Bút ký của NGUYỄN ĐỨC THIỆN
***
Ai về xứ ấy Trảng Bàng
Mua giúp một ràng bánh tráng phơi sương
Cái bánh tráng Trảng Bàng phơi sương ấy đi vào ca dao tự lúc nào không biết. Ai ngược, ai xuôi dẫu lạ hay quen cũng muốn dừng ở Trảng Bàng cuốn một cuốn bánh tráng phơi sương, với thịt heo luộc, với đọt rau xanh , thêm ly rượu nồng để rồi đi, lại thèm một chuyến quay về tìm lại hương vị đồng quê. Nhất là dịp Tết đến, sau mấy ngày đầu năm, Hội xuân Núi Bà Đen mở ra, cả triệu người lên Tây Ninh dự hội trong suốt một tháng Giêng , ai cũng muốn ghé lại Trảng Bàng, thưởng thức hương vị ngày Xuân từ chiếc bánh tráng phơi sương.
Xin bắt đầu từ ấp Lộc Du, một ấp nhỏ của Thị trấn Trảng Bàng. Những ngày nắng ráo, bắt gặp ở đây những liếp bánh tráng phơi đầy trong các sân nhà. Đàng trước, đàng sau, đi ngang đi dọc, chỗ nào cũng thấy bánh tráng. Cả trăm năm trời và có thể lâu hơn thế nữa, Lộc Du trắng những sân bánh tráng. Nghề làm bánh tráng ở đây được coi là nghề cha truyền con nối. Cái bánh tráng mỏng manh đến nỗi không ai ghi lại trong gia phả rằng nó có tự bao giờ. Đời ông, đời cha, tiếp nối đời con, Lộc Du thủy chung với nghề làm bánh tráng. Và trong bao nhiêu thứ bánh tráng có thể có ở khắp mọi vùng quê Nam Bộ, chỗ nào cũng có, nhưng bánh tráng phơi sương chỉ có ở đây, xứ Trảng Bàng này. Nhưng cũng có lúc người ta đi tìm khởi nguồn của chiếc bánh tráng.
... ******************
Chuyện lưu truyền rằng cách đây gần ba trăm năm, ông Đặng Văn Trước dẫn dắt đoàn người từ Miền Nam Trung bộ đi tìm đất lập nghiệp. Đòan người của ông đã dừng chân nơi đất tòan những trảng , những bàu này. Trong Trảng, trong bàu chỉ có một thứ cây mọc được, đó là cây bàng. Cây bàng, giống như cây cói ở ngoài miền Trung, miền Bắc. Những người đến đây lập nghiệp kết bàng làm chiếu, làm nóp. Đất chưa có tên, họ gọi ngay vùng đất này với cái tên Trảng Bàng. Thế là chết danh. Ba trăm năm trôi qua, qua biết bao nhiêu chính thể nhà nước, Trảng Bàng lúc thì thuộc Sài Gòn- Gia Định, lúc thành một quận của Hậu Nghĩa ( tức Long An bây giờ), lúc lại tách ra thành một quận riêng thuộc tỉnh Tây Ninh, thế nhưng cái tên Trảng Bàng chẳng lúc nào mất. Những người cùng đi đã mang theo nghề tổ vào đất mới, trong đó có nghề rèn, nghề làm bánh tráng, nghề đúc gang… đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều nghề trong dân. Hồi đó, có một người đàn bà rất đoảng. Làm đâu bỏ đó, làm trước quên sau. Nhà bà làm nghề tráng bánh. Thì cũng là chiếc bánh bình thường như ngòai quê thôi. Bột tráng trên một mảnh vải. Mảnh vải đặt trên miệng nồi nước sôi. Bánh được hấp chín, rắc lên đó mấy hạt đậu mè. Lột ra, mang phơi nắng. Bánh khô, mang vào nướng lên than. Thế là xong. Một hôm, người đàn bà đoảng vị kia phơi mấy chục liếp bánh ngoài sân. Nắng chang chang, bánh khô rang, bà luôn chân luôn tay không nghỉ. Nhấc liếp bánh này, hạ liếp bánh kia, xếp hết chồng bánh này đến chồng bánh khác. Vốn biết mình là người hay quên, bà rất cẩn thận. Khi tối xuống, bà yên tâm rằng đã xong mọi việc. Nhưng thật không ngờ, còn nguyên một liếp bánh ở khuất sau vườn bà không nhớ đến. Sáng ra, chiếc bánh mềm xèo. Bà cuống lên chưa biết làm gì với những chiếc bánh. Bất ngờ chồng bà bắt gặp. Ông hét lên:
- Trời đất ơi. Đến bao giờ bà mới hết làm khổ tôi! Bây giờ thì làm sao đây?
***************************
Bà vợ cằn nhằn:
- Thì ăn, chớ làm gì!
Ông chồng gắt gỏng:
- Có mà mang cho heo ăn.
Bà vợ không chịu thua:
- Thì để con heo này ăn nè…
Bà bốc ngay một chiếc bánh, tính ăn cho bõ ghét. Nào dè, bà nhìn ông vẻ ngạc nhiên:
- Ngon, ngon thiệt ông ơi.
Người chồng trợn mắt không tin. Ông xé một miếng bánh bỏ vô miệng. Vị đậm đà, vừa ngọt, vừa mặn, vừa bùi tan trong miệng ông ta. Ông ra vườn, hái nắm rau thơm, đưa thêm vào miệng. Rồi cứ thế, tay bên này chiếc bánh xé dở, tay bên kia, mấy lá rau còn ngậm sương, ông đứng như trời trồng, ngơ ngác. Vài hôm sau, ông mời mấy ông bạn nhậu trong xóm lại. Bạn nhậu ngạc nhiên không thấy chiếc bánh tráng nướng dòn nằm bên cạnh dĩa thịt cầy như mọi ngày, mà thay vào đó là những chiếc bánh tráng mềm èo bên cạnh một dĩa thịt heo và một dĩa rau. Ông chủ nhà lấy một miếng bánh, thận trọng lượm từng chiếc lá, đặt lên đó một miếng thịt, cuốn lại. Ông cuốn từng cuốn một đưa tận tay từng vị khách nhậu. Khi trong tay, ai cũng có một cuốn bánh, ông mời nâng ly rượu:
- Bữa nay mời mấy chú, mấy anh làm thử cái món tui vừa chế. Mấy anh, mấy chú khen, tui làm thêm, tui bán. Mấy anh, mấy chú chê, tui bỏ liền. Nào, vô…
Mỗi người làm nguyên một chén rượu rồi mới cắn cuốn bánh trên tay. Một ông reo lên:
- Được à nghen. Coi bộ bắt mồi nghen. Thứ này nhậu mệt nghỉ luôn đó… còn không? Tui mang chút về khoe với má sắp nhỏ coi…
Cái bánh tráng Trảng Bàng có từ dạo đó. Nhưng dạo nào, bao giờ, chẳng ai dám chắc. Cũng chẳng ai dám chắc chuyện kia có thiệt hay không nữa. Nhưng họ cứ truyền nhau câu chuyện và hứa thế nào cũng phải tìm cho được ông tổ tạo ra cái thứ bánh ngon lànhh kia.
Bánh tráng phơi sương cũng được làm từ gạo. Người làm bánh tráng kén gạo lắm. Phải là gạo Bằng Cóc, gạo So Miên. Trắng ngần và đều tăm tắp từng hạt, từng hạt và thơm tho ngay từ khi còn là hạt gạo. Có mắc đấy, nhưng gạo đó mới cho bánh tráng phơi sương thật ngon. Nhà nào làm gạo tạp, chiếc bánh thấy khác liền. Những hạt gạo vất vả lên xe, ngược từ đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Ninh. Đường xa ngái. Giá gạo có cao nhưng người làm bánh tráng vẫn hài lòng. Có được một cái bánh tráng phơi sương , dẻo, dành được lâu ngày, mang được đi xa để làm vừa lòng khách hàng, thế là người làm bánh tráng yên lòng, dẫu nguồn thu có thể thấp hơn một chút.
**********************
Hạt gạo ngon mang ngâm vào những cái khạp, cái lu. Ngâm gạo đâu chỉ là đổ gạo vào nước là xong. Nước phải thực trong, thực sạch. Phải đong nước để khi hạt gạo nở ra không chồi lên khỏi mặt nước. Hai ba giờ trong nước, hạt gạo nở ra vừa đủ, không để lên men, còn giữ nguyên mùi thơm của gạo mới chắc được cái bánh tráng ngon lành. ở đây người ta còn truyền tụng một câu chuyện khác. Ngày xưa có một cô gái rất đẹp. Giữa xứ nắng này mà cô cứ trắng tươi. Cổ cao, mắt lá dăm, lông mày lá liễu. Giọng nói ngọt như mía nướng. Cô là người ngâm gạo làm bánh giỏi nhất vùng. Bác ngâm mấy giạ gạo, hai ạ, để con. Còn chú, sao ngâm ít vậy, có ba lít, được nhiêu bánh? Cũng không sao, để con. Bàn tay nhỏ, thon và dẻo của cô xoa lên hạt gạo làm cho hạt gạo hình như trắng ra. Nước từ giếng xách lên, cô lóng lại. Nước giếng còn lóng sao? Dạ lóng chớ. Lóng cho bao nhiêu thứ cặn nó nằm dưới đáy, khi đổ nước ngâm nó không làm hạt gạo mất màu. Cô giải thích thế. Tài nhất là khi đổ nước vào ngâm. Lu, hay khạp, cái lớn hay cái nhỏ, gạo nhiều hay gạo ít, với cô là chuyện nhỏ. Chỉ một lần đổ nước là vừa y. Nhà cô chẳng cần tráng bánh, một cô đi đầu làng, cuối xóm ngâm gạo cho mọi người, đủ xài cho cả gia đình. Sau này, chẳng ai được như cô, nên họ kể những chuyện về cô để dạy bảo những cô con gái nhà mình biết cách mà làm ăn. Người ta kể thì kể vậy, chớ đến bây giờ, không ai biết cô con cái nhà ai. Có khi cũng chỉ làm cho đẹp thêm, duyên thêm chiếc bánh tráng ngon lành xứ mình thôi.
Hạt gạo đủ mềm thì mang đi xay. Ngày xưa, người xay bột gạo thường là những người đàn ông. Chiếc cối đá được đặt trước mặt, người xay bột ngồi xoạc chân trên một chiếc ghề vững chãi. Hai tay thay nhau cầm chiếc nõ xoay cho phần trên chiếc cối xay thật đều. Bây giờ, những chiếc cối đá đang mất dần, thay vào đó là những chiếc cối xay bột được gắn mô tơ. Ở cái ấp Lộc Du này những dòng bột gạo trắng ngần mấy đời kết lại dám thành một dòng sông lắm. Cả trăm năm nay, có ngày nào mà không có những hạt gạo xay thành bột. Bột ấy pha vào nước. Đến đây là phải nhờ đến những người có kinh nghiệm đầy mình mới pha được bột tráng bánh.
*********************
Ở Trảng Bàng mỗi nhà đều chọn một người chuyên tráng bánh. Để thành thợ tráng bánh, ngay từ nhỏ đã được những người đi trước truyền nghề. Chỉ có việc đổ bột lên khuôn, tráng ra cho đều rồi đậy nắp lại chờ chín, nhưng đâu có phải ai cũng làm được. Bàn tay người thợ tráng bánh dẻo như nghệ sĩ múa. Tay múc, tay tráng liên tục không ngừng. Nắp khuôn đậy lại, người thợ giàu kinh nghiệm có thể ngửi khói biết được bành chín hay chưa. Mà phải vừa chín tới mới được. Mỗi một chiếc bánh chỉ hết chừng ba mươi giây là chín rồi. Rồi bằng một chiếc que trúc mỏng manh, bánh được gỡ ra khỏi khuôn máng lên một chiếc ống tre. Bánh chưa chín không thể gỡ được. Bánh chín quá bột nhão ra, cũng không thành bánh. Những chiếc bánh còn nóng hôi hổi đậu vắt vẻo trên chiếc ống tre trước khi được trải vào vỉ chỉ thoáng chốc thôi không khéo cũng không làm sao thành bánh. Người tráng bánh có nghề có thể vừa chuyện trò vừa tráng bánh, nhưng không thể nói hết được sự tập trung tối đa để tráng được chiếc bánh mỏng tang kia. Ngồi bên bếp tráng bánh thường là những bà, những chị, những cô. Nói chung là như thế, nhưng mỗi nhà thì người tráng bánh là người ngồi bên bếp từ lúc được gọi là con, sau đó lên cô, lên chị,rồi lên bà. Người tráng bánh giỏi là người có vài chục năm bên chiếc lò lúc nào cũng đỏ lửa, với nồi nước lúc nào cũng sôi sùng sục. ở nhà mình tráng bánh, đi lấy chồng sang nhà chồng cũng tráng bánh. Nhiều nhà có nghề tráng bánh truyền đời có khi còn kén chọn con dâu bằng cách xem cô gái có khéo tráng bánh hay không. Có người lo, nghề trong nhà bị thất truyền khi vô phúc cưới được cô con dâu không biết nghề tráng bánh.
***********************
Người làm bánh tráng Trảng Bàng mong nắng giống như người làm ruộng mong mưa. Có nắng mới phơi được bánh. Xin đừng nghĩ giản đơn cứ có nắng là phơi được bánh. Người làm bánh tráng Trảng bàng mang vỉ bánh ra phơi khỏi cần nhìn trời cũng biết nắng này phơi bánh bao lâu. Nắng quá phơi lâu, bánh dòn vỡ ra coi như công cốc. Phơi chưa đủ khô vội gỡ bánh, bánh rách coi như bỏ đi. Người nông dân canh nước trên đồng ra sao, thì người làm bánh canh nắng cũng vậy. Bánh phải vừa đủ khô là phải mang vào nhà liền và gỡ ra khỏi vỉ. Đến đây đã có thể dùng một cái bánh xem thử bánh làm có ngon hay không. Nhưng như thế đâu gọi là bánh tráng phơi sương.
Lại thêm một lần nữa chứng kiến cảnh những người nghệ sĩ dân gian bên bếp lửa hồng. Đâu có phải lửa nào cũng nướng được bánh. Củi nhiều, than nhiều mà sao người ở đây lại dùng vỏ đậu phọng để nung lửa. Ngọn lửa từ vỏ đậu phọng có hồng, nhưng sức nóng không cao. Hơn thế, vỏ đậu phọng khi nung tạo được ngọn lửa cháy đều. Người nghệ sĩ bên bếp lửa hồng tay tung những chiếc bánh mỏng manh giống như một điệu múa quạt mềm mại, dịu dàng. Vài giây thôi để có một cái bánh chín. Và những chiếc bánh cứ bay lên như những cánh bướm trắng ngần. Bánh chín, phồng rộp nhưng không được chuyển màu . Tất cả vẫn phải trắng bóc và hương thơm từ chiếc bánh phải bay ra phảng phất, gợi cảm. Bánh được gói lại chờ đêm xuống. Chỉ đêm mới có sương để làm thành chiếc bánh tráng phơi sương.
**********************
Nói là phơi. Nhưng không có nghĩa làm mang bánh trải ra ngoài trời bao lâu cũng được. Khi đêm xuống, sương bắt đầu rơi, mang bánh ra phơi. Những chiếc bánh mỏng manh hình thành từ bàn tay lao động của con người này được mang ra hấp thụ khí sắc của đất trời qua những giọt sương. Năm phút thôi cho một chiếc bánh ngậm đủ hơi sương là phải xếp vào ngay. Bàn chân người phơi bánh thoăn thoắt lại qua. Bàn tay người phơi bánh phơi phơi, xếp xếp. Ngừơi phơi bánh khấn trời đừng mưa đừng gió. Mưa bánh không phơi đựơc. Gió thì chỉ thoảng qua cũng làm bay tung những chiếc bánh mỏng manh. Ban ngày trông nắng, ban đêm mong trời êm gió đừng mưa. Có được chiếc bánh phơi sương biết mấy lo toan, biết mấy nhọc nhằn. Vào những đêm có trăng, nhà này nhìn sang nhà kia thấy những chiếc bánh được đặt lên, hạ xuống loang loáng như tia sáng thoắt hiện thoắt ẩn , tạo ra một không gian huyền ảo, sinh động mà yên ắng, dịu dàng.
Người làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng vui khi thấy bây giờ chiếc bánh mỏng manh của mình làm ra được người đời biết đến. Nó không còn dừng ở xứ Trảng quê mình mà nó đã lên đường tung toả đi mọi miền đất nước. Nó theo những chiếc constene sang cả nước ngoài. Không chỉ người Trảng Bàng mà người xứ khác cũng biết đến hương vị đồng quê từ xứ này mà ra.
Xin nhắc lại là ai qua Trảng Bàng cũng muốn dừng chân nếm thử món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Những tên qúan như Năm Dung, Út Huệ, Hoàng Minh 1, Hoàng Minh 2, Hoàng Minh 3 ở Trảng Bàng đã thành những địa chỉ quen thuộc cho những khách du lịch đến Tây Ninh. Đến đây, khách sành điệu có nhiều cái bất ngờ. Nhất là với những vị khách lần đầu đến nếm thử món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.
Bước chân vào quán chỉ vài phút thôi đã có ngay trước mặt một dĩa rau xanh đến mát mắt, xanh đến nao lòng. Có rau đựơc trồng trong vườn. Có rau được hái trong rừng, hái ngoài sông. Bên bờ ao, ở góc sân mỗi nhà cũng có rau. Một dĩa ra mà có tới vài chục thứ rau khác nhau. Ngắm nhìn dĩa rau, hỏi biết được rau này thì quên mất rau khác. Có những thứ rau không thể tìm thấy được ở đâu. Có rau mặt trời thì có rau mặt trăng. Rau trâm ổi lại thêm rau lộc vừng. Rau nào là rau ô dước, còn rau nào là rau chiếc. Rau lá lụa mỏng như lụa. Đọt cò ke non bấy, tím sẫm. Rồi rau quế vị, tía tô, xà lách, húng cây, húng lủi, quế thơm, dưa leo, xăng nhái… Rau chua, rau chát, rau đắng, rau ngọt, rau thơm, thứ nào cũng có. Mà tìm trong sách thuốc nam, rau nào cũng có thể chữa bệnh cho người. Bên cạnh dĩa rau là những chén nhỏ nước chấm chua ngọt và dĩa dưa củ kiệu, dưa chua. Nhìn rau, nhìn nước chấm đủ gợi cảm cho người thưởng thức, những mong nhanh chóng có ngay dĩa thịt heo luộc và những chiếc bánh tráng phơi sương.
*****************
Thịt heo luộc là thịt ba chỉ hay thịt đùi heo. Nhưng đừng nghĩ rằng cứ thịt mang vào luộc là xong. Người đã từng ăn bánh tráng phơi sương Trảng Bàng thế nào cũng có lúc hỏi: sao người Trảng Bàng Luộc thịt khéo thế. Miếng thịt như bao nhiêu miếng thịt xứ khác mà khi ăn có vị ngọt hơn, bùi hơn, béo hơn. Không biết ở đây người Trảng Bàng có bí quyết luộc thịt heo hay không nhưng cứ mỗi quán bán bánh tráng phơi sương vị hương vị thịt heo có mỗi cách riêng. Chiếc bánh tráng phơi sương được cắt làm tư. Người khéo chỉ cần một miếng là có thể cuốn được một cuốn bánh tráng ngon lành. Người vụng thì xấp đôi. Cuốn vào chiếc bành tráng phơi sương những lá rau mình thích, với vài miếng thịt heo, chấm với nước chấm chua ngọt, ăn cuốn thứ nhất lại muốn cuốn ngay cuốn thứ hai. Có người ăn đến no mà nhìn dĩa rau, dĩa thịt, dĩa bánh vẫn còn muốn ăn thêm. Tất cả những thứ đó đưa vào miệng bỗng tan ra có chua, có ngọt, có béo, có bùi, có vị mằn mặn đậm đà của chiếc bánh phơi sương. Để xong bữa này lại hẹn bữa khác quay lại tìm đến thưởng thức thêm.
Tây Ninh bây giờ đã có tên trong bản đồ du lịch vào loại hấp dẫn của Việt nam. Hành hương lên núi Bà Đen bây giờ không chỉ có tháng giêng ngày hội. Từ ngày có chiếc cáp treo đưa khách lên viếng Linh sơn thánh mẫu, nhiều khi ngày thường cũng có khách đến núi. Khách tham quan Toà thánh Tây Ninh không chỉ chọn ngày rằm tháng giêng, rằm tháng tám. Công trình kiến trúc độc đáo này lôi cuốn khách thập phương vào bất cứ ngày nào trong năm. Chỉ riêng tháng Giêng cả triệu người đã đến du lịch đất Tây Ninh để tham quan hai danh thắng nổi tiếng kia. Mà khách thập phương đã đến Tây Ninh, cùng với nhu cầu du lịch còn có nhu cầu thưởng thức món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Lên xe là khách bảo nhau, nhớ ghé Trảng Bàng ăn bánh tráng phơi sương nghe. Không cần đặt bảng hiệu đặc sản, người tứ xứ cũng gọi món này là đặc sản Trảng Bàng, Nhiều người đã tính đổi nó thành tên: báng tráng Tây Ninh, nhưng không được, nói nó trẹo lưỡi, khó lắm. Nên cứ bánh Tráng Trảng Bàng mà gọi. Khách ăn xong còn mua thêm bánh tráng mang về làm quà. Họ chỉ tiếc không thể mang theo về một dĩa rau hấp dẫn kia.
**************
Khách du lịch càng đông thì người làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng càng thêm vất vả. Nhưng vui. Vui nhất là cả nước biết đến Trảng Bàng nhờ vào chiếc bánh mỏng manh kia. Món ăn bánh tráng phơi sương Trảng Bàng tự nhiên trở thành thương hiệu. Người làm bánh phải xây dựng lò làm bánh quy mô hơn. Nhiều lò còn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hơn công suất. Bên cạnh hơn 1200 lò thủ công đã xuất hiện 3 lò có phương tiện máy móc thay thế sức người. Lò thủ công mỗi ngày chỉ sản xuất 10-15 kg bánh. Còn lò có phương tiện máy móc có thể sản xuất một ngày 500-600kg bánh. Thế mới biết, nhu cầu cho người muốn thưởng thức món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ngày càng nhiều hơn. Có tăng công xuất nhờ máy móc thì mới có thể đưa bánh tráng phơi sương Trảng Bàng tham gia thị trường ẩm thực ở Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc được. Người Trảng Bàng còn nghĩ cả đến việc làm sao làm cho người nước ngoài biết đến dĩa rau ngon lành. Dĩa thịt heo béo bùi và hương vị nước mắm chua ngọt của xứ mình nữa kìa. Nhưng rất tiếc, giờ đây, người Trảng Bàng chưa có ai lo giúp chuyện tạo ra thương hiệu riêng cho mình. Đã có vài cơ sở xuất khẩu bánh Tráng Trảng Bàng, nhưng xem lại thì lại là người Thành Phố Hồ Chí Minh, mượn bánh tráng Trảng Bàng mà làm thương hiệu thôi. Tiếc thật.
Ngừơi làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã để lại trong tiềm thức của những người am hiểu nghệ thuật ẩm thực một dấu ấn. Bánh tráng phơi sương đã thành một đặc sản và người sành ăn không thể bỏ qua mỗi khi ghé về Tây Ninh. Vì thế mà nghề làm bánh tráng mỗi ngày một mở mang hơn. Chưa đủ sức để làm cho người làm bánh tráng giàu lên, nhưng người làm bánh tráng Trảng Bàng tự hào rằng mình đã giữ gìn được một nét đẹp văn hoá trên quê hương mình. Người làm bánh tráng Trảng Bàng bây giờ còn mong một thứ để có thể chiếm lĩnh thị trường mạnh mẽ hơn, đó là thương hiệu “Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng”. Mong muốn ấy thực chính đáng. Bao nhiêu đời nay, người ở đây đã giữ được một nghề độc đáo, mang bản sắc riêng của một vùng quê. Công lao ấy phải được ghi nhận như một giá trị văn hoá ẩm thực độc quyền.
Ai về xứ ấy Trảng bàng
Mua giúp một ràng bánh tráng phơi sương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét