Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

VU LAN MÙA BÁO HIẾU

DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY
Đáp thư mời của Đạo Tràng Pháp Hoa Chùa Thích Ca Đa Bảo, đông đảo đồng hương phật tử San Jose và các vùng lân cận, chủ nhật 18-8-2002 đã đến tại hội trường American GI Forum, số 765 Story Sanjose dự Đại Lễ Vu Lan .
 " Cây có cội nước có nguồn", phận làm con ai trong chúng ta cũng mang nặng ân nghĩa sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Mùa Vu Lan về là dịp nhắc nhở những người con hiếu hạnh nhớ đến công ơn sâu dày của cha mẹ hiện tiền cũng như cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đã qua. Thể theo lời Phật dạy, noi gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ tối tăm…, dâng lời cầu nguyện cho đa sanh phụ mẫu, chư anh linh chiến sĩ nhờ công đức này được sanh về cảnh giới chư Phật. Đồng thời cầu nguyện cho quê hương cùng muôn loài chúng sanh trong pháp giới trọn niềm an lạc".  Đoạn lời trên trong thư mời của Thượng Tọa Thích Trí Lãng Viện chủ chùa Thích Ca Đa Bảo đã gián tiếp nói lên lý do vì sao bổn chùa tổ chức long trọng ngày Đại Lễ Vu Lan.
Sau những nghi thức :chào quốc kỳ và quốc ca hai nước Việt Mỹ, múa lân cung nghinh chư tôn quang lâm và giới thiệu quan khách. Thượng Tọa Viện Chủ đã đọc diễn văn khai mạc buổi lễ và thông điệp Vu Lan Phật Lịch 2546 của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền  Quang .
THÔNG ĐIỆP VU LAN 2546.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Mùa Báo hiếu Vu Lan lại về, trang nghiêm trong lễ nghi, trầm hùng trong tâm tư toàn thể chư Tăng, Ni và Phật tử ở trong hay ngoài nước. Gặp thời nhiễu nhương, đất nước chưa yên ổn, chánh pháp bị hủy báng, mới thấy rằng các ngày đại lễ Phật Giáo trở thành thủ đô tâm linh, nơi qui tập những khối lực tâm thành và chí nguyện Bồ Tát của hằng triệu Phật Giáo đồ.
Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người 
Đạo vô thượng thần thông quảng đại
Chuyển pháp luân tam giới thập phương
Mùa Báo Hiếu, ngày xá tội vong nhân, siêu độ hương linh cửu huyền thất tổ… qua bao đời các ý niệm tương duyên tương sinh ấy hiển lộ thành nguyên lý sống, thành tác phong hằng nhật của người Phật tử đối với sự trả hiếu, và vun bồi nền móng gia đình cho quốc thổ và cho quốc thể Việt Nam uy nghiêm tồn tại. Tiến trình trả hiếu khởi đầu với sự nhận chân thực tại, như ngài Mục Liên nhìn và thấy hình ảnh mẹï thống khổ nơi tận cùng địa ngục. Nhưng làm sao để cứu mẹ? Phải phát bồ đề tâm cứu khổ, cứu mẹ ra khỏi ngục A Tỳ. Phát bồ đề tâm chưa đủ, vì bước phát tâm này mới là nguyện lực cá nhân. Nguyện lực cá nhân cần có thêm sự trợ thủ và chú nguyện của tập thể chư Tăng, một tập thể của trí tuệ Bát Nhã, thì mới viên thành chí nguyện. Đây là ba bước của tiến trình trả hiếu. Suy ra mọi sự cứu khổ trên trần thế đều phải hội đủ quá trình ba bước ấy: Một là nhận chân thực tại; Hai là  nguyện ước trừ nguy; Ba là, lực lượng từ bi cứu khổ . Một thôi chưa lay đổ được nghịch cảnh, mà phải hòa hội ba lộ trình thể hiện nhất thiết chủng trí thì mới chuyển hóa được thời cơ.
   Chữ hiếu trong đạo Phật không chỉ bao hàm cha mẹ trong đời này, mà xuyên suốt tới Cửu Huyền Thất Tổ, nghĩa là mẹ cha nhiều đời trong hằng hà sa số kiếp. Kinh sách thường viết " chúng sanh trong vô lượng kiếp đều là cha mẹ, thân thuộc lẫn nhau" . Như vậy thì ngoài sự trả hiếu cho cha mẹ hiện tiền , còn thêm sự trả hiếu cho cha mẹ nghìn muôn kiếp trước. Hiếu hạnh của đạo Phật là lòng Đại Từ tiến hành không ngưng nghỉ. Trả hiếu cho cha mẹ đồng nghĩa với thương cứu chúng sanh. Vì chúng sanh chẳng ai khác hơn là cha mẹ nghìn muôn kiếp trước của mình vừa được thác sinh.
 Cho nên gặp ai khổ lụy, bần hàn ; gặp ai sa cơ , thất thế; gặp ai lâm cảnh ngục tù, áp bức, gặp ai vô minh , phiền não, gặp ai tham luyến , sân si…người Phật Tử không thể nhắm mắt làm ngơ, mà phải đem tâm Đại Bi bảo bọc hết thảy chúng sinh, đem tâm Đại Từ làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh, đem tâm Vô Ngại dẹp bỏ mọi chướng ngại cho kẻ khác. Người Phật Tử tùy hỷ với pháp lành, tùy thuận với quần sanh để giải thoát nhân loại trầm luân khổ ách. 
Mùa Báo Hiếu Xá tội vong nhân, Siêu độ hương linh Cửu Huyền Thất Tổ…vào dịp chư tăng xuất hạ ngày Tự Tứ, biểu hiệu hoàn mãn Hiếu hạnh mà cũng là lòng Đại Từ của Phật Giáo, vừa cho những vong linh khuất bóng, vừa cho chúng sinh hiện tiền. Như thế, người Phật tử Việt Nam có thể hãnh diện làm kẻ thừa kế nền giáo lý cao cả của Đức Phật trong công cuộc tôn trọng và bảo vệ Linh quyền và Nhân quyền. ( Nhân quyền cho người sống và Linh quyền cho người chết.)
Năm trước, tôi đã cất lời kêu gọi hàng cư sĩ NamNữ Phật Tử mở ra truyền thống mới về lễ nghi Hiếu Hạnh. Nghĩa là sau khi làm lễ Vu Lan ở chùa, về nhà nên thiết lễ cầu nguyện tại gia cho cha mẹ hiện tiền cũng như tổ tiên quá khứ. Làm sao cho từ nay, nghi lễ này trở thành phong tục mới, tập quán mới, nhằm giáo dục con cháu về chữ Hiếu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đây là cái Tết Hiếu Thuận, sau Tết Nguyên Đán và trước Tết Trung Thu của các cháu thiếu nhi hàng năm.
   Tôi cũng đã tha thiết, xin lặp lại, kêu gọi chư Tăng Ni, hàng Trưởng Tử của Như Lai, đã cát ái từ thân, thì sự truyền thừa của chánh pháp, cũng như bảo vệ quê hương nơi mình hành đạo, chính là sự nối dõi của đạo Hiếu đối với Đức Thế Tôn. Kính xin chư Liệt Vị và Tôn Túc hãy tâm niệm cho điều ấy, mà xích lại gần nhau hơn bao giờ, để thực hành các chí nguyện cao cả của người Tăng sĩ, mà nối bước đi đều hướng tới những phương trời cao rộng.
   Được như vậy, cuộc khủng hoảng văn hóa, xã hội, chính trị và đạo lý trầm trọng ở chổ nước ta mới có cơ chấm dứt, nền văn hiến Việt mới phục hồi và Phật Đạo tăng huy.
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT.
Quảng Ngãi, mùa Vu Lan , Phật lịch
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
Tỳ Kheo THÍCH HUYỀN QUANG
 Sự gặp nhau của chúng sinh đó là một duyên cơ đã định trước theo thuyết nhà Phật gọi là " Ngộ". Đó là lời mở đầu bài thuyết giảng của Thượng Tọa Thích Minh Dung, trước khi Thầy đi sang một vấn đề khác cốt lõi của bài giảng. Đó là "Vu Lan Báo Hiếu".
Theo Thượng Tọa khi nói đến Vu Lan là con nhà Phật nghĩ ngay đến việc báo hiếu, nghĩa là sự đền đáp công lao dưỡng dục, sanh thành của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Không những cha mẹ hiện tiền mà còn có cha mẹ đã quá sanh nữa. Theo một cách nhìn và dùng từ chuẩn xác, được Thầy gọi nôm na là " biết ơn".  " Biết ơn rất quan trọng, nếu chúng ta không biết ơn thì làm sao có Từ Bi và Trí Tuệ. Nếu một người sinh sống ở trên đời mà không biết ơn ai cả là một người không có Trí Tuệ và cũng không có Từ Bi. Vì Từ Bi và Trí Tuệ là hai trụ cột quan trọng thể cách nhân sinh trong quan niệm của nhà Phật. Biết ơn còn là một văn hóa, như người không biết ơn ai cả thì được xem như là người kém văn hóa." 
 Cũng theo Thượng Tọa Thích Minh Dung, việc trả hiếu hay nói khác là " biết ơn" cũng có rất nhiều dạng và tùy theo phong tục của từng nơi, của từng sắc tộc trên thế giới. Có những sắc dân không chịu ảnh hưởng của thuyết Phật Giáo thì họ có quan niệm trả hiếu theo tục lệ của họ. Nhưng khi đã là con nhà Phật thì ai ai cũng xem việc Đức Mục Kiền Liên là một người con Đại Hiếu. Ngài Mục Kiền Liên đã thể hiện hai vấn đề cốt lõi của con nhà Phật là " Từ Bi" và " Trí Tuệ".  Ngài đã ngộ giác, Ngài đã cứu được mẹ ra khỏi chốn A Tỳ. 
   Trong nghi thức cầu nguyện Vu Lan Bồn và dâng hoa cúng dường Vu Lan, các  Chư Tôn Thượng Tọa, Đại Đức các Tăng Ni và các Phật Tử  đã  Đảnh Lễ Tam Bảo, Tán Phật Vương đọc Chú Đại Bi , Sám Vu Lan , Tứ Hoằng Thệ Nguyện và Tam Tự Qui. Suốt hơn nửa tiếng đồng hồ nghiêm chỉnh cầu nguyện trước bàn Phật đã tạo cho tuyệt đại đa số Phật tử đã hưng phấn tâm linh.  Cụ An 67 tuổi nói: "Tôi thường nhờ con cháu chở đến chùa để tôi nghe kinh kệ, gần gũi các Ni Sư tôi cảm thấy như có điều gì thánh thiện, tôi cần có những thánh thiện đó" . Còn Cụ Tăng 69 tuổi thì cho biết: " Đi chùa và sinh hoạt lễ tự ở chùa, tôi cảm thấy thoải mái hơn là đi sinh hoạt cộng đồng. Tôi đã đến Mỹ  mười tám năm, tôi tham gia rất nhiều trong những sinh hoạt cộng đồng từ nhiều nơi, nhưng tâm hồn tôi như chưa có " lắng đọng" đôi khi còn không có được sự  "êm ả" nào! Nên kể từ năm 1999, tôi thường đến những nơi sinh hoạt có tính cách tâm linh như thế này". 
   Lễ Dâng Quà Cúng Dường Chư Tôn Đức và Bông Hồng Cài Aùo đã được diễn ra theo sau nghi thức cầu nguyện Vu Lan Bồn.  Các Thanh Thiếu Niên Phật Tử của Chùa Thích Ca Đa Bảo đã lần lượt đến gắn từng chiếc hoa hồng trên ngực áo của các Chư Tôn với quà cúng dường.
 Nói về ý nghĩa bông hồng cài áo, Chùa Thích Ca Đa Bảo đã nhắc nhỡ người Phật Tử Việt Nam, người con Phật hãy nhớ về cội nguồn sau bao tháng ngày dong ruỗi tha độ. Không nên quên công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
 Đẹp thay, cho những ai còn mẹ được cài những đóa hoa hồng thắm tươi trên áo, và cũng chia sẽ với những ai đã không còn  có những diễm phúc khi cha mẹ không còn ở trên trần đời, với một bông hoa trắng, một biểu hiện của sự chia xa vĩnh viễn trong lòng của những đứa con không còn mẹ. Nhưng mùa Vu Lan Báo hiếu không chỉ riêng cho những người còn cha mẹï mà người không còn cha mẹ cũng có thể nghĩ đến và kính lễ cha mẹ, tổ tiên, ông bà.
Bài hát "Bông Hồng Cài Aùo" và "Tâm Sự Người Cài Hoa Trắng" được các em trong ca đoàn Thích Ca Đa Bảo trình diễn đã đi sâu vào lòng người Phật tử đến tham dự. 
Lúc 5 giờ 30 phút các Phật tử, các Chư  Tôn chùa Thích Ca Đa Bảo thọ trai dường và thưởng thức chương trình văn nghệ mừng Vu Lan đã được diễn ra với nhiều tiết mục đặc sắc . Hợp ca mừng Vu Lan, Trích đoạn cải lương" Mục Liên Tìm Mẹ", Tân Cổ Giao Duyên " Con Gái Của Mẹ" và đơn ca cổ nhạc " Bông Hồng Cài Aùo" v. v.do các nghệ sĩ vốn là con nhà Phật biểu diễn .
Buỗi Đại Lễ Vu Lan chấm dứt vào lúc 6 giờ 10 phút cùng ngày sau, lời cảm tạ của Ban Tổ Chức và Múa Lân dưa tiễn các Chư Tôn Đức cùng với đồng hương Phật tử.
   Trong cùng ngày, tại Pháp Duyên Tịnh Xá số 766  Second, St cũng đã tổ chức Đại Lễ Vu Lan Bồn với mục đích : cầu nguyện cửu huyền thất tổ , đồng bào tử nạn, chiến sĩ trận vong được siêu thoát, đồng thời cầu nguyện quốc thái dân an, giải trừ quốc nạn và pháp nạn tại quê nhà . Được đông đảo chính quyền địa phương và  đồng đạo Phật tử nhiều nơi đến tham dự . Được biết mùa Vu Lan năm nay có rất nhiều Phật tử qui y thí phát tại Pháp Duyên Tịnh Xá và  đặc biệt cũng tại Pháp Duyên Tịnh Xá  Lễ Dâng Y Và Tứ Vật Dụng được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền. Một tiết mục cũng xem như là đặc biệt mà cũng chỉ có tại Pháp Duyên Tịnh Xá trong mùa Vu Lan Phật Lịch  2546 năm nay, đó là  chương trình văn nghệ cúng dường Vu Lan, do gia đình Phật tử Thiện Tâm vàø các Nghệ sĩ phụ trách. Với những bài hát mang ý nghĩa báo hiếu mẹ cha, ông bà, tổ tiên đã như nhắc nhở người tham dự là những con nhà Phật đừng nên xao lãng bổ phận làm con . Hai MC Trần Ngọc và Kim Oanh, rất tài tình trong việc điều hợp chương trình đã không bỏ lỡ những cơ hội nào để cho chương trình trở nên buồn tẻ nên đã tạo được tâm đắc  từ người xem. Buổi Đại Lễ Vu Lan Bồn tại Pháp Duyên Tịnh Xá coi như là một buổi lễ có giá trị nhất định trong mùa Vu Lan năm nay tại hải ngoại.

DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY


                                                                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét