Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Báo cáo: Các bí mật hạt nhân của Hoa Kỳ gặp rủi ro do các mối đe dọa nội gián với những hậu quả tàn khốc



 Theo Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ (GAO), các bí mật hạt nhân của Hoa Kỳ có nguy cơ phải chịu các cuộc tấn công nội gián, do Bộ Năng lượng (DOE) thiếu an ninh.

Bà Allison Bawden, một giám đốc GAO về an ninh hạt nhân, cho biết nguy cơ nội gián được minh họa trong bộ phim “Công viên kỷ Jura” năm 1993, khi một lập trình viên máy điện toán bất bình cố gắng đánh cắp từ công ty để giải quyết những rắc rối tài chính cá nhân của mình.

“Có nhớ người nhân viên hư cấu đã đánh cắp các phôi khủng long từ InGen không?” bà Bawden viết trên Twitter hôm thứ Năm (25/05), trong khi chia sẻ một liên kết đến báo cáo của văn phòng này và một bức ảnh của lập trình viên hư cấu đó.

Bà nói thêm rằng, “Các mối đe dọa nội gián không chỉ dành cho các công viên khủng long — mà còn là một rủi ro đối với các cơ quan liên bang. Chẳng hạn, nếu những người nội bộ muốn đánh cắp thông tin và vũ khí hạt nhân của quốc gia thì sao?

“Để tránh giống như InGen, DOE có thể bảo vệ thông tin và vật liệu hạt nhân tốt hơn bằng cách thực hiện đầy đủ chương trình mối đe dọa nội gián của mình. Chương trình này bao gồm đào tạo tất cả nhân viên và nhà thầu để xác định và báo cáo hành vi đáng ngờ đồng thời giám sát tốt hơn các mạng lưới để phát hiện hoạt động đáng ngờ.”

Báo cáo

Theo báo cáo [của GAO], DOE đã thiết lập chương trình mối đe dọa nội gián vào năm 2014 nhưng chưa thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết.”

“DOE đã không thực hiện bảy biện pháp bắt buộc đối với Chương trình Mối đe dọa Nội gián của mình, ngay cả sau khi các nhà đánh giá độc lập đưa ra gần 50 phát hiện và khuyến nghị để giúp DOE thực hiện đầy đủ chương trình của mình,” báo cáo cho biết.

Báo cáo cảnh báo rằng việc DOE không thực hiện đầy đủ tất cả những biện pháp đó có thể dẫn đến “những hậu quả tàn khốc.”

“Việc đánh cắp vật liệu hạt nhân và thỏa hiệp thông tin có thể gây ra những hậu quả tàn khốc,” báo cáo cho biết. “Các mối đe dọa có thể đến từ các đối thủ bên ngoài hoặc từ ‘nội bộ,’ bao gồm nhân viên hoặc khách có quyền tiếp cận được uỷ thác.”

“Những mối đe dọa như vậy có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và có thể bao gồm việc tiết lộ thông tin mật không được phép; bạo lực công sở; hoặc tiếp cận trái phép vũ khí hạt nhân, vật liệu, và linh kiện nhạy cảm,” báo cáo cho biết thêm.

Báo cáo chỉ ra rằng nhân viên của DOE, cũng như những người làm việc cho các nhà thầu của cơ quan này, có thể bị thỏa hiệp và trở thành nội gián.

“Tính đến năm 2022, DOE có hơn 13,000 nhân viên liên bang, và các nhà thầu quản lý và điều hành cũng như các nhà thầu khác của họ đã tuyển dụng hơn 120,000 người, những người này vì có quyền tiếp cận các cơ sở và mạng lưới của DOE nên có thể được coi là nội gián,” báo cáo cho biết.

Các vụ việc

Theo báo cáo, có khoảng 250 vụ việc an ninh không được chỉ định là mật liên quan đến mối đe dọa nội gián trong năm 2017, dữ liệu gần đây nhất là từ DOE. Các vụ việc này bao gồm gửi thông tin mật qua các hệ thống không được chỉ định là mật, bỏ mặc các khu vực an ninh không giám sát, và không bảo vệ thông tin mật đúng cách.

“DOE coi khoảng 100 vụ việc trong số đó là nghiêm trọng,” báo cáo cho biết.

Báo cáo chỉ ra một vụ án hình sự năm 2017, khi đó ông Grigory Trosman bị kết án 18 tháng tù vì nhận hối lộ ít nhất 469,287 USD để đổi lấy các hành động chính thức mà ông ta đã thực hiện khi ở DOE.

“Từ khoảng năm 2002 đến tháng 03/2014, ông Trosman đã sử dụng vị trí chính thức của mình trong những vai trò khác nhau để trợ giúp các đồng phạm và các công ty khác nhau có được quyền tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu liên bang và hợp đồng việc làm ở Lithuania, Nga, và Ukraine,” Bộ Tư pháp cho biết trong một thông cáo báo chí.

Một báo cáo năm 2022 của công ty tình báo chiến lược Strider Technologies cho thấy Trung Quốc đã thuê ít nhất 162 nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL) trong 35 năm qua. Nhiều nhà nghiên cứu trong số này đã tiếp tục tiến hành nghiên cứu quân sự cho Trung Quốc, trong đó có các đầu đạn xuyên sâu trong lòng đất, hỏa tiễn siêu thanh, và các chương trình tàu ngầm.

Theo báo cáo, ít nhất một nhà nghiên cứu được Trung Quốc thuê trước đây đã có giấy phép an ninh Tối Mật tại DOE.

Tháng 09/2020, một cựu khoa học gia của LANL đã bị kết án quản chế và bị phạt vì nói dối về việc ông tham gia một chương trình tuyển dụng do nhà nước Trung Quốc tài trợ.

Báo cáo đã đưa ra cho DOE bảy khuyến nghị cho chương trình mối đe dọa nội gián của họ. Trong một phản hồi bằng văn bản có trong báo cáo, DOE cho biết họ đồng tình với tất cả các khuyến nghị và chuẩn bị các kế hoạch để giải quyết chúng.

Cẩm An biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét