảo hắn sửa chữa lại cho tốt, bạn không nên đuổi hắn đi và mướn nhà thầu khác.” . Trong lúc đó, tại Quốc Hội, ông Henry Chao gỉải thích với các nhà lập pháp rằng hệ thống ghi danh vẫn còn khoảng 30% đến 40% công việc chưa làm xong.
Một số người của phe Dân Chủ cho rằng họ còn dư thời gian để sửa chữa hệ thống cho kịp đến tháng 11 năm 2014 mới có bầu cử. Trong lúc đó, phe Cộng Hoà tiếp tục chỉ trích, hài tội luật bảo hiểm y tế. Sự kiện sẽ tiếp tục rối rắm thêm nếu đến ngày 30 tháng11 website Healthcare.gov chưa được sửa chữa hoàn chỉnh, hay nếu đến tháng Giêng năm 2014, nhiều người thấy mình phải trả thêm tiền bảo hiểm nhiều quá, và nếu đến ngày 31 tháng Ba vẫn chưa có nhiều người trẻ không có bảo hiểm sức khoẻ từ chối ghi danh.
Đảng Dân chủ sẽ gặp khó khăn lớn nếu vấn đề không được sửa chữa kịp thời trước kỳ bầu cử năm tới. Khi đó, cử tri sẽ nghĩ rằng đảng Dân Chủ yếu đuối, thiếu tài năng quản trị guồng máy chính phủ.
Nhưng còn một vấn đề nữa mà ông Obama sẽ phải đối phó là phe chống đối sẽ than trách rằng dân  Mỹ phải trả qúa nhiều cho bảo hiểm y tế, trong lúc họ nhận được quá ít. Chi phí y tế lên đến 18% Tổng sản Lượng Quốc Gia, so sánh với các nước tiền tiến khác, Hoa Kỳ có nhiều người không có bảo hiểm y tế, tốn phí cho y sĩ cao hơn nước khác, tỉ lệ bác sĩ tính trên đầu người ít hơn, và tuổi thọ cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. 
Nếu không có gì thay đổi trong hệ thống bảo hiểm y tế, rồi đây nạn nhân mới sẽ không còn là vấn đề nợ nần, bệnh tật mà là niềm tự hào của dân tộc, và những ước muốn của Hoa Kỳ không thành tựu. Ông Obama khi ra tranh cử đã dương cao hai khẩu hiệu  HY VỌNG  và THAY ĐỔI. Nhưng cả hai điều này đều không có, hay chỉ được thực hiện rất yếu. Quân đội thì quá mệt mỏi vì hai cuộc chiến. Ngân hàng vẫn chưa lấy lại được niềm tin của công chúng. Quốc Hội là một định chế tồi tệ chỉ biết gây rắc rối, trở ngại, và Chính Phủ Liên Bang  như là người dưng, đứng  bên lề, không dấn thân làm được việc gì ra hồn.  
Cuối cùng ông Obama có một cơ hội hiếm có để làm một kỳ công thật đẹp: vừa  cải tạo xã hội, vừa đem lại bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người dân. Ông phải làm cho được sứ mạng lịch sử này. Ráng lên đi Tổng thống Obama!!!.

Nancy Gibbs /  TIME ngày 2/12/2013.
Nguyễn Minh Tâm lược dịch

NANCY GIBBS
NGUYỄN MINH TÂM dịch
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét