Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

TUẦN BÁO ĐỜI RA MẮT

DUY VĂN

Chiều chủ nhật này 04-5-2003,tại nhà hàng phở Bắc Hoa Việt,Tuần Báo Đời đã long trọng làm lễ ra mắt với hàng trăm quan khách, hội đoàn, bạn hữu và các cơ quan truyền thông tham dự.
Sau những nghi thức : chào cờ, quốc ca và mặc niệm cho những chiến sĩ , đồng bào và những người cầm bút đã nằm xuống cho lý tưởng tự do. Nhà Văn, nhà báo Thanh Thương Hoàng Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tuần Báo Đời đã ngỏ lời chào mừng, cám ơn đến quí quan khách,các đồng nghiệp và nói lý do tại sao Tuần Báo Đời ra đời. " Chúng tôi một số người cầm bút ở miền Nam, sau cơn biến động của Đất Nước 30-4-75 bị tứ tán khắp nơi. Người thì di tản vượt biên, kẻ thì bị cộng sản bắt tù đày. Qua một thời gian dài trên phần tư thế kỷ, những kẻ sống sót mới có cơ hội gặp gỡ và ngồi lại với nhau để cùng nói lên tiếng nói chung với hy vọng tạo được chút hữu ích cho đời. Đó là lý do Tuần Báo Đời ra đời." 
 Làm báo ở xứ người thật là khó khăn  và nhất là trong giai đoạn nghiệt ngã của nền kinh tế  Hoa Kỳ hiện nay. Có người vừa dí dõm vừa cường điệu nói với nhà văn Thanh Thương Hoàng " Nếu bắt buộc phải chọn giữa ở tù và làm báo thì tôi xin chọn ở tù. Anh mới sang đây mấy năm chưa có dịp bơi lội trong " vũng nước báo bổ" nơi hải ngoại này, nên chưa biết cái nỗi "đoạn trường" khổ lắm và đôi khi nhục lắm". Nhưng theo nhà văn Thanh Thương Hoàng thì như là có một sức mạnh vô hình nào đó đã thúc đẩy ông , dằn vặt ông, lôi cuốn ông," bắt" ông phải hành lại cái nghề mà ông đã dứt bỏ hơn một phần tư thế kỷ.Tuần Báo Đời ra giữa lúc này đây là một " cái nghiệp". Cái nghiệp đã buộc ông phải đi tới cùng.
Trong tâm tình và hình như cũng là quan điểm nhà văn Thanh Thương Hoàng nói: "Với gần 3 triệu người Việt chúng ta ở nơi hải ngoại nếu cùng lúc đưa tay lên và nói một tiếng chung thì nhất định lịch sử Đất Nước chúng ta không còn như ngày hôm trước"
Giáo sư , nhà văn, nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh, người mà theo nhạc sĩ  Sơn Văn người đã làm rạng rỡ cho dân tộc Việt trước những năm 1975 cũng như hiện nay, đã không kém phần dí dõm trong phát biểu dịp ra mắt Tuần Báo Đời. Ông và nhà văn Thanh Thương Hoàng có điểm giống nhau, và cũng có những điểm khác nhau; giống nhau vì ông và ông Hoàng sinh cùng một năm ( không nói là năm nào) ; khác nhau là ông sinh ngày mùng ba tháng giêng, tháng đầu của năm. " Cho nên nếu ai sinh cùng năm với tôi đều kém tuổi tôi hết."  Cái khác nữa là nhà văn Thanh Thương Hoàng "dám liều làm báo "  còn ông thì không dám liều,nhưng lúc nào cũng sẵn lòng ủng hộ các anh em.Ông nghĩ rằng với bạn hữu xa gần giúp đỡ, nhà văn Thanh Thương Hoàng sẽ thành công trong nghiệp báo chí.
Cựu "Tể Tướng " Nguyễn Bá Cẩn cho biết ông cũng cùng tuổi với nhà văn Thanh Thương Hoàng và Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, nhưng ông cũng không cho biết là tuổi gì. Tuy một tuổi nhưng ba người đều khác nhau. Ông thua giáo sư Vinh về cái can đảm vì ông không phải là một người của Không Quân. Ông cũng thua nhà văn Thanh Thương Hoàng cái liều vì tới tuổi này mà vẫn còn dám làm báo "Đời". Mấy tháng trước nhà văn Thanh Thương Hoàng có nói với ông sẽ làm tuần báo. Oâng  nói " nguy dữ", bởi vì một tuần nó qua lẹ lắm, đi nhanh lắm mà đây cũng không phải là Sàigon và đây cũng không phải là Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả nữa. Bây giờ đây như cua gãy càng, ai qua đây cũng như cua gãy càng mà nhà văn Thanh Thương Hoàng dám ra báo thì nghĩ cũng "gan". Giáo sư Vinh nói văn chương là nhà văn Thanh Thương Hoàng "hơi liều lĩnh", nhưng ông thì không nghĩ vậy .Lớn tuổi rồi tai nó điếc, mà hễ điếc thì không sợ súng.Tuy nhiên nói theo nghĩa nghiêm chỉnh tại vì thời cuộc thời thế chúng ta không còn phương tiện để cầm súng nữa để làm một việc gì cho quê hương mình nên phải thay vào đó là cầm bút…. Ông nghĩ từ cái văn hóa có lẽ hướng dẫn cuộc chiến đấu của chúng ta trở về đến chỗ toàn thắng. Chúng ta đã mất nước, mất nhà mất cửa, mất cả dĩ vãng, mất cả sự nghiệp, mất cả vũ khí chiến cụ trong tay, bây giờ chúng ta chỉ còn có một cái vũ khí duy nhất là " ngòi bút" và " văn hóa". Nước mất chúng ta còn có thể lấy lại được, Sàigon lấy lại được, chính quyền giành lại được nhưng không thể để mất văn hóa, bởi vì mất văn hóa thì mất luôn . Cộng sản có cưỡng chiếm chỉ cưỡng chiếm được cục đất, chúng không thể cưỡng chiếm được lòng người và càng không cưỡng chiếm được văn hóa. Chúng ta nhất định phải bồi đắp. Ông tin rằng Báo Đời sẽ đóng góp một phần quan trọng công cuộc giữ gìn văn hóa và đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do trong tương lai.
Với cựu Trung Tá Nguyễn Mộng Hùng ( tức Hùng Sùi) thì ngạc nhiên hơn, tuy bị MC nhạc sĩ Sơn Văn mời lên phát biểu bất ngờ, ông phát biểu dõng dạc, có lẽ do " chất" nhà binh còn nhiều ở trong người ông. Ông xác nhận ông không phải là một nhà văn ,nhà thơ hay nhà báo gì cả, nhưng ông có quen rất nhiều trong giới này cho nên cuộc sinh hoạt nào có liên hệ đến giới này đều có mặt ông. Ông cũng xác nhận ông là " người ăn tục nói khoét" không có thể nói văn chương như  mọi người. Cho nên ông cầu mong bạn ông nhà văn Thanh Thương Hoàng "làm  Báo Đời, nhưng đừng nợ đời". Xin chúc cho Nhà văn Thanh Thương Hoàng và Ban Biên Tập Tuần Báo Đời thành công mặc dù trong tờ báo hôm nay chỉ có tên nhà văn Thanh Thương Hoàng chưa có nội các trong đó.
Bà Kim Định, một nhà địa ốc nổi tiếng mà theo MC Sơn Văn là một nữ lưu người Việt hải ngoại của chúng ta thành công nhất về mặt thương mại phát biểu. Bà nói rằng lúc còn nhỏ ở Saigon bà đã có dịp biết và đọc Tuần Báo Đời, và bà rất thích thú vì nội dung phong phú. Nay Tuần Báo Đời lại có mặt tại San jose, nhân dịp này bà có một cơ sở thương mại thường hay quảng cáo trên các báo địa phương, bà ủng hộ Tuần Báo Đời một trang quảng cáo và kêu gọi những cơ sở thương mại ở vùng San Jose này giúp cho tờ báo được sống, vì báo chí không có quảng cáo thì không thể sống nổi.
Nhà thơ Trần Anh Lan chúc mừng nhà văn Thanh Thương Hoàng và Tuần Báo Đời, đồng thời đại diện cho Hội Aùi Hữu Quảng Ngãi ủng hộ năm trăm đô la.
Có người hỏi rằng tại sao ban tổ chức không mời một nhà văn hay nhà báo nào lên phát biểu . Ban tổ chức qua MC Sơn Văn trả lời : Tình cảm của chúng tôi đối với nhà văn nhà báo lúc nào cũng rất thân thiết và chúng tôi chia xẻ với nhau tất cả những ngọt bùi trong cuộc sống của nghề làm báo nhất là ở đất nước quê hương thứ hai này rất khó khăn. Và vì không muốn" mèo khen mèo dài đuôi nên chúng tôi không mời các bạn đồng nghiệp phát biểu . 
Luật sư  Nguyễn Thành người bạn vong niên của nhà văn Thanh Thương Hoàng đã tâm sự: Vào những năm tháng trước đây, khi nhà văn Thanh Thương Hoàng mới vừa đặt chân đến Mỹ, ông có mời nhà văn Thanh Thương Hoàng làm tờ nhật báo, nhưng vì nhà văn Thanh Thương Hoàng bận việc " riêng tư " nên không thể thực hiện. Và nay Tuần Báo Đời ra mắt là một  dịp tốt cho các bạn hữu, nhất là giữa ông với nhà văn Thanh Thương Hoàng, có phương tiện phục vụ cộng đồng và đồng bào hải ngoại. Ông cầu chúc Tuần Báo Đời vững mạnh.
Nhân dịp này, đại diện báo Tiếng Vang  trao cho nhà văn Thanh Thương Hoàng một bó hoa hồng vàng và nhà thơ Uyên Thy ngâm bài thơ của cụ Dương Huệ Anh, chủ tịch Thi Đàn Lạc Việt Bắc CaLi chúc mừng Tuần Báo Đời.
Ông Lại Đức Hùng đại diện Liên Hội Người Việt Bắc CaLi cầu chúc Tuần Báo Đời luôn tươi thắm, hứa sẽ dùng uy tín giúp cho Đời và ủng hộ một trăm đô la. Ngoài ra các thân hữu của bổn báo chủ nhiệm như  nhà thơ Vũ Triều Nghi, Hàn Phong Cao, Nguyễn Kim Khánh….đã ký mua báo báo năm.
Chương trình văn nghệ ra mắt Tuần Báo Đời thật đặc sắc,do nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Aùi phụ trách cùng với các ca sĩ nổi tiếng trong vùng như : Lệ Hằng, Đan Hùng,Thi Cầm, Nguyên Đán, Tuấn Đan, Thiên An, Uyên Thy……
Lễ ra mắt chấm dứt sau màn dạ vũ của các thân hữu với ban nhạc.
                                           
DUY VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét