ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ ĐƯỜNG
TRONG THI VĂN VIỆT NAM.
DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY
Những năm gần đây, phong trào làm thơ Đường Luật bổng nhiên khởi sắc và tiến dần trở nên phong phú trong giới văn thơ người Việt hải ngoại. Ở Pháp nhóm Bảo Tồn Văn Hoá Việt đã có những chủ trương sưu tầm lại các thi phẩm cổ, mà phần lớn là những bài thơ Đường Luật của các danh nhân Trung Hoa cũng như Việt Nam. Những bài thơ của các thi hào Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lê Thánh Tông, được nhóm trân quý và cho in thành sách. Phong trào làm sống lại thơ Đường mạnh nhất là nhóm của các thi sĩ Thiên Tâm, Đông Thiên Triết, Trường Giang…, trong hội “Thi Văn Đàn Bốn Phương” ở miền Bắc tiểu bang California Hoa kỳ. Trong hội thơ này, ngoài những thi sĩ lão thành có khuynh hướng làm thơ cổ còn có thi sĩ Thiên Tâm một cây bút trung niên thường xuyên sáng tác thơ Đường. Ông thường họa thơ qua lại với các thi gia bốn phương trên hầu hết các mạng lưới điện toán toàn cầu. Nhóm bạn thơ “chuyên trị” thơ Đường của ông cũng không nhiều lắm, nhưng hiện nay đã có ảnh hưởng trong giới thi văn hải ngoại không ít.
Vậy thơ Đường là loại thơ như thế nào? Nó bắt nguồn từ đâu và thi pháp, âm luật nó ra làm sao? Chúng ta tưởng nên lượt qua những chi tiết về loại thơ này, để cùng nhau có một cơ sở căn bản, nhận định đúng mức về tầm quan trọng của nó trong văn học Việt Nam.
A.NGUỒN GỐC THƠ ĐƯỜNG.
Thơ Đường hay thơ Đường Luật, cũng có sách gọi là thơ Cận Thể: là thể thơ đặt ra từ đời nhà Đường bên Trung Hoa khoảng vào năm (618-907) trước công nguyên do một số sĩ phu dưới thời Đường Thái Tông sáng tạo truyền bá rộng khắp Trung Nguyên và sau này truyền sang nước ta. Thể thơ có niêm luật nhất định trái hẳn với loại thơ Cổ Phong hay Cổ thể trước đời Nhà Đường không theo niêm luật nào nhất định cả.
Thơ Cổ phong loại thơ có số chữ trong câu là nhất định (thường ngũ ngôn hoặc thất ngôn) còn số câu không hạn định. Cứ từ 4 câu trở lên , muốn làm dài ngắn bao nhiêu cũng được. Các nhà thơ thường hay làm 4 câu ( tứ tuyệt) hoặc 8 câu (bát cú), nhưng cũng có bài làm 6 câu hoặc 12 câu. Những bài thất ngôn dài quá 8 câu và những bài ngũ ngôn dài quá 16 câu gọi là trường thiên.
Tuy không có niêm, luật bắt buộc nhưng thơ Cổ Phong vẫn có vần. Vần trong thơ Cổ Phong có thể dùng độc vần (hay độc vận), cũng có thể dùng nhiều vận cho một bài thơ gọi là liên vận, nhưng phải đổi vần cho mỗi hai câu. Ngoài ra các nhà thơ còn dùng liên châu vận, cứ mỗi câu là hạ vần. Trong bài thơ liên vận có thể dùng vừa vần bằng vừa vần trắc. Mỗi khi đổi vần câu thứ nhất có gieo vần hoặc không gieo vần vẫn được.
B.SỐ CÂU VÀ SỐ CHỮ TRONG THƠ ĐƯỜNG
Thơ Đường Luật được chia làm 2 lối: Ngũ ngôn tứ tuyệt (5 chữ 4 câu) và Thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu). Nhưng lối chính là bát cú thường được các thi gia sử dụng nhiều nhất.
Hai bài thơ Đường Luật dưới đây tiêu biểu cho hai lối.
Tôn Phu Nhân Qui Thục
Cật ngựa thanh gươm ven chữ tòng;
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông.
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc;
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
Son Phấn thà cam dày gió bụi;
Đá vàng chi để thẹn non sông.
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn;
Thà mất lòng anh được bụng chồng.
(Tôn Thọ Tường)
Khóm Gừng Tỏi
Lởm chởm vài hàng tỏi;
Lơ thơ mấy khóm gừng.
Vẻ chi là cảnh mọn;
Mà cũng đến tang thương.
(Ôn Như Hầu)
C.THI PHÁP VÀ ÂM LUẬT
Trong thơ Đường Luật, lối thơ “Thất Ngôn Bát Cú” được thông dụng, các thi gia thường sử dụng lối thơ này để diễn tả những phong cảnh, nỗi lòng và giải bày tâm sự của mình trước hoàn cảnh sống hoặc ca ngợi những công trình của con người.
Này nghiên với bút nọ rành rành,
Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành.
Bay ngát xạ đưa khi vắng khách;
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh.
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím;
Bóng loan hồ soi nước biếc xanh,
Mây khoá một rào hoa chắn nước,
Đây là thật nổi tiếng uy linh
(Vô Danh)
Từ đời nhà Trần trở về trước, nước ta vẫn có tiếng nói riêng. Tất cả cũng đã có một nền văn chương diễn xuất bằng quốc âm. Tiếc rằng đến nay nền văn cổ ấy đã bị thất truyền chỉ còn lại những câu ca dao tục ngữ, có lắm câu hay cũng không kém gì những câu trong Kinh Thi.
Mãi đến năm (1278-1293) khi ông Hàn Thuyên phỏng theo thơ Đường Luật của Trung Hoa đặt ra luật thơ văn quốc âm thường được gọi là Hàn Luật, từ đó các thi gia Việt Nam mới theo luật ấy mà ngâm vịnh và vì thế có thể nói thi pháp của ta tức là thi pháp của Trung Hoa và các niêm luật của thơ ta đều ảnh hưởng âm luật của Tàu. Do vậy các thi gia Việt Nam dù muốn dù không khi làm thơ (nhất là các loại thể thơ cổ) dù trong thời điểm nào cũng không nên xem thường các luật lệ của nó.
Khi viết một bài thơ Đường Luật theo lối Thất Ngôn Bát Cú thiết nghĩ các thi sĩ cần lưu ý đến 5 điều: Vần, Đối, Niêm, Luật và Bố Cục.
1)Vần Thơ (Vận) ( Rhyme)
Là những tiếng thanh âm hoà hiệp đặt vào hai hoặc nhiều câu văn để hưởng ứng nhau. Thí dụ : cương và sương…
Trong thơ Đường Luật thường dùng vần bằng hoặc vần trắc. Cả một bài thơ chỉ hiệp theo một vần gọi la øgieo vần theo lối độc vận. Trong bài thơ bát cú có 5 vần gieo ở câu đầu và các câu chẵn. Thí dụ: trong bài “Chúc Mừng Hội Thi Văn Đàn Bốn Phương”
Đườngluật tập tành tặng Bốn Phương
Nghêu ngao mấy vận giải can trường
Vẽ tranh thi hữu dăm ba nét
Tả tánh đồng môn bảy tám chương
Niêm luật lôi thôi cần phủ chính ?
Văn chương quê kệch đáng khinh thường ?
Trời cao còn có trời cao nữa
Thành khẩn dâng lên để kính tường !
(Thiên Tâm)
Câu 1 (câu đầu) Phương gieo vần với câu (2) Trường, câu (4) Chương, câu (6) Thường và câu (8) Tường.
Trong trường hợp gieo vần sai hẵn không đi vào đâu gọi là lạc vận hay là vận rụng và nếu gieo vần gượng gạo ép chế không được hiệp cho lắm gọi là cưỡng vận hay gượng vận. Và như vậy theo luật vận thì không thể chấp nhận được.
2) Đối (Symmetry)
Đặc điểm của thơ Đường Luật là phép đối. Đối là đặt hai câu đi song đôi với nhau cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng.
Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu song nhau. Còn đối chữ tức đối thanh nghĩa là bằng phải đối trắc và ngược lại trắc phải đối bằng. Trong ý nghĩ này còn có đối loại của chữ nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối với nhau ( danh từ đối với danh dứ và động từ với động từ v.v.).
Những câu bắt buộc phải đối trong bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú là bốn câu giữa. Câu 3 đối với câu 4 và câu 5 đối với câu 6. Hai câu 1, 2 và 7, 8 được miễn trừ trong phép đối của thơ Đường Thất Ngôn Bát Cú.
Thí dụ: trong bài thơ “Tôn Phu Nhân Qui Thục” của Tôn Thọ Tường, hai câu 3và 4 đối nhau theo loại tự.
“Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
……..
Son phấn thà cam dày gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông”
Ngô và Hán, hai từ chỉ ý nghĩa của hai nước đồng thời cũng là hai danh từ. Son phấn đối với đá vàng……
3) Luật (Regulation)
NIÊM LUẬT ĐƯỜNG THI !
Luật lệ Đường Thi giống lái xe,
Trên sông, mặt biển, các tàu bè.
Giữ niêm, chẳng phóng vào lề lộ,
Gìn luật, đừng tông trúng mũi ghe.
Xin chớ chê người say bết bát,
Hay là trách bạn nói lè nhè.
Đôi khi chính bác không lưu ý,
Cũng trật đường rầy, ủi gốc tre.
(Đông Thiên Triết)
Với bài thơ viết ví niêm luật của thơ Đường đã cho thấy trong Thơ Đường Niêm và Luật là điểm then chốt nhất và tương đối khó cho người làm thơ nếu chưa thông suốt hết những luật lệ của thơ Đường. Bởi nó là sự xếp đặt những tiếng trắc và bằng trong một câu thơ của bài thơ, mà phần lớn các thi gia đôi khi cũng đi ra ngoài khuôn khổ (sai luật thất niêm). Cho nên muốn hiểu luật thơ buộc các thi gia phải phân biệt tiếng bằng hay trắc. Bằng có người gọi là bình là những tiếng phát ra bằng phẳng đều đều. Trắc là tiếng phát ra nghe nghiêng, lệch hoặc từ thấp lên cao hoặc từ cao xuống thấp.Trong ngôn ngữ Việt Nam ta có tám thanh âm và được chia ra sáu thanh trắc và hai thanh bằng.
Thanh Bằng gồm có:Phù bình thanh và Trầm bình thanh chứa các chữ không dấu và dấu huyền. ( ø ). Thanh Trắc có: Phù thượng thanh, Trầm thượng thanh, Phù kứ thanh, Trầm khứ thanh, Phù nhập thanh, và Trầm nhập thanh, bao gồm những chữ mang dấu: ngã, hỏi, sắc, nặng và các tiếng đằng sau cho phụ âm c, ch, p,và t.
Một bài thơ Đường có thể làm theo hai luật: Luật bằng bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng và luật trắc bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc.
Đây là những bảng biểu đồ liệt kê tất cả các luật của hai lối thơ Đường Tứ tuyệt và Bát cú.
Các thanh bằng , trắc và vần , được ghi tắc như sau để áp dụng vào bảng biểu đồ. Tiếng bằng = b, tiếng trắc = t và tiếng vần = v. Những chữ in nghiêng buộc phải đúng luật, còn chữ in thường không đúng luật cũng không sao.
LUẬT BẰNG
a)Vần bằng
* .Ngũ Ngôn Bát Cú
Câu: 1. b b t t b (v)
2. t t t b b (v)
3. t t b b t
4. b b t t b (v)
5. b b b t t
6. t t t b b (v)
7. t t b b t
8. b b t t b (v)
* Thất Ngôn Bát Cú.
Câu: 1. b b t t t b b (v)
2.t t b b t t b (v)
3. t t b b b t t
4. b b t t t b b (v)
5.b b t t b b t
6. t t b b t t b (v)
7. t t b b b t t
8. b b t t t b b (v)
LUẬT TRẮC
b)Vần bằng
*Ngũ Ngôn Bát Cú.
Câu: 1. t t t b b (v)
2. b b t t b (v)
3. b b b t t
4. t t t b b (v)
5. t t b b t
6. b b t t b (v)
7. b b b t t
8. t t t b b (v)
*Thất Ngôn Bát Cú.
Câu: 1. t t b b t t b (v)
2. b b t t t b b (v)
3. b b t t b b t
4. t t b b t t b (v)
5. t t b b b t t
6. b b t t t b b (v)
7. b b t t b b t
8. t t b b t t b (v)
LUẬT BẰNG
a)Vần Trắc
* Ngũ Ngôn Bát Cú
Câu: 1. b b b t t (v)
2. t t b b t (v)
3. t t t b b
4. b b b t t (v)
5. b b t t b
6. t t b b t (v)
7. t t t b b
8. b b b t t (v)
*Thất Ngôn Bát Cú.
Câu: 1. t t b b b t t (v)
2. b b t t b b t (v)
3. b b t t t b b
4. t t b b b t t (v)
5. t t b b t t b
6. b b t t b b t (v)
7. b b t t t b b
8. t t b b b t t (v)
Luật thơ Đường rất khó, ngoại trừ những đại thi gia, còn phần nhiều các thi sĩ đôi khi còn phải thất niêm luật. Chính vì sự phức tạp của niêm luật nên vào thời mạc Đường các thi nhân đã nhiều phen tranh cải kết quả đã phát sinh ra sự xét lại luật của Thơ Đường nên lệ bất luận (không kể) đã được phổ cập áp dụng giảm bớt tính cứng nhắc trong thơ Đường.
Trong bài thơ Ngũ Ngôn chữ thứ nhất và chữ thứ ba không cần đúng luật: tức nhất tam bất luận . Trong bài thơ Thất Ngôn thì chữ thứ nhất chữ thứ ba và chữ thứ năm không cần phải đúng luật tức: nhất, tam , ngũ bất luận.
Với lệ bất luận có thể thay đổi mấy chữ trong câu thơ, như đang trắc mà đổi ra bằng thì được , chứ đang bằng mà đổi ra trắc thì có một vài trường hợp làm cho câu thơ trở thành khổ độc, (khó đọc) đọc không được. Những trường hợp này thường xảy ra trong các bài thơ Ngũ Ngôn: Chữ thứ nhất của các câu chẵn và chữ thứ ba của các câu đáng bằng mà đổi ra trắc là thành khổ độc. Trong bài thơ Thất Ngôn: Chữ thứ ba các câu chẵn và chữ thứ năm các lẽ đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.
Trường hợp Thất Luật : Một câu thơ đặt sai luật nghĩa là một chữ đáng bằng mà đổi ra trắc hoặc trái lại thế thì gọi là thất luật.
Cho nên khi làm thơ Đường đòi hỏi các thi gia phải cẩn thận trong việc dùng tiếng bằng trắc cho đúng. Có nhiều thi gia rất nổi tiếng thành danh trên thi trường, và có nhiều tác phẩm xuất bản. Thậm chí có những bài thơ đã được các nhạc sĩ tiếng tăm phổ nhạc và được nhiều giới thưởng thức ái mộ, nhưng khi sáng tác về thể loại Đường Luật các thi gia này vẫn có nhiều sơ sót để sai luật thật đáng tiếc.
4) Niêm (prosody)
Niêm trong thơ Đường Luật được định nghĩa xem như là sự dính liền âm luật với nhau giữa hai câu thơ. Hai câu thơ được gọi là niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của chúng cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc. Như thế bằng niêm với bằng và trắc niêm với trắc.
Trong bài thơ Bát Cú những câu sau đây niêm với nhau. Câu 1 niêm với câu 8 và ngược lại. Câu 2 với câu 3, câu 4 với 5 , câu 6 với câu 7.
Trường hợp xem là thất niêm ( mất sự dính liền) là khi các câu trong bài thơ đặt để sai không theo luật đã định
5) Bố Cục (Disposition)
Thông thường một bài thơ hay một bài văn có ba phần: Đầu đề, thân bài và kết luận, nhưng đối với một bài thơ Đường Thất Ngôn Bát Cú có 4 phần.Bốn phần này gồm phá đề hay mở đề (câu 1) và thừa đề hay chuyển mạch (câu 2) nối câu phá vào bài.Thực hay trạng gồm câu 3 và 4 có nhiệm vụ giải thích đầu bài cho rõ ràng.Luận (câu 5 và 6) nhiệm vụ hai câu này là làm cho rộng nghĩa đầu bài. Cuối cùng là hai câu 7 và 8 có nhiệm vụ tóm ý của cả bài.
C. ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ ĐƯỜNG TRONG THI VĂN VĂN VIỆT NAM
Các nhà văn học sử cũng đều công nhận, thời cực thịnh về thi phú của nước Trung Hoa có lẽ dưới triều đại nhà Đường và thời suy yếu nhất dưới nhà Tần.
Tần Thủy Hoàng đã đưa ra một chính sách cực kỳ dã man đó là “Đốt sách chôn học trò”. Nhiều sĩ phu và các nho sĩ đã bị chết oan uổng. Nền văn học Trung Hoavào triều đại nhà Tần đã xuống dốc một cách thê thảm. Trái lại vào thời nhà Đường Vua Đường Thái Tông khuyến khích giai cấp sĩ học. Ông mở mang thêm nhiều khoa thi và cho xây nhiều bia đá để tưởng niệm những sĩ phu có công với đất nước. Thể thơ Đường đã phát sinh vào thời kỳ này và đã sớm phát triển và truyền sang các nước lân cận.
Đối với Việt Nam thơ Đường đã du nhập từ lâu, nhưng không mấy phát triển, vì trước đó nước ta có một nền văn minh truyền khẩu duy sử dụng tục ngữ ca dao để diễn tả tình cảm hay truyền đạt tư tưởng… Nhưng cũng không được phát triển theo lối thượng tầng (nghĩa là không có được tổ chức qui mô, cẩn thận và không có chữ viết để ghi lại nên đã mai một rất nhiều). Kể từ khi ông Hàn Thuyên biến cải luật thơ phú bên Trung Hoa nhất là luật của Thơ Đường thành ra luật cho thơ quốc âm của nước ta thì nền văn thi quốc âm của nước ta ngày càng phong phú. Sự phát triển thơ văn rộng khắp nước. Trong triều đình nhà vua lập hội thơ để cùng những sĩ phu làm thơ, ngâm vịnh (thời đại Lê Thánh Tông). Sau Hàn Thuyên thơ quốc âm còn được gọi là Hàn luật vì người ta cho rằng luật lệ thơ văn quốc âm do Hàn Thuyên sáng tạo. (có sách ghi rằng Hàn Luật không phải do ông Hàn Thuyên sáng tác mà đó chính là Đường Luật của Trung Hoa ông chỉ uyển chuyển ứng dụng vào việc làm thơ quốc âm mà thôi). Việc làm của ông thời đó đã gây lên một phong trào nên đời bấy giờ có nhiều người noi gương ông mà làm thi phú bằng quốc âm.
Theo sử chép ông Nguyễn Sĩ Cố là một nội thị học sĩ đời vua Trần Thái Tông (1258- 1278) và thiên chương học sĩ đời vua Trần Anh Tông (1293-1313). Ông làm thơ quốc âm rất hay, ông khôn khéo và khôi hài, người đương thời ví ông với Đông Phương Sóc. Một người khác mà sử đã đề cập đó là ông Chu An ( + 1370), ông là một bậc danh nho đời Trần hiệu Tiêu Ẩn. Đời vua Trần Minh Tông ông làm Quốc Tử Giám tu nghiệp coi việc giảng kinh cho thái tử, ông soạn sách “Từ thư thuyết ước”. Đến thời Dụ Tông ông dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần (Thất trảm Sớ) vua không nghe. Ông xin từ quan.
Qua trên , nhờ vào các thể văn của Tàu đặc biệt là thể Đường Luật nước ta đã có một nền quốc âm phong phú phát đạt với các thể loại văn vần , phú , văn tế….
Có nhiều văn sĩ không những viết văn mà còn làm thơ phú cũng như các thể văn khác nữa.
Các thể văn nước ta ảnh hưởng Trung Hoa có Vận văn và Biền văn. Vận văn gồm thơ, phú và văn tế. Biền văn: văn không có vần mà có đối, những câu đối tứ lục và kinh nghĩa…
MỘT SỐ BÀI THƠ ĐƯỜNG VÀ VĂN TẾ
Bán than
Một gánh kiền khôn quảy xuống ngàn;
Hỏi chi bán đấy? Gửi rằng than.
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt,
Hơn thiệt nào bao gốc củi tàn.
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp,
Thử xem sắt đá có bề gan!
Nghĩ mình nhem nhuốc toan nghề khác,
Nhưng lẹ trời kia lắm kẻ hàn.
(Trần Khánh Dư)
Tô Hiến Thành
Khinh bề tài hóa, trọng cương thường,
Lòng giải hai triều một tiết sương.
Mặc bạc trách ai toan đổi trắng,
Chiếu son còn đó dám tham vàng!
Nhà yên, gà mái mai không gáy,
Nước vững anh con cánh lại giương.
Phò chúa xin ai nên nghĩ lấy,
Nghìn năm bia miệng có Tô Trương.
(Hoàng Cao Khải)
Bài văn tế làm theo lối tán
Thanh thiên nhất đoá vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng Uyển nhất chi hoa,
Dạo trì nhất phiến nguyệt,
Y!Vân tán, tuyết tiêu,
Hoa tàn, nguyệt khuyết.
(Mạc Đĩnh Chi)
DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY
Những tài liệu tham khảo.
Quốc Văn Trích Diễn ( DQH)
Việt Nam Văn Học Sử Yếu
( Bilingual Resource Center)
3. Đường Văn Thi Tập.
4.Thơ “Niêm Luật Đường Thi” của Đông Thiên Triết
5. Thơ “ Chúc Mừng Thi Văn Đàn Bốn Phương” của Thiên Tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét