Tiểu Tử
Trong khai sanh nó tên là Loan. Ở nhà
gọi nó là con Mén, vì hồi sanh nó ra nó chỉ cân được có hai kí lô tư. Bà nội nó
bồng nó trên tay, nhỏ xíu như một con mèo. Bà cười văng cốt trầu : "Đu họ
nó ! Thứ gì mà như con chí mén !" Từ đó, gọi nó là con Mén luôn.
Nó bú sữa mẹ, nhưng vì nhà nghèo nên má
nó không đủ sữa, dặm thêm cho nó bằng nước cháo, cho nên nó không mụ mẫm như
phần đông các trẻ nít khác. Nó cứ đèo đèo, lớn và ốm tong ốm teo.
Bà nội nó cưng nó lắm. Bởi vì ba má nó chỉ
sanh có con trai, một dọc ba đứa, phá phách đánh lộn tối ngày. Bà nội nó thèm
có một đứa cháu gái, nhẹ nhàng dễ sai dễ bảo hơn. Bà thường nói : "Có đứa
cháu gái để tao có đi đâu nó theo nó xách giỏ trầu". Một ước mơ rất tầm
thường nói lên nét bình dị mộc mạc của tâm hồn các bà mẹ quê. Giống như mái nhà
tranh chỉ cần có bụi chuối sau hè, có ao bèo trước ngõ… Giống như con rạch nhỏ,
chỉ cần đều đặn có nước lớn nước ròng…
Con Mén có thân hình óm o xấu xí nhưng lại có
đôi mắt sáng, linh động, với cái miệng nhỏ chu-chu cũng dễ thương. Bà nội nó
nói : "Cái ngữ này lớn lên rồi phải biết. Nó hỗn dàng trời !". Nói
như vậy chớ bà ưa nhìn nó ngủ sau khi bú, nhả vú ra rồi mà miệng vẫn còn nút
nút.
Quê con Mén ở miệt Hậu giang một làng nhỏ nằm
xa tỉnh lỵ, xẻ đôi bởi một con kinh đào. Vùng này chưa có đường xe chạy, nhưng
có nhiều sông rạch nên thiên hạ đi lại bằng ghe to xuồng nhỏ. Hoặc đi bộ dọc theo bờ nước hay băng ngang đồng
vào mùa ruộng khô. Xa xa, có những chiếc cầu gỗ bắc ngang kinh rạch, nối xóm
này qua xóm nọ. Cầu gỗ cao lêu-nghêu, chân dài cắm sâu vào lòng nước như sợ
nước lên làm ướt thân cầu. Người ta qua lại không cần lan can.
Xóm con Mén tên là xóm Cầu Ngang, một
cái tên nghe rất thật thà, làm như trên đời này còn có những cái cầu dọc vậy !
Xóm nhỏ đó cũng có chợ nhà lồng lợp tôn đơn-sơ. Vây quanh chợ là quán cà phê,
tiệm chạp-phô, tạp hóa, hàng vải… và một tiệm sách, gọi là tiệm sách nhưng chỉ
chuyên cho thuê tiểu thuyết, truyện tàu.
Con Mén sanh ra ở đó. Khi nó biết đi biết
chạy, bà nội nó lúc nào cũng kè một bên, sợ nó té sông. Vậy mà chẳng mấy lâu
sau, nó biết lội hồi nào bà nó cũng không hay, nó học lội với ai bà nó cũng
không biết. Mãi đến một hôm, trời nóng bức, con Mén nhảy ùm xuống kinh làm bà
nội nó la làng chói-lói. Đến khi nhìn lại thấy nó lội như rái, bà mừng chảy
nước mắt. Lòng bà vui lắm nhưng bà cũng chưởi đổng : "Mồ tổ cha mày
!". Từ đó, con Mén đi đâu một mình bà cũng yên tâm. Bà nói : "Nó
giống hệt thằng cha nó hồi nhỏ".
Lớn lên một chút, con Mén lúc nào cũng ở trần,
đi chân đất, chỉ mặc có cái quần xà-lỏn ka ki. Nó vẫn ốm tong ốm teo, nhưng
không thấy nó bịnh bao giờ. Nó chơi với lũ trẻ hàng xóm, chơi trò con trai như
con trai. Vậy mà bà nội nó vẫn ưa nó hơn là ba thằng anh của nó, bởi vì đêm nào
nó cũng chui vào ngủ với bà. Bà thích vuốt tóc cho nó ngủ và thích nghe mùi
thơm hơi thở của con Mén, như ngày xưa, hồi còn trẻ, bà thích nghe mùi thơm của
lúa chín, gió ruộng đưa thoang thoảng vào nhà về đêm…
Má con Mén mua đầu chợ bán cuối chợ.
Kiếm đủ nuôi mấy miệng ăn. Nghèo nhưng không đói. Ba nó trốn lính một dạo,
nhưng rồi cũng bị bắt. Đi quân dịch, làm binh nhì, rồi đi luôn không biết chừng
nào giải-ngũ !
Ba nó đóng ở đâu miệt Sài-Gòn. Lâu lâu về phép, ở nhà được vài hôm. Những
hôm đó, con Mén khoái lắm, bởi vì ba nó cũng cưng nó như bà nội nó vậy.
Sáng nào, ba nó cũng cõng nó ra tiệm cà-phê. Nó ngồi trên ghế đẩu cạnh ba nó,
đôi mắt chỉ cao hơn mặt bàn một chút. Người lớn hay vò đầu nó, làm rối bồng mái
tóc bom-bê. Lúc nào nó cũng được ba nó gọi riêng cho một tách sữa nhỏ. Sợ sữa
nóng, ba nó thường sớt ra dĩa cho mau nguội. Nó kê miệng vào thành dĩa, hớp
từng hớp nhỏ. Hai bên mép, sữa đóng thành hai đường trắng hếu, nhưng mắt nó
ngời lên sung sướng. Những lúc đó, con Mén đong đưa hai chân như người ta đuổi
ruồi…
Rồi một hôm, Việt Cộng về xóm Cầu Ngang,
bắn phá tơi bời suốt một đêm, sáng bữa sau rút đi mất. Thiên hạ bắt đầu bàn
tán. Trời vừa sụp tối đã đóng cửa cài then. Đêm đêm nằm ngủ phập phồng. Sáng ra
nhìn nhau lơ-láo. Nét thanh bình xóm nhỏ làng quê mất dạng lần lần. Người ta
bắt đầu tản cư…
Ba nó về, đưa mẹ con nó lên Sài-Gòn. Bà nội nó ở
lại. Bà nói : "Tao già rồi, đi đâu chi ? Tụi bây lo cho sắp nhỏ đi, đừng
lo cho tao". Bà nói cứng như vậy chớ lòng bà đau như dao cắt. Bà biết :
bầy vịt nhỏ và mấy gốc mận gốc xoài không giúp được bà thường xuyên lên thăm
bầy cháu. Nhứt là con Mén, rứt nó đi y như là cắt đi một núm ruột của bà. Hôm
đó, bà nội con Mén ăn trầu
nhiều hơn mọi ngày, hết miếng này là têm ngay miếng nọ, mắt nhìn mãi bờ kinh,
không nói. Đến khi đưa bầy cháu xuống ghe, bà ôm con Mén vào lòng, hôn nó mà bà
khóc ngất. Bà dúi vào tay nó tờ giấy năm chục đồng xếp nhỏ, nói trong nước mắt
: "Nội cho con lên trển mua bánh ăn". Nó nghe nồng lên mùi cốt trầu,
mùi bà nội nó, cái mùi mà nó đã quen thở đêm đêm khi gối đầu lên tay bà để đi
vào giấc ngủ. Nó ôm bà mà khóc như mưa…
Ghe đã đi xa, ghe máy nên đi nhanh hơn ghe
chèo. Bà nội con Mén còn đứng ở bờ kinh, mắt rõi theo ghe mà nghe như người bà
bị tê dại. Kinh đào dài tun hút. Ghe đã mất dạng từ lâu mà bà vẫn nhìn mãi về
phía đầu kinh. Tuốt ở đầu kinh - xa lắm - có một lằn dài gạch ngang,
người ta gọi là chân trời…
--oOo--
Ba con Mén hốt hụi vay nợ mua một căn
nhà nhỏ vách ván lợp tôn ở xóm Bộng, bên kia sông Khánh Hội. Gọi là xóm Bộng
bởi vì ở đó có cái ống cống thật to để nước ruộng vào ra khi nước lớn nước
ròng. Dân nghèo tứ xứ tản cư về đây, ngày một nhiều, nhà nho nhỏ cất dọc cất
ngang, mọc lên như nấm. Cứ có chỗ trống là cất chen vào. Ngoài mặt lộ hết đất,
họ cất tràn ra ruộng. Nhà này tựa vào nhà kia như sợ ngã, sát nhau đến độ không
còn chỗ để làm đường đi ! Muốn vào xóm, có đoạn đi trên bờ đê – gọi là đê nhưng là bờ ruộng cũ bây giờ người
ta bồi rộng ra thêm một chút – có đoạn đi trên mấy tấm ván gập gềnh bắc ngang
đường nước, có đoạn phải bước hẳn vào nhà người ta để đi qua. Nhà lụp-xụp thấp
lè-tè nên cứ phải cúi lom-khom, có khi bước cạnh vợ chồng người ta đang nằm ngủ
trong nhà, dưới đất !
Mái nhà con Mén thuộc vào hạng cũng khá cao
trong xóm. Ba nó phải đưa tay thẳng lên mới đụng. Nhà nó được lót gạch bông
phần nền đất, còn nửa phần sau là đóng cừ lót ván. Ông chủ cũ nói với ba con
Mén : "Làm tới đó tôi hết tiền. Thôi thì tạm một khúc nhà sàn, chừng nào
cậu muốn, cậu đắp nền thêm". Rồi ông đứng trên sàn nhún-nhún : "Ván
còn tốt, còn chịu được năm ba mùa lận". Năm ba mùa đây có nghĩa là năm ba
mùa nước ngập. Những hôm mưa nhiều, nước không chảy kịp ra sông, nước lên lé-đé
mặt sàn. Có nơi nước tràn vào nhà, ngập mấy hôm mới rút. Những hôm đó, người ta
treo hết đồ lên nóc, treo vài cái võng để ngủ tòn ten giữa vời…
Nhà con Mén không có đồ đạc gì nhiều : một vài
cái rương chất trong một góc, một cái tủ nhỏ kê sát vào vách, quần áo máng trên
mấy cây đinh đóng trên vách đối diện, bếp dầu hôi sóng chén dồn vào một góc
phía sau. Cái gì cũng tấn vào vách vào góc để chừa khoảng trống giữa nhà dùng
làm chỗ ăn chỗ ngủ. Phía sau nhà là sàn nước lộ thiên. Nước chứa trong hai
thùng phi nhà binh màu cứt ngựa mà ba con Mén xin từ đơn vị đem về. Tắm rửa
giặt giũ ở đó, và về đêm, phóng uế cũng ở đó luôn.
Khu này không có điện nước. Cho nên nhà
nào cũng có vài cây đèn dầu hôi và đôi ba thùng phi. Mỗi ngày, có xe xi-tẹt đến
bán nước- người ta gọi là "đổi nước" – Họ kéo ống cao-su nhỏ bằng
cườm tay, chắp nối thật nhiều khúc mới đủ dài để vào sâu trong xóm. Tiếng máy
bơm của họ kêu thật lớn, xành xạch xành xạch điếc tai. Nhưng cũng nhờ nó mà
người trong xóm biết là xi-tẹt nước đến rồi ! Xi-tẹt nước chỉ "làm
ăn" trong mùa nắng thôi…
Về đây, con Mén ngủ với ba nó, ngủ trên
võng. Má nó và ba thằng con trai ngủ dưới gạch. Đêm đầu, con Mén không chịu
ngủ, cứ đòi về bà nội. Nó ngồi bẹp dưới đất, khóc ư-ử. Lâu lâu gọi một cách
thảm não : "Bà nội ơi !" Tiếng "ơi" của nó kéo dài ra, làm
má nó cũng nhớ nhà nhớ đất, nước mắt chảy quanh. Ba nó thổi tắt đèn, vói tay ôm
nó vào lòng, nằm trên võng đong đưa dỗ : "Nín đi con, nín. Ngủ với ba cũng
giống như ngủ với bà nội chớ gì. Rồi mai mốt bà nội con lên ở với con
nghen". Tiếng "nghen" bỗng nghẹn ngang nơi cổ, ba nó kềm lắm mới
khỏi phải nấc lên. Tuy nhiên, trong bóng đêm, nước mắt cũng âm thầm chảy dài
trên má…
--oOo--
Mỗi ngày, ba con Mén đi làm trong đơn
vị, sáng đi chiều về, đi bằng xe buýt. Má nó chưa quen nước quen cái nên ở nhà
vá áo nấu cơm. Anh em tụi nó lân la làm quen lũ nhỏ trong xóm. Dù ở giữa lòng
thành phố, trò chơi của tụi nó vẫn mộc-mạc thô-sơ như thuở còn dưới ruộng : bắn
bi, búng dây thun, lấy nút khoén làm mề-đai hay in cát giả làm bánh.
Ít lâu sau, má con Mén được người hàng
xóm giới thiệu vào làm phu trong nhà máy ve chai bên kia sông. Mới đầu còn bỡ
ngỡ, làm sai làm trật. Chiều nào về, má nó cũng buồn thiu, ra ngồi trên sàn
nước, nhìn khoảng trời mở ngỏ trên cao, lâu lâu thở dài. Nhưng lần hồi má nó
cũng quen tay, thêm tánh siêng-năng cần-cù, nên mấy thầy giám thị cũng thương
tình nâng đỡ. Nhờ vậy má nó mới vững lòng tin ở ngày mai. Ngày mai, đối với ba
má con Mén, thật là giản dị : "Chừng yên, mình về dưới bà nội tụi nhỏ,
lảnh mấy công ruộng mà làm cũng dư sống". Cái hình ảnh của ngày mai đó,
người tản cư nào cũng nghĩ giống như nhau : yên rồi về quê làm lại cuộc đời. Họ
đã rời làng bỏ xóm ra đi, đi để còn sống mà trở về, nhưng họ vẫn mang theo
trong lòng gốc dừa cây cau chậu kiểng. Họ không bám được đất, nhưng họ không để
mất được gốc. Chính tình cảm quê hương sâu đậm đó đã giúp họ can-đảm nhận chịu
cuộc sống tạm bợ ngày hôm nay. Ngày qua ngày, họ mớm niềm tin bằng hy vọng. Và
ngày qua ngày họ nuôi hy vọng bằng niềm tin ! Cứ lẩn-quẩn loanh-quanh như vậy
cho đến một ngày nào đó - chưa phải là cái ngày mai chờ đợi - người già tắt thở
với niềm tin và trẻ con lớn lên không biết phải hy vọng ở cái gì… Chỉ còn thế
hệ của ba má con Mén là lây lất sống trong lòng đô thị, ví mình như cây chùm
gởi, còn biết thế nào là niềm đau quê hương nhưng vẫn mỏi mòn chờ đợi :
"Ngày mai… Ngày mai, rồi trời sẽ lại sáng".
--oOo--
Mấy anh con Mén đều được đi học, chỉ có
nó là chưa. Có lẽ tại vì nó gầy còm nhỏ thó nên ba má nó quên tuổi thật của nó
đi, cứ nghĩ : "Sang năm là đến phiên con Mén". Nhưng rồi nó vẫn
còi-còi như vậy hoài, có lẽ còn lâu mới đi học !
Buổi sáng, ăn cháo xong là cả nhà đi hết. Con
Mén ở lại coi nhà. Tiếng là coi nhà chớ lúc nào cũng thấy nó la-cà ở hàng xóm,
làm bánh giả, búng dây thun. Nó búng dây thun giỏi nhứt xóm. Đã khéo tay lại
biết tính toán nên ngày nào nó cũng ăn của trẻ con cùng lứa rất nhiều dây thun.
Về nhà, nó cho vào túi ni-long cất kỹ, bởi vì vòng dây thun là "tiền"
của tụi nhỏ. Năm vòng thun "mua" được cái nút
khoén lô-canh (la-ve, nước ngọt) mười vòng thun một nút khoén ngoại quốc (các
loại chai nhập cảng) và phải tới hai chục vòng thun mới có được lon cô-ca không,
thật hấp dẫn với nền đỏ tươi in chữ trắng… Vòng thun có giá trị như vậy cho nên đứa nào cũng ráng kiếm cho
thật nhiều. Rồi cũng giấu kỹ. Rồi cũng đếm tới đếm lui, y như người lớn đếm
tiền thật.
Một buổi mai, con Mén mang bọc dây thun ra đầu
ngõ tìm bạn. Ở đây, có một quán cà-phê hủ tiếu và vài hàng quà bánh điểm tâm.
Một bà già bán xôi thấy bọc ni-long dây thun con Mén nhét tòn ten ở lưng quần,
bèn hỏi :"Dây thun đâu nhiều vậy cháu ?". Nó trả lời là dây thun của nó. Bà ta cười hiền
hòa : "Vậy hà. Chớ cháu có bán dây thun hôn, bà mua cho. Để cột mấy bọc
xôi ý mà". Ở đây, mấy người đi làm sớm không có thì giờ ăn sáng, ghé qua
mua gói xôi mang theo để lúc nào tiện thì mở ra ăn. Xôi vẫn được gói bằng lá
chuối, nhưng sau đó được cho vào bọc ni-long có sợi thun thắt lại. Vừa sạch vừa
gọn.
Nghe hỏi, con Mén phân vân. Tới tuổi này, nó chưa biết đi mua một cái gì bằng tiền thiệt hết. Huống
chi nói đến chuyện bán ! Nó chỉ biết giả mua giả bán nút khoén, hộp lon, trong
thế giới trẻ con nhiều tưởng tượng của nó thôi. Tiền thiệt thì nó chỉ
biết có tờ giấy năm chục đồng mà bà nội nó cho nó hồi đó. Nó đưa má nó cất rồi
nó quên luôn tới giờ. Thật ra, nó chỉ biết tờ giấy đó là tiền nhưng chẳng biết
giá trị là bao nhiêu và cũng không biết dùng tiền đó để làm gì. Bởi vì, trong
xã hội trẻ con của nó, chỉ có dây thun là có giá !
Thấy nó đứng ngớ ra mà miệng cười mỉm
mỉm, bà bán xôi hiểu ngay, nên đề nghị : "Như vầy nghen : cháu cho bà túi
dây thun, bà cho cháu cục xôi bự này nè". Nó nhìn theo tay bà chỉ : mèng
ơi ! cục xôi bằng "bắp đùi" nằm trong lá chuối xanh láng mướt, ló ra
hai đầu vàng hực có mấy miếng dừa lòi ra trắng hếu. Nó nuốt nước miếng, gật
đầu. Vậy là lần đầu tiên con Mén biết thế nào là buôn bán trong xã hội của
người lớn .
Từ đó, nó thường đem túi ni-long dây thun ra ngõ "mua" xôi. Bà bán
xôi thương nó lắm, bởi vì lần nào nó mở hàng bà cũng đều bán đắt. Nhiều hôm
vắng nó bà cũng nhớ. Những hôm đó, con Mén "hết tiền". Nhưng thèm
xôi, có khi nó cũng mò ra đầu ngõ, đứng xa xa nhìn thau xôi của bà lão. Thau
xôi được phủ kín lá chuối, nhưng trong tưởng tượng nó cũng thấy được màu xôi
vàng hực ! Thấy tội nghiệp, một hôm bà bán xôi gọi nó lại, đưa nó tờ giấy bạc :
"Nè ! Lấy tiền này mua xôi mở hàng cho bà đi cháu". Nó làm theo như cái
máy. Bà bán xôi cảm động, kéo nó ngồi xuống cạnh bà. Nó ăn xôi, mắt ngời lên
sung sướng. Nó ốm nhom nhưng gương mặt nó thật kháu khỉnh. Mái tóc bom-bê cắt
ngắn làm cho cổ nó dài ra. Bà vuốt tóc nó, nghĩ : "Con nhà ai mà dễ
thương quá !". Được bàn tay khẳng khiu của bà già vuốt tóc, bỗng nhiên con
Mén nghe nhơ-nhớ một cái gì. Một cái gì không rõ lắm nhưng là một cái gì thật
quen thuộc. Hình như là một cảm giác êm êm, khoái khoái, một cảm giác mà từ
lâu- rất lâu - nó không nghe thấy nữa. Nó mang máng nhớ một cái gì xa thật xa,
một hình ảnh, một cái tên, một người… Nó ngừng nhai, miếng xôi trong miệng đội
phồng một bên má. Nó nhìn lên mặt bà bán xôi : má hóp, trán nhăn, tóc lưa thưa
bạc. Đúng lúc đó, từ tiềm thức của nó bật lên hình ảnh của bà nội nó. Chỉ trong có một giây mà nó nhớ lại hết : từ
bàn tay vuốt tóc, từ cánh tay gối đầu, từ mùi cốt trầu hăng-hăng mà nó ghiền
thở đêm đêm để ngủ. Nó nghe nghẹn ở ngực. Nó nghe như muốn khóc. Môi dưới nó
trề ra. Miệng nó méo xệch. Nó buông cục xôi, đứng lên chạy ù vào ngõ. Vừa chạy,
vừa kêu từng tiếng thật rã-rời : "Bà…nội…ơi… !" Tiếng "ơi "
của nó kéo dài ra trong xóm, nức nở như một đường cày trên mặt ruộng…
--oOo--
Việt Cộng về chiếm hết mấy làng, trong đó có
xóm Cầu Ngang của con Mén. Ít lâu sau, có tin bà nội nó chết. Ba má nó không
dám về chịu tang, chôn cất, phần vì không có tiền, phần vì sợ Việt Cộng. Ba nó
lấy một cái rương kê vào giữa vách, đặt lên đó một chén gạo và hai cây đèn cầy.
Đốt đèn, đốt nhang cắm vào chén gạo,