Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

THUỘC LỜI THƠ HƠN CÔNG THỨC TOÁN


Để tặng đám bạn cùng lớp ở nam ký túc xá Tây Ninh của những năm 1968
   
     Từ Gò Dầu về, xe đò xe hàng, lớn nhỏ nối đuôi nhau kẹt một hàng dài bên quốc lộ, khoảng cuối khu chợ Gò Chùa. Phía đầu trên đường, súng nổ vang trời, thỉnh thoảng có tiếng đạn pháo binh bắn lên từ chi khu quận. Lửa cháy dữ dội, khói đen bốc lên cao khỏi ngọn cây rừng. Chỗ tôi đứng, cách khá xa vẫn có mùi cao su khó ngữi. Khách đi xe đò, phần lớn về Tây Ninh, xuống xe kéo nhau ngồi dọc theo mái hiên mấy dãy nhà sát bên đường. Trời chưa gọi là nắng lắm, sương sớm vẫn còn lúc mờ lúc tỏ trên khu rừng cao su đầu chợ Vên Vên. Dân trong xóm cho biết du kích Cộng sản phục kích ngay bìa rừng, chỗ bờ ấp chiến lược cũ, tấn công đoàn quân xa chỡ đồ đạc gì đó về tỉnh. Người từ phía đầu đoàn xe, gần chỗ đánh nhau đi xuống lắc đầu, bảo chắc phải chờ lâu lắm mới qua được.

    Tài xế lơ xe tụm năm tụm ba hút thuốc tán láo. Buồn quá, tôi đi lang thang vào khu nhà trong xóm trốn nắng. Phải chi đừng ham quá giang xe Honda của anh tư Lên, bạn của anh ba Thương, đi đường bộ ngang Trà Cao, chờ tàu đò lớn đường sông về Cẫm Giang như thường lệ thì giờ này tôi đã thảnh thơi ngồi uống ly rau má ngọt lịm tại bến tàu rồi. Căn nhà phía trước, ngay đầu ngõ đường đầy trúc mọc hai bên mát xanh, tuy nhà tranh nhưng cất rất khéo và sạch sẽ. Thấy người ra người vào tấp nập, tôi cũng tò mò vào theo. Bà cụ chủ nhà chuyên làm bánh ú lá tre, người ta giành nhau mua không đủ bán, may mắn tôi cũng có được ba bốn cái. Cầm bánh ngồi khuất bụi trúc rậm, định mở bánh ra ăn thử, nghe có tiếng con gái đi ngang qua nói chuyện giọng Huế nhà mi nhà tau nghe quen quen, tôi đứng dậy đi vòng qua phía bên kia nhìn. Cô Thu, cô Quỳnh chưng hửng buột miệng cùng một lượt:
-Trời đất, Ngữ cũng ở đây nữa sao? Bất chợt tôi phá lên cười vì không ngờ lại gặp người quen:
-Hai cô kẹt ở đây lâu chưa, em vừa đến thôi.
Tôi vừa nói vừa nhìn lên phía trời trên kia, tiếng súng vẫn còn đì đùng:
-Điệu này chắc phải tới chiều mình mới qua được.
    Cô Thu đưa bánh mời, mặc dù tôi đang cầm vài cái trên tay. Tôi cám ơn rồi theo hai cô đến chỗ mấy người đi chung đang chờ. Trên đường đi, cô Quỳnh cứ nhìn tôi cười cười mà không nói gì. Chiêu đứng bên hông mái hiên của căn nhà ngói cũ sát lề đường nhựa, mở to mắt nhìn chúng tôi từ xa tới, mặt ửng đỏ lúng túng, tôi cũng không khá hơn, trống ngực đập liên hồi. Cô Thu phủi vội đám lá úa trên bực thềm xi măng ngồi xuống, cả bọn ngồi xuống theo. Cô Quỳnh mở bánh trước:
-Thôi ăn đi kẻo đói rồi nói chuyện sau.
    Chiêu lựa một cái, rồi mở lá đưa cho tôi, cô Thu nheo mắt nhìn thông cảm. Bây giờ tôi không còn trách móc chuyện phải chi đừng quá giang xe Honda anh tư Lên, không còn thèm ly rau má ngọt bến tàu Cẫm Giang. Tôi nói cho mọi người nghe, cô Quỳnh nhìn Chiêu cười nhẹ rồi nói trống không:
-Vậy là chắc có duyên tương ngộ của ai rồi đây.
    Chúng tôi, cô trò, kể chuyện trện trời dưới đất cho nhau nghe, tìm chút tiếng cười để quên cái nỗi chờ nỗi lo trước mặt. Chiêu hỏi tôi thêm nhiều chuyện, những chuyện mà Chiêu chưa hỏi bao giờ. Có tiếng người xôn xao ngoài đường, thiên hạ ùa ra xe, mấy anh tài bóp còi kêu khách inh ỏi, các anh lơ xe chạy tới chạy lui kiểm hàng kiểm người. Người phía trước chuyền miệng nhau cho biết, lính VNCH đã mở đường rồi, tiếng súng thật ra đã ngưng từ lâu. Tôi theo Chiêu và hai cô đến xe của họ rồi ngược theo đường tìm xe mình. Người trên xe vẫy tay chào toán lính đi hàng dọc bên kia bìa rừng cao su, quân phục bạc màu xanh ô liêu còn vương chút bụi sớm. Khi qua ngang đoạn phía hai bên đánh nhau, chiếc xe jeep cháy đen nằm trơ trụi bên lề đường, cả một khoảng rừng rộng lửa chưa chịu tắt hẳn. Lính VNCH còn đứng ngồi đông nghẹt, vài tấm ni lông che vội trên đám cỏ dại bên lề, hình như có người chết, không biết bên này hay bên kia. Trời cũng vừa bốn giờ chiều, nắng và không có gió. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, trên nóc nhà có tấm bảng đề hàng chữ “Văn Phòng Xã Hiệp Thạnh” bay bay theo chiều gió ngược.
    Trước ngày Giáng Sinh vài tuần, thầy Vương đổi về trường khác, tôi không hỏi ở đâu nhưng nghe nói là Đà Nẳng hay Qui Nhơn gì đó. Hôm thầy đi, bọn tôi hùn tiền mời thầy bữa ăn chia tay ngoài chợ cũ. Thầy không buồn không vui, hẹn có ngày gặp lại đâu đó trên đời. Căn phòng dành cho thầy Vương giờ lại bỏ trống như xưa, tôi tạm làm công việc lo ngoài lo trong cho nam ký túc xá. Cô quản lý không còn người hàn huyên lo lắng, đi trễ về sớm thấy buồn ra mặt. Chúng tôi dạo này không còn thường tụm ba tụm năm, chén chè chén pháo, bài vở nửa năm bè bộn lâu rồi. Tôi cũng như đám bạn cùng lứa, mạnh ai nấy vùi đầu vào sách, đèn sáng đôi khi trọn cả đêm nhưng không biết có nhớ được gì chăng.
    Trời bây giờ là những ngày giữa Đông. Phố xá lại qua lúc nào cũng có sương mù và gió lạnh. Chiều tan trường, đôi lần tôi theo Chiêu trên đường về nhà nhưng chưa lần nào đi trọn lối. Nửa đường lủi thủi một mình trở lại ngõ quen, mang theo về ký túc xá muôn vàn ray rứt. Cuối tuần, thỉnh thoảng bọn tôi, có Chiêu, có Tường, Thảo Ly rủ nhau ngồi tập uống cà phê đen tại ngã ba trường tư thục Văn Thanh, nghe nhạc tiền chiến, nói nói cười cười như ngày mới quen, buồn với nhau những chuyện vụn vặt. Tôi đếm thầm ngày tháng đi qua, mong có cơn gió sang mùa nào đó, đưa chút tình câm chưa dám ngỏ tới Chiêu, chút tình mà hồn tôi thầm mơ sau buổi chiều gặp nhau lần đầu, trong cái quán nước nghèo, đầu đường cửa Số Hai Tòa Thánh.
    Chiều hôm lễ Giáng Sinh, cô Thu rủ tôi và Tường đến nhà chơi rồi đi xem lễ nửa đêm, mừng Chúa giáng trần dù cả bọn không ai là người có đạo. Đêm nay chính quyền tỉnh bỏ giới nghiêm, phía Cộng sản cũng tuyên bố ngưng bắn. Tường vào ký túc xá chỡ tôi đến nhà mấy cô sớm hơn giờ hẹn, đường về nhà thờ đã có người lên xuống. Nắng úa vàng rồi khuất dần bên kia sông, chuông nhà thờ từng tiếng thong thả đổ. Nhà mấy cô ở là một căn biệt thự nhỏ nằm sâu sau vườn cây thanh trà, được bao quanh bởi hàng rào hoa giấy đỏ. Chủ nhân căn biệt thự này hiện đang ở bên Pháp, được người quản gia cho mấy thầy cô từ nơi khác đổi về dạy mướn, hết người này đến người khác trong mười mấy năm nay. Nhà không cách xa trường bao nhiêu, đi bộ chừng mươi phút.
    Hai thằng vào nhà, đi thẳng vào bàn ăn trong bếp, cô Quỳnh đang sửa qua sửa lại mấy nhánh hoa hồng trong bình, cô Thu thì loay hoay gì đó với cái nồi trên bếp lửa. Mùi bún bò thơm ngát cả phòng dù cánh cửa sổ đã mở tung đầy gió. Vườn sau nhà mờ dần theo bóng chiều cuối ngày ngoài kia đang xuống. Cô Thu hỏi han gì đó, tôi chưa kịp trả lời thì có tiếng người trước cửa. Cô Quỳnh mở tủ lạnh lấy cho tôi và Tường hai chén chè đậu trắng, thứ chè thường bán bên hông trường trung học Gia Long dưới Sài Gòn, rồi đi ra. Tiếng con gái nghe quen càng rõ dần, cô Quỳnh gọi vọng vào trong:
-Ngữ ơi, ra phụ một tay đi!
Tường đi trước, tôi từ từ theo sau. Chiêu, Thảo Ly, Xưa và cô Quỳnh đang tay xách tay mang túi này túi nọ. Tôi và Tường quơ lấy thay cho họ. Chiêu cười, Thảo Ly vừa đi vào trong vừa quay lại nói với cô Quỳnh:
-Ủa sao cô không nói cho tụi em biết đêm nay có anh Ngữ anh Tường nữa?
-Lâu lâu cho mấy cô ngạc nhiên mà!
    Chiêu nhìn Tường rồi nhìn tôi:
-Chiêu tưởng anh Ngữ về Bến Cầu rồi.
    Tôi bỏ mấy túi rau cải xuống cạnh chỗ cô Thu đứng, cười mà không nói gì hết.
   Mấy cô trò quây quầng trong nhà bếp, tiếng nói tiếng cười vang vọng ra tới ngoài sân. Con chó nhà bên cạnh hàng rào sau vườn sủa từng tiếng nhát gừng, nằm yên không buồn đứng dậy. Chúng tôi dọn dẹp đâu đó rồi thả bộ theo đoàn người đông nghẹt về hướng nhà thờ, đường phố đã lên đèn từ lâu. Từng hồi chuông đổ nữa, tiếng nhạc mừng Giáng Sinh “Đêm Thánh Vô Cùng” nghe rõ mồn một trong màn sương, thành phố đang chập chững vào đêm. Đêm đó, sau bữa ăn khuya về, Chiêu đưa cho tôi lá thư  trả lời cho cái thư mà tôi đã thức viết đi sửa lại mấy đêm liền, nhờ Thảo Ly trao giùm cô nàng, sau ngày thầy Vương rời Tây Ninh. Tôi bỏ nhanh cái thư vào trong túi quần lo nghĩ. Tường nói cười luôn miệng. Ra khỏi cổng nhà hai cô, hai thằng đứng chờ đám Chiêu khuất hút ở đầu ngã tư Võ Tánh rồi mới bỏ đi. Đèn trong nhà mấy cô lúc bấy giờ mới chịu tắt. Cuối xóm chài, lưa thưa vài chiếc ghe con trở mình chờ nước lớn ra giòng, lờ mờ trời hừng sáng. Đám học trò lục đục kéo về ký túc xá sau một đêm đi lên đi xuống rã mệt trong đoàn người đi lễ. Đâu đây có tiếng gà gáy sáng bên xóm nhà trong. Tôi kẹp lá thư của Chiêu vào trang đầu cuốn Vật Lý, để nguyên quần áo ngủ vùi cho tới giữa trưa.
    Bữa cơm trưa ngày chủ nhật hôm đó không mấy người ăn, mấy chị làm bếp chẳng màng bưng lên dọn xuống. Sau cơm chiều, tôi qua phòng khách đọc thư, cô nàng viết không nhiều lắm nhưng ngần ấy đủ cho tôi thuộc lòng từng chữ một, thuộc còn hơn cái công thức của một bài toán hình học khó giải. Tôi mân mê lá thư, nhìn hình người con gái xõa tóc giữa trưa hè, trong bức tranh mà thầy Vương vẽ, bằng sơn dầu suốt mấy tuần mới xong, treo trên tường cười thật đẹp. Tôi thấy đời mình bỗng dưng vui, cô quản lý ký túc xá đi ngang, tôi hỏi cô sao không thay hoa mới trong bình. Cô ngạc nhiên nhìn, từ trước tới nay có bao giờ tôi để ý chuyện hoa chuyện lá gì đâu, cô mĩm cười dừng bước trả lời:
-Cậu Ngữ hôm nay sao thấy hơi lạ nghe!
    Lắc đầu không nói gì hết, tôi quay qua phòng học, tuy có hàng chữ im lặng nhưng đám học lớp nhỏ cứ xì xào, tiếng mất tiếng còn ở phía mấy cái bàn trong. Mớ công thức, định lý trong chồng sách ngổn ngang trên bàn, đối với tôi chợt bỗng dưng trở thành vô nghĩa. Tôi thật sự yêu Chiêu sau lần đọc thư cuối cùng. Giờ chơi buổi sáng trong trường, tôi không theo Tường và mấy thằng bạn khác, xuống quán ông giám thị Chất ăn đậu đỏ bánh lọt mà đứng trên hành lang lầu lớp mình, nhìn hàng cây trứng cá, cuối bờ tường dãy phòng thí nghiệm mới cất, chỗ Thảo Ly và Chiêu cùng vài cô bạn thường hay quanh quẩn. Trái trứng cá chín rợp, chen chúc trong cành lá xanh còn ướt đẩm sương nhưng không có ai ở đó. Tôi vẫn đứng chờ dù tiếng chuông vào lớp vang lên từ lâu lắm rồi.

Thuyên Huy
Trung học CL Tây Ninh/ NK 62-69
(Chuyện được viết bằng tưởng tượng, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình từ tên người tới bối cảnh)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét