Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

FDA authorizes new COVID treatment, a Pfizer pill people can take at home; CDC reviewing isolation guidelines.

 

 Nirmatrelvir is an antiviral drug developed by Pfizer which acts as an orally active 3CL protease inhibitor. The combination of nirmatrelvir with ritonavir was given Emergency Use Authorization by the FDA for the treatment of COVID-19 in high-risk adults under the brand name Paxlovid.[2][3][4][5][6]

https://en.wikipedia.org/wiki/Nirmatrelvir#Chemistry_and_pharmacology

 

Thứ tư hôm nay, FDA vừa chấp thuận cho việc dùng thuốc chống bệnh COVID-19 cho những người vừa bị nhiễm để không trở thành bệnh trầm trọng.

Thuốc do hãng Pfizer sản xuất có tên là Paxlovid có khả năng giảm nguy cơ đưa đến bệnh trầm trọng đến gần 90% và sau những đợt thử nghiệm thì thuốc này chứng tỏ sự an toàn cho người dùng. Khi vừa mới phát bệnh thì uống thuốc liền sau khi có những triệu chứng bắt đầu.  Thuốc Paxlovid  dành cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, bao gồm những người trên 65 tuổi, những người bị béo phì hoặc tiểu đường và bất kỳ ai bị suy giảm hệ thống miễn dịch, cũng như trẻ em có nguy cơ cao từ 12 tuổi trở lên.

Viên thuốc dễ dàng cung cấp hơn so với các phương pháp điều trị trước đây vốn phải tiêm hoặc truyền nhưng cần phải có toa bác sĩ và phải uống 40 viên thuốc trong vòng 5 ngày. Các nghiên cứu cho thấy, thuốc có tác dụng tốt nhất khi được sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi phát khởi triệu chứng và không còn hiệu lực nếu dùng sau 7 ngày từ khi mắc bệnh. Một số bệnh viện và nhà thuốc đang làm việc để giảm thời gian từ khi xét nghiệm dương tính, nhận đơn thuốc và tiếp cận với thuốc.

Pfizer sẵn sàng bắt đầu giao hàng tại Hoa Kỳ ngay lập tức để giúp đưa PAXLOVID đến tay những bệnh nhân thích hợp càng nhanh càng tốt,” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pfizer, Albert Bourla một tuyên bố thêm.

Đặc biệt, chính phủ Hoa Kỳ đã mua trước liều lượng để cung cấp miễn phí, nhưng không rõ nó có thể được phổ biến rộng rãi nhanh chóng như thế nào vì thuốc cần phải được CDC chấp thuận trước khi cung cấp cho công chúng.

Thuốc kháng vi-rút trở nên quan trọng hơn trong những ngày gần đây khi biến thể Omicron chuyển từ Delta. Hai kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) được sử dụng nhiều nhất, cũng giúp ngăn ngừa bệnh nặng cho mọi người, được cho là không có hiệu quả chống lại Omicron, mặc dù một loại thứ ba, sotrovimab từ GlaxoSmithKline và Vir Biotechnology, vẫn được dùng để ngăn ngừa trở thành bệnh nặng.

Linda Nguyễn

Side-Note: CDC khuyến cáo là số người bị nhiễm gần đây nhất tăng rất cao mà trong đó 73% là do Omicron gây ra. Phần lớn những người nằm trong ICU là không có chích ngừa. TT Biden kêu gọi mọi người nên chích liều tăng cường càng sớm càng tốt để ngăn ngừa Omicron. Khi chích đủ liều tăng cường tuy có bị bệnh, nhưng có thể ngăn ngừa không trở thành bệnh nặng hoặc phải vào bệnh viện. Thêm nữa, chính phủ Biden vừa thông báo sẽ cung cấp 500 triệu đồ thử nghiệm bệnh COVID tại nhà trong tháng tới hoàn toàn miễn phí. 

 

CUỘC DIỄN HÀNH GIÁNG SINH THẮP LÊN TINH THẦN MỸ

 


 BM

Elsmere, Delaware. Ông đã mang không khí lễ hội quay trở lại thị trấn cùng sau khi trải qua những chuỗi ngày đại dịch gian khó.

 

Sau một thời gian bị gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19 vào năm 2020, cuộc diễn hành Giáng Sinh Elsmere hàng năm lần thứ 26 đã trở lại hôm 12/12. Cuộc diễn hành này có sự tham gia của những nhân vật chức cao vọng trọng, ban nhạc, đội diễn hành, đội khiêu vũ, đoàn xe diễn hành, sở cứu hỏa, sở cảnh sát, và tất nhiên, cũng có cả Ông già Noel.


BM


Đây là cuộc diễn hành lớn nhất từ trước đến nay với 88 đơn vị tổ chức, hơn 1,000 người, và hàng trăm phương tiện tham gia vào đoàn diễn hành, theo ông Joe Leonetti, đồng chủ tịch của cuộc diễn hành này.

 

Hơn 1,000 khán quan đứng xếp hàng trên các tuyến phố của thị trấn Elsmere, lại một lần nữa được hân hoan chào mừng phong tục truyền thống này cùng với gia đình, bằng hữu, và hàng xóm của họ sau trận đại dịch này.


BM

“Đây là thời điểm tiệc tùng linh đình. Đã đến lúc chúng ta đoàn viên, sum họp. Và tôi nghĩ đây là thời điểm để bày tỏ tình yêu thương; nhân ái với mọi người. Lý do mà tôi thích phong tục này là vì nó luôn tạo cho tôi một cái cớ để được gặp gỡ ai đó và nói câu I love you,” Grand Marshal – người dẫn đầu đoàn diễn hành, ông Ray Firmani 100 tuổi.

 

Ông Firmani, một cựu chiến binh trong Đệ nhị Thế chiến, sinh sống ở Elsmere từ năm 1950.


BM

Cuộc diễn hành có mặt của người dẫn đầu đoàn diễn hành Ray Firmani (bên trái) và ứng cử viên Quốc hội Lee Murphy chia sẻ niềm hạnh phúc của họ tại cuộc diễn hành Giáng Sinh, ở Elsmere, Delaware, hôm 12/12/2021.


BM


Là một phi công điều khiển oanh tạc cơ B-17 Flying Fortress trong chiến tranh, ông Firmani đã từng thực hiện 25 nhiệm vụ chiến đấu trên khắp nước Đức.


BM


“Tất cả những bằng hữu cũ của tôi đều đã ra đi,” ông Firmani nói. Và ông là người cao tuổi nhất trong thị trấn này. Ông rất trân trọng sự giúp đỡ từ những người bằng hữu mới của mình. “Người dân ở đây thật lương thiện. Những người hàng xóm xung quanh tôi đều chăm sóc cho tôi. Và tôi rất yêu quý họ,” ông Firmani tâm sự.

 

Ông Jay Green và bà Rebecca Green từng sống ở thị trấn Elsmere rất vui mừng khi được quay trở lại để xem lễ diễn hành này.


BM

Ông Jay Green cùng vợ là bà Rebecca Green bày tỏ niềm hạnh phúc tại cuộc diễn hành Giáng Sinh, ở Elsmere, Delaware, hôm 12/12/2021.

 

“Tôi rất vui khi được ra ngoài,” ông Jay, một y tá, nói với The Epoch Times. “Đó là một cuộc diễn hành náo nhiệt, tỏa ra nhiều năng lượng và mọi người đều mừng rỡ khi lại được làm điều gì đó ở nơi công cộng.”

 

Ông Jay tiếp tục, “Đây là một thời điểm tuyệt vời để đón mừng dịp lễ này. Giáng Sinh là một ngày lễ truyền thống của người Mỹ, và đây cũng là một ngày lễ truyền thống trên toàn thế giới. Đó là ngày lễ cùng chung vui.” 

 

Bà Rebecca, một biên tập viên, lặp lại quan điểm của chồng bà. “Năm ngoái, chúng ta đã có rất nhiều gián đoạn đối với các phong tục truyền thống. Vì vậy, điều quan trọng hơn bao giờ hết là quay trở lại và làm những việc mà ta đã từng làm và háo hức được làm trong kỳ nghỉ lễ này,” bà nói.

 

Nhiều cư dân ở Elsmere, một thị trấn nhỏ với dân số khoảng 5,800 người, đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một đội múa trống lưng Trung cộng đến từ vùng ngoại ô New York, cách tiểu bang Delaware khoảng 200 dặm (321 km) về phía bắc.


BM

Đội trống lưng Trung cộng diễn hành trong cuộc diễn hành Giáng Sinh, ở Elsmere, Delaware, hôm 12/12/2021.

 

Theo truyền thống, trống lưng Trung cộng được đeo ở bên hông của người chơi và được đánh bằng hai thanh gỗ. Nhạc cụ dân gian này được sử dụng trong nhiều lễ hội, bao gồm cả Tết Nguyên Đán và Lễ hội Đèn lồng.


BM


Đội múa trống lưng này có khoảng 30 người là học viên Pháp Luân Đại Pháp, hay còn được gọi là Pháp Luân Công. Đây là một môn tu luyện tinh thần của Trung Hoa cổ đại bao gồm các bài tập thiền định đơn giản, chậm rãi và các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.


Ông Leonetti, đồng chủ tịch cuộc diễn hành này, nghĩ rằng điệu múa trống lưng “rất giống như một nét hoa văn” và “một điều gì đó khác biệt với những gì chúng tôi đã có trong đoàn diễn hành trước đây.”


BM

Ông Joe Leonetti, đồng chủ tịch của cuộc diễn hành này, diễn tả niềm hân hoan của mình tại cuộc diễn hành Giáng Sinh, ở Elsmere, Delaware, hôm 12/12/2021.

 

“Cuộc diễn hành đơn giản là làm cho mọi người cảm thấy thoải mái,” ông Leonetti nói với The Epoch Times. “Âm thanh khác biệt, trang phục lộng lẫy, và mọi thứ họ mang trên mình — thật mỹ hảo,” ông nói thêm.

 

Bà Jacqueline Hopkins, giám đốc văn phòng của một công ty luật, cũng rất ấn tượng với màn múa trống lưng “vô cùng sặc sỡ” này. “Họ trông thật duyên dáng, và họ biểu diễn động tác rất đồng đều, trông họ làm tự nhiên và dễ dàng,” bà nói với The Epoch Times. “Tôi biết múa như vậy đòi hỏi tập luyện rất nhiều. Nhưng họ đã làm cho mọi thứ trông thật dễ dàng, và điệu múa này quả là mỹ diệu,” bà nói thêm.


BM

Bà Jacqueline Hopkins, giám đốc văn phòng của một công ty luật, chia sẻ niềm hạnh phúc của mình tại cuộc diễn hành Giáng Sinh, ở Elsmere, Delaware, hôm 12/12/2021.

 

Lễ Giáng Sinh cũng “có ý nghĩa rất lớn đối với” bà Hopkins. Bà nói Lễ Giáng Sinh “luôn nằm sâu tận đáy lòng tôi. Đó là về gia đình, về bằng hữu. Đó là về sự quan tâm và lòng nhân đạo.”


Bà Hopkins cho biết, “Thật háo hức khi được ở đây và chứng kiến tất cả tình yêu thương cũng như năng lượng cho tinh thần nghỉ lễ sau khi trải qua đại dịch này. … Thật tuyệt vời.”


BM


Cuộc diễn hành này cũng có sự tham gia của những người có chức sắc, những người tin rằng phong tục truyền thống là đáng trân quý đối với cộng đồng này.


BM


Thượng nghị sĩ Chris Coons (Dân Chủ-Delaware) nói: “Truyền thống rất quan trọng đối với xã hội của chúng ta — hoàn toàn là vậy.”


BM

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Chris Coons (Dân Chủ-Delaware) trò chuyện với khán quan tại cuộc diễn hành Giáng Sinh, ở Elsmere, Delaware, hôm 12/12/2021.

 

Ông Coons nói rằng cuộc diễn hành Giáng sinh này là “rất quan trọng” đối với cộng đồng này. “Nó giúp củng cố lại cảm giác được gắn kết lại gần nhau. … Tôi đã được tận mắt thưởng thức cuộc diễn hành này trong suốt 20 năm nay rồi.”


BM


Ông Lee Murphy, người đang tranh cử vào Quốc hội, cũng tham gia lễ hội này. Ông cho rằng cuộc diễn hành Giáng Sinh này đã giúp cộng đồng xích lại gần nhau.


BM


“Đặc biệt là sau đại dịch COVID, mọi người đều muốn ra ngoài,” ông nói với The Epoch Times. “Họ muốn ăn mừng. Họ muốn được hàn huyên với những người hàng xóm của họ.”


Ông Murphy nói rằng: “Đó chính là một ngọn lửa thắp lên tinh thần Mỹ.”

 

 

 

 

Frank Liang  _  Thanh Tâm


baomai.blogspot.com

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

NGHE LẠI TIẾNG CA CÔ ÚT - NHỚ THƯƠNG CẢI LƯƠNG MIỀN NAM

 


 BM

Nhớ về một giọng ca đi vào lịch sử cải lương miền Nam. Khi những ngôi sao lóe sáng trên bầu trời, mới biết chúng ta đang ở thăm thẳm đêm đen như thế nào của cải lương hôm nay.


Kỷ niệm 5 năm ngày mất của bà, nghệ sĩ Út Bạch Lan (2016 – 2021).

 

Người trong xóm kể rằng đám tang của cô Út không quá rình rang, vì con cháu trọng ý của cô – một người quen cuộc sống nhẹ nhàng, sống bằng tấm lòng chứ không sống bằng hư danh.


Từ lúc nằm bệnh, cô Út đã dặn con cháu rằng cô không cần mộ phần trọng vọng, thiêu và rải tro xuống sông. “Đất dành cho người còn sống”, cô nói. Rồi cô dặn cũng không cần phải làm đám giỗ chi cho phiền. Nhớ nhau để một chén cơm, vái đôi câu đã là có lòng vui hưởng.


BM


Cuộc đời một danh ca lừng lẫy Sài Gòn lục tỉnh, tên tuổi có lúc làm sốt ruột khách hâm mộ ở tận trời Tây, vậy mà cô Út mới thanh bạch và an nhiên làm sao. Giới cải lương hay nhắc chuyện cô được khuyên làm đơn để xin danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nhưng cô Út nói thôi. Không phải ai cũng hiểu được cô Út. Là một Phật tử, cô Út tin rằng mang một danh phận, cũng không khác gì mang thêm một nghiệp mới nơi trần gian mà cô Út thấy mình đã được rất nhiều.

 

Trong một vài cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi về chuyện này, cô Út cười thiệt thà mà nói:

 

“Chuyện Nhà nước muốn tặng danh hiệu cũng là một vinh dự, nhưng Út thì chỉ thấy thêm nữa cũng không làm gì. Lúc mình lên sân khấu, thấy người ta vỗ tay, hết bài, khán giả người ta lên ôm mình, khóc với mình, rồi hun mình… ôi vậy là đủ làm Út vui lắm rồi”.


BM


Ngày cô Út thôi hát trên trần gian, chắc cô sẽ còn thương sân khấu, thương khán giả nhiều hơn khi chứng kiến thế hệ nghệ sĩ sau cô rơi nước mắt như mưa. Trong những video tình cờ ghi lại, có một người tựa như khuyết tật và ăn xin trên đường phố, đã để tấm hình của cô tựa vào cột đèn, để mấy cái bánh men, thắp một cây nhang rồi chắp tay vái cô. Khán giả miền Nam, cải lương miền Nam thương cô Út đứt ruột.


BM


Nói đến cải lương, thì Sài Gòn – Gia Định giống như Hollywood của Huê Kỳ, nơi dân đờn ca tài tử, hát bội… đổ về. Rồi cải lương ra đời với sự kết hợp trình diễn điệu bộ theo kiểu Tây phương nhưng giữ nguyên nền nhạc cổ truyền, tạo nên một nét đặc sắc về nghệ thuật và giải trí của người dân miền Nam đầu thế kỷ XIX.

 

Khởi nguyên, các nhà nghiên cứu đã ghi lại rằng nghệ thuật hát bội, vốn là một trong những món nghệ thuật độc đáo của dân ngũ Quảng miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) khi di dân mở cõi vào Nam đã mang theo và khiến không ít giới nhà giàu, quan lại triều đình say mê. Cụ thể như Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt nuôi hẳn một ban hát bội để giải trí. Con của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi cũng mê hát bội không kém.


BM


Nhưng sau năm 1832, khi Lê Văn Duyệt mất đi, vua Minh Mạng lòng giận vẫn không nguôi chuyện riêng nên cho san bằng mộ, xiềng lại và đúc chữ ghi rằng “Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết”. Ba năm sau khi tận diệt Lê Văn Khôi tội làm phản, vua Minh Mạng cấm hẳn hát bội trong một thời gian. Tài tử xao xác trốn đi, tìm nghề khác sinh sống nên hát bội ở miền Nam yếu dần.


BM


Mãi đến năm 1874, khi người Pháp cai trị miền Nam, hát bội mới quay lại. Nhưng lúc đó, việc thưởng thức trở nên phổ biến hơn trong dân chúng, nên chuyện mỗi lần muốn thưởng thức phải mời cả một ban hát, lại quá cầu kỳ hoặc tốn kém dựng rạp, đãi người… vì vậy các gia chủ khi có đám tiệc hay muốn thưởng thức ngắn giờ thì chỉ cần mời ít người đến hát, gọi là “hát chặp”. Thầy đờn, đào kép ngồi hát tại chỗ, không cần tô vẽ mặt rườm rà. Thích đoạn nào hát đoạn đó, không cần lớp lang. Mà dàn nhạc thì thu gọn lại, chỉ còn kìm, cò, tranh, sáo. Ấy là buổi hình thành của nhạc tài tử.

 

Giai thoại về đời cô Út, kể lại rằng từ lúc mới mười tuổi (khoảng 1945-1946), lang bạt lên Sài Gòn cô Út gặp anh thanh niên Văn Vĩ khiếm thị, nhưng có ngón đờn thần sầu quỷ khốc. Cả hai cùng nhau lang thang xa cảng, Chợ Lớn, Sài Gòn để hát kiếm tiền nuôi gia đình. Khách nghe mới đầu chỉ định giải trí tạm, riết rồi cứ nhích tới gần, nghe rồi đòi nghe nữa… ai cũng lạ lùng hai đứa nhỏ có tuyệt kỹ của ngành đờn hát, thương mà cho tiền, nhờ vậy cô Út và anh Văn Vĩ mới lây lất qua ngày, chờ đến lúc vụt sáng như những ngôi sao lớn trên sân khấu cải lương miền Nam.


BM


Vào thập niên 1950, tên của cô Út lừng danh cùng kép độc Thành Được. Lúc đó, khán giả coi tờ quảng cáo, cũng để ý có Út Bạch Lan hay không. Đặc biệt, ngành ghi âm thu đĩa nhựa Việt Nam thời đó, không thể nào thiếu cái tên Út Bạch Lan trong các tuồng định ra mắt. Một trong những dĩa hát gây chấn động thời đó là Thuyền ra cửa biển (hãng dĩa Hồng Hoa), tập hợp toàn danh ca tài tử như Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Minh Chí, Thanh Hương. Đặc biệt cô Út (vai Chiêu Trúc Lệ) và Thành Được (vai Diệp Băng Đình) cũng hớp hồn không biết bao nhiêu khán giả.


BM


Có một chi tiết khá độc đáo về chuyện này, là cô Út nổi tiếng trước Thành Được. Nhưng do lỡ thương anh nghệ sĩ này rồi nên khi bà bầu của gánh Kim Chưởng mời ký tái giao kèo, cô Út nài nếu vậy thì phải ký thêm giao kèo với Thành Được. Khi thấy hai người hát ăn ý, mà Thành Được cũng quá xuất sắc, bà bầu gánh Kim Chưởng làm liền. Và đó cũng là lý do mà cả hai xuất hiện đồng diễn trong tuồng Thuyền ra cửa biển.

 

Lịch sử ghi âm Việt Nam có ghi nhận bản tân nhạc đầu tiên được ghi âm là bài Kiếp hoa (1938) của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên phổ thơ Nguyễn Văn Cổn, người ở Huế. Nhưng thật sự tạo ra một thị trường rộng lớn và thu về vô số tiền bạc, lại là dĩa cải lương miền Nam. Tuồng Thuyền ra cửa biển là một trong những ví dụ, thậm chí thời đó, khán giả đài phát thanh mê mệt, yêu cầu nhiều quá, đến mức đài phải mua bản quyền phát đi phát lại cả năm. Chỉ nhiêu đó, tiền đã không biết bao nhiêu mà kể.


BM


Khán giả miền Nam thời đó chịu móc tiền túi mua dĩa hát lắm. Nhưng đặc biệt là phải dòm coi có tên danh ca như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước… hay không mới mua. Thậm chí, có những tuồng không kịp thu âm, nhưng bài ca thì hay quá khiến dân chung phải đi mua các bản in lời bài ca (hồi xưa gọi là bài ca nhỏ). Lúc này thì người Hoa cũng nhảy vô kinh doanh bài ca nhỏ, vì bán chạy vô cùng mà lại dễ làm. Một bài ca có mấy cắc, ai cũng mua được, mà sẵn có đài phát thanh như quảng cáo giùm, giờ chỉ đem ra chợ khắp mọi miền mà bán thôi.

 

Thập niên 1970, thời của truyền hình đưa những ngôi sao cải lương truyền hình xuất hiện như Thanh Nga, Mộng Tuyền, Kim Ngọc, Dũng Thanh Lâm… nhưng cũng là thời đánh dấu một giai đoạn sân khấu truyền thống của cải lương miền Nam suy yếu. Chuyện xưa ghi lại rằng vào Tết âm lịch Canh Tuất 1970, đoàn Dạ Lý Hương đang thu tiền ầm ầm, tự nhiên đến suất 8 giờ tối ở rạp Quốc Thanh, lại vắng teo, thu về được có gần 300 ngàn đồng.


BM


Hóa ra trước đó, đoàn nhận lời thu hình tuồng cho truyền hình, được tiền tưởng bở. Ngay giờ đó, truyền hình chiếu đúng tuồng của đoàn Dạ Lý Hương đang diễn. Được coi miễn phí mà lại qua tivi, nên dân chúng chọn ở nhà. Đó là một trong những bài học và cuộc xung đột đầu tiên của truyền hình và sân khấu cải lương miền Nam vậy. Cũng vì thâm hụt, nên sau đó ít lâu, có đến bảy đoàn hát ở Sài Gòn hợp lại, ra quyết nghị là cùng nhau không đụng vô truyền hình để còn sống sót.

 

Nghe cô Út nỉ non, sầu muộn mà nhớ cải lương miền Nam. Ngành ca hát ra đời – với sự kết hợp lời thoại và điệu bộ diễn xuất của kịch nghệ phương Tây, âm nhạc thì truyền thống và tuồng tích là những drama thượng thừa không thua gì các kịch bản trên thế giới – lúc này dường như những drama lặng lẽ hơn bao giờ hết. Nhất là khi thiếu vắng những tượng đài lớn như cô Út Bạch Lan.

 

 

 

NS Tuấn Khanh

 

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ nhà nghiên cứu Ngành Mai, nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh, tạp chí Nông Cổ Mín Đàm, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam của Trần Văn Khê.



BM

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

TỰ TÌNH MÙA XUÂN

 


Mùa Đông với những tuyết rơi giá lạnh và mưa dầm đã âm thầm lặng lẽ trôi qua. Bây giờ cuối tháng chạp,bắt đầu đi vào tháng giêng,với sự giao thoa thời tiết bên ngoài, cùng với sự bâng khuâng lo lắng và nỗi nhớ quê hương đã xâm chiếm tâm hồn tôi. Trong khoảnh khắc,tôi chợt nhận ra mùa Xuân đã đến.



     Sống trong một đất nước văn minh,đầy những vật chất quyến rũ,con người lúc nào cũng bị chi phối bởi thời gian. Nhưng với tôi như không vô tình bị hút vào trong quỹ đạo đó ! Tôi phải tự tạo cho mình một tác phong để bắt kịp với thời gian,nghĩa là có tính phù hợp và chủ động. Dù đã có sự cân nhắc,nhưng thật sự tôi vẫn bị quay cuồng điên đảo theo cuộc sống diễn tiến hằng ngày với công việc. Nhiều lúc tôi muốn tạm nghỉ ngơi để rong chơi trên đồi hay trên một bờ biển thơ mộng nào đó,để tìm cho mình những khuây khỏa tâm hồn,hoặc muốn có một chút ít thời giờ để tìm đọc một vài tin tức nói về sự thật của đất nước,quê hương Tây Ninh của tôi,một tỉnh nhỏ nghèo nàn nằm trong dãy đất hình cong chữ S, trải dài bên bờ Thái Bình Dương bao la, mà hiện tại nơi đó có biết bao nhiêu nỗi bất công,những thiếu thốn,người dân không có tự do,dân chủ,nhân quyền,những sự mất mát đã mất mát rồi,nhưng nay vẫn còn tiếp diễn. Nhiều lúc,tôi cũng muốn đi tìm cho mình một chân lý thực tiễn,để có thể níu kéo đi những phiền muộn của cuộc đời,nhưng đành phải giơ hai tay qua khỏi đầu,đầu hàng chấp nhận một sự thật. Thật đáng buồn cho số phận! Số phận làm người tha phương.

    Trong bằng hơn nửa tuổi đời so với một thế kỷ,tôi đã thật sự nếm trải với nhiều mùa Xuân đã đi qua nơi quê nhà,cũng như qua nhiều nơi xa lạ. Có những mùa Xuân chỉ ngồi trong một góc xà lim nhỏ trong trại giam,để rồi ôn lại những gì đã biến chuyển qua đời mình. Và cũng có những mùa Xuân ôm ghì nấc súng nơi một vùng rừng biên giới xa xôi nào đó của đất nước,mà lòng cứ dõi về nơi gia đình,nơi đó có Mẹ,có em,có bà con thân thuộc đang quây quần trước đĩa bánh mứt, hột dưa, sau phút giao thừa đầy xác pháo trước ngõ. Những vui buồn lẫn lộn của bao mùa Xuân nơi quê nhà, dù muốn hay không vẫn là kỷ niệm tạo cho tâm hồn của những ai đó là người Việt không có cảm xúc thoải mái,nhưng chắc không chối bỏ được hương sắc mùa Xuân của quê hương đầm ấm,đậm đà thật tuyệt vời và nhiều tính dễ thương. Bây giờ,đã hơn hai mươi mấy mùa Xuân trôi qua trên xứ người rất êm nhẹ với thời gian,nhưng lòng tôi không thật dễ dàng êm dịu. Mỗi ngày tôi nhận được những tin tức cộng đồng nơi các báo chí Việt ngữ hải ngoại, hầu hết như hoàn toàn là những tin tức nóng hổi,giật gân,nhưng vui ít,buồn nhiều đã xảy ra từng ngày trên nhiều mặt báo. Tôi thật đau buồn vì những tin tức không hay đã liên tiếp diễn ra có thực trong cuộc sống hằng ngày mà những người Việt tị nạn đang gồng và gánh phải. Sự cam chịu nếu không muốn nói là vô lý của con người cứ dai dẳng chuyển tiếp không ngừng như một cơn lốc xoáy cuồn cuộn trỗi dậy,dù cố ý hay vô tình làm cho con người bị ảnh hưởng cuốn bức theo.

   Nhiều tin tức làm bàng hoàng trong mảnh đời tị nạn, khi được nghe báo chí tường thuật có những gia đình ly tán vì mãnh lực đồng tiền, những phụ nữ bị kẻ ngoại nhân hãm hiếp vứt xác vào thùng rác,những gia đình khổ sở vì con cái hút sách,hoặc đi theo băng đảng tội phạm.Đáng buồn hơn,con cái thuê người giết cha mẹ ruột của mình chỉ vì cha mẹ ngăn cản không cho hẹn hò với bạn trai… Đó là những nổi thương tâm, những mất mát thực sự đem đến nỗi đau cho bao gia đình,thì làm sao họ có được một mùa Xuân,với mộng ước nhỏ nhoi,mặc dù đời sống thật là ngắn ngủi.Thật ngán ngẫm ! Đôi khi tôi cũng muốn thu mình vào trong im lặng để có quan niệm riêng tư và tự nhủ hãy sống cho mình những gì mình đã có để giữ sự cân bằng trong tâm hồn.Nhưng cuối cùng cũng không đành lòng trước bao nhiêu thực tế với thói đời của con người,để rồi phải lên tiếng cảnh tỉnh thế hệ trẻ: “Đừng bao giờ quên cội nguồn dân tộc”.Đó là những tình cảm thiêng liêng,truyền thống của người Việt bao lâu đời.Với mục đích hướng thiện và lòng mong muốn làm một đóm lửa nhỏ,góp phần cùng bao ánh lửa khác soi sáng đêm đen đã đánh động trái tim tôi.Tôi đã không ngần ngại đi tìm cho mình một công việc có ý nghĩa với chính mình bằng “nghề gõ đầu trẻ” (1) với một hy vọng mong manh góp phần vào cho thế hệ mai sau thấy được một hướng đi đúng với truyền thống dân tộc của mình. Đã bao mùa Xuân rồi,tôi vẫn âm thầm lặng lẽ với ý nghĩ của tôi và nhiều khi tôi đã bị nhiều cú sốc nặng với công việc này,tưởng như đã bỏ cuộc.Thực tế cho thấy tỉ lệ giới trẻ ý thức về dân tộc rất thấp.Những kỳ vọng mùa Xuân của tôi dường như không có nhiều trong tâm hồn giới trẻ hải ngoại mà nó được thay vào đó bằng một mùa Đông lạnh giá,băng hoại.

   Một đêm trằn trọc khó ngủ hơn nửa khuya,tôi bật vội chiếc máy hát mượn lời nhạc để ru giấc ngủ.Giọng ấm đều của nam danh ca Duy Khánh đã đưa tôi lại gần ngày Tết của quê hương: "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy Mai, Đào nở rộ trên nương…..” tự nhiên tâm hồn tôi se lại và lại càng không ngủ được. Nước mắt của tôi đã rơi từ lúc nào!? Có lẽ lời nhạc đã khơi lại cho tôi nhớ về người Mẹ đã khuất,một thời gian truân “thân cò quẳng gánh” lo cho con mình thành nhân.Thú thật,từ nhỏ tôi đã có cảm tình hay nói khác hơn là rất thích những điệu hát trầm ấm,qua những tình khúc quê hương mà Duy Khánh đã hát. Những nhạc phẩm:“Biết Trả Lời Sao, Đêm Tiền Đồn, Những Ngày Xưa Thân Ái ...” là những ca khúc tôi rất tâm đắc.

    Mùa Xuân năm nay thật buồn đối với tôi.Trong thao thức bỗng chợt nhớ những kỷ niệm của mùa Xuân nơi quê nhà. Nhớ Saigon,những buổi tối tôi cùng dăm ba đứa bạn đạp xe ra Bến Bạch Đằng ngồi nhai khô mực quanh những quán cóc nhỏ ven sông giữa trời lộng gió.Mắt tận thấy ánh trăng vằng vặc rọi trên sông nước hòa cùng ánh sáng của đèn điện tạo những luồng sáng nhấp nhô trên sóng nước thật thú vị,mộng mơ. Nhớ buổi chiều ba mươi Tết tôi vội vã chạy đánh những bộ lư đồng để chưng trên bàn thờ cho kịp giờ rước ông bà,hay cùng các cháu nhỏ đi săn nhặt những viên pháo chưa nổ từ những nơi có nhiều xác pháo.Nhớ những ngày cùng gia đình kéo nhau về Tây Ninh ăn Tết.Ngồi dưới bóng tre làng nhâm nhi những ly rượu đế với vài con cá lóc nướng trui cùng tô nước mắm gừng thơm lừng nhìn người qua kẻ lại với quần áo màu sặc sỡ,đồng thời còn nghe được những tiếng hát thật trữ tình qua sáu câu vọng cổ của các thanh niên nam nữ của làng trong ngày hội đầu năm. Họ mừng vui ngân nga những lời hát như mời mọc khách làng xa đến dự hội "Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca. Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà. Dào dạt bao niềm yêu trên nhánh lúa…..” Làm sao tôi có thể quên những hình ảnh những mùa Xuân thân ái đầy ắp kỷ niệm yêu thương.

    Thời gian! Thời gian lướt nhanh không chờ đợi,tôi đã xa mất những ngày Xuân của quê hương tôi,đúng nghĩa hơn là tôi đã đánh mất nó. Tôi đã quên đi những đêm cố thức để mừng đón giao thừa trong lễ nghi tôn giáo…… Và bây giờ, với khung trời xa lạ này,có hoài niệm chăng nữa,mùa Xuân cũng đến với bao sự thiếu vắng trong tôi,khi nghĩ đến những gì cũng đều đã mất. Nhìn lại những hình ảnh thân thương của người thân,những khung cảnh thơ mộng của quê hương Tây Ninh thưở nào,hiện tại chỉ còn trong ký ức.

   Thật buồn, tôi tự tình với dòng chữ này bên cạnh ly cà phê lạnh ngắt,như tâm hồn của tôi đang trống trải nhiều năm. Nhiều năm tôi tưởng chừng mình như con chim lạc đàn đã bay xa vào trong một vùng trời khác,mà môi trường khác lạ với nguồn gốc ban đầu.Tôi phải hết sức làm lụng cực nhọc để trả cái món nợ tiền kiếp mà tôi đã nghĩ mình vay mượn của đời từ nguyên thủy làm người. Tôi không oán giận, tôi tự an ủi và vỗ về mình,nhưng đôi khi trong lòng vẫn còn xâu xé. Có lúc tôi cảm thấy xót xa cho thân phận.Tôi có thể khóc ngay và có thể cười,sau khi đã nghĩ đó là cuộc đời mà tôi đã sinh ra nhầm thế kỷ.

"Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ.

Một đời người u uất nỗi chơ vơ.

 Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị.

Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ "

 (Phương xa) – Vũ Hoàng Chương 

Thời gian chợt đến, chợt đi như bóng câu qua cửa sổ. Thời gian đã làm phai màu trên mái tóc của tôi, thay đổi như những ngã rẽ cuộc đời. Sau cuộc sum họp rồi chia ly, như mùa Xuân chợt đến rồi sẽ đi qua nhường chỗ cho mùa Hè oi ả.

Duy Văn

 (1)Từ năm 1995 đến 1998 Tổng Thư Ký trường Việt Ngữ Âu Cơ thành phố Sanfrancisco và cũng là thầy giáo dạy môn Văn của trường.