Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

LẦN ĐẦU TIÊN LÀM CHUYỆN ẤY

Đó là lần đầu tiên tôi bắt xe khách từ quê ra Hà Nội nhập học. Lên xe, tôi ngủ thiếp lúc nào không biết, rồi giật mình bừng tỉnh và thấy năm bảy gã đàn ông hùng hổ đang vây kín lấy xe, hét to: “Của tao con bé áo hai dây xu chiêng đỏ kia!”; “Mụ váy ngắn lông chân dài kia của tao!”… Hồi đó tôi chỉ nghĩ là gặp cướp, và chúng đang tranh nhau gái để hiếp dâm. Thôi cũng may, chúng cũng chỉ tranh nhau gái thôi! - tôi vừa tự nhủ vậy xong thì một gã xăm trổ to cao như Lý Đức, gian gian như Lý Thông, hung hăng như Lý Quỳ, chỉ vào tôi, bảo: “Thằng mặt ngu ngu kia là của tao!”. 


Ôi thôi xong - tôi theo bản năng sờ xuống chỗ khe mông - mấy bữa nay tôi bị táo bón, nếu không đưa vào nhẹ nhàng mà thô bạo thốc mạnh, nó sẽ buốt đến tận óc. Mà một cái thằng như Lý Quỳ thì mong gì nó nhẹ nhàng. Thế nên tôi vội vàng xách đồ nhảy khỏi xe. Gã Lý Quỳ đó vẫn bám theo rồi vòng lên chặn đầu tôi, bảo: “Về đâu anh chở! Giá chung rồi, khỏi lo! Nghìn một cây. Tính theo công tơ mét”.
Tôi cũng định bắt xe ôm về trường (do không biết đường), nhưng vì ghét gã Lý Quỳ này, nên tôi chẳng thèm đáp lời, rồi tiến đến chỗ một bác xe ôm khác, bảo: “Cho cháu về trường Ngoại ngữ! Giá chung, nghìn một cây, theo công tơ mét đúng không bác?”. Tưởng bác xe ôm ấy sẽ niềm nở, nào ngờ, bác thờ ơ lắc đầu, giọng thì thào: “Nó xí cháu rồi thì không ai được chở cháu nữa. Trước giờ, xe ôm ở bến này, chỉ có hai người dám tranh khách của nó thôi”. “Hai người đó đâu ạ?” – tôi hỏi rồi nhìn quanh tìm kiếm, còn bác xe ôm chậm rãi tiếp lời: “Một đang sống thực vật, nằm liệt giường, một thì khá hơn: vẫn ngồi được xe lăn, ngày đều đặn 2 lần đến trung tâm phục hồi chức năng”. 

Đến nước đấy rồi thì tôi làm gì còn cách nào khác là phải leo lên xe của gã Lý Quỳ ấy. Gã phóng như thằng điên, đánh võng, lạng lách, rú ga liên tục.

Mặc dù gã đó phóng nhanh, nhưng đi mãi vẫn chưa đến nơi - về sau tôi mới biết là vì tính tiền theo công tơ mét, lại biết tôi nhà quê mới ra, nên gã chạy vòng vòng. Hắn lòng vòng lâu đến nỗi tôi phải thốt lên: “Ơ, sao cái nhà kia giống cái nhà vừa nãy mình đi qua thế anh ơi?”. Gã bảo: “Nhà thành phố, kiến trúc nó giống nhau mà”. Được một đoạn tôi lại thốt lên: “Ơ, bãi cứt bò kia giống bãi cứt bò vừa nãy mình đi qua thế anh ơi?”. Gã bảo: “Bò thành phố, nó ỉa giống nhau mà”. Cuối cùng, gã chốt công tơ: tròn 20 ki-lô-mét - bằng đúng số tiền tôi đi xe khách từ quê lên - tính ra, gã đã vòng đi vòng lại khoảng 5, 6 lần gì đó…
Xách cái ba lô vào trường, tôi ngớ người, hình như còn thiếu gì: chết bà rồi: cân giò lụa với mấy chục trứng gà tre mẹ mua cho tôi, treo ở yếm xe của gã. Tôi hớt hải lao ra, gã đó đang quay đầu xe. Tôi hét lên: “Giò, trứng của em!!!”. Gã thấy tôi chạy ra, nhưng vờ như không biết rồi phóng vụt xe đi mất… 
Tôi chắc chẳng bao giờ nhớ lại những chuyện vừa rồi nếu như hôm trước tôi không đặt Grab bike, và người đến đón tôi chính là gã ấy: Tuy gã đeo khẩu trang, nhưng tôi vẫn nhận ra bởi vết sẹo tròn tròn, dài dài, hài hài, như hòn dái gà ngay giữa trán khó lẫn được với ai. Giờ gã chạy đã cẩn thận, chậm rãi hơn nhiều. Tôi ngồi sau, hỏi: “Anh có nhớ hồi còn làm xe ôm truyền thống ở bến xe, anh đã chở một cậu khách mặt ngu ngu về trường Ngoại ngữ nhập học, có vài cây số mà anh đi vòng vòng thành hai chục cây để ăn tiền của nó không?”.
Anh nghe hỏi vậy thì tỏ ra khá ngạc nhiên, rồi vừa đáp vừa cười rất hiền: “Hồi đó khách nào mà anh chả chạy vòng vòng ăn tiền, nhớ sao nổi em! Nhưng ngày xưa thôi, giờ chạy bằng app, quãng đường, giá tiền hiện lên đó rồi còn chạy vòng vòng thì có là thằng khùng”. Tôi lại hỏi tiếp: “Nhưng hẳn là anh phải nhớ lúc thằng khách nhà quê đó chạy ra để lấy lại giò với trứng gà, anh biết nhưng vẫn phóng xe đi mất chứ?”. Anh “À!!!” lên một tiếng, rồi cất giọng phân trần nhưng khá bình thản – có lẽ do chuyện đã xảy ra quá lâu rồi - vừa cười vừa bảo: “Thực ra lúc đó anh cũng định dừng lại, nhưng anh lại nghĩ: em chả có thông tin gì của anh: tên tuổi không, điện thoại không… Đôi khi con người ta làm điều xấu không phải do bản chất mà là vì ngoại cảnh em à!”. 
“Anh chạy Grab này ổn hơn chạy kiểu ngày xưa chứ?” - nghe tôi hỏi, anh thở dài: “Cũng tàm tạm, nhưng đợt tới, có khi anh đành nghỉ”. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao?”. Anh  bảo: “Mai, ngày kia là tài xế bike bị tăng thuế, mà tăng thuế thì lại tăng phí. Chi phí cao thì khách họ không đi, khách không đi thì bọn anh đói, đói thì phải xoay cách khác thôi, cũng có thể là quay về xe ôm truyền thống cho dễ vòng vèo ăn tiền, đói thì phải làm liều thôi!”.
Tôi cũng biết từ ngày 5/12/2020, NĐ 126 sẽ tăng thuế VAT của xe ôm công nghệ. Thuế này nộp về cho cơ quan thuế chứ Grab hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác cũng không thể chiếm dụng được; VAT thực chất là thuế gián thu, nó đánh trực tiếp vào người tiêu dùng.

 Nghĩ đến lời anh, tôi bỗng thở dài ngán ngẩm: “Đi xe ôm công nghệ quen rồi mà giờ bảo quay lại xe ôm truyền thống thì chịu sao nổi. Tôi sợ xe ôm truyền thống lắm rồi!”.

Võ Tòng Đánh Mèo

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét