(ĐSPL) - Cụ Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (SN 1491 - 1585, thọ 94 tuổi), để lại cho hậu thế 487 câu sấm ký gọi là “Sấm Trạng Trình” cách đây đã trên 500 năm. Lạ kỳ là không ít sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới đã xảy ra trong suốt 500 năm qua có không ít điều "ứng” vào các câu ghi trong “Sấm Trạng Trình".
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhân dân tôn thờ. |
Hoành sơn nhất đái...
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, với tài lý số của mình, không thể phủ nhận được rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo ra được những kỳ tích cũng như những ẩn số về tài danh của một kỳ nhân mà đến nay hậu thế cũng chưa giải mã hết được. Ngay từ lúc sinh thời, ông đã dùng tài lý số của mình "cứu vãn" cho triều đình nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài. Dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi, ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh đưa ông lên làm Tả thị lang Đông các học sỹ.
Nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 lộng thần không được vua chấp thuận, ông đã cáo quan về ở ẩn. Thời ấy, đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn, có tới ba triều đại cùng tồn tại là nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh. Lúc triều nhà Mạc lâm nguy, vua Mạc đương triều mới sai người đến hỏi ông. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: "Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô".
Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng, tồn tại được thêm 3 đời nữa thật. Việc nhà Mạc chạy lên Cao Bằng dựng nghiệp, miền đất Cao Bằng được trấn ải bằng một thế lực phong kiến khiến các triều đại Trung Hoa thời kỳ đó khó xâm phạm nước Việt trong một thời gian dài. Đất Quảng Uyên (tên gọi của đất Cao Bằng xưa) được người Trung Hoa đặc biệt coi trọng bởi nơi đó được cho rằng có nhiều mỏ vàng dễ khai thác.
"An Nam lý số hữu Trình tuyền" - đó là lời sấm Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đưa ra cho nhà Nguyễn. Nhờ đó, nhà Nguyễn mới tiến vào Nam mở rộng bờ cõi, đất nước ta có hình thái như ngày hôm nay. Năm 1568, chúa Nguyễn Hoàng khi đó thấy anh mình là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết chết, thấy số phận của mình bị nguy cấp, Nguyễn Hoàng đã sai người đến diện kiến Trạng Trình ở am Bạch Vân để xin lời sấm. Câu chuyện cụ Trạng cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: "Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân", nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được. Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, nhờ đó mà dựng nên nhà Nguyễn ở phương Nam.
Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng Trình thành: "Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân" hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi. Việc nhà Nguyễn di chuyển vào vùng Thuận Hóa tạo điều kiện mở rộng bờ cõi nước Việt xuống phía Nam, hình thành địa đồ quốc gia Việt Nam như hiện nay có tầm ảnh hưởng không nhỏ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khu vườn tượng trong khu di tích Trạng Trình ngày nay. |
Phải giữ được Biển Đông!
Tài tiên tri của cụ được lưu truyền qua nhiều câu sấm ký gọi là "Sấm Trạng Trình". Cụ được xem là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến Quốc hiệu Việt Nam. Cụ để lại cho đời một di sản văn hóa đồ sộ, ngàn bài thơ văn với những giá trị nhân đạo, giàu chất triết lý, đầy tình yêu nước và là kho tàng Minh triết cho muôn đời sau. Ngoài câu sấm ký "Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân", thì với Biển Đông, cụ Trạng cũng có lời tiên tri, dạy rằng: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình". Những lời sấm truyền này được ghi rõ trong Bạch Vân Am Thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm với bài thơ Cự Ngao Đới Sơn. Trong đó có câu: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Chí những phù nguy xin gắng sức/Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình". Với con mắt chiến lược, nhìn thấy đại cục thiên hạ ngàn năm, Trạng Trình đã khuyên thế hệ sau phải nắm giữ được Biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.
Bài thơ có tuổi đã khoảng 500 năm mà bây giờ càng đọc, càng thấy rất "kim nhật kim thì", rất thời sự. Ta những tưởng như cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay. Bài thơ nguyên là để nói cái chí của cụ "Chí những phù nguy xin gắng sức" (Ngã kim dục triển phù nguy lực), nhưng lại đọng trong đó một tư tưởng chiến lược, một dự báo thiên tài: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Vạn lý Đông minh quy bả ác/ức niên Nam cực điện long bình".
Trải qua không ít thực tế, chúng ta càng thấy những câu thơ sấm truyền của cụ Trạng mang tính thời sự thức thời đối với người Việt. Hai câu thơ mang tính dự báo chiến lược của cụ Trạng càng khiến lay động từ sâu thẳm ý chí của người Việt về cái tâm thức bám biển, giữ biển của mình. Tự ngàn xưa, người Việt đã là những cư dân sông nước, cư dân của văn hóa biển đảo.
Với kho sấm truyền của cụ Trạng, nhà nghiên cứu, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người có "duyên" làm bộ phim Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cây đại thụ rợp bóng 500 năm, góp phần giải mã cuộc đời một kỳ nhân nhận định: Những lời sấm còn ứng đúng với hai cục diện trên thế giới. Cục diện thứ nhất là đại chiến thế giới lần thứ II. Đại chiến thế giới khởi đầu từ khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, từ năm 1940 đã bắt đầu rục rịch (cuối năm Thìn - Long vĩ) khởi đầu chiến tranh, đến năm 1941 (đầu năm Tỵ - Xà đầu) Hitler tấn công Liên Xô (cũ). Qua cuối năm 1942, giữa năm 1943 (Mã đề dương cước) thì đến năm 1944 - 1945 (Thân Dậu niên lai kiến thái bình) mới qua khỏi nạn chiến tranh. Cục diện thứ hai là cuộc chiến tranh Iraq cũng xảy ra vào cuối năm Thìn (2000), đầu năm Tỵ (2001) rồi kéo dài đến hết năm Thân - Dậu mới ổn.
Tuy nhiên, qua bài viết này vẫn chưa thể giải mã hết những bí ẩn của điều gọi là "Sấm Trạng Trình". Thực tế, cho đến nay vẫn cần sự quan tâm của các nhà khoa học để giải đáp. Cuối cùng, những lời sấm của nhà tiên tri số 1 Việt Nam cũng vẫn quay trở về với ý nghĩa sâu xa như ngay trong lời cảm đề ông đã viết: "Bí truyền cho con cháu - Dành hậu thế xem chơi", mọi ý nghĩa sâu xa hơn vẫn là một câu hỏi lớn.
Nhà tiên tri số 1
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, đời vua Lê Thánh Tông (tức năm Hồng Đức thứ 22 - năm 1491) tại làng Trung Anh, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương - nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng. ông sinh trưởng trong một dòng tộc danh gia. Cha ông là Thái Bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định, mẹ là bà Nhữ Thị Thục, tinh thông lý số, là con gái của quan Thượng thư Nhữ Văn Lân. Cụ Trạng mất năm ất Dậu (1585) hưởng thọ 94 tuổi. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được dân gian truyền tụng và suy tôn là nhà tiên tri số 1 của Việt Nam. Người Trung Hoa thì coi ông là "An Nam lý số hữu Trình tuyền".
|
TRẦN PHƯƠNG
Tuyệt vời
Trả lờiXóaThần số học số 3
Thần số học số 2
Thần số học số 4
Thần số học số 5