Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Đức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC


Đức Hộ Pháp
PHẠM CÔNG TẮC
(1890-1959)


         Ngài Phạm công Tắc sanh ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch năm Canh Dần (dl 21-6-1890) tại làng Bình Lập, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An), nhưng song thân của Ngài quê quán tại làng An Hòa, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. 
         Thân phụ của Ngài là Ông Phạm công Thiện và Thân mẫu là Bà La thị Đường. 
         Đức Chí Tôn tiết lộ cho biết, Ông Phạm công Thiện là Chơn linh của Ngân Hà Công Bộ nơi Thiên Đình giáng trần. 
         Ông Phạm công Thiện làm công chức dưới thời Pháp thuộc, khi đổi đến Tân An làm việc thì đem gia đình theo, và ở đó sanh ra Ngài Phạm công Tắc. 
         Ngài Phạm công Tắc có tất cả 8 anh chị em ruột, mà Ngài là thứ 8, còn một người em gái út thứ 9, như vậy Ngài là Áp Út trong gia đình. 
         Gia đình Ngài đều theo Đạo Công giáo. 
         Ông Phạm công Thiện, tuy là một công chức nhưng Ông rất thanh liêm, lòng hâm mộ đạo đức, luôn luôn chủ trương "Dĩ đức vi trọng", nên thường tham gia chống áp bức và bất công một cách tích cực. Do đó, giới đồng liêu không ưa ông, tìm cách đẩy ông đi xa, và cuối cùng ông phải nghỉ việc, đưa gia đình trở về quê quán là làng An Hòa, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, để làm ăn sinh sống. 
         Năm 1902, Ông Phạm công Thiện mất, lúc đó Ngài Phạm công Tắc mới được 13 tuổi. Thuở nhỏ, Ngài Phạm công Tắc được cha mẹ cho theo học chữ Nho tại trường làng, sau đó mới đổi qua Tây học, và học bậc Trung học tại trường Chasseloup Laubat Sài gòn. Gia đình lúc đó gặp cảnh khó khăn sa sút, nên Ngài rấp tâm học tập để thi đậu ra làm việc kiếm nhiều tiền phụ giúp gia đình. 
         Năm 1907, Ngài thi đậu bằng Thành Chung. 
         Trong thời gian đi học, Ngài có tham gia phong trào Đông Du (1904-1907) do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở Nhựt Bổn lãnh đạo, có 2 nhà cách mạng Phan bội Châu và Phan châu Trinh giúp sức. Ngài Phạm công Tắc có tên trong danh sách các thanh niên đi du học ở Nhựt, chỉ chờ ngày đưa đi. Nhưng Mật thám Pháp khám phá được phong trào nầy, chúng đến xét nhà Ông Trần chánh Chiếu (Gilbert Chiếu) là người đại diện phong trào Đông Du ở Sài gòn, và xét cơ sở Minh Tân Công Nghệ của Ông Lương khắc Ninh, để tìm danh sách và tổ chức phong trào Đông Du, nhưng Ông Ninh lanh tay thiêu hủy tất cả hồ sơ để phi tang, nên bọn Mật thám Pháp không có bằng cớ để bắt bớ. Tuy nhiên chúng vẫn theo dõi rất gắt gao, nên phong trào Đông Du không thể hoạt động được. 
         Ngài Phạm công Tắc tạm gác lại mộng Đông Du, quyết định xin đi làm việc để có tiền nuôi mẹ và phụ giúp gia đình. Ngài có thuật lại quãng đời nầy của Ngài trong một bài thuyết đạo: 
          " Bần đạo hiện ở tại Tây Ninh, thiên hạ còn nhớ, buổi ấy không biết gì hết, duy có biết thương mẹ mà thôi, thêm đứa em gái tới lúc định gả chồng, không còn ở chung nữa. 
         Lúc ấy Bần đạo đã thi đậu, nên ra làm việc với hãng buôn, ăn lương lớn lắm, mà sợ không biết nuôi mẹ được không, lại bị người anh rể nói : Em làm việc ở hãng buôn không có danh dự gì hết. Nghe lời nên xin vô sở nhà nước, làm việc mỗi tháng lương bảy tám chục đồng, là nhiều lắm, ăn xài không hết, còn dư đôi ba chục bạc để nuôi mẹ." 
          Do đó, Ngài xin làm việc ở Sở Thương chánh Saigòn. 
         Năm 21 tuổi, Ngài vâng lịnh mẫu thân lập gia đình với Bà Nguyễn thị Nhiều, sanh đặng 3 người con, nuôi được 2 người con gái là : Cô ba Phạm hồ Cầm và Cô tư Phạm tần Tranh. (Bà Nguyễn thị Nhiều, thường gọi là Bà Tám, vì Đức Phạm Hộ Pháp thứ 8, sau đắc phong lên tới phẩm Chánh Phối Sư, Thánh danh Hương Nhiều, làm Chưởng quản Phước Thiện Nữ phái; Cô tư Phạm tần Tranh, sau cũng được thăng lên phẩm Nữ Phối Sư, Thánh danh Hương Tranh; còn Cô Ba Phạm hồ Cầm thì không có cầu phong hành đạo). 
         Năm 1912, thân mẫu của Ngài Phạm công Tắc qui liễu, lúc đó Ngài được 22 tuổi. Một nỗi đau đớn vô cùng tận đối với Ngài. Sau nầy, Ngài có thuật lại như sau : 
          " Năm Bần đạo 22 tuổi, đau đớn biết bao nhiêu, chỉ biết có một điều là lo lập thân danh đặng nuôi mẹ, lập thân danh để bảo trọng anh em, đến chừng thành danh rồi khổ đáo để, cha mẹ đã khuất hết, dầu thương bao nhiêu cũng không còn, lại bị ác nữa là vợ con gia đình sanh đẻ mãi, đâu có lo ngoài được nữa, khởi thống khổ tâm hồn, tới chừng cao sang sung suớng, ngó lụng lại không thấy cha mẹ, vì cha mẹ đã chết hết, thôi mình đeo theo anh em, em chết nữa, lần lượt bao nhiêu người thân ái đều chết hết, bao nhiêu cái thương nồng nàn chỉ để nơi một người anh rể, thương hơn anh ruột nữa; có một người em gái thứ 9, đó là người bạn thân mến trong kiếp sanh của Bần đạo, mà đã qui liễu rồi, tới chừng ấy, tâm hồn ngơ ngẩn, xác thịt bơ thờ, đi ra ngoài đồng ngó ngọn cỏ, con chim, nó cũng nhắc, nghe tiếng hát của mấy em cấy lúa, nghe tiếng hò của người chèo ghe, cũng nhắc tới nỗi đau thương. Từ ngày ấy, không biết buổi nào được vui, chỉ muốn đi tu, muốn tìm cảnh tu, cho đến từng tuổi nầy, đáo để tâm hồn quá lẽ." 
         Buồn phiền về việc tử biệt sanh ly, Ngài chán nãn sự đời, nên để tâm nghiên cứu Thần Linh Học và tìm cách liên lạc với các vong linh của thế giới vô hình. 
         Vào lối tháng 6 năm 1925, sau khi luận đàm với các bạn trí thức đương thời, cũng là bạn đờn ca tài tử, có một ông cho biết hiện giờ ở Nam Vang, có nhiều trí thức chơi xây bàn để mời các vong linh người quá vãng về nói chuyện, ông cũng nói rõ là dùng cái bàn 3 chân và cách giao tiếp với vong linh. 
          Thế là đúng với ý hướng của Ngài, nên Ngài bàn với quí Ông : Cao quỳnh Cư, Cao hoài Sang, hiệp nhau thử thực hành việc xây bàn coi kết quả thế nào. 
         Vào hạ tuần tháng 7 năm 1925, quí Ông : Cao quỳnh Diêu, Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc, và vài người trong gia đình, tụ lại nhà Ông Cao hoài Sang, thử nghiệm việc Xây bàn. Đêm đầu tiên, Xây bàn không kết quả. Đêm thứ nhì tiếp tục Xây bàn thử nghiệm nữa, thì được kết quả hoàn toàn. 
         (Trong công cuộc Xây bàn nầy Ông Cao quỳnh Cư đóng vai chủ động. Tiếp theo là thời kỳ Phò Ngọc Cơ tại nhà Ông Cư với Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung cũng tại nhà Ông Cư, rồi Vọng Thiên Cầu Đạo, cũng tại nhà Ông Cư ở 134 đường Bourdais Sài gòn, Ông Cư chủ động và tổ chức tại nhà Ông Cư, cho nên các việc xảy ra trong giai đoạn nầy, xin độc giả xem : I, II, III, trong Tiểu Sử của Đức Thượng Phẩm Cao quỳnh Cư, ở phía sau thì hiểu rõ các việc của 4 Ông : Cư, Tắc, Sang và Diêu.)

         

    1. Đức Chí Tôn độ Ông Lê văn Trung.

         Đầu năm dương lịch, ngày mùng 5-12-Ất Sửu (dl 18-1-1926), Đức Chí Tôn giáng cơ dạy 2 Ông Cao quỳnh Cư và Phạm công Tắc đi vô nhà ông Lê văn Trung, Cựu Nghị viên Hội Đồng Thượng Nghị Viện Đông Dương để Đức Chí Tôn dạy việc. 
         Hai Ông Cư và Tắc rất lấy làm bỡ ngỡ, vì từ trước đến giờ không quen biết Ông Trung, nhưng Đức Chí Tôn dạy thì phải vâng lời. Hai Ông ôm Ngọc cơ đem theo, rồi đi vào Chợ Lớn, tìm nhà và vào gặp Ông Trung, trình bày đầu đuôi sự việc, Ông Trung rất vui vẻ và hoan nghinh, lật đật sắm sửa thiết đàn cầu Đức Chí Tôn. 
         Hai Ông Cư và Tắc phò Ngọc cơ, Đức Chí Tôn liền giáng, dạy Ông Trung lo tu hành. 
          Đức Chí Tôn lại phân rằng : Ngài đã sai Lý Thái Bạch dìu dắt Ông Trung nơi đàn Chợ Gạo lâu rồi. 
         Ngài dạy tiếp: 
         " Trung, nhứt tâm nghe con ! Sống cũng nơi Thầy, thành cũng nơi Thầy, mà đọa cũng nơi Thầy. Con lấy sự sáng của con mà suy lấy. (Ông Trung bị lòa 2 mắt, Đức Chí Tôn dùng huyền diệu làm cho 2 mắt của Ông sáng trở lại).


        Một Trời một Đất một nhà riêng, 

        Dạy dỗ nhơn sanh đặng dạ hiền. 

        Cầm mối Thiên thơ lo cứu chúng, 

        Đạo người vẹn vẻ mới thành Tiên. 
         Từ đây, Ông Trung vâng theo Thánh ý, thu xếp việc nhà, một dạ xả thân hành Đạo. " (Theo Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu). 
         

    2. Đức Chí Tôn kêu liên hiệp với Ông Ngô văn Chiêu.

         Cách ít ngày sau, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy quí Ông : Lê văn Trung, Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc, Cao hoài Sang, Nguyễn trung Hậu, Trương hữu Đức, phải hiệp với Ông Đốc Phủ Ngô văn Chiêu mà lo mở Đạo. Đức Chí Tôn còn dặn rằng : Mỗi việc chi đều phải do nơi Ông Chiêu là Anh Cả. 
         Đêm 30 tháng Chạp năm Ất Sửu (dl 12-2-1926), tức là đêm Giao thừa bước qua mùng 1 Tết Bính Dần, Đức Chí Tôn dạy quí Ông đến thăm từng nhà, thăm mỗi môn đệ (lúc đó có được 13 môn đệ có tên trong Bài Thi tứ tuyệt của Đức Chí Tôn : Chiêu Kỳ Trung..), đem Ngọc cơ theo để cầu Thầy. Khi phái đoàn đến nhà Ông Tắc, Đức Chí Tôn giáng cho 4 câu thi, mà sau nầy Đức Phạm Hộ Pháp thuật lại như sau:
          "Bần đạo nhớ lại hồi ban sơ mới Khai Đạo, thật ra Bần đạo không có đức tin gì hết, không có đức tin đến nước Đại Từ Phụ tức cười. Ngài đến nhà Bần đạo cuối năm Ất Sửu, dạy cả mấy anh lớn ngày nay là Chức sắc của Đạo, đi đến mọi nhà, thật ra Đức Chí Tôn đến thăm viếng mọi con cái của Ngài. Bần đạo không có đức tin gì hết, nghe nói Tiên giáng thi, theo nghe thi chơi, làm cho Đại Từ Phụ phải tức cười. Ngài cho bài thi ai nấy cũng tốt, duy có bài thi cho Bần đạo thì rất dị hợm, như vầy: 
      Ngao ngáo không phân lẽ thiệt không, 
      Thấy thằng áp út quá buồn lòng. 
      Muốn giàu Thầy hứa đem cho của, 
      Cái của cái công phải trả đồng. 
         Đại Từ Phụ còn thêm hai chữ : Nghe con ! " 
          (Thằng Áp út là Đức Chí Tôn gọi Ông Phạm công Tắc, vì Ông là con trai Áp út trong gia đình). 
         

    3. Thiên phong Hộ Pháp :

         * Đêm 11 rạng 12 tháng 3 âl năm Bính Dần (dl 22/23-4-1926), tại chùa Vĩnh Nguyên Tự ở Cần Giuộc, Đức Chí Tôn sắp đặt cuộc Thiên phong quí Ngài : 
         - Lê văn Trung, Thiên phong Đầu Sư Thượng Trung Nhựt. 
         - Lê văn Lịch, Thiên phong Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt. 
         - Trục Chơn thần của Ngài Phạm công Tắc. 
         TNHT. I. 16 : " Cư, nghe dặn : Con biểu Tắc tắm rửa sạch sẽ (xông hương cho nó), biểu nó lựa một bộ quần áo tây cho sạch sẽ, ăn mặc như thường, đội nón. . . . 
         Cười . . . Đáng lẽ nó phải sắm khôi giáp như hát bội, mà mắc nó nghèo, Thầy không biểu. 
         Bắt nó lên đứng trên, ngó mặt vô ngay ngôi Giáo Tông, lấy 9 tấc vải điều đắp mặt nó lại. 
         Lịch viết một lá phù (Giáng Ma Xử ) đưa cho nó cầm." 
         . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
          " Biểu Tắc leo lên bàn, con chấp bút bằng nhang, đến bàn Ngũ Lôi đặng Thầy triệu nó đến, rồi mới tới trước mặt Tắc, đặng Thầy trục xuất Chơn thần nó ra, nhớ biểu Hậu, Đức, xông hương tay của chúng nó, như em có giựt mình té thì đỡ." 
         * Đêm 14 rạng 15 tháng 3 năm Bính Dần (dl 25/26-4-1926), Đức Chí Tôn phong : (TNHT. I. 19) 
         - Cư, phong vi Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ. 
         - Tắc, phong vi Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ. 
         * Ngày 18-5-Bính Dần (dl 27-6-1926), Đức Chí Tôn dạy về Nhạc và Lễ nơi Thánh Thất, có đoạn như sau : 
         TNHT. I. 25 : " Mấy đứa con là : Nghĩa, Hậu, Đức, Tràng, Cư, Tắc, Sang, đều mặc đồ trắng, hầu theo thứ lớp như vầy : Nghĩa, Đức đứng ngoài, là tại Bàn Thờ Hộ Pháp, rồi Hậu, Tràng đứng cặp kế đó, kế 3 con sau rốt hết : Tắc giữa, Cư mặt, Sang trái." 
         * Ngày 16-6-Bính Dần (dl 25-7-1926), Đức Chí Tôn giáng khen Thiên phục của Ngài Phạm công Tắc: 
         TNHT. I. 32 : " Cười ! Tắc, con coi mặc Thiên phục có xấu gì đâu con ? Một ngày kia, sắc phục ấy đời sẽ coi quí trọng lắm ! Con ôi ! Con có biết những điều ấy bao giờ !"
         Qua các phần Thánh giáo của Đức Chí Tôn vừa trình bày trên, trích trong TNHT, chúng ta thấy không có ngày Thiên phong chánh thức cho 3 vị : Phạm công Tắc, Cao quỳnh Cư, Cao hoài Sang vào 3 chức vụ quan trọng nhất của HTĐ là : Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, mà chỉ thấy kết quả của việc Thiên phong ấy, như về vị trí đứng hành lễ chầu Đức Chí Tôn, Thiên phục. 
         Đặc biệt là chỉ có Ngài Phạm công Tắc là được Đức Chí Tôn trục Chơn Thần. Việc trục Chơn Thần nầy là để Đức Chí Tôn làm cho Chơn Thần Ngài Phạm công Tắc được thanh khiết và huyền diệu, để hiệp nhứt với Chơn thần của Ngự Mã Thiên Quân. Cho nên chỉ có Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc là được giáng linh trọn vẹn, còn quí vị khác chỉ là chiết chơn linh giáng trần. (Xem thêm mục 19 : Nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp). 

         

    4. Phò loan Phong Thánh :

         Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc và Đức Thượng Phẩm Cao quỳnh Cư được Đức Chí Tôn chỉ định làm cặp Phò loan Phong Thánh, để Đức Chí Tôn và Đức Đại Tiên Lý Thái Bạch phong thưởng các phẩm Chức sắc lập thành Hội Thánh. 
         Nhờ cặp Phò loan Phong Thánh nầy, Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền cho CTĐ Nam phái, rồi giao cho Đức Lý lập Pháp Chánh Truyền cho CTĐ Nữ phái. Kế đó, Đức Chí Tôn lập Tịch Đạo cho Nam phái và cho Nữ phái. 
         Đức Chí Tôn phong các phẩm Chức sắc CTĐ : Chưởng Pháp 3 vị, Đầu Sư 3 vị, Chánh Phối Sư 3 vị, nhiều vị Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu và Lễ Sanh, cả Nam phái và Nữ phái. 
         Cũng do cặp Phò loan Phong Thánh nầy, Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, phong Thập nhị Thời Quân, và một vài vị Bảo Quân trong Thập nhị Bảo Quân, cơ quan Hàn Lâm Viện của Đạo Cao Đài. 
         Như vậy, Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền là để tạo thành Hiến Pháp, làm căn bản tổ chức Giáo Hội của Đạo Cao Đài. 
         Nhờ cặp Phò loan Phong Thánh nầy, Đức Chí Tôn giáng dạy Đạo lý, lập thành một hệ thống Giáo lý và Triết lý mới mẻ và đầy đủ, phô diễn được Chơn lý Hằng hữu bất biến của Càn khôn, dung hợp và bao quát được các giáo lý và triết lý của các nền tôn giáo đã có từ trước đến nay. 
         Khi Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên ngày 1-3-Kỷ Tỵ (1929), cặp Phò loan Phong Thánh không toàn vẹn nữa. Lúc đó, khi có Phong Thánh hay lập Đạo Nghị Định thì Ngài Tiếp Đạo Cao đức Trọng thay thế Đức Cao Thượng Phẩm, ngồi Phò loan với Đức Phạm Hộ Pháp, nhưng luôn luôn có Đức Cao Thượng Phẩm đến trợ điễn cho Cao Tiếp Đạo nâng loan. 
         

    5. Lập Hội Thánh Ngoại Giáo (1927) :

         Khi Đức Chí Tôn ra lịnh tổ chức Lễ Khai Đạo ngày 15-10-Bính Dần (1926) tại Thánh Thất tạm là Chùa Từ Lâm Tự, Gò Kén Tây Ninh, thì Đức Phạm Hộ Pháp xin tạm nghỉ làm việc 6 tháng ở Sở Thương Chánh Sài gòn, để hợp lực với Hội Thánh lo việc Khai Đạo. 
         Sau khi mãn phép, Đức Phạm Hộ Pháp bạch hỏi ý kiến của Đức Chí Tôn, có nên xin nghỉ việc luôn để hành đạo hay không, thì Đức Chí Tôn giáng trả lời là chưa phải lúc cần thiết, cứ đi làm việc trở lại, sẽ có chuyện hay. 
         Thế là Đức Phạm Hộ Pháp trở lại làm việc ở Sở Thương Chánh Sài gòn. Chánh quyền Pháp không muốn để Đức Phạm Hộ Pháp làm việc ở Sài gòn, sợ Ngài hoạt động mạnh mẽ cho Đạo Cao Đài, nên họ đổi Ngài lên làm việc ở Nam Vang, thủ đô nước Cao Miên. 
         Đức Hộ Pháp lợi dụng hoàn cảnh mới nầy để mở Đạo tại Kim Biên Nam Vang, xây dựng cơ sở Đạo đầu tiên, để dần dần thành lập Hội Thánh Ngoại Giáo tại Nam Vang. 
         Đức Phạm Hộ Pháp có thuật lại trong bài thuyết đạo : 
          " Riêng Bần đạo là công chức, khi vâng lịnh Đức Chí Tôn đến Chùa Gò Kén mở Đạo, Bần đạo có xin phép nghỉ 6 tháng, đến chừng trở lại làm việc, người ta đổi Bần đạo lên Kim Biên. Nơi đó, Bần đạo vừa làm việc vừa lo mở Đạo. . ." 
         Đàn cơ ngày 27-7-1927 (âl 29-6-Đinh Mão) tại Kim Biên, Đ. Chí Tôn ân phong các vị sau đây vào hàng Chức sắc: 
         - Giáo Hữu : Thượng Bảy Thanh (Lê văn Bảy). 
         - Giáo Hữu : Thượng Lắm Thanh (Nguyễn văn Lắm). 
         - Giáo Hữu : Ngọc Sự Thanh (Võ văn Sự). 
         - Lễ Sanh : Thượng Chữ Thanh (Đặng trung Chữ). 
         - Lễ Sanh : Thượng Vinh Thanh (Trần quang Vinh). 
         - Lễ Sanh : Thái Của Thanh (Phạm kim Của). 
         - Nữ Giáo Hữu : Hương Phụng (Bà Batrya Trần kim Phụng). 
         - Nữ Giáo Hữu : Hương Huê (Vợ của Ông Lê văn Bảy). 
         - Tiếp Đạo HTĐ : Cao đức Trọng.
         Nhờ số Chức sắc đầu tiên nầy, Đức Phạm Hộ Pháp thành lập được CƠ QUAN TRUYỀN GIÁO HẢI NGOAÏI, thường gọi là HỘI THÁNH NGOAÏI GIÁO tại Kim Biên Nam Vang, có nhiệm vụ phổ độ nhơn sanh Ngoại quốc tại đây gồm : Việt kiều, Hoa kiều, người Pháp và người Cao Miên. 
         Giáo Hữu Thượng Bảy Thanh được cử làm Chủ Trưởng Hội Thánh Ngiại Giáo. 
         Hội Thánh Ngoại Giáo được đặt dưới quyền điều khiển thiêng liêng của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo) với Chức vụ : Chưởng Đạo, do Đức Chí Tôn phong, và dưới sự bảo trợ hữu hình của Đức Phạm Hộ Pháp. 

         

    6. Lấy Long Tuyền Kiếm (1930) :

         Nước Tàu có số dân vĩ đại, nhưng lúc nào cũng lo sợ nước VN hùng mạnh. Cho nên các thầy địa lý của Tàu luôn luôn tìm cách ếm vào các cuộc đất tốt có linh khí kết phát nhân tài của VN để VN không sản xuất được người tài giỏi tranh đua với họ. Cũng như khi xưa, sau khi Mã Viện đánh thắng Hai Bà Trưng, ông ta dựng cây cột đồng có ghi hàng chữ : "Đồng trụ chiết Giao chỉ diệt" là để ếm vào long mạch kết phát nhân tài của nước ta. 
         Khoảng năm 1914, bắt đầu cuộc Thế giới Đại chiến lần thứ I, một người Tàu Triều Châu độ 65 tuổi len lỏi qua VN, đến làng Phú Mỹ quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, dùng cây kiếm báu Long Tuyền, ếm vào đỉnh của hòn núi đất vàng sắp nổi lên, mà sau nầy người Tàu biết là nơi đây, linh khí núi sông sẽ sản xuất nhân tài VN; khi có nhân tài xuất hiện thì cây kiếm báu nầy sẽ giết chết lúc còn trẻ. Đó là lời thuật lại của các bô lão hiểu biết ở vùng nầy. 
         Khi Đức Chí Tôn chọn Miền Nam VN làm nơi khai sáng mối Đạo của Đức Chí Tôn, thì Đức Chí Tôn ân xá cho dân tộc VN khỏi các tai ách lớn. Do đó, Bát Nương DTC mách cho Đức Phạm Hộ Pháp biết để đi xuống làng Phú Mỹ lấy Long Tuyền Kiếm, phá phép ếm của người Tàu. 
         Ngày 28-3-Canh Ngọ (dl 26-4-1930), Đức Phạm Hộ Pháp dẫn một phái đoàn gồm có Ông Lê văn Trung (CQPT) và Ông Đinh công Trứ, cùng với một số ít tín đồ vùng đó, từ Thánh Thất Khổ Hiền Trang, đi xuồng vào chỗ ếm, có Lỗ Ban Sư chỉ dẫn, đào lấy được Long Tuyền Kiếm, khi lấy kiếm lên, nước trong long mạch phun ra, Đức Phạm Hộ Pháp liền cho đào một con kinh đi qua chỗ ếm để nước trong long mạch chảy ra hòa vào các con sông, phá hẳn phép ếm độc hại của thầy địa lý người Tàu, mà còn làm cho dân tộc VN hưởng được nhiều phước lộc. 
         Đức Phạm Hộ Pháp nói : " Ngày nay là ngày kỷ niệm giống dân Lạc Hồng được hưởng Đạo Trời khai, sẽ gỡ ách cho dân tộc và sẽ cổi ách nô lệ, dòng dõi tổ phụ sẽ phục nghiệp, dân tộc sẽ xuất hiện nhiều nhân tài, phá tan xiềng xích, chẳng còn lệ thuộc một sắc dân nào." 
         

    7. Đức Phạm Hộ Pháp và Đức Lý Giáo Tông
    lậïp Bát Đạo Nghị Định :

         - Ngày mùng 3-10-Canh Ngọ (dl 2-11-1930), Đức Lý Giáo Tông giáng cơ yêu cầu Đức Phạm Hộ Pháp hiệp với Ngài lập thành 6 Đạo Nghị Định để chỉnh đốn nền Đạo, phân lập quyền hành giữa các chức vụ lãnh đạo cao cấp của CTĐ và HTĐ. 
         Trong Đạo Nghị Định thứ nhì, Đức Lý Giáo Tông giao cho Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt quyền Giáo Tông Hữu hình tại thế để điều hành nền Đạo cho được mau lẹ dễ dàng. 
         - Ngày 16-7-Giáp Tuất (dl 25-8-1934), tức là gần 4 năm sau ngày ban hành 6 Đạo Nghị Định trước, Đức Lý Giáo Tông lại hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp, lập Đạo Nghị Định thứ 7 và thứ 8, để trị loạn trong nền Đạo, ngăn cấm việc lập Chi phái và không cho các Chi phái về Tòa Thánh phá Đạo. 
         Nhờ Bát Đạo Nghị Định nầy mà nền Đạo Cao Đài tại Tòa Thánh Tây Ninh dần dần đi vào trật tự, ổn định và phát triển. 
         

    8. Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài.

         Đức Quyền Giáo Tông qui Thiên ngày 13-10-Giáp Tuất (dl 19-11-1934), có di chúc giao quyền Giáo Tông Hữu hình tại thế cho Đức Phạm Hộ Pháp. Lúc đó có rất nhiều sự kiện rối ren xảy ra trong nền Đạo, bên trong nội bộ của Đạo thì chia rẽ trầm trọng, bên ngoài thì nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách áp đảo. 
         Hội Thánh gấp rút triệu tập Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh để tìm phương củng cố nền Đạo. 
         Ngày 6-11-Giáp Tuất (dl 12-12-1934), Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh yêu cầu Đức Phạm Hộ Pháp nắm quyền Chưởng quản CTĐ cho đến ngày có đủ 3 vị Đầu Sư để sớm chỉnh đốn nền Đạo. 
         Kể từ ngày ấy, Đức Phạm Hộ Pháp nắm quyền Thống nhứt, Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài : HTĐ và CTĐ. Nhờ quyền thống nhứt và rộng rãi nầy, Đức Phạm Hộ Pháp lèo lái con thuyền Đạo từ từ qua khỏi cơn sóng gió và phát triển thêm lên vượt bực. 
         Việc Đức Phạm Hộ Pháp nắm quyền Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài là do các Đấng nơi Ngọc Hư Cung ở cõi thiêng liêng quyết định. Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh nơi cõi trần là để hợp thức hóa quyết định chuyển pháp của Ngọc Hư Cung mà thôi. 
         Lục Nương DTC giáng cơ nói về việc nầy như sau :
         TNHT. II. 87 : LỤC NƯƠNG DTC. 
         Em chào mấy anh. Em đương ở Ngự Quan Cung, Bát Nương đến cho hay rằng mấy anh đương ngưỡng nghĩa, nên vội vã đến hầu. 
         Khi mơi nầy, Em đặng tin lành : Ngọc Hư Cung lo chuyển pháp. Cả Thiên Thơ hủy phá, sửa cải Pháp Chơn truyền. Chư Thần Thánh Tiên Phật vui mừng chẳng xiết, Diêu Trì Từ Mẫu đẹp dạ không cùng, nhưng vì cái mừng ấy mà làm cho Người đổ lụy, ngâm bài thi nầy:

      Vú Mẹ chưa lìa đám trẻ con, 
      Độ sanh chưa rõ phận vuông tròn. 
      Quyền cao Ngự Mã là vinh bấy, 
      Phận mỏng Hiệp Thiên biết giữ còn. 
      Lợt điểm Thánh tâm trần tục khảo, 
      Vẻ tươi bợn thế nét dò đon. 
      Thà xưa ví bẵng nay gìn vậy, 
      Lòng Mẹ ngại ngùng, con hỡi con ! 
         Nhị Ca ôi ! Bài thi làm cho cả Cung Diêu Trì đều đổ lụy. Mấy anh nên lấy nó làm phép hằng tâm thì bước vinh diệu thiêng liêng không lạc nẻo."
         Chú Thích : 
         - Ngự Mã : Ngự Mã Thiên Quân, chơn linh của Đức Phạm Hộ Pháp. 
         - Hiệp Thiên : Hiệp Thiên Đài. 
         - Nhị Ca : Lục Nương gọi Đức Phạm Hộ Pháp là Nhị Ca, bắt chước theo Thất Nương.

         Trong TNHT, phần Thi Văn, có một bài thi khác, các Đấng cho biết Thiên thơ sửa đổi, bởi vì các Chức sắc lãnh đạo CTĐ không có phương cách trị an trong Đạo, nên phải chuyển qua cho HTĐ cầm quyền điều khiển nền Đạo.
           TNHT. II. 124 : 
      Bắt ấn trừ yêu đã tới kỳ, 
      Ngọc Hư định sửa mối Thiên thi. 
      Cửu Trùng không kế an thiên hạ, 
      Phải để Hiệp Thiên đứng trị vì. 
      Thành pháp dìu đời qua nẻo khổ, 
      Nên công giúp thế lánh cơn nguy. 
      Quyền hành từ đấy về tay nắm, 
      Phải sửa cho nên đáng thế thì. 
         Ngày 18-10-Ất Hợi (dl 13-11-1935), Đức Lý Giáo Tông có giáng cơ tại Hộ Pháp Đường nói chuyện với Đức Phạm Hộ Pháp, xin trích ra một đoạn :
         TNHT. II. 97 : " - Cười ! Lão chẳng nói rõ, Hiền Hữu cũng thấy hiển nhiên rằng từ thử, thảng Lão có muốn nên cho Đạo đi nữa thì cũng không thi thố chi đặng với một Hội Thánh hữu danh vô thực như vậy có phải ? May thay ! Thiên thơ do một mặt chẳng chi dời đổi trở ngăn, nên may ra nữa, từ đây Lão có phương cầm quyền trị thế. 
         Hộ Pháp bạch: - Thiên thơ đã đổi, đệ tử xin giao quyền hành của Quyền Giáo Tông lại cho Ngài đặng Ngài đủ oai cầm Thiên thơ vững chặt. 
         - Cười ! Lão e cho, một là Lão đã cho, không lẽ lấy lại; hai là hành pháp thì dễ, hành hình thì khó, không có nửa quyền trị thế của Lão nơi tay thì Hộ Pháp có thế nào điều hành Hội Thánh cho đặng. Ấy vậy, cứ để y. 
         Nghe thi nầy và kiếm hiểu: 

      Bát Nhã từ đây vững lái thuyền, 
      Tuông pha khổ hải độ nhơn duyên. 
      Gay chèo thoát khổ đầy linh cảm, 
      Rạch nước trừ an đủ diệu huyền, 
      Thổi thẳng cánh buồm thì Lão thủ, 
      Nâng an lòng bản cậy Thần Tiên. 
      Phong ba mấy độ đa ø qua khỏi, 
      Ném thử Giáng Ma đóng Cửu Tuyền. "
         Một bài Thánh giáo khác của Đức Lý Giáo Tông nói thêm về việc : Tại sao Đức Lý Giáo Tông giao quyền Giáo Tông Hữu hình cho Đức Phạm Hộ Pháp nắm giữ:
         Phò loan : Hộ Pháp Tiếp Đạo. 
         Tòa Thánh, 1-12-Quí Tỵ (dl 5-1-1954). 
         

    LÝ GIÁO TÔNG
         . . . . . . . . . . 
         - Hiền Hữu có nghĩ tại sao Lão phải dâng quyền Giáo Tông cho Hiền Hữu đặng trọn quyền Chí Tôn Hữu hình tại thế chăng? 
         Hộ Pháp bạch: - Xin Ngài dạy rõ. 
         - Thì cũng do lòng từ bi vô tận của Đại Từ Phụ. Người sợ oai của Lão khi cầm quyền thiêng liêng mối Đạo quá chấp nê phàm tánh, không dung thứ tội tình cho con cái của Người, nên giao cho Hiền Hữu là bạn đồng sanh, biết đau đớn, biết khổ cực với mảnh thi phàm, mà rộng dung cho họ. Cười . . 
         Quyền Chí Tôn trong tay Hiền Hữu thì cứ tự dụng đặng định vị cho Thánh Thể của Người. Lão chẳng nên can thiệp vào đó. 
         Nầy Hiền Hữu, Lão nói thử, Hiền Hữu nghĩ coi có lẽ nào Lão cầm cơ thăng vị cho những người như : Kiên, Chấn, Thạch, Dược. 
         Cười . . . Hiền Hữu tự mình định liệu lấy, nếu cần, phò loan nơi Giáo Tông Đường, Lão sẽ đến bàn luận. Lão xin kiếu. THĂNG. 

         

    9. Cất Tòa Thánh và Báo Ân Từ :

         Thánh ý của Đức Chí Tôn muốn xây dựng tại Tây Ninh một ngôi Tòa Thánh khang trang để tạo thành khối Đức tin cho toàn tín đồ Đạo Cao Đài. (Thánh ngôn của Đức Chí Tôn : Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi). 
         Đức Lý Giáo Tông muốn xây dựng Tòa Thánh lớn lao thật nguy nga tráng lệ theo kiểu vở của Thiên đình, xứng đáng là Bạch Ngọc Kinh tại thế. Do đó, Đức Lý dạy đi mua đất, định hướng, vẽ kiểu và ra kích thước Tòa Thánh cho Hội Thánh theo đó mà xây dựng. 
         * Khởi đầu, vào tháng 10 năm Tân Mùi (1931), Ngài Thái Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh lãnh trách nhiệm khởi công cất Tòa Thánh, đào móng, làm Hầm Bát Quái. Sau đó, ngưng lại. 
         * Kế tiếp Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung, hiệp cùng Bà Nữ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh tiếp tục công trình xây dựng, nhưng không tiến triển được bao nhiêu. 
         * Tiếp theo nữa, Ngài Tiếp Thế Lê thế Vĩnh đứng ra vận động tiền bạc mua vật liệu để xây cất, có mướn Bác vật Phan hiếu Kinh làm Cố Vấn, khởi làm lầu HTĐ, đổ được plafond chút ít rồi cũng dừng lại, do nền Đạo lúc bấy giờ chinh nghiêng, nội bộ chia rẽ do chánh quyền Pháp xúi giục. 
         * Khi Đức Phạm Hộ Pháp nắm quyền Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài, Đức Ngài mới trù tính kế hoạch xây cất Tòa Thánh cho đạt kết quả thành công. 
         Đức Ngài huy động 500 vị hiến thân Phạm Môn làm lực lượng công thợ nồng cốt, để khởi công tiếp tục công trình tạo tác Tòa Thánh, vào ngày 1-11-Bính Tý (dl 14-12-1936). 
         Đức Ngài lại buộc các công quả công thợ phải lập hồng thệ : trong suốt thời gian xây cất Tòa Thánh, không được cưới vợ hay lấy chồng, đặng đủ tinh khiết mà tạo tác. 
         Đức Ngài chỉ thị cho các Châu Đạo và Tộc Đạo bên Hành Chánh và bên Phước Thiên, nổ lực lo tiền bạc, vật liệu và lương thực, gởi liên tục về Tòa Thánh để công cuộc xây dựng được liên tục mau chóng. 
         Đến ngày 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941), sau hơn 4 năm nổ lực làm việc, công việc xây dựng cơ bản đã xong, chỉ còn phần đắp tô, trang trí và sơn phết, thì một biến cố quan trọng xảy ra, chánh quyền Pháp vào Tòa Thánh bắt Đức Phạm Hộ Pháp và một số Chức sắc cao cấp đày đi hải đảo Madagascar, ở Phi Châu, chúng chiếm đóng Tòa Thánh làm chỗ để xe nhà binh, xua đuổi các công thợ và Chức sắc ra khỏi Nội Ô. 
         Ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946), tức là hơn 5 năm sau, qua bao nhiêu biến cố chánh trị, Chánh quyền Pháp bị bắt buộc phải đưa Đức Phạm Hộ Pháp trở về Tòa Thánh. 
         Ngay sau đó, Đức Phạm Hộ Pháp kêu gọi số công quả cất Tòa Thánh khi trước, trở lại tiếp tục công việc, gấp rút sửa chữa những chỗ hư hỏng do bọn lính Pháp gây ra, rồi lo đắp, vẽ, trang trí, cho đến cuối năm âm lịch cho hoàn thành. 
         Ngày 30 tháng Chạp năm Bính Tuất (dl 21-1-1947), Tòa Thánh được hoàn thành trong nỗi vui mừng của toàn cả Đạo Cao Đài. 
         Qua ngày mùng 3 Tết, tức là ngày 3-Giêng-Đinh Hợi, (dl 24-1-1947), Tổng Giám Lê văn Bàng, các Phó Tổng Giám, Tá Lý, đại diện các công thợ Nam Nữ xây cất Tòa Thánh làm lễ bàn giao Tòa Thánh cho Hội Thánh. 
         Ngày mùng 6-Giêng-Đinh Hợi (dl 27-1-1947), tức là 3 ngày sau khi giao lãnh Tòa Thánh, Đức Phạm Hộ Pháp thiết lễ Trấn Thần Tòa Thánh, và ngày mùng 8-Giêng-Đinh Hợi, làm lễ rước Quả Càn Khôn từ Báo Ân Từ trở về an vị nơi BQĐ Tòa Thánh để khuya hôm đó thiết Đại Lễ cúng Vía Đức Chí Tôn lần đầu tiên tại Tòa Thánh mới vừa xây cất xong. 
         Lễ Khánh Thành Tòa Thánh, mãi đến năm Ất Mùi, nhận dịp Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn, ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất Mùi (dl 01-02-1955), Đức Phạm Hộ Pháp mới tổ chức Lễ Khánh Thành Tòa Thánh, Báo Ân Từ và các Dinh thự trong Nội Ô. Đây là một cuộc lễ lớn lao và long trọng nhứt của Đạo Cao Đài từ trước tới nay tại Nội Ô Tòa Thánh. 
         Tòa Thánh là một công trình kiến trúc vĩ đại, tượng trưng Đạo Cao Đài và nền Văn minh Cao Đài, tất cả tín đồ Đạo Cao Đài đều rất hãnh diện, xứng đáng là Bạch Ngọc Kinh tại thế. 
         Năm 1952, Đức Phạm Hộ Pháp cho xây dựng Báo Ân Từ để tạm làm nơi thờ phựng Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương. Điện Thờ Phật Mẫu thiệt thọ sẽ được xây dựng sau nầy. Đức Phạm Hộ Pháp có dành sẵn một khu đất 4 mẫu ở Ngoại Ô Tòa Thánh, trên đường Bình Dương, tại Xóm Tà Mun, cách Tòa Thánh khoảng 1000 thước, để xây dựng Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương. Kiểu vở và kích thước của Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương sẽ được các Đấng giáng cơ vẽ ra cho biết khi khởi đầu thiết kế xây dựng. 
         Như vậy, Đức Phạm Hộ Pháp đã xây dựng thành công 2 Đền Thờ : 
         - Một là Tòa Thánh để thờ Đức Chí Tôn, tức là thờ Đấng Thượng Đế, Ngôi Dương. 
         - Hai là Báo Ân Từ để thờ Đức Phật Mẫu, tức là thờ Ngôi Âm của CKVT. 
         Đây là điểm đặc biệt và mới mẻ trong Giáo lý của Đạo Cao Đài, xứng đáng là một nền Tân Tôn giáo, và Đạo Cao Đài sẽ nương theo 2 thế lực mạnh mẽ Dương và Âm ấy của Càn Khôn mà phát triển để cứu độ chúng sanh trong thất ức niên (700.000 năm). 
         

    10. Lập các phẩm Chức sắc HTĐ dưới Thập nhị Thời Quân :

         Năm 1935, có nhiều vị Đạo hữu dày công cùng Đạo được đem vào Sổ Cầu Phong dâng lên Đức Lý Giáo Tông. Ngài phê : Để Hiệp Thiên Đài định vị. 
         Do đó, Đức Phạm Hộ Pháp cầu hỏi Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn. 
         Đêm 16-2-Ất Hợi (dl 20-3-1935), Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn góp ý cùng Đức Phạm Hộ Pháp, mở rộng trường Công quả bên HTĐ, lập ra 7 phẩm Chức sắc dưới Thập nhị Thời Quân, để làm nhân viên giúp cho chư vị Thời Quân hành quyền Tư Pháp của HTĐ. 
         7 phẩm Chức sắc đó là :
         1- Tiếp Dẫn Đạo Nhơn. 
         2-Chưởng Ấn. 
         3- Cải Trạng. 
         4- Giám Đạo. 
         5- Thừa Sử. 
         6- Truyền Trạng. 
         7- Sĩ Tải.

         Dưới phẩm Sĩ Tải, Đức Phạm Hộ Pháp muốn lập thêm một phẩm thứ 8 nữa là Luật Sự, đối phẩm với Chánh Trị Sự của CTĐ, nên Đức Phạm Hộ Pháp ký Sắc Lệnh số 34/SL ngày 23-5-Bính Tý (dl 11-7-1936) mở khoa thi tuyển chọn những người có khả năng vào phẩm Luật Sự. 
         

    10. Lập Phạm Môn và CQPT :

         Khởi đầu, Đức Lý Giáo Tông lập Minh Thiện Đàn tại nhà Ông Đinh công Trứ ở làng Phú Mỹ quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho ngày 15-7-Mậu Thìn (dl 29-8-1928). 
         Sau đó, ngày 25-2-Kỷ Tỵ (dl 4-4-1929), Đức Lý Giáo Tông giao Minh Thiện Đàn cho Đức Phạm Hộ Pháp để Ngài thành lập Phạm Môn, theo tinh thần của 4 Câu thi của Đức Chí Tôn ban cho :
      Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm Môn, 
      Khuyến tu hậu nhựt độ sanh hồn. 
      Vô lao bất phục hồi chơn mạng, 
      Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn. 
         Các cơ sở Lương điền Công nghệ của Phạm Môn được chánh thức khai mở vào cuối năm Canh Ngọ (1930) tại Tâm Lạch, xã Trường Hòa (Tây Ninh). 
         Đầu tháng Giêng năm Giáp Tuất (1934), sau khi ăn Tết xong, Đức Phạm Hộ Pháp ra lịnh triệu tập khẩn cấp tất cả các công quả Phạm Môn khỏe mạnh về giữ Tòa Thánh, chống lại lực lượng của Chi phái kéo về dùng bạo lực đánh chiếm Tòa Thánh. 
         Ngày 20-Giêng-Giáp Tuất (dl 5-3-1934), lực lượng Chi phái kéo về Tòa Thánh rất đông, bị các công quả Phạm Môn chận ngay tại các cổng vào Nội Ô, kiên quyết không cho vào Nội Ô chiếm Tòa Thánh, khiếm âm mưu của họ bị hoàn toàn thất bại. 
         Sau đó, nhà cầm quyền Pháp tìm cách bắt bớ các công quả Phạm Môn, và buộc Hội Thánh đóng cửa các cơ sở của Phạm Môn. 
         Năm Mậu Dần (1938), Đức Phạm Hộ Pháp chuyển Phạm Môn thành Cơ Quan Phước Thiện, trực thuộc Chi Đạo HTĐ, dưới quyền đặc biệt của Đức Phạm Hộ Pháp, do Đạo Nghị Định số 48/PT ngày 19-10-Mậu Dần (dl 10-12-1938) của Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên, qui định 12 phẩm cấp Chức sắc Phước Thiện gọi là Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, kể ra sau đây :

         1- Phật Tử. 
         2- Tiên Tử. 
         3- Thánh Nhơn. 
         4- Hiền Nhơn. 
         5- Chơn Nhơn. 
         6- Đạo Nhơn. 
         7- Chí Thiện 
         8- Giáo Thiện 
         9- Hành Thiện 
         10- Thính Thiện 
         11- Tân Dân 
         12-Minh Đức 

         Phước Thiện là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt, nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, và giúp tay cho CTĐ tận độ chúng sanh cho tròn trách nhiệm. 
         

    12. Đồ lưu Hải ngoại (1941-1946) :

         Từ năm 1940, đến tháng 5 năm 1941, nhà cầm quyền Pháp gây ra nhiều hình thức khủng bố các tín đồ và Chức sắc Đạo Cao Đài. Họ ra lịnh đóng cửa toàn bộ các Thánh Thất và các Nhà sở Phước Thiện. 
         - Ngày 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941), lính Mật Thám vào Tòa Thánh bắt Đức Phạm Hộ Pháp. 
         - Ngày 17-6-TânTỵ (dl 11-7-1941), lính Mật Thám lại vào Tòa Thánh bắt thêm 4 vị Chức sắc nữa là : Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh, Sĩ Tải Đỗ quang Hiển, và đồng thời ở Sài gòn, chúng đến bắt Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa. 
         - Ngày mùng 4-6 nhuần-Tân Tỵ (dl 27-7-1941), chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc lưu đày ở hải đảo Madagascar bên Phi Châu, trên chiếc tàu Compiège. 
         (Chúng ta lưu ý rằng, trong năm âm lịch Tân Tỵ có 2 tháng 6 : một tháng 6 trước và một tháng 6 nhuần. Ngày Đức Phạm Hộ Pháp bị bắt là ngày mùng 4 tháng 6 trước của năm Tân Tỵ; ngày Đức Phạm Hộ Pháp bị đưa đi đày là ngày mùng 4 tháng 6 nhuần năm Tân Tỵ, hai ngày ấy cách nhau 1 tháng). 
         Trong những năm tháng bị lưu đày khổ sở, Đức Phạm Hộ Pháp luôn luôn được các Đấng thiêng liêng che chở, thoát khỏi được nhiều tai nạn hiểm nghèo, mà người Pháp muốn dùng cách đó để gián tiếp giết chết Đức Phạm Hộ Pháp. 
         Khi Đức Ngài cầm một que nhỏ và tay kia khỏa cát cho bằng thì liền có một Đấng giáng bút để an ủi, và báo tin cho biết tình hình chuyển biến của thế giới và VN, và cũng có tiên tri như bài thi sau đây của Linh Sơn Thần Nữ núi Bà Đen, vâng lịnh Thất Nương đến thăm Đức Phạm Hộ Pháp :
      " Hòn đảo nầy đây trước nhốt tù, 
      Mà nay làm khám khảo Thầy tu. 
      Quả như oan nghiệt vay rồi trả, 
      Thì lũ Tây man Nhựt bổn trừ. " 
         - Ngày 25-7-Bính Tuất (dl 21-8-1946), Đức Phạm Hộ Pháp cùng 3 vị Chức sắc: Khai Pháp Trần duy Nghĩa, Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh (còn 2 vị kia là Giáo Sư Thái Gấm Thanh và Sĩ Tải Đỗ quang Hiển đã chết tại đảo, Sĩ Tải Hiển đắc vị Thánh ở Phi Châu) được chánh phủ Pháp đưa về VN trên chiếc tàu buôn tên là Ile de France, cặp bến Vũng Tàu, sau đó Pháp dùng máy bay đưa Đức Phạm Hộ Pháp về Sài gòn. 
         - Ngày mùng 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946), Chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp từ Sài gòn về Tòa Thánh. Hội Thánh và rất đông đảo tín đồ Cao Đài tổ chức lễ Nghinh Tiếp vô cùng trọng thể và cảm động đến rơi lệ. 
         Tính từ ngày Đức Phạm Hộ Pháp bị bắt 28-6-1941 theo dương lịch, đến ngày Đức Ngài trở về Tòa Thánh 30-8-1946, thì Đức Ngài xa Tổ Đình thời gian 5 năm 2 tháng 2 ngày; còn tính theo ngày âm lịch, từ ngày 4-6-Tân Tỵ đến 4-8-Bính Tuất, thì đúng 5 năm 2 tháng.

         

    13. Tái thủ quyền hành, củng cố nền Đạo :

         Khi Đức Phạm Hộ Pháp trở về Tòa Thánh thì Đức Ngài gặp phải nhiều việc khó khăn của Đạo mà Đức Ngài phải lo giải quyết gấp như sau đây : 
         - Sự hiện hữu của Quân đội Cao Đài do Giáo Sư Thượng Vinh Thanh (Trần quang Vinh) thành lập theo sự chỉ đạo của Đức Lý Giáo Tông, trong lúc Đức Ngài bị đồ lưu nơi Hải ngoại. 
         - Tòa Thánh còn đang dang dở ngổn ngang và hư hỏng vì việc xây dựng bị đình chỉ hơn 5 năm nay. 
         - Hội Thánh và các cơ quan của Đạo rã rời sau nhiều cuộc đàn áp và khủng bố của bạo quyền. 
         Đức Ngài không có thời gian để nghỉ ngơi sau những ngày lao khổ, liền bắt tay ngay vào việc huy động trở lại số công quả công thợ xây cất Tòa Thánh trước đây, gấp rút hoàn thành Tòa Thánh, cho có chỗ đẹp đẽ trang nghiêm cúng bái Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Sau gần 4 tháng tích cực làm ngày làm đêm của các công thợ, Tòa Thánh được hoàn thành, đắp vẽ đầy đủ, sơn phết trang trí rực rỡ. 
         Ngày mùng 6 tháng Giêng Tết Đinh Hợi (dl 27-1-1947), Đức Phạm Hộ Pháp làm lễ Trấn Thần Tòa Thánh. Kế đó, sáng ngày mùng 8 tháng Giêng thì rước Quả Càn Khôn từ Báo Ân Từ trở về an vị nơi BQĐ Tòa Thánh, kịp cúng Đại lễ Vía Đức Chí Tôn vào thời Tý. 
         Mặt khác, Đức Phạm Hộ Pháp lo tổ chức Đại Hôïi Nhơn Sanh, Đại Hội Phước Thiện để thăng thưởng Chức sắc và Chức việc đã đầy đủ công quả hành đạo, bổ nhiệm các Chức sắc vào các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, để củng cố và phát triển nền Đạo. 
         Ngày 1-12-Bính Tuất, ĐHP khai Đại Hội Nhơn Sanh. 
         Ngày 15-12-Bính Tuất, ĐHP khai Đại Hội PT. 
         Ngày 15-10-Đinh Hợi, ĐHP khai Đại Hội Hội Thánh CTĐ. 
         (Viết tắt : ĐHP : Đức Phạm Hộ Pháp; PT : Phước Thiện.)
         Về Quân Đội Cao Đài, Ông Giáo Sư Đại Biểu Trần quang Vinh đã thành lập sẵn rồi, Đức Ngài chỉ thị cho Quân Đội Cao Đài thực thi chủ trương : Bảo Sanh - Nhơn Nghĩa - Đại Đồng, phải là một quân đội nghĩa hiệp và gương mẫu, bảo tồn nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn và các tín đồ.
         

    14. Xây dựng 3 Cung 3 Động :

         Đức Phạm Hộ Pháp cho xây dựng 3 Cung 3 Động, để dự bị sau nầy làm Tịnh Thất khi có lịnh Đức Chí Tôn cho phép truyền Bí pháp cho các vị tu chơn luyện Đạo:
         * Trí Huệ Cung ở trong Thiên Hỷ Động được xây dựng cách Tòa Thánh khoảng 5 cây số, về hướng Đông Nam. Trí Huệ Cung là một tòa nhà vuông vức 3 từng, mỗi bề 12 thước, từng trệt ngầm dưới đất. Nơi đây sẽ được dùng làm Tịnh Thất cho Nữ phái.
         * Trí Giác Cung ở trong Địa Linh Động, được xây dựng trên đường đi từ Tòa Thánh đến Trí Huệ Cung, cách Tòa Thánh chừng 3 cây số. Trước khi Đức Phạm Hộ Pháp lập thành Trí Giác Cung thì nơi đây là Trường Qui Thiện do Ông Đinh công Trứ và các bạn Đạo hữu trong Minh Thiện Đàn từ Phú Mỹ qui tụ về đây xây dựng làm cơ sở tu hành.
         * Vạn Pháp Cung ở trong Nhơn Hòa Động, sẽ được xây dựng tại Sở Sơn Đình, chân núi Điện Bà, về phía Bắc Tòa Thánh, cách Tòa Thánh chừng 10 cây số. Vạn Pháp Cung dùng làm Tịnh Thất cho Nam phái.
         Chờ đến ngày giờ Đức Chí Tôn định, 3 Cung nầy là 3 Tịnh Thất tiếp nhận các bực tu Thượng thừa đã có đủ Tam lập, vào đây thọ Tâm pháp bí truyền để luyện đạo thành Tiên Phật tại thế. 
         Khi Đức Phạm Hộ Pháp trấn pháp Long Tu Phiến và Cây Kim Tiên nơi Thiên Hỷ Động Trí Huệ Cung, Đức Ngài có nói : " Ngày nay là ngày vui mừng của Bần đạo hơn hết, là Bần đạo còn sức khỏe đầy đủ, cầm Bí pháp của Đức Chí Tôn đã giao phó, ấy là phận sự đặc biệt của Bần đạo vậy." 

         

    15. Cất Chợ Long Hoa và mở mang vùng Thánh địa.

         Kể từ năm 1947 trở về sau, chiến tranh giành độc lập giữa quân đội Việt Minh và quân đội Pháp lan rộng khắp nơi, khiến cho các tín đồ Cao Đài từ khắp các nơi đổ dồn về vùng Thánh địa lập nghiệp càng lúc càng đông. Do đó, Đức Phạm Hộ Pháp cho xây dựng Chợ Long Hoa, có nhà lồng chợ 4 cánh hình chữ Thập, chung quanh Chợ có 8 cửa, hướng ra 8 con đường, với ý nghĩa là : Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Bát Quái, theo Vũ Trụ quan của Đạo Cao Đài. Cho nên Đức Phạm Hộ Pháp cho đây là cái Chợ Chuyển Thế. 
         Ngày 5-6-Tân Mão (dl 8-7-1951), Đức Phạm Hộ Pháp trấn Thần và ban Phép lành Chợ Long Hoa, có nói rằng : 
          " Càng ngày nhơn sanh qui tụ càng đông, vì thế nguồn sanh sống càng bị bóp nghẹt, nên Bần đạo cho lập gắp cái Chợ nầy để tạo lại nguồn sanh sống dễ dàng cho nhơn sanh. 
         Ngày giờ nầy, tuy là nhìn thấy cái Chợ thô sơ, nhưng rồi đây nó sẽ bành trướng rộng rãi hơn, long trọng hơn, mà chắc chắn con cái Đức Chí Tôn không bao giờ ngờ như thế, nhưng Bần đạo dám quả quyết nó phải có và nhứt định có, vì là cái Chợ Chuyển thế và huyền diệu thiêng liêng của Đức Chí Tôn đã định vậy." 
         Để mở mang vùng Thánh địa cho có qui củ, Đức Phạm Hộ Pháp thiết lập Phòng Kinh Lý Họa Đồ, phóng các con đường thẳng tắp thẳng góc nhau như trong bàn cờ, phân đất ra thành từng lô để cấp phát cho bổn đạo từ các nơi về đây lập nghiệp, định nơi cất Trường học, Nhà Thương (Bệnh viện), Chợ búa, Sân máy bay, Nghĩa địa, vv. . . 
         Đức Ngài khuyến khích bổn đạo khai phá đất rừng thành ruộng rẫy, tạo lương thực cho vùng Thánh địa được sung túc. Đức Ngài còn buộc các con em nhà đạo phải đến trường do Đạo mở ra để học chữ nghĩa. 
         Dần dần vùng Thánh địa mở mang rộng đến hơn 200 cây số vuông, bao bọc luôn cả Núi Điện Bà. 
         

    16. Đức Phạm Hộ Pháp và Đức Lý Giáo Tông
    lập Ban Thế Đạo.

         Ngày 3-12-Quí Tỵ (dl 7-1-1954), trong một đàn cơ tại Giáo Tông Đường, Phò loan : Hộ Pháp - Tiếp Đạo, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp lập Ban Thế Đạo với 4 phẩm Chức sắc : 
          " Khi hôm qua, đã có luận về Thế Đạo, nên căn dặn Phò loan đặng Lão giải nghĩa điều ấy. 
         - Hộ Pháp đã hiểu tổ chức của Hội Thánh Thiên Chúa giáo, có Chức sắc Thế Đạo, pháp văn gọi rằng : Dignitaires laiques. Hiền Hữu đã có phong phẩm HIỀN TÀI, sao không thêm 3 phẩm trên nữa cho đủ như của họ. 
         Hộ Pháp bạch : - Xin Ngài chỉ rõ. 
         - Thêm vào 3 phẩm Thế Đạo nầy : QUỐC SĨ, ĐẠI PHU, PHU TỬ." 
         Bản Qui Điều của Ban Thế Đạo mãi đến khi Đức Phạm Hộ Pháp qui Thiên rồi mới được Hội Thánh HTĐ soạn thảo, dâng lên Đức Phạm Hộ Pháp, và ngày 9-2- Ất Tỵ (dl 11-3-1965), Đức Ngài giáng cơ chấp thuận. Đức Thượng Sanh lúc đó cầm quyền Chưởng quản HTĐ ban hành ngày 28-2-Ất Tỵ (dl 30-3-1965). 
         Đàn cơ tại Giáo Tông Đường, đêm 4-7-Kỷ Dậu (dl 16-8-1969), Phò loan : Hiến Pháp - Khai Đạo, Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ nói về Ban Thế Đạo : 
         " Đức Lý Đại Tiên có thảo luận với Bần đạo về việc tuyển Chức sắc cao cấp CTĐ thì nên tìm kiếm nhân tài trong hoặc ngoài Ban Thế Đạo, sẵn lòng tình nguyện hiến thân phục vụ cho Đạo, thì các bạn nên mời về tham khảo ý kiến, nếu được thì Đức Lý đặc cách ân phong quyền tước để phụng sự có hiệu lực hơn. Các bạn đồng ý chăng ? " 
         

    17. Đức Phạm Hộ Pháp lưu vong sang Cao Miên.

         Sau Hiệp Định Genève ngày 20-7-1954, nước VN bị phân chia thành 2 miền Nam, Bắc, lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Miền Bắc chịu ảnh hưởng của khối thế lực Cộng Sản, Miền Nam chịu ảnh hưởng của khối thế lực Tư bản. 
         Đức Phạm Hộ Pháp thấy rõ sẽ có cuộc nội chiến tương tàn tương sát giữa 2 Miền Nam Bắc, nên Đức Ngài đưa ra chánh sách Hòa bình Chung sống, hòa giải 2 Miền, thống nhứt với nhau bằng thương thuyết tương nhượng, nhưng không được chánh phủ 2 Miền ủng hộ, nhứt là Ngô đình Diệm ở miền Nam dựa thế lực của nước Mỹ nhứt định đánh Cộng Sản. Do đó, Ngô đình Diệm tìm mọi cách khủng bố Đức Phạm Hộ Pháp và trấn áp Đạo Cao Đài. 
         Đức Ngài bị cầm lỏng trong Hộ Pháp Đường suốt 4 tháng rưỡi, nhận thấy không có cách nào khác hơn được nữa, nên Đức Ngài quyết định lưu vong sang thủ đô Nam Vang của nước Cao Miên. 
         Đúng 3 giờ sáng ngày mùng 5-Giêng-Bính Thân (dl 16-2-1956), Đức Phạm Hộ Pháp cùng vài vị Chức sắc thân cận, lên xe hơi đi lên Nam Vang theo ngã Gò Dầu. Tuy Đức Ngài bị canh chừng nghiêm nhặt, lính tráng của phe Ngô đình Diệm đứng gác đầy đường, nhưng nhờ huyền diệu thiêng liêng che chở, xe hơi của Đức Ngài chạy đi không ai hay biết, tới chừng chúng phát giác được thì xe của Đức Ngài đã qua khỏi biên giới VN và đã đến đất Cao Miên. 
         Đức Ngài xin Hoàng Thân Sihanouk cho tị nạn tại Cao Miên , và xin ở tại Thánh Thất Kim Biên, Nam Vang. 
         

    18. Đức Phạm Hộ Pháp qui Thiên.

         Trong thời gian lưu vong tại Nam Vang, Đức Phạm Hộ Pháp cố gắng vận động thực hiện Chánh sách Hòa bình Chung sống của Đức Ngài, nhưng lãnh đạo của mỗi Miền VN đều có đường lối và tham vọng riêng, nên tiếng kêu của Đức Ngài không được hưởng ứng. 
         Đức Ngài vì tuổi già sức yếu, quá lao tâm lao lực với nền Đạo, lại bị đày đọa quá khổ cực trong hơn 5 năm đồ lưu nơi hải đảo, ngày nay lại mang tâm bịnh nơi lòng, Đức Ngài cảm thấy giờ qui Thiên sắp tới, nên Đức Ngài làm một văn thư thỉnh cầu gởi Hoàng Thân Sihanouk, cho Đức Ngài tạm gởi thi hài nơi đất Miên dưới sự bảo vệ của Hoàng gia Miên, đồng thời, Đức Ngài cho gọi các Chức sắc và bổn đạo tới bên giường bịnh để Đức Ngài di chúc: 
          " Bần đạo qui Thiên, tạm gởi thể xác nơi đất Cao Miên một thời gian. Ngày nào nước nhà độc lập thống nhất hoặc thực hiện đúng theo đường lối Hòa bình Trung lập, sẽ di liên đài về Tòa Thánh Tây Ninh." 
         Ngày mùng 10-4-Kỷ Hợi (dl 17-5-1959), lúc 13 giờ 30 phút, Đức Phạm Hộ Pháp thoát xác qui Thiên, để lại bao mối tiếc thương trong lòng người tín đồ Cao Đài, trước một bậc vĩ nhân đã hiến trọn đời mình khai sáng và xây dựng nền Chơn giáo của Đức Chí Tôn. 
         Đức Ngài hưởng thọ được 70 tuổi. Thể xác được liệm vào liên đài, nhập Bửu tháp tạm, xây ngay phía sau Thánh Thất Kim Biên, Nam vang. 
         Kể từ ngày Đức Ngài lưu vong sang Cao Miên, ngày 5-Giêng-Bính Thân (dl 16-2-1956), cho đến ngày Đức Ngài qui Thiên, 10-4-Kỷ Hợi (dl 17-5-1959), Đức Ngài ở nơi đất cao Miên được 3 năm 3 tháng. 
         Đêm mùng 10-4-Kỷ Hợi, lúc 10 giờ 45, Ngài Bảo Đạo Hồ tấn Khoa và Sĩ Tải Bùi quang Cao phò loan, Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ, dặn dò công việc tế lễ và cho bài thi tạm làm bài Thài hiến le :
      Ba năm xa cách để chờ may, 
      Vạn sự do Thiên đã sắp bày. 
      Chí muốn cao bay trong một kiếp, 
      Giờ đây nhờ cậy các anh tài. 
      Đã đành danh phận còn xa thẳm, 
      Nhưng đứng mày râu chẳng mảy may. 
      Một kiếp vì đời tua gắng trả, 
      Cho rồi nợ thế khỏi ai hoài. 
         Đêm 13-4-Kỷ Hợi, Ngài Hồ Bảo Đạo và Sĩ Tải Cao phò loan, Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ cho bài Thài khác, thay bài Thài trước, dùng hiến lễ Đức Ngài mãi về sau nầy :
      Trót đã ba năm ở xứ người, 
      Đem thân đổi lấy phút vui tươi. 
      Ngờ đâu vạn sự do Thiên định, 
      Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi. 
      Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi, 
      Buồn nhìn cội Đạo luống chơi vơi. 
      Rồi đây ai đến cầm Chơn pháp, 
      Tô điểm non sông, Đạo lẫn Đời.
         Ngay sau khi Đức Phạm Hộ Pháp qui Thiên, ở bên nước Pháp, Nữ Đồng Tử Sarah Barthel tại thủ đô Paris, đã nghe được tiếng nói từ cõi thiêng liêng về sự liễu đạo của vị Giáo Chủ Đạo Cao Đài. Bà ghi lại trong Bài Chứng Nghiệm, đăng trên báo Le Lien des Cercles d'Etudes số 4 tháng 5-6 năm 1959, xuất bản tại Paris, được dịch ra sau đây : 
         

    SỰ QUI THIÊN của VỊ GIÁO CHỦ HOÀN CẦU
    của ĐẠO CAO ĐÀI : HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC.


          Để liên hiệp tất cả đệ tử Thần Linh Thế giới, 
         Chúng ta hãy than khóc, nhưng vẫn hy vọng !
         Hỡi các đệ tử Thần Linh Tây phương ! Đối với anh chị em ta bên phương Đông và Viễn Đông, chúng ta có bổn phận là hiệp tinh thần trong việc hợp tác huynh đệ để tìm biết về Vô hình. 
         Một tiếng nói trên không trung nói với tôi : 
          "Sở dĩ đạo đức đưa tới một đời sống hạnh phúc là vì đạo đức là một tình thương yêu cao cả và tình yêu nầy chỉ là một với tình yêu cả nhơn loại lẫn vũ trụ. 
         Tiếng nói ấy là tiếng nói nào mà nó thoát ra ngoài vật thể và nó ở ngàn chỗ trên thế giới địa hoàn để cho tâm hồn yên lặng và mở rộng đều có thể nghe được, dầu họ ở phương Đông cũng như phương Tây, hoặc ở phương Bắc, cũng như phương Nam, họ chờ đợi tiếp nhận những lời Thánh giáo giống nhau, trạng tỏ rõ sự thỏa hiệp của tâm hồn. 
         Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc vừa qui Thiên ngày 17-5-1959 hồi 13 giờ 30 phút (giờ Cao Miên) tại Chùa Tual Svay Prey, ở hộ đệ ngũ thuộc Châu thành Nam Vang . . . 
         Đúng giờ đã định, những vị Thiên Thần cầm cây tàn vàng tới đón rước Ngài, và các Hung Thần bị xua đuổi ra xa tít, họp thành một lằn đen xa thẳm, như đóng khung không hẹn mà nên cho một cảnh giới thiên nhiên càng mở rộng thêm mãi. 
         Những Đấng đã liễu đạo, lớp mặc Thiên phục đỏ, lớp Thiên phục xanh dương, lớp nữa Thiên phục vàng, và cũng còn hàng ngàn mặc Thiên phục trắng. 
         Những vị Thiên phong sắc phục trắng nói rằng : Tiết độ là mối tình thương yêu làm chúng ta gìn giữ trong sạch những gì mà chúng ta yêu mến. 
         Những vị Thiên phong sắc phục xanh dương nói : Thận trọng là mối tình thương yêu, phân biệt điều gì đưa đẩy chúng ta đến chỗ thiện và điều gì có thể lôi kéo chúng ta đi xa chỗ thiện. 
         Những vị Thiên phong sắc phục vàng lúc bấy giờ nói : Công bình là tình thương yêu đặt chúng ta vào con đường phục vụ cho tình bác ái. 
         Sau chót, những vị Thiên phong sắc phục đỏ cũng tuyên bố : Dũng lực là tình thương yêu giúp ta đảm nhiệm mọi khó khăn cho cái gì chúng ta yêu mến. 
         Bốn lớp người nói xong thì tiếng nói của Đấng Thượng Đế, tiếng nói ở trong Tâm của mỗi người, dầu ở Thiên giới hoặc Địa giới, hay ở Trung giới, tiếng nói ấy đã phán : 
          " Trong 4 màu hiệp lại thành một, con đã xuống thế, hạ mình một cách cao cả, làm một vị Giáo chủ tốt. Hộ Pháp Phạm công Tắc, con hãy trở về trong lòng TA và góp giữ phần trong lời Thánh Huấn của TA, tiếng nói của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế." 
         Ngày 17-5-1959, hồi 7 giờ, trong toàn Địa giới, Trung giới, yên tịnh hay phiêu lãng, tất cả những người Nam Nữ trong Đại Cơ quan Đồng tử đều được nhìn thấy và nghe rõ tất cả những sự việc mà tôi ghi chép y như trên. 
         Nữ Đồng tử Sarah Barthel 
         20 đường Alibert, Paris X ème

          (Trích trong quyển Hình ảnh Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc qui Thiên do soạn giả Nguyễn văn Hảo xuất bản năm 1967) 
         

    Tổng kết :


         Tiểu sử của Đức Phạm Hộ Pháp gần như là lịch sử của Đạo Cao Đài trong 31 năm đầu tiên, kể từ lúc sơ khởi nền Đạo năm 1925 cho đến năm 1956 khi Đức Phạm Hộ Pháp, rời khỏi Tòa Thánh, lưu vong sang Cao Miên. 
         Đức Ngài là một trong những môn đệ yêu ái nhứt đầu tiên của Đức Chí Tôn, lại là người trẻ tuổi được Đức Chí Tôn đặt vào phẩm vị cao quí nhứt của HTĐ, 37 tuổi đắc phong Hộ Pháp, và kể từ năm đó, Đức Ngài xả thân hành đạo cho đến ngày sức mỏn hơi tàn, trở về thiêng liêng vị. 
         Cho nên công nghiệp của Đức Ngài đối với Đạo Cao Đài vĩ đại nhứt so việc tất cả các Chức sắc cao cấp cầm quyền điều khiển nền Đạo thuở ban đầu. 
         Trong Nội Ô Tòa Thánh, cũng như trong khắp Châu Thành Thánh địa Tây Ninh, từ những Đền thờ đến các Dinh thự, từ những con đường lớn nhỏ đến các cây cầu, từ những ngôi chợ đến các khu nhà ở trật tự khang trang, từ những ngôi trường dạy trẻ em nhà đạo cho đến các Y viện, Dưỡng Lão, Cô nhi Viện, vv. . . đâu đâu cũng đều thấy có những dấu tích nhắc nhở công nghiệp vĩ đại của Đức Ngài. 
         Thể xác của Đức Ngài tuy đã mất, hình bóng của Đức Ngài tuy đã khuất, nhưng trong lòng của mỗi tín đồ Cao Đài trong nhiều thế hệ vẫn ghi khắc hình ảnh sống động của Đức Ngài.      Đức Ngài là bậc vĩ nhân của Đạo Cao Đài, và cũng sẽ như Đức Chúa Jésus hay Đức Phật Thích Ca, Ngài sẽ là vĩ nhân của toàn thể nhơn loại. 
         

    19. Nguyên căn của Đ. Phạm Hộ Pháp.


         * Theo tài liệu của Thừa Sử Phạm ngọc Trấn viết lưu lại, Đức Phạm Hộ Pháp có kể cho Ông nghe, thuở nhỏ, Đức Ngài có lần nằm mê xuất Chơn thần về Bạch Ngọc Kinh nơi cõi thiêng liêng gặp Đức Chí Tôn. 
          " Thuở nhỏ, Đức Hộ Pháp còn đi học, có một lần nằm mê luôn 2 ngày. Lúc xuất Thần ra đi, Ngài có một người Em thiêng liêng vâng lịnh Đức Chí Tôn xuống rước Ngài về. Ngài cùng đi với người Em đến cửa Bạch Ngọc Kinh thì thấy 8 con gì như con chó xù, to lớn mạnh mẽ coi đáng ghê sợ, có con nằm đưa bàn chơn trước ra ngang ngửa giữ cửa, người Em bước lên trên chơn nó thì nó nâng lên đưa vào cửa, còn Ngài thì sợ, đứng lại. Người Em ngó ngoái lại thấy sao Ngài không vào, nên cười và nói : Anh cứ vào, Anh đi không bao lâu mà lạ, rồi Ngài liền bước lên trên chơn con chó xù đó thì nó cũng đưa Ngài vào trong cửa Bạch Ngọc Kinh. 
         Người Em nói : Anh chờ một chút, Em vào bạch với Đức Chí Tôn. Ngài ngồi xem cung điện rất nguy nga tráng lệ, thấy toàn bằng trân châu báu ngọc, dưới lót bằng hào quang sáng đẹp vô cùng. 
         Chờ hồi lâu, Ngài kêu lớn lên thì người Em chạy ra nói : Anh đừng sợ, chờ tôi một chút. 
         Bỗng thấy Chí Tôn phán rằng : Con có đói không ? 
         Ngài đáp : Thưa Thầy con đói. 
         Đức Chí Tôn biểu người Em Ngài đem ra 3 cái bánh ếch trần. Ngài ăn 2 cái thì vừa no, còn cái thứ ba Ngài nghẹn, nuốt không vô, Ngài muốn liệng nhưng vì sợ lấm cung điện, Ngài ráng nuốt cho được nhưng ngán lắm. 
         Đức Chí Tôn hỏi : Con còn đói không ? 
         Ngài bạch : Con no lắm rồi. 
         Đức Chí Tôn hỏi : Con có khát nước không ? 
         Ngài đáp : Bạch Thầy con khát. 
         Đức Chí Tôn dạy đem một tô nước trong thật đầy. Ngài uống ngon lắm. Khi uống vào, Ngài thấy nhẹ nhàng lại như cũ. 
         Đức Chí Tôn bảo người Em Ngài đưa Ngài trở về. 
         Trước khi ra về, Ngài bạch : Thưa Thầy, cho con xin một con chó xù đem về giữ nhà. 
         Đức Chí Tôn bảo : Con về trước đi, Thầy sẽ cho nó xuống sau."
         * Ngày 15-8-Bính Thân (dl 19-9-1956), tại Báo Ân đường Kim Biên, Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ (Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm, Sư Phó Bạch vân Động nơi cõi thiêng liêng) giáng cơ, Phò loan : Đức Phạm Hộ Pháp và Hồ Bảo Đạo, nói với Đức Phạm Hộ Pháp : (Đức Thanh Sơn tự xưng là Bần tăng, gọi Đức Phạm Hộ Pháp là Thiên Tôn) 
          " Nhiều điều Thiên Tôn hỏi thì Bần tăng khó trả lời đặng, duy Nguyệt Tâm (Chơn Nhơn) đảm đương Thiên vụ, người hiểu biết rõ hơn Bần tăng, vậy Thiên Tôn nên hỏi nơi người. Chỉ có bài thi của Bần tăng có hơi huyền bí tiên tri, nên Bần tăng có thể giải đáp. 
         Thiên Tôn nhớ lại khi lập thành Phong Thần Bảng, những người đứng vào hàng Thất Thánh là ai?       Hộ Pháp đáp: Lý Thiên Vương, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử. 
         - Phải, thì trước đầu kiếp vào nhà họ Vi, còn nay vào nhà họ Phạm. Điều đó có chi khó hiểu mà phỏng đoán. Tiên tri của Bần tăng đã nhiều và chỉ rõ VN xuất Thánh thì đã hẳn rồi, còn cho không rõ rệt, hơn nữa lại còn một điều trọng hệ hơn là Di- Lạc giáng linh thì Thiên Tôn đã thấy rằng tiên tri vốn không sai sót đủ điều." 
         * Ngày 15-3-Bính Dần, Đức Chí Tôn phong Ngài Phạm công Tắc là : Hộ giá Tiên Đồng Tá cơ Đạo Sĩ. (có chữ Hộ giá, nghĩa là hộ vệ Đức Chí Tôn khi xuất hành). 
         * Đức Lý Giáo Tông thố lộ về nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp và quyền năng của Ngài trong bài thi khoán thủ dưới đây; 
         1. Hộ giá Chí Tôn trước đến giờ, 
         2. Pháp luân thường chuyển máy Thiên thơ. 
         3. Chưởng quyền Cực Lạc phân ngôi vị, 
         4. Quản suất Càn khôn định cõi bờ. 
         5. Nhị kiếp Tây Âu cầm máy Tạo, 
         6. Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ. 
         7. Hình hài Thánh Thể chừ nên tướng, 
         8. Đài trọng hồng ân gắng cậy nhờ.

          (Khoán thủ : Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài)
         GHI CHÚ : 
         Câu 1 : cho biết Đức Ngài là Ngự Mã Thiên Quân hộ giá Đức Chí Tôn từ trước đến nay. 
         Câu 2 : cho biết Đức Ngài nắm về Pháp, xoay chuyển cơ Trời theo Thiên thơ đã định. 
         Câu 3 : Đức Ngài nắm quyền phân định ngôi vị nơi cõi CLTG. (Chính Đức Ngài được Đức Chí Tôn sai đi mở cửa CLTG bằng bửu pháp Giáng Ma Xử cho các chơn linh đạo đức nhập vào CLTG). 
         Câu 4 : Đức Ngài sẽ thay mặt Đức Chí Tôn cầm quyền cai trị CKTG. Câu nầy kết hợp với bài Kinh Đại Tường cho chúng ta biết rằng, Đức Hộ Pháp sẽ giáng trần là Đức Di-Lạc Vương Phật, thay mặt Đức Chí Tôn cai trị CKTG. 
         Câu 5 : cho biết kiếp giáng sanh xuống trần lần thứ nhì là Đức Chúa Jésus, mở Đạo Thiên Chúa ở Do Thái rồi truyền qua Âu Châu, cứu độ các sắc dân Âu Châu. 
         Câu 6 : Kiếp nầy Ngài giáng sanh xuống nước VN làm Hộ Pháp chưởng quản HTĐ, nắm giữ Thiên điều. 
         Câu 7 : Nhờ Ngài mà hình thể của Đức Chí Tôn tại thế (tức là Hội Thánh CTĐ) được nên hình tướng. 
         Câu 8 : Phẩm vị của Ngài rất cao trọng, nhơn sanh gắng cậy nhờ hồng ân của Ngài.

         Chúng ta với trí não phàm phu thô thiển, không thể hiểu rõ huyền diệu của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng, nhưng qua các tài liệu vừa nêu trên, chúng ta có thể nêu lên một thuyết về Nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp : 
         Nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp là : Ngự Mã Thiên Quân, Hộ Giá Đức Chí Tôn. 
         - Kiếp giáng trần thứ nhứt là Vi Hộ, với bửu pháp là Giáng Ma Xử, một trong Thất Thánh vào thời Phong Thần. (Thời Phong Thần, cuối Nhà Thương, khởi đầu Nhà Châu, trước kỷ nguyên Tây lịch chừng 1100 năm). Vi Hộ sau khi giúp mở ra nhà Châu xong thỉ trở về núi tu luyện, đắc quả Phật Hộ Pháp, gọi là Phật Vi Hộ Pháp. 
         - Kiếp giáng trần lần thứ nhì là Đức Chúa Jésus mở Đạo Thánh Thiên Chúa giáo bên Âu Châu. 
         - Kiếp giáng trần thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc. 
         - Đức Ngài sẽ giáng sanh xuống trần lần nữa là Đức Di-Lạc Vương Phật, làm Giáo Chủ Hội Long Hoa, mở ra đời Thượng Nguơn Thánh đức.

         Thượng pho tượng của Đức Phạm Hộ Pháp lên Ngai Thất Đầu Xà 
         Vào ngày 15-12-Quí Mão (dl 29-1-1964), Hội Thánh tổ chức một buổi lễ long trọng thượng pho tượng Đức Phạm Hộ Pháp lên Ngai Thất đầu Xà tại HTĐ Tòa Thánh. 
         Đây là nguyện vọng của Hội Thánh và toàn đạo khắp nơi, mong ước đã lâu nhưng vì thời cuộc, đành phải nén sự đau buồn từ mấy năm qua. 
         Hôm nay, pho tượng Đức Hộ Pháp sắp thượng lên Ngai Thất đầu Xà, toàn đạo tưng bừng hân hoan biết bao ! (Trích trong Đại Đạo Nguyệt san số 1 trang 32). 

         

    20. Kinh sách và Thi văn :

         Đức Phạm Hộ Pháp lấy bút hiệu là Ái Dân, có trước tác 2 quyển sách : 1 quyển Phương Tu Đại Đạo gồm 2 tập và 1 quyển Thiên Thai Kiến Diện. 
         - Quyển Phương Tu Đại Đạo, viết theo thể thơ đặc biệt, mỗi câu có từ 7 đến 8 chữ hoặc 9 chữ, khi dùng cước vận, khi dùng yêu vận, trường thiên, nội dung dạy về phần Nhơn Đạo cho các tín đồ Nam Nữ. 
         Xin trích ra đây một đoạn ngắn tượng trưng :

      PHẬN LÀM CHA

      Cha mẹ rủi sanh con hung bạo, 
      Tội dưỡng nhi bất giáo đã đành. 
      Với hình hài mình đã sanh thành, 
      Thì chữ Đạo chữ Tình cân đúng giá. 
      Cơ chuyển thế nơi tay đã quả, 
      Thay mặt cho Tạo Hóa dựng đời. 
      Vật tối linh thiên hạ là người, 
      Cha mẹ vốn là Trời phần xác thịt. 
      Phận nuôi dưỡng tuy vân cần ích, 
      Phải dạy răn kẻo nghịch lòng Trời. 
      Đã lập Đời ắt phải dạy Đời, 
      Đừng dưỡng ác hại người mang nghiệp chướng. 
      . . . . . . . . . . . . . . . . .

         - Quyển Thiên Thai Kiến Diện, gồm 77 bài thơ Thất ngôn Đường luật, thuật lại những điều mà Đức Ngài thấy tận mắt khi xuất Chơn thần lên viếng cảnh Thiên Thai nơi cõi TL.      Xin chép ra sau đây bài thi số 1 mở đầu :

      1. Ngoài áng Đào Nguyên sấn bước vào, 
      Thiên Thai Tiên cảnh trước cao cao. 
      Mây lành phủ động ra khuôn cửa, 
      Tòng rậm bao quanh giống mặt rào. 
      Hạc đạo đón đưa bay xạo xự, 
      Nai tăng tiếp rước chạy lao xao. 
      Lừng trời lửng đửng ngàn muôn kẻ, 
      Cười nói mừng vui đến miệng chào. 
         Đức Phạm Hộ Pháp thường xuyên thuyết đạo trong mỗi kỳ đàn cúng, suốt mười mấy năm, kể từ năm 1946, năm Đức Ngài hồi loan từ Mã đảo (đảo Madagascar ở Phi Châu), cho đến khi Đức Ngài qui Thiên. 
         Đức Phạm Hộ Pháp muốn "Cậy phương thuyết giáo vẽ thành Kinh Chơn" (KNH) 
         Những bài thuyết đạo nầy được Ban Tốc Ký ghi chép lại, tập hợp theo từng năm, và theo từng đề tài, tạo thành được 8 quyển Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, in được 4 cuốn, còn 4 cuốn chưa in. Hai quyển có đề tài đặc biệt là:

         - Bí Pháp. 
         - Con đường Thiêng liêng Hằng sống. 
         Đây là những tài liệu rất quí báu cho người học Đạo và nghiên cứu về Giáo lý và Triết lý của Đạo Cao Đài. 
         Đức Phạm Hộ Pháp cũng rất sính thơ. Đức Ngài làm rất nhiều bài thơ đường luật, xướng họa cùng các thi hữu nơi HTĐ và các Đấng Nữ Tiên DTC. 
         Xin chép ra sau đây vài bài tượng trưng :


      Đức Hộ Pháp họa vận trả lời Bát Nương : 
      Hành tàng hư thiệt tại Cha Trời, 
      Đông Mậu năm hồ hỏa khắp nơi. 
      Châu ngũ khí hòa tan ác nghiệt, 
      Thất sơn dấy động Thất sơn dời. 
      Thế tiêu xuân Kỷ Long Hoa trổ, 
      Thưởng phạt cuối cùng Thánh đức thôi. 
      Long Mã ban vương tiêu trận kỵ, 
      Cù phi hải sụp lý thay Trời. 

      Bắc Du cảm tác 
      Non nước hồn thiêng đã tỉnh dần, 
      Xuân Thu xưa nay đổi Thu Xuân. 
      Nam phong đỡ vững xa thơ Hán, 
      Bắc tục xô nghiêng đảnh nghiệp Tần. 
      Bác ái là đề thi tiến hóa, 
      Nghĩa nhân ấy mục định duy tân. 
      Thiên thời Địa lợi đôi điều sẵn, 
      Chỉ thiếu hòa Nhân để hợp quần.

    Top of Page
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét