Tôi
được sinh ra và lớn
lên ở Thị xã Tây Ninh. Có thể nói, tôi
là dân Tây Ninh chính hiệu. Cái tên “Tây
Ninh” từ lúc bé tôi được nghe mà thật tâm không biết nó có nghĩa là gì. Nghe ngoại nói tên này âm phát từ tiếng
Campuchia mà ra, vì vùng này lúc xưa, là đất của người Campuchia. Sau này khi tìm hiểu trên các phương tiện
truyền thông, tôi mới biết Tây Ninh lúc xưa được người Miên gọi vùng đất “Romdum
Ray”. Từ thời xưa vốn là một vùng đất
thuộc Thủy Chân Lạp, có nghĩa là "Chuồng
Voi" vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp,
voi, beo, rắn,... cư ngụ. Nhưng
nghĩ mãi tôi cũng không hiểu sao lại đọc trại thế nào mà ra là chữ Tây Ninh của
ngày nay. Không biết có đúng là vùng an
ninh ở phía Tây không.
Nhà
tôi ở ngay chợ cũ thuộc vùng thị xã. Nhưng
khi tôi lớn thì chợ đã dời đi xa hơn và ngay trước nhà vẫn còn lại cái sân chợ
xưa và cái “Nhà Lồng Chợ” đứng ngay chính giữa chia hai lối đi. Cái nhà lồng chợ này lúc nhỏ khi chưa bị “họ”
trưng dụng làm thành nhà tập thể và sau đó
là sân tennis, thì đó là nơi đám con nít trong xóm nô đùa tung tăng chơi
trốn bắt. Sân chợ đồng thời cũng là chốn
cho các thiếu niên trong thị xã kéo ra căng dây chơi các môn thể thao như đá
banh hay đấu bóng chuyền mỗi buổi chiều về.
Vì sinh ra sau cuộc chiến, nên hầu hết tuổi thơ tôi dính liền với những
sinh hoạt nửa nông thôn nửa thành thị.
Sân trước chợ cũ trong dịp thu hoạch, lại trở thành nơi để mọi nhà mang
lúa ra phơi vào các ngày nắng. Những lúc
đó, mùi lúa mới gặt mang ra phơi bay thơm cả con đường. Mùa mưa thì khỏi nói, nước mưa từ trời rơi xuống,
rơi trên máng xối và máy tôn kêu leng keng vui tai ngộ nghĩnh. Đó cũng là lúc đám con nít thi thố tài năng
trong mưa trước nền sân chợ xưa. Có hôm, mưa to quá, nước mưa không kịp rút, là
lúc nước sông Vàm Cỏ Đông được dịp lấn vào các khu phố, cả con đường và ngả phố
lỏm ngỏm trong nước. Người lớn thì lo lắng
tát nước, còn con nít thì vui lắm, vì đó là lúc được chơi nhiều trò khỉ như lội
nước hoặc leo trèo lên các cột trong lồng chợ chơi các trò chơi đánh trận giả.
Tuổi
thơ tôi là những ngày sống êm đềm bên ông bà ngoại, cậu dì và các anh chị em
trong nhà ngoại. Ba tôi và dượng tôi
cũng cùng số phận như bao sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa khác, họ bị coi là “kẻ bại”,
và bị đi tù cải tạo đày ra tận ngoài Bắc.
Nhưng với tôi và cả đám nhỏ còn lại trong tỉnh thì chúng tôi là những đứa
nhỏ sinh ra sau cuộc chiến. Tôi được mẹ và đại gia đình ngoại nuôi nấng dạy bảo
ở mảnh đất Tây Ninh. Tuổi thơ, tôi không
có các thú vui như trẻ con bây giờ, không có điện, không có nước, vì họ luân
phiên cắt các phương tiện này để dành nhiên liệu cho việc quốc phòng. Những hôm không có nước, mẹ và các anh chị lớn
dùng xe đạp chở các đứa nhỏ lên vùng Trảng Lớn, nơi nhà người quen có giếng để
tắm và giặt quần áo. Chỉ độ dăm ba cây số
cách thị xã, nhưng nơi đây lại mang một hơi thở thôn quê bình dị. Đặc trưng của vùng đất Tây Ninh thời “bao cấp”
là củ mì và các loại cây nông nghiệp. Đi
về đó vào lúc thu hoạch củ mì vui lắm. Tụi
tôi được chạy tung tăng trên cánh đồng củ mì, tìm các cây mì to và già nhất đào
củ lên về nhà luộc. Ruộng lúa với đồng bằng
phì nhiêu được nguồn nước tưới quanh năm từ dòng sông Vàm Cỏ và vùng Lòng Hồ Dầu
Tiến, tạo cảnh quan nơi đây một vùng đồng bằng xanh uôm. Mỗi lần được đi “xài ké nước”, mà tôi vui
không tả được, vì đó là dịp mình được sống thật sự với thiên nhiên. Những cánh đồng bát ngát với hình ảnh con
trâu gặm cỏ cùng những bụi tre già, là một hình bóng làng quê mà ai đi xa cũng
nhớ. Vùng Trảng Lớn đồng thời cũng là
nơi tập trung của người Bắc di cư, họ sống quay quần thành một vùng khá rộng lớn
với các phong tục tập quán của người Bắc. Người dân ở vùng này đa số là đạo
Công Giáo. Tôi còn nhớ hình ảnh các cụ
bà vấn khăn mỏ quạ, răng đen nhánh ngồi phất phơ trên tay cây quạt mo trong cái
nắng chang chang. Mỗi năm đến dịp Giáng
Sinh, lên Cao Xá coi người ta làm hang đá, và cử hành các nghi thức theo đạo
Chúa cũng là một sự kiện rất hấp dẫn cho người dân Tây Ninh. Ở đây tôi được thưởng thức món bánh dân dã nửa
Nam nửa Bắc là bánh đa dừa. Bánh đa được
nướng trên lò than và rưới lên lớp bánh xốp là một ít đường thắng và rắc ít dừa
nạo béo ngậy, ăn vừa thơm vừa giòn. Tôi
không biết các vùng khác ở Việt Nam có món này không, nhưng hình như sau này
tôi cũng không nghe thấy ai nhắc tới món ăn tuy bình dân nhưng lại ngon thơm này
nữa. Tuy cuộc sống sau 1975 rất cơ cực,
nhưng những đứa trẻ như tôi lớn lên không biết nhiều đến các nỗi lo toan của
người lớn. Tôi học mẫu giáo Thái Chánh,
nơi có nhà thờ Thái Chánh và cái xóm đạo nhỏ nằm lẫn trong lòng thị xã Tây
Ninh. Nhà ngoại thì thờ Phật, thờ ông
bà, nhưng đám bạn tôi học chung lại có cả đạo Cao Đài và một ít bạn là người
Chàm, và họ thờ đạo Bà La Môn. Trong các dịp hội hè trong trường, tôi hay được
thưởng thức các bài ca của các bạn Chàm với các sắc phục nửa như Khmer, nửa như
Ấn Độ. Lúc nhỏ, tuy còn bé xíu, mà tôi
cũng ngộ ra một chuyện lạ, là thị xã Tây Ninh đúng là một vùng đất lạ, đó như
là một cầu nối, là một sự tổng hợp hài hòa của một khối đa văn hóa tập trung. Ngoài ra , Núi Bà lại là một nét văn hóa đặc
biệt khác của Tây Ninh, nơi được coi là linh thiêng. Ngoại tôi dạy rằng con dân Tây Ninh thì đều
được bà che chở, đi đâu cũng phải quay mặt
về hướng núi chớ không được quay lưng lại.
Dù tôi không biết Bà thật sự linh tới mức độ nào, nhưng mỗi dịp lễ Bà,
thì người dân đến đây như trải hội, họ đi du lịch cũng có, mà xin lễ cũng có,
và có cả một số rất đông đến trả lễ cho bà cũng có. Họ từ các vùng xa xôi đến, có rất nhiều người
từ các vùng xa lắc lơ tận ngoài Trung ngoài Bắc . Thời đó đi núi chưa có cáp treo như bây giờ,
phải đi bộ hàng trăm bật đá mới lên tới điện thờ bà. Có những con đường mòn trên núi với các tảng
đá to, dốc cao, là lối mà các anh chị lớn của tôi là những người có máu thám hiểm
thích vô cùng. Rừng cây, và tiếng suối
róc rách quanh núi luôn tạo một niềm thư thả cho người viếng cảnh. Trên núi có đặc sản ốc núi, nghe nói con ốc
này chỉ ăn duy nhất một loại lá cây tên “nàng hai” mọc duy nhất trên núi, và là
một vị thuốc bổ cho cơ thể rất quý hiếm.
Tây Ninh cũng là thánh địa của đạo Cao Đài. Tuy vùng Thị Xã thì không có nhiều người theo
đạo Cao Đài, nhưng người trong họ cũng có nhiều gia đình theo đạo này, và tôi
cũng có nhiều dịp được vào trong vùng Hòa Thành để xem các lễ hội của đạo. Đây là một đạo thuần túy Việt Nam nhất mà tôi
có dịp được nhìn thấy tận mắt.
Không
những chỉ tôn giáo hòa đồng trong vùng thị xã, mà cả những nhóm người khác nhau
trong vùng thị xã cũng chung sống hài hòa với nhau. Trước nhà tôi có tiệm thuốc bắc của người
Hoa, Sanh Sanh Đường, và Hội Xuân Đường, còn kế sát bên nhà lại là gia đình của
người Ấn Độ. Có vài gia đình gốc Bắc di
cư vào Nam từ những năm 54 cũng ở trên con phố và bà ngoại tôi cùng các bà các
cô lớn tuổi trong xóm không phân biệt giọng nói hay văn hóa, họ lập ra bang Tịnh
Độ để đi đọc kinh cho mọi người trong thị xã khi họ cần đến một niềm tin về tâm
linh trong lúc khó khăn trong cuộc sống.
Con đường Gia Long phía trên thì tấp nập mua bán với mọi sinh hoạt như
hàng quán, tiệm chụp hình, bác sĩ, nhà thuốc.
Tuy mỗi loại chỉ vỏn vẹn một, hai tiệm thôi, nhưng mọi người hầu như
không có sự cạnh tranh hay so sánh hơn kém.
Nhớ hoài lúc còn nhỏ, tôi có nhiều bạn học cùng trường là gốc Hoa, tôi
hay được các bạn cho ăn các món ăn gốc Hoa ngon vô cùng. Người Hoa đi đâu thì cũng nổi trội về kinh
doanh, và nhờ đó họ tạo cho con đường Gia Long trở nên một khu phố phồn thịnh
nhất nhì Tây Ninh.
Tôi
lớn lên trong cái môi trường, đa văn hóa, đa tôn giáo như vậy. Mà ngay cả trong
gia đình, tôi cũng sống trong một không gian như thế. Ông ngoại tôi là một nhà nghiên cứu văn học uyên
bác. Ông thông thạo chữ Nho, chữ Nôm,
luôn cả tiếng Tây (French), và văn hóa tây phương. Ông viết văn, làm thơ, với bút danh Hi Đạm. Có thời gian ông dạy học ở trường Nam (Trường
trung học trong tỉnh xưa). Ông bỏ cả đời,
sống chung quanh với các loại sách báo và chữ nghĩa. Tuy ông khó tính, và rất kỹ lưỡng từng li từng
tí, nhưng với các cháu nhỏ, ông lại dạy dỗ rất tận tâm và thương yêu hết mực. Tôi là đứa cháu gái nhỏ nhất trong nhà, vì
lúc nhỏ tôi ốm nhỏ lắm, nên ngoại thương gọi tôi tên con Châu Chấu, dù trong giấy
tờ tôi tên là Kim Châu. Tôi được ông
thương lắm, vì hay theo ông coi ông làm việc.
Có hôm từ sớm tinh mơ, tôi đã theo ông ngồi coi hoa quỳnh nở mà mắt thì
muốn nhắm tịt, vậy mà vẫn ráng ngồi coi.
Sáng ra, ông bảo tôi đọc bài thơ ông viết tả về hoa quỳnh đêm qua lúc nở,
giờ thì tôi không nhớ gì cả nhưng biết là một bài thơ rất hay. Tôi được thừa hưởng
trong máu một ít duyên về văn chương là từ ông.
Vì nhờ có ông chỉ dạy, mà đám nhỏ tụi tôi biết thêm về văn thơ Việt
Nam. Ông có một kho tàng sách báo. Mọi thứ sách mua về ông đều làm bìa lại theo
ý ông với giấy cắt cẩn thận và bao lại bằng ni lông từng cuốn. Sách và cả tạp chí đều là các vật quý nhất của
ông. Ông xếp mọi thứ theo thứ tự và theo
ngày tháng cẩn thận, còn hơn cả các thư viện trong tỉnh. Nhưng sau 1975, một số sách xưa ông phải đem
đi đốt hoặc bỏ trong các cuộc trừng quét văn hóa. Đó là một nỗi đau của ông. Tuy nhiên, ông cũng giấu lại một số sách trên
gác để cho các cháu đọc, mà mỗi lần đọc các sách này là phải kính đáo và phải bảo
vệ chúng hơn cả vàng ngọc. Sách báo Tuổi
Hoa được ông lén cho các cháu xem vì sợ nếu lỡ lộ ra là chính quyền thời đó làm
khó dễ. Cậu, dì, và mẹ tôi mê nhạc. Các băng nhạc, nhạc tờ, và cả các báo chí văn
hóa được cậu tôi sưu tầm như một thú vui thời sinh viên, cũng đã bị cùng chung
số phận như mọi thứ khác trong thời nhiễu nhương đó. Nhớ hoài mỗi tối, lúc cúp điện, vắng người, cậu
dạy tôi hát các bài nhạc của Hùng Cường- Mai Lệ Huyền, tôi hát nghêu ngao và mọi
người phải theo dặn là sáng đi học không được hát trong trường. Những đêm thanh vắng, tôi hay nghe mẹ và dì
hát lại các bài hát của Thanh Thúy, hay Khánh Ly, Lệ Thu với tần số nhỏ thật nhỏ.
Tôi rất may mắn nhờ có số sách báo và nguồn nhạc này để có thể hiểu thêm được
những gì đã xảy ra thời trước, và chính là một kho kiến thức vô bờ mà tôi được
thừa hưởng trong những năm ở nhà ngoại. Sáng
đi học theo các phương hướng của chế độ mới, chiều tối về lại được sống theo một
đời sống của văn hóa cũ. Nhưng đó là lúc
tôi thu thập được nhiều nền văn hóa khác nhau trong cùng một môi trường sống.
Cuộc
sống giao hòa đó đã tạo ra cho người dân Tây Ninh quanh tôi một lối sống ít cạnh
tranh và ít chia rẽ. Họ sống chan hòa
tình người và cũng tôn trọng văn hóa của từng tôn giáo. Nhờ sống trong một nơi như thị xã Tây Ninh, tạo
cho tôi có một suy nghĩ khá phóng khoáng về tính đa dạng trong cuộc sống. Cái nửa quê nửa tỉnh đó giúp cho người thị xã
có một cái nhìn khác bao dung hơn cho mọi người, mọi việc, chung quanh dù đôi
lúc vẫn có những va chạm xảy ra,. Tôi đã
sống 15 năm đầu đời trong cái văn hóa đó, và từ đó ra đi, dù bay tới phương trời
nào, dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng tìm cho mình một cách hòa đồng vào văn
hóa của người khác dễ dàng hơn. Tây Ninh
trong tim tôi không chỉ là tuổi thơ trong sáng với những ngày hè nóng cháy da,
hay những ngày mưa trút nước. Đó không
chỉ là vùng đất của núi bà và sông Vàm Cỏ, không phải chỉ có những cánh đồng
xanh mướt chạy dài mút mắt. Tây Ninh
trong tôi mang một hương vị của vùng đất đa văn hóa, đa kiến thức, nơi chiếc
nôi đầu đời nuôi tôi lớn lên để biết sống bao dung với người chung quanh
mình. Tôi không có nhiều dịp về thăm lại
nơi xưa, vì mọi thứ giờ đã thay đổi quá nhiều.
Lúc đi khỏi Tây Ninh theo chương trình ODP, đoàn tựu gia đình năm 1991, ông
ngoại tôi bảo tôi cầm một cái hủ nhỏ ra trước nhà hốt ít đất bỏ vào đó để dù đi
đâu thì cũng mang quê hương theo bên mình.
Đó là một ký ức, một khoảng trời tuổi thơ mà không dễ gì tìm lại được. Nhưng trong tim mỗi người, dù ở đâu, dù làm
gì, thì trái tim mình luôn cất lên một tiếng nói, đó là biết yêu và biết trân
trọng vùng đất đã nuôi sống mình. Tôi
mang theo cái hủ nhỏ chứa nắm đất quê hương, chính là mang theo cả Tây Ninh bên
mình cho hành trình cả cuộc đời. Đó là
hơi thở để dù tôi đi đâu, thấy Yosemite là nhớ ngay núi Bà Đen, thấy sông Seine lại nhớ dòng sông Vàm Cỏ, thấy
chợ trời là thấy lại các nhóm chợ nhỏ xưa ở quê mình. Khi viết về Tây Ninh, lúc đầu tôi không tìm
ra được một đề tài nào để viết, nhưng khi đã viết dòng chữ đầu tiên, tôi như
tìm lại được cái chữ “thương” trong lòng mình.
Và tôi đã hiểu tôi phải cám ơn thị xã Tây Ninh đã đưa tôi về lại một đường
xưa lối củ trong tôi. Tôi thấy lại được
nơi tôi sinh ra, và tôi cũng thấy được cái hay của cái đa văn hóa nằm ngay nơi
mình sống mà lúc nhỏ mình lại không nhận ra.
San
Jose, 10/2014
Huỳnh
Hạnh Kim-Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét