Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Việt Cộng sợ cái gì nhất?






Ngô Nhân Dụng


Cộng Sản Việt Nam đang sợ cái gì nhất? Việt Cộng sợ mạng lưới các người tranh đấu cho dân chủ tự do trên Internet đoàn kết và phát triển. Sau khi bị áp lực phải trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ trang Blog Quê Choa, một tin khác đang đe dọa sinh mạng của đảng: Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sẽ “hoạt động trở lại.” 

Chắc chắn hàng ngũ công an tuyên huấn của Việt Cộng đang bầy mưu tính kế đối phó với phong trào các “nhà báo công dân” sắp bùng lên. Họ sẽ đối phó bằng cách nào? Biết rằng sớm muộn Đảng Cộng Sản cũng phá sản, họ sẽ cố “còn nước còn tát,” hành động theo cách quen thuộc của họ, là gây chia rẽ, hỗn độn, làm suy yếu các lực lượng dân chủ tự do bằng cách khích động cho mọi người chống phá lẫn nhau. Cần báo động để mọi người nhìn rõ âm mưu này.

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải có kinh nghiệm bản thân về sức mạnh của thông tin qua mạng lưới Internet. Anh bị bắt, bỏ tù hơn bẩy năm chỉ vì những hoạt động của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do khiến cho Đảng Cộng Sản bối rối và sợ hãi. Điếu Cày cùng bạn hữu lập ra “câu lạc bộ” này sau khi một tờ báo của công an chịu thua chính anh, im miệng rút lui. Tờ báo mạng của “lực lượng dùi cui” không dám tấn công, vu cáo anh nữa, sau khi anh lên Internet công khai bác bỏ tất cả các điều gian dối và luận điệu lừa bịp của họ nhằm đánh vào bản thân anh. Câu chuyện được cả “thế giới mạng” trong nước vào ngoài nước theo dõi, lôi kéo rất nhiều “công dân mạng” tham gia. Một công dân bình thường đã buộc cả guồng máy gian trá của lực “lượng dùi cui còn đảng còn mình.” Với kinh nghiệm đó, Điếu Cày nhận ra sức mạnh của Internet và quyết định phải sử dụng thứ vũ khí này trong cuộc đấu tranh. Anh dùng vũ khí đó, cùng Tạ Phong Tần, Nguyễn Thanh Hải, vân vân, tấn công Trung Cộng với chiến dịch đòi bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Quan, Bản Giốc. Đánh vào một tử huyệt của Đảng Cộng Sản, anh bị chúng bỏ tù.
Như Điếu Cày trình bày, trong bài diễn văn hai phút nhận giải của tổ chức CPJ (Committee to Proctect Journalists) tại New York, lý do tại sao các anh lập ra Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Ở một nước Việt Nam với hàng ngàn tờ báo và đài phát thanh, ti vi của Đảng Cộng Sản, người dân vẫn hoàn toàn bị bưng bít, không được thông tin về những biến cố lớn ngay trong đất nước mình, ảnh hưởng tới đời sống của mình. Cho nên phải gây một phong trào “công dân làm báo.” Các công dân tự quyết định mỗi khi nghe, biết một tin tức nào lập tức loan báo cho người khác biết. Mỗi người tự mình viết mấy dòng ngắn, chụp hình, quay video để phổ biến “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” cho tất cả mọi người coi.
Phương tiện truyền thông qua mạng Internet tạo cơ hội cho công việc của các nhà báo công dân hoạt động. Nhà báo không cần cầm bút viết. Không cần ngồi xuống trước máy vi tính. Không cần mang theo máy chụp ảnh hoặc máy quay video. Với mấy chục triệu người Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động, ai cũng có thể trở thành “nhà báo.” Với hành trăm ngàn các blogs, các địa chỉ Facebook có thể biến thành những “tờ báo” những “đài” tư nhân, sẵn sàng trở thành những “diễn đàn” cho các “nhà báo công dân” hoạt động.
Có thể nói một phong trào “công dân làm báo” thực sự đã bắt đầu phát khởi ở nước ta. Hình ảnh Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong “phiên tòa bịt miệng” được một người đưa lên, trong hơn mười năm qua đã biến thành một biểu tượng. Ba năm trước “mạng xã hội” mạng Việt Nam đã nhận được hình ảnh một viên công an đạp lên mặt một người đang bị khiêng khóa cả chân lẫn tay. Bức hình chuyển đi nhanh như sấm lan trên bàu trời mạng. Giản dị và bình thường hơn, nhiều người đã đưa lên mạng (post) hình ảnh một công an đang cầm đồng tiền hối lộ. Gần đây, hình ảnh những biệt thự to lớn của các tai to mặt lớn trong Đảng Cộng Sản được triển lãm thường trực trên các trang mạng. Có thể nói người Việt trong nước đã tạo được một “thế giới mạng;” một “xã hội mạng” đang sinh hoạt nhộn nhịp, với số “công dân mạng” mỗi ngày một đông hơn. Một “xã hội công dân mạng” đang thành hình, đang phát triển, liên lạc chặt chẽ với xã hội mạng người Việt ở nước ngoài.
Bây giờ là lúc người Việt Nam có thể phát động phong trào “nhà báo công dân” mà Điếu Cày thiết tha cổ động, với việc phục hoạt Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Để mời gọi, khích lệ những công dân Việt Nam bình thường tự biến mình thành những nhà báo, những công dân mạng. Câu Lạc Bộ sẽ tạo môi trường cho mọi thành phần trong xã hội công dân mạng trong và ngoài nước, gồm các blog, các trang Facebook. Các công dân mạng hiện đang hoạt động ở Việt Nam cùng liên kết trong một mạng rộng lớn nhờ có phương tiện kỹ thuật mạnh hơn, nhanh hơn và an toàn hơn vì bộ phận chủ yếu được đặt ở nước ngoài. Khi Câu Lạc Bộ mở rộng, các công dân mạn sẽ đi tiên phong khích lệ tất cả mọi người Việt cùng “làm báo,” trở thành những nhà báo công dân, chỉ cần họ đang dùng điện thoại di động.
Chúng ta có thể hình dung xã hội công dân mạng sẽ phát triển như thế nào. Một người Việt Nam đang là nạn nhân của những hành động bất công, áp bức, bất cứ người nào, đều có thể tự mình đứng ra loan tin trên mạng, chụp hình đưa lên mạng. Họ biết rằng nỗi oan khuất của họ sẽ được loan truyền cho cả nước biết tới. Hành động phản kháng của họ sẽ hiệu quả hơn. Các công dân mạng tích cực, là những bloggers, những người chủ trang Facebook, sẽ giúp đồng bào trình bày cảnh ngộ và những yêu cầu hợp lý của họ. Những cường hào ác bá đỏ sẽ bị vạch mặt, đi tới đâu người ta cũng biết, giống như các tên công an đã bịt miệng cha Nguyễn Văn Lý, các công an chìa tay lấy tiền hối lộ hoặc đã đạp chân trên mặt đồng bào mình. Cha mẹ của họ phải xấu hổ. Vợ con của họ cũng thấy nhục nhã. Chính những tên công an hung dữ, tham ác cũng phải chùn tay, chùn chân. Khi nhiều người được các công dân mạng giúp với kết quả cụ thể, những người đang chịu oan ức khác sẽ nhận ra, sẽ yêu cầu được các nhà báo công dân giúp mình đạt hiệu quả chắc chắn hơn.
Xã hội công dân mạng sẽ thay đổi thái độ và hành động của đồng bào đang chịu oan ức. Người Việt Nam sẽ mạnh bạo đòi chính quyền phải tôn trọng những quyền công dân của mình, vì biết mình được xã hội mạng hỗ trợ. Các “dân oan” đòi ruộng, đòi đất sẽ được các công dân mạng giúp truyền đưa tin tức đi khắp nước. Người dân thành phố chịu cảnh bất công cũng biết có thể xã hội công dân mạng giúp mình kêu oan. Dần dần, chính các công dân bình thường sẽ được khích lệ để trở thành các “nhà báo mạng.” Từ trước đến nay, đồng bào ta khi tổ chức biểu tình đã biết chuẩn bị trước nhiều biểu ngữ mang theo, cho các nhà báo chuyên nghiệp chụp hình. Nay họ thêm một kỹ thuật tổ chức mới là chuẩn bị chính họ đưa thông tin lên mạng. Điện thoại di động đã phổ biến khắp nơi, kể cả tại nông thôn. Nhiều người sẽ tình nguyện đóng vai công dân mạng, vì quyền lợi và nhu cầu thông tin của chính họ.
Mạng lưới xã hội công dân mạng đang thành hình sẽ bành trướng. Xã hội Việt Nam nhờ thế sẽ thay đổi. Tất cả mọi công dân Việt Nam nhìn ra sức mạnh của mình, khi mình can đảm, dám tham dự vào cuộc chơi mới. Kinh nghiệm của một Điếu Cày đánh bại tờ báo Công An ở Sài Gòn sẽ được nhân lên, nước ta sẽ có hàng triệu Điếu Cày khác. Guồng máy đàn áp sẽ yếu đi. Những người đang hô khẩu hiệu “Đảng Còn Mình Còn” sẽ suy nghĩ và tự hỏi: “Đảng Mất Mình Đi Đâu?”
Các nhà báo công dân sẽ thay đổi xã hội, dù họ không nghĩ đến vấn đề thể chế chính trị. Họ có thể tham dự vào xã hội công dân mạng với thái độ “phi chính trị.” Họ chỉ đưa lên thông tin về những cái xấu xa lan tràn trong xã hội, các tệ hại trong guồng máy chính quyền, tố cáo các tham quan từ lớn đến nhỏ, tố cáo các mánh khóe lạm dụng quyền bính bóc lột đồng bào để làm giầu. Từ đó, các nhà báo mạng đòi hỏi các quyền công dân của chính mình và mọi người được tôn trọng, mà không cần nhắc đến việc thay đổi chính quyền hay thể chế chính trị. Nhưng khi tất cả các thông tin đó được loan truyền, phổ biến, gây nên hiệu quả tốt, xã hội công dân mạng sẽ làm thay đổi đời sống dân Việt Nam trên tất cả mọi mặt. Đó là điều khiến cho Đảng Cộng Sản đang run sợ.
Trong tình trạng đảng phá sản, đang tan rã, họ sẽ chống đỡ. Đảng Cộng Sản đã đánh phá xã hội mạng khi bắt giam các bloggers. Nhưng họ bị áp lực, trong nước và quốc tế, không thể tiếp tục mãi như vậy. Đầu năm 2011, Blogger Cô Gái Đồ Long (Hương Trà) bị bắt, giam giữ trong trại B34, sau vài tháng đã được trả tự do. Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cũng đã được tự do. Tất cả chứng minh sức mạnh của xã hội công dân mạng. Nguyễn Quang Lập bị bắt, rồi cũng phải thả. Trong một ngày, sự kiện đó được các người dùng Facebook, “Facebooker” như Huỳnh Ngọc Chênh, Phạm Chí Dũng, Sương Quỳnh loan báo cho công dân mạng khắp nơi biết. Số bloggers và Facebooker càng ngày càng đông đúc, guồng máy đàn áp của Đảng Cộng Sản mất hiệu lực.
Cách đối phó thứ hai của Đảng Cộng Sản là sử dụng guồng máy tuyên truyền dối trá, xuyên tạc, len lỏi xúi giục gây chia rẽ giữa các công dân mạng. Thủ đoạn này đang được các cán bộ can tuyên huấn cộng sản thi hành. Ở trong nước chúng đã vu khống, bôi nhọ, gây chia rẽ giữa các người tranh đấu đòi dân chủ tự do bằng cách tham dự vào các mạng lưới xã hội. Ngay trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài bọn can tuyên huấn cũng hoạt động mạnh trên mạng. Những “biệt kích nằm vùng” này len lỏi vào xã hội mạng, lập ra những blog, những trang Facebook, chúng giả dạng cũng chống chính quyền Cộng Sản, có khi còn tự vẽ cho mình bộ mặt “chống cộng hăng say” nhất. Nhưng mục tiêu của chúng là phá hoại hàng ngũ những người đang đòi nước Việt Nam được dân chủ tự do, trong nước cũng như ở ngoài. Một thủ đoạn của đám biệt kích nằm cùng là gây ra càng nhiều tranh cãi càng tốt trong xã hội mạng, chỉ nhằm gây chia rẽ về những vấn đề nhỏ nhặt, để các công dân mạng không còn dành thời giờ vào công việc đấu tranh dân chủ hóa đất nước.
Nhưng chúng ta đều biết sức mạnh của truyền thông, khi các công dân ý thức được và sử dụng quyền tự do thông tin của họ. Cần phát triển xã hội công dân mạng, đó là vũ khí mạnh nhất trong tay người dân Việt Nam hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét