Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Chợ Chiều


đàoanhdũng
Xóm Chợ Chiều của tôi có vẻ vui nhộn lên từ ngày có ông Tư Thọ, Việt kiều Mỹ, về ngụ và “tuyển thê.” Vui nhộn vì xóm có thêm đề tài nóng bỏng để quí bà ngồi lê đôi mách, quí ông bàn tán trong lúc trà dư tửu hậu. Đọc báo thấy các trường đăng quảng cáo “tuyển sinh” thay vì tuyển sinh viên nên tôi dùng chữ “tuyển thê” cho có vẻ văn hoa hơn là “kiếm vợ.” Riêng “Chợ Chiều” tôi cam đoan không có “cường điệu.” Nghe nói ngày xửa ngày xưa xóm tôi chiều nào cũng có nhóm chợ nên thiên hạ đặt cho cái tên này.

Ông Tư Thọ tuổi đã tròm trèm 70, ông về ở xóm Chợ Chiều để nghỉ hưu gần hai năm nay. Ông sống thật rộng rãi, qua lại rất hậu hĩ với hàng xóm, không tiếc rượu lai rai với cánh đàn ông nên được lòng nhiều người. Nghe nói ông bị bà vợ Mỹ ly dị, con cái đã trưởng thành, ở riêng nên lúc trước ông sống rất cô đơn nơi xứ người. Tiếng là nghỉ hưu nhưng nếp sống của ông rất sôi động. Khi ông mới về, căn nhà của ông ngày nào cũng nườm nượp các bóng hồng, chân dài, chân ngắn, tóc uốn, tóc xõa ngang vai, mặc jupe hay áo dài hoặc jean ... Toàn là giới trẻ. Sau đó, nhịp độ lắng xuống, vài ba tuần một nàng, rồi đôi ba tháng. Người gắn bó với ông lâu dài nhất, khoảng sáu tháng nay là một thiếu phụ trung niên, lối xóm gọi là cô Tư, theo thứ bậc của ông.

Lúc đầu, cảnh nhộn nhịp ở nhà ông Tư Thọ thật ra có làm gai mắt thiên hạ. Căn gác tôi ở trọ nằm kế bên nhà ông Tư, ngó xéo qua quán chú Hai Thanh, sáng bán cà-phê, chiều có thêm bia và đồ nhậu. Trước quán có xe bún riêu của bà Hai Thoa bán vào buổi sáng, buổi trưa có gánh chè thưng của chị Bảy Hồng. Hai năm nay thỉnh thoảng tôi bị thất nghiệp, nằm nhà nên phải nghe chuyện thiên hạ bàn tán về ông Tư. Người nói các cô bồ của ông Tư là toàn gái bao mà sao cô nào cô nấy “chảnh” ơi là “chảnh,” không bao giờ ghé uống tách cà-phê, ăn chén chè, nói chi đến tô bún riêu với bà con; kẻ cho rằng ông Tư già rồi, có trục trặc trong chuyện chăn gối nên không ai thèm ở lâu. Vậy mà sao cô Tư “trụ” lại với ông Tư cả sáu tháng nay rồi? Bàn tán vậy thôi chứ ai dám hỏi. Vậy mà tôi biết được câu trả lời. Nó cũng khá đơn giản.

Nói nào cho ngay, cô Tư lớn tuổi hơn mấy cô trước nên cô biết lo lắng chuyện cơm nước cho ông Tư. Từ lúc cô về ở với ông, bà con thấy ông “có da có thịt” và “mướt” ra. Cô Tư cũng biết “xả dao xả búa” với láng giềng, thỉnh thoảng nấu món ngon vật lạ cô mang biếu bà con ăn lấy thảo. Trưa trưa cô còn ngồi ăn chè, to nhỏ với cánh đàn bà trong xóm. Một hôm tôi đang ngồi nhâm nhi tách cà-phê trong quán chú Hai Thanh bỗng nghe tiếng cười rú lên, ngó ra thấy mấy bà ngồi quanh gánh chè với cô Tư, bà này cười, bà nọ đỏ mặt, bà kia bụm miệng ... Chắc là mấy bà nói trây, nói trúa chi đây.

Tuần lễ sau, tôi nghe nói cô Tư đón xe đò về quê thăm nhà. Xế trưa hôm ấy, ông Tư một mình ra quán uống cà-phê, ai gặp cũng hỏi thăm mà sao gương mặt ông buồn thiu. Lúc quán vắng khách, ông xề lại bàn tôi nói chuyện, hỏi thăm này nọ. Nói tới chuyện vợ con, ông khuyên tôi cưới vợ chứ đừng có lấy người tình. Được thể tôi hỏi ông về chuyện phòng the, sao ông đã trọng tuổi rồi mà còn “gân” vậy? Có bí quyết gì xin truyền lại cho hậu sanh. Ông cười nhẹ và trả lời:
“Tao nhờ mấy viên thuốc tây chứ chợ chiều mà, tài giỏi gì mậy!”
Rồi ông thở dài, nói tiếp:
“Tao rầy cho bả một trận nên bả giận, bỏ về quê mấy hôm rày làm tao rầu thúi ruột đây. Thuốc tao mua qua Internet nên có mắc mỏ gì đâu mà tiếc với bà con, nhưng nếu không hỏi bác sĩ mà uống đại, uống đùa, bị phản ứng thì chết người như chơi. Vậy mà bả không nghe tao, lấy cho mấy bà trong xóm để ‘ông uống bà khen,’ mầy coi có chịu nổi không ...”
Tôi chưa kịp trả lời ông Tư, bỗng nghe đâu đó tiếng vét nồi kêu rột rẹt. Nhìn ra vỉa hè, tôi thấy chị Bảy Hồng đang nghiêng nồi, múc chè. Chắc là chén cuối cùng.

đàoanhdũng

đồng hương TN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét