Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

CẢM NHẬN QUA BÀI THƠ MẸ

          MẸ!
 (Một nén nhang, một vành khăn tang trắng xin chia với Nhung.)

Còn đêm cuối con được nằm bên mẹ,
Nhắm mắt ngỡ mình như thuở ấu thơ
Thả hồn theo lời hát mẹ ru
Và dáng mẹ cứ chập chờn hư ảo.

Như đứa bé còn ngây thơ khờ khạo
Cứ vòng tay ôm mãi quan tài
Còn đêm nầy thôi! Chẳng có ngày mai
Và chữ HIẾU trốn chạy con rất vội

Hơn nữa đường đời mình con mệt mõi
Thấm thía câu ru, ngọt dưới trăng rằm:
 "Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn"
Con cứ lớn theo câu hò măng sữa.

Thưa mẹ, con hiểu cõi trần tạm bợ
Con biết câu tử biệt hơn sinh ly
Nhưng sao trong giờ phút cuối mẹ ra đi
Trái tim con vẫn nvò xé!

Rồi chiều mai…con sợ chiều lặng lẽ 
Bữa cơm dọn rồi không có mẹ ngồi bên
Con sợ không gian quạnh vắng lạnh tênh
Sợ thấy nén nhang bên chén cơm đôi đũa…

Thôi đã hết ngày vui cài hoa đỏ,
Ngày mai mẹ về với huyệt đất sâu
Vành khăn tang con đã quấn lên đầu
Nỗi đau mình con làm sao chở hết

Mẹ ơi! Đêm nay là đêm ly biệt,
Mẹ có chờ con ở cõi vĩnh hằng?
Cuối cuộc đời con chỉ một hành trang
Là tình mẹ, với tình con…vĩnh cữu…

QUÝ LÂM



Tôi đọc không biết là lần thứ mấy bài thơ của tác giả Quý Lâm nhan đề" Mẹ", đã đươc đăng trên tuần báo Mõ  San Francisco số ra ngày 20-12-1997. Bài thơ đã mở đầu như vầy: " Còn đêm cuối con được nằm bên mẹ; nhắm mắt ngỡ mình như thuở ấu thơ; thả hồn theo với lời hát mẹ ru; và dáng mẹ cứ chập chờn hư ảo…,"
và những câu cuối cùng là:" Mẹ ơi đêm nay là đêm ly biệt; mẹ có chờ con ỡ cõi vĩnh hằng? Cuối cuộc đời con chỉ một hành trang; là tình mẹ với con ….vĩnh cữu…,".
Trong những bài thơ viết về đề tài Mẹ gần đây của các tác giả ở hải ngoại, tôi mới thấy được năm,ba bài cảm động như bài thơ nầy. Lần nào đọc lại tôi cũng rưng rưng nước mắt, mà hối hận, tôi đã sụt sùi vì tôi nghĩ đến mẹ tôi." còn đêm nay đêm nay thôi! Chẳng có ngày mai ;và chữ hiếu trốn chạy con rất vội…,". Vâng tôi quá thờ ơ để chữ hiếu trốn chạy vội quá, tôi không thể nào bắt lại được,để sự hối hận giờ đây cứ mỗi ngày dâng cao trong tâm hồn tôi, một sự hối tiếc và niềm đau ray rứt…
Cũng phải nói rằng với quan niệm “  thương cho roi ,cho vọt" nhiều bậc cha mẹ hay phụ huynh thường dạy dỗ ,khuyên răn con cái rất kỹ luật và nghiêm khắc! Mẹ tôi cũng không đi xa quá quan niệm đó! Tôi nhớ lại hồi tôi lên tám lên chín gì đó; nghĩa là tôi đánh vần tốt chữ quốc ngữ, mẹ tôi thường chỉ bài cho tôi. Một bửa no, mẹ tôi chỉ bài cho tôi rồi gánh một số hàng ra chợ bán. Trước khi đi người dặn tôi thật kỹ là phải học bài cho thuộc lòng đã, rồi hãy đi chơi, để khi mẹ về trả bài. Nhưng mẹ tôi vừa bước ra khỏi nhà, thì hai đứa bé bên nhà hàng xóm qua rủ tôi đi ra đồng bắt dế đá,thế thì tôi quên mất lời của mẹ tôi dặn,rồi cùng hai bạn vui vẻ ra đồng ruộng bắt dế với chúng nó. Sau khi mẹ tôi trở về,bài không thuộc và tôi bị đè ra đánh. Tôi không nhớ trận đòn ác dữ ra sao? Nhưng tôi còn nhớ người hàng xóm chạy qua xin giùm tôi. Ngay chiều hôm đó sau khi ăn cơm xong tôi vẫn còn lấm le, lấm lét, tính mở sách ra học thì mẹ tôi bảo: "chiều nay con nghỉ họ ,tắm rửa thay quần áo rồi đi chơi với mẹ." Tôi mừng quýnh.Mẹ tôi dẫn tôi ra Tòa Thánh Tây Ninh. Trên đường đi mẹ tôi mua cho tôi một bịch bánh tai heo,hai mẹ con đi dọc theo các bửu tháp,nơi chôn cất các vị tiền bối khai Đạo,và ngồi hóng mát nơi vườn hoa trước Đền Thờ Phật  Mẫu. Mẹ tôi dấu bịch bánh bảo tôi kiếm, đùa giỡn với tôi.
Cái chuyện như thế có gì đâu, mà hơn bốn mươi năm nay tôi vẫn nhớ rành mạch. Nhớ từng nụ cười, nhớ từng nếp nhăn trên mặt của người, và hình ảnh của người khi rượt bắt con chuồn chuồn cho tôi trên mặt hồ sen trong vườn hoa lần ấy.
         Hồi đó tôi chưa hiểu gì về tâm lý của người, tôi chỉ cảm nhận được lòng yêu thương của người với sự lờ mờ của số tuổi, tôi chưa phân tích được tâm lý của người, nhưng hôm nay tôi đã hiểu được tâm lý đó. Tâm lý đó cũng giống y như tâm lý của tôi bây giờ đối với cháu của tôi. (Tôi có một đứa cháu trai cha mẹ cháu mất sớm. Tôi đã nhận nuôi nó và xem nó như con trai của tôi)  Mỗi  lần cháu  tôi nó mê chơi, vì bạn bè rũ rê, nó không làm bài hoặc giả nó không nghe lời tôi chỉ dạy, nó làm sai tôi giận quá đánh nó mấy cái tát tay và còn bắt nó quì gối, làm lại cho đúng bài. Vài ba phút sau tôi nguôi đi cơn giận,tôi thấy tôi vô lý, tôi hối hận và dắt nó đi tắm rửa, mua bánh cho nó ăn và mua nước ngọt cho nó uống,trong khi nó ăn uống thì nước mắt tôi rơi rớt mà nó nào hay biết. Tôi dắt nó ra sân banh và hai bác cháu chơi trò đá banh. Tôi để nó thắng tôi. Thắng được tôi nó thích lắm. Tôi nghĩ nó đã quên trận đòn và hình phạt quì gối, nhưng tôi thì không quên.
Một nhà giáo dục đã nói: " một nỗi thương tâm chung cho loài người là khi hiểu được tình của cha mẹ thì cha mẹ đã khuất bóng". Thật vậy sau cái lần mẹ tôi dẫn tôi đi chơi nơi Tòa Thánh, người chỉ còn sống thêm được khoảng vài ba năm nữa.Bây giờ tôi biết đổi cái gì cho mẹ tôi sống lại được dù trong vài phút để nghe lời sám hối của tôi, người không bao giờ quay lại nữa với tôi,với trần gian khổ lụy nầy, người đã đi vào cõi vĩnh hằng và người luôn hằng chờ tôi ở đó như Quý Lâm cũng đã đau khổ hứa hẹn:
         " Mẹ ơi đêm nay là đêm ly biệt
          Mẹ có chờ con ở cõi vĩnh hằng
         Cuối cuộc đời con chỉ có một hành trang
       Là tình ,mẹ với con …vĩnh cữu."

Tôi biết rằng, một đứa trẻ thơ như tôi, tôi không biết thế nào là bổn phận, là trách nhiệm của sự việc phải làm, vì thế tôi mê chơi không học bài đâu phải là có lỗi. Nhưng hôm nay vẫn sám hối vì tôi đã gây khổ cho mẹ tôi, dù một trạng thái vô thức. Tôi nghĩ là chiều hôm đó mẹ tôi chắc đã bức rức, hối hận lắm,nên mới trìu mến, nuông chìu tôi như vậy. Xin vong hồn mẹ tha lỗi cho con, hôm nay lòng con cũng nát như lòng mẹ hôm đó vậy.
Phàm người đời với cuộc sống thường hay ít khi quan tâm đến cha mẹ, nhất là các bạn trẻ, khi chưa có con,phần lớn chưa ý thức về công lao của cha mẹ, phải có con rồi mới biết, hiểu được nổi lòng của cha mẹ,trong hầu hết những gia đình có con cái,dù bất cứ địa vị nào trong xã hội, tôi nghĩ không chắc có một gia đình nào được hoàn hảo,toàn vẹn mà không buồn phiền ít hay nhiều vì con cái. Chúng ngu đần thì cha mẹ ắt phải than thân hay tự trách phận,chúng thông minh tinh ranh thì cha mẹ bực mình,chúng khó dạy thì cha mẹ buồn khổ ,ngay khi chúng dễ dại thì cha mẹ chưa chắc đã khỏi lo âu. Chính tôi hồi còn nhỏ, tôi được khen là ngoan nhất xóm, mà tôi đã làm cho cha mẹ tôi bao phen sầu khổ .
Ngoài ra còn biết bao trẻ con đã mắng lại cha mẹ mình, từ bỏ cha mẹ đó mới là điều đau lòng hơn hết.Đó là những đứa trẻ chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ gì đến ông bà, cha mẹ. Những đứa trẻ đó đã quên nguồn gốc. Đãõ trưởng thành rồi ,hai mươi ba mươi tuổi mà cứ nhờ vả vào gia đình, vẫn để cho cha mẹ già lo lắng chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ. Một số không chịu học hành, không bằng cấp không nghề nghiệp gì trong tay để giúp đở phần nào cho cha mẹ. Ngược lại ,nhiều cha mẹ già còn phải lo toan mọi thứ trong nhà và xã giao ngoài xã hội.
Ngày nay, đối với những xã hội văn minh quyền lợi của trẻ con được bênh vực, và được một số nước thông qua bằng văn kiện pháp lý ,điều đó rất phù họp với trào lưu văn minh nhân loại, nhưng bênh vực cho chúng không có nghĩa là chìu chuộng tất cả mọi phương diện. Chính vì chổ giới hạn đó mà mỗi sắc dân, mỗi gia đình còn giữ được cái truyền thống đặc thù của dân tộc. Với một quan điểm tiến bộ, chúng ta phải nhìn nhận rằng,người lớn đôi khi cũng bất công,có kẻ tàn nhẫn nữa là khác,cho nên việc bảo vệ và bênh vực trẻ con đối với các nước dân chủ  văn minh là chuyện hiển nhiên.
Với bốn ngàn năm văn hiến, đất nước Việt nam ta có biết bao nhiêu văn hào,thi sĩ,và các nhà luân lý đạo đức đã bỏ công sưu tầm viết lách nói đến công lao của cha mẹ, nhưng ít ai lưu tâm đến,dù chỉ một phút thôi. Nỗi lòng của cha mẹ. Không dạy trẻ thì có tội bỏ bê chúng, còn dạy chúng thì làm sao chẳng có lúc nghiêm khắc? Rồi chuốc lấy những oán trách của các nhà phê bình xã hội. 
Ba tôi vốn là người nông dân hiền lành chất phác, ít học ,nhưng có nhiều tình thương và lương tri. Người không bao giờ can dự vào nghề nghiệp hay sự lựa chọn của tôi trong việc lập gia đình. Lúc bấy giờ,tôi xem đó là một chuyện tự nhiên,bây giờ tôi xấp xỉ bằng tuổi người lúc đó rồi,tôi mới nhận ra rằng: Người hy sinh cho tôi,người không can thiệp vào đời sống của tôi không có nghĩa là người không có trách nhiệm và không lo lắng cho tôi, mà người hành xử theo quan niệm riêng của người.
Có những quan niệm sai lầm trong giới trẻ khi cho rằng cha mẹ không sáng suốt khi ý kiến cha mẹ trái ngược hẳn ý kiến của mình. Điều này giới trẻ ít quan tâm tới vì lẽ" nước chảy xuôi chớ không bao giờ chảy ngược" như người xưa thường nói: " Tình thương của cha mẹ như nước chảy xuôi, còn lòng hiếu thảo của con phải nhờ sự giáo dục mới có được." Tôi không tin cha mẹ ích kỷ bao giờ . Ích kỷ là nghĩ đến mình và phân biệt ta và người, còn cha mẹ không bao giờ phân biệt mình và con cái. Không một bậc cha mẹ nào nuôi dưỡng con là mong sau nầy con sẽ trả ơn cho mình. Ba tôi đã già vẫn tự túc làm ăn sinh sống, đôi khi còn ký cóp vài miếng ngon vật lạhay tiền bạc đến thăm con và cháu nội. Ôâi tình thương bao la của cha mẹ.Cha mẹ còn có lúc đau xót ân hận vì thấy mình không giúp ích gì cho con,nước mắt chảy xuôi mãi cho tới khi nào cạn.
Trong sinh hoạt bất tuyệt của loài người, nước đã chảy xuôi không bao giờ trở lại nguồn. Hỡi các bạn trẻ sắp lập gia đình, như dòng nước sắp bắt đầu tuôn xuống! Các bạn nên ngừng lại một chút, quay lại nhìn nguồn để hiểu nguồn, thì trên đường đời các bạn đở phải ân hận,đỡ phải sám hối và tiếc trhương khi cha mẹ mình phải về với lòng đất như Quý Lâm bùi ngùi lưu luyến chuỗi ngày còn có mẹ trong đời.
"Thôi đã hết ngày vui cài hoa đỏ,
Ngày mai mẹ về với huyệt đất sâu."
Tôi khuyên các bạn trẻ, trong lúc tôi đang sám hối trên bàn viết, trước mặt bàn thờ cha mẹ tôi mà không có một nén hương trầm của quê hương nghi ngút khói. Cái Tết cổ truyền của dân tộc trên xứ người chỉ có ba cây nhang điện thay thế một tấm lòng ăn năn trể muộn.

HÀ ĐÌNH HUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét