Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN MẤT ĐI MỘT NGƯỜI CON TRANH ĐẤU

Duy Văn Hà Đình Huy



Sáng nay,đến Khu Hội Tù Nhân Chính Trị Bắc Cali để lo một vài việc cần thiết cho Câu lạc Bộ Văn Nghệ cuối tuần. Đang ngồi nhâm nhi vài cụm cà phê đắng do Phó Chủ tịch Khu Hội Cao Minh Trí khoản đãi và bàn một vài câu chuyện về Đặng Chí Bình một người trẻ đã vượt biên qua Thái Lan và đã bị cảnh sát Thái bắt và đang ngồi tù. Nhiều người nói Đặng Chí Bình đang bị cộng sản Việt Nam theo dõi và họ đã yêu cầu Chính quyền Thái giải giao cho họ để di lý về Việt Nam, nhưng chính quyền Thái không đồng ý với lời yêu cầu này, vì thế  Đặng Chí Bình được giam trong một phòng giam đặc biệt cùng với người da trắng (trường hợp giam như vầy để tránh đi sự trà trộng của bọn sát thủ tình báo Việt Cộng, có thể trà trộn giết đương sự). Có người cho rằng Đặng Chí Bình đã được Cao Tị Nạn Chính Trị của Liên Họp Quốc phỏng vấn rồi, cơ may đi định cư nước ngoài một ngày gần đây.
Trong khi bàn tán sôi nổi, thì Thông Tín Viên Nghê Lữ cũng đến tham gia vào cuộc chính đàm. Thông Tín Viên Nghê Lữ nói rằng ông ta vừa nói chuyện với Đặng Chí Hùng. Hiện Đặng Chí Hùng vẫn bình yên và vẫn lạc quan, hy vọng sẽ có cơ may tị nạn chính trị. Đồng lúc tiếng chuông điện thoại reo,Thông Tín Viên Nghê Lữ bắt phone, với một giọng nói “ nheo nhéo” mọi người xung quanh nghe không rõ, nhưng mọi người đều thấy sắc mặt của Nghê Lữ như có đều gì ngạc nhiên lắm. Cái gì? Tại sao? Và chết Hồi nào? Tiếng hỏi của Thông Tín Viên Nghê Lữ với người trong điện thoại.
Buông điện thoại Nghê Lữ nói là  đài SBTN cho biết Nhạc sĩ Việt Dzũng vừa qua đời tại bệnh viện, qua cơn trụy tim.Mọi người đều tiếc thương cho người  nhạc sĩ tài hoa và là một người con của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, chiến đấu và tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do không cộng sản
Được biết nhạc sĩ Việt Dzũng  sinh năm 1958 tại Sài Gòn, một thời học Trường Trung học Lasan Taberd nơi ông bắt đầu biểu hiện khiếu âm nhạc. Năm 1975 ông vượt biên tỵ nạn sang đến Singapore rồi sau sang Mỹ định cư, đến năm 1976 gia đình mới sang cùng đoàn tụ.[1] Ngay những năm đầu tiên tại Mỹ ông đã sáng tác và thắng giải Iowa Grand Ole Opry. Năm 1985 ông cho ra băng nhạc tiếng Anh Children of the Ocean qua sự hợp tác với một số nhạc sĩ Mỹ.
Đối với tân nhạc Việt Nam ở hải ngoại, ông đã sáng tác một số bài nổi tiếng như "Một chút quà cho quê hương", "Lời kinh đêm", "Tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn". Album Một bông hồng cho người ngã ngựa sau khi ra mắt được đón nhận rất thành công. Ông hợp tác với ca sĩ Nguyệt Ánh một thời gian, đi lưu diễn nhiều nơi ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Âu châu hát lên những bản nhạc tranh đấu, chống Cộng, mở đường cho phong trào Hưng ca ở hải ngoại.[1] Cũng vì việc đấu tranh chính trị mà cả hai bị nhà cầm quyền tuyên án tử hình khiếm diện ở Việt Nam.[2] Việt Dzũng với bài "Một chút quà cho quê hương" cùng với Nam Lộc (tác giả bài "Sài Gòn vĩnh biệt") được nêu danh là một trong những tên tuổi chính của dòng nhạc Việt Nam hải ngoại.[3]
Ngoài những bản nhạc gói ghém nỗi niềm ly hương và đấu tranh vốn là sở trường của Việt Dzũng,[4] ông còn có những tác phẩm tình ca vui trẻ như "Tình như cây cà rem", "Có những cuộc tình không là trăm năm" hay uẩn ức như "Bên đời hiu quạnh". Tổng cộng ông đã viết hơn 450 bài, một số ra mắt trong hai tập nhạc Kinh Tỵ nạn  Lưu vong khúc.[2]Năm 1990 Việt Dzũng lập hãng ra băng và đĩa nhạc mang tên Trung tâm Việt Productions.[1]
Ngoài hoạt động âm nhạc, Việt Dzũng còn có chân trong văn học, chủ bút nguyệt san Nhân chứng  California. Sau ông chuyển sang đóng góp cho đài phát thanh Little Saigon Radio bắt đầu từ năm 1993 làm phóng viên  xướng ngôn viên cho đài phát thanh tiếng Việt toàn phần đầu tiên ở miền nam California.[1] Đến năm 1997 thì ông lập đài phát thanh riêng là Radio Bolsa.
Đối với các chương trình thâu hình thì Việt Dzũng cũng xuất hiện thường xuyên là MC của chương trình ca nhạc của Trung tâm Asia.
Dù ở lĩnh vực nào ông từng xuất hiện trong những cuộc vận động chống Cộng. Ông luôn có mặt và hỗ trợ cho các công cuộc đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền cho dân tộc Việt Nam. Ông luôn sát cánh cùng các đoàn thể trẻ tại Nam California (Hoa Kỳ) như Thanh Sinh Phó Đức Chính, Thanh Niên Cờ Vàng. [5][6] đấu tranh cho nhân quyền trong nước, và ông cũng luôn vận động cứu giúp thuyền nhân tỵ nạn. Năm 2010 ông được thượng nghị sĩ tiểu bang California Lou Correa trao giải "Community Heroes" vì 20 năm hoạt động đóng góp cho cộng đồng.
Với người viết bài này, thì nhạc sĩ Việt Dzũng như là một người em trong nghệ thuật và trong tranh đấu chống độc tài cộng sản, mà Việt Dzũng đã biểu hiện trong thời gian lưu vong nơi hải ngoại. Người viết tuy là vai anh vì lớn tuổi hơn,nhưng trong tâm hồn lúc nào cũng ngưỡng mộ người em Việt Dzũng và xem người như là ngọn đuốc biểu tượng cho sự đấu tranh bền bỉ để đưa đến chiến thắng mai hậu.
Hiện cái ác,độc tài vẫn còn,cộng sản Việt Nam vẫn còn đè đầu cỡi cổ người dân Việt Nam,thì người tị nạn cộng sản vẫn còn tranh đấu như lời kinh tị nạn và lưu vong khúc mà Việt Dzũng đã và đang để lại cho mọi người muốn có dân chủ tự do cho nước nhà là phải tranh đấu đến cùng,với bằng mọi hình thức.
Hôm nay,Việt Dzũng không còn nữa, những kỹ niệm người viết và Việt Dzũng tự nhiên gợi nhớ và thoáng qua trong bổng chốc, nhưng một bổng chốc thật có ý nghĩa lịch sử đấu tranh qua những lần xuống đường , biểu tình trên mọi khắp đất nước Hoa Kỳ mỗi khi có bọn cán bộ cộng sản, hoặc của những phái đoàn thương mại cũng như văn công của cộng sản đến.
Nhưng thôi! Việt Dzũng người hãy nằm xuống và hãy yên nghĩ đi! Người đừng bận tâm trên cõi đời này nữa. Cuộc chiến đấu này sẽ còn mãi mãi và nhiều người khác sẽ noi gương của người đứng lên nhiều hơn nữa theo hoài bảo của người tranh đấu đến thắng lợi cuối cùng.
Dòng cuối người viết bài này, kính nguyện cầu cho hương hồn của người sớm phiêu diêu nơi miền tiên cảnh và không quên phù hộ cho công cuộc tranh đấu cho nước Việt Nam sớm có tự do nhân quyền.
Duy Văn Hà Đình Huy
NHẠC SĨ VIỆT DŨNG TẠ THẾ


Nhạc sĩ Việt Dzũng vừa qua đời tại Fountain Valley Hospital, California, lúc 11:15 phút sáng 20 tháng 12, 2013.

Việt Dzũng tên thật Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, anh sinh năm 1958 tại Sài Gòn.

Thân phụ của ông là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, và mẹ là cựu giáo sư trung học Gia Long. Ông theo gia đình di tản từ năm 1975, định cư tại các tiểu bang Nebraska, Texas và cuối cùng là California.

Nhà báo Nguyễn Văn Khanh, Giám Đốc Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do cho biết, thân mẫu của nhạc sĩ Việt Dzũng nói với ông rằng, hệ miễn nhiễm của con trai bà bị yếu từ lâu.

Việt Dzũng là tác giả của nhiều ca khúc được đồng bào hải ngoại yêu mến, như “Chút Quà Cho Quê Hương,” “Lời Kinh Ðêm,” “Mời Em Về”…

Việt Dzũng là một người đa tài và có lòng với cộng đồng tị nạn hải ngoại. Ông là một trong những MC chính của tất cả các chương trình của Trung Tâm Asia.

Ông cũng là một nhà báo, là xướng ngôn viên của các đài phát thanh tại nam California, như Little Saigon Radio (1992-1996), Bolsa Radio từ 1996 đến nay.

Trong các sinh hoạt cộng đồng, ông hoạt động tích cực, đấu tranh cho các vấn đề tự do, nhân quyền cho Việt Nam. (H.G.)

Nguồn: nguoi-viet.com

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

TỎ MẶT ĐÀN BÀ NƯỚC NAM

Duy Văn Hà Đình Huy

Mỗi năm cứ vào tháng ba dương lịch, cộng đồng Việt Nam ở San Jose thường có tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa như :ra mắt thơ văn,hội thảo chính trị, tổ chức lễ kỷ niệm những vị anh hùng dân tộc,những buổi họp mặt tân niên và những cuộc trình diễn ca nhạc,kịch…
Trong lãnh vực tổ chức những ngày lễ kỷ niệm các anh hùng dân tộc, cộng đồng Việt Nam vùng Thung Lũng Hoa Vàng đã tổ chức thành công ngày lễ kỷ niệm Nhị Vị Trưng Nữ Vương tại hai nơi Quốc Tổ Vọng Từ và Học khu Franklin.
Tại mỗi nơi đều có những nghi thức tổ chức khác biệt nhau,về hình thức lẫn giờ giấc, nhưng có một nội dung giống nhau là mọi người đều cung nghinh rước long vị hai Bà, những phút chào cờ, mặc niệm để tưởng nhớ đến những người Việt Nam hy sinh cho chính nghĩa quốc gia,tưởng nhớ đến,những bậc tiền nhân có công khai sáng và gìn giữ đất nước.
Những hồi trống chiêng được gióng lên, như thúc giục ngày ra trận của hai Bà, ông Nguyễn Hữu Hản, Hội Trưởng Hội Đền Hùng được Mc NgọcAn giới thiệu đọc lời chào mừng và cử hành lễ Cáo Yết cùng với hai ông Trương Đình Sửu và Nguyễn Tế San. Trong chiếc áo dài cổ truyền,đầu đội khăn đóng cô Madison Nguyễn đã đọc sơ lược tiểu sử của hai Bà.
"Hai Bà Trưng là tên gọi tắt,suy tôn hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc ta. Đó là hai chị em Trưng Trắc,Trưng Nhị.
Trưng không phải là họ, mà là biến âm của một từ trong ngôn ngữ Việt cổ,tương tự từ "tô ruông" trong tiếng khờ me, hoặc"karung "trong lịch sử Phù Nam,đều có nghĩa là Vua. Trưng Trắc là Vua Nhất,Trưng Nhị là Vua Nhì. Đó là những tiếng xưng tụng hai chị em nữ anh hùng,khi họ trở thành thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa lớn vào loại sớm nhất trong lịch sử dân tộc, cũng như trong lịch sử nhân loại,chống xâm lược,nô dịch và trở thành nữ hoàng đầu tiên,cai quản quốc gia, dân tộc,sau khi đất nước giải phóng,hồi thế kỷ thứ I.
Sử cũ đều chép, Hai Bà là dòng dõi lạc tướng (người đứng đầu bộ lạc)Mê Linh(miền đất rộng giữa Ba Vì và Tam Đảo)thời Hùng Vương. Truyền Thuyết nói Hai Bà là con gái của bà Man Thiện,cũng là một phụ nữ đảm lược,quê hương ở vùng Ba Vì.Ngọc Phả các làng Hạ Lôi và Hát Môn,những nơi có đền thờ chính của Hai Bà,đều chép Hai Bà là chị em sinh đôi và sinh vào ngày 1tháng 8 năm Giáp Tuất(năm 14 sau công nguyên).Các sử cũ cũng thống nhất chép rằng Trưng Trắc có chồng là Thi Sách, dòng dõi lạc tướng Chu Diên(miền đất dọc sông Đáy).Đây là kết quả của một cuộc"hôn nhân chính trị",nhân đây mà liên kết thế lực của hai miền đất quan trọng nhất của non sông thời bấy giờ.Lực lượng liên kết ấy là hạt nhân của cuộc khởi nghĩa đồng loạt,rộng lớn,mãnh liệt,nổ ra vào mùa Xuân năm Canh Tý(năm 40 sau công nguyên)nhân việc Thái Thú(quan cai nhà Hán)ở Giao Chỉ (miền đồng bằng Bắc Bộ) là Tô Định giết hại Thi Sách.Nhưng nguyên nhân căn bản của cuộc khởi nghĩa là vì sự nghiệp và tinh thần yêu nước, ,chống áp bức,thống trị và nô dịch,đồng hóa.
"Trưng Trắc là người can đảm,hùng dũng"(lời thừa nhận của bộ chính sử chép về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào loại cổ nhất của Trung Quốc)đã cùng em gái đứng đầu của cuộc khởi nghĩa ấy,liên kết được sức mạnh toàn dân(trong đó có đông đảo phụ nữ,hóa thân vào truyền thuyết thành các nữ tướng:Thánh Thiên,Lê Chân,Bát Nàn,Thiều Hoa…)và toàn quốc(không chỉ gồm Giao Chỉ,Cửu Chân,Nhật Nam là miền đất nước ta ngày nay,từ Trung Bộ trở ra,mà cả đất Hợp Phố,bây giờ là Nam Quảng Đông,Trung Quốc).
Chỉ trong một thời gian ngắn,Hai Bà Trưng đã quét sạch giặc thù khỏi bờ cõi và được tôn làm vua,đứng đầu đất nước độc lập trong thời gian ba năm. Sau đó nhà Hán sai lão danh tướng Mã Viện cầm đầu đại quân sang tái xâm lược,Hai Bà đã dũng cảm đương đầu cùng quân giặc,tổ chức kháng chiến đánh những trận lớn từ Tây Vu,Lãng Bạc đến Cẩm Khê(Hà Bắc,Hà Nội,Hà Sơn Bình) và cuối cùng đã hy sinh anh dũng vào mùa hè năm Quí Mão(năm 43 sau công nguyên),để lại tấm gương oanh liệt nghìn thu."
Nghi thức tế lễ Hai Bà, được các cụ Hội Đền Hùng cung nghinh theo cổ truyền, có những thơ văn tán tụng công đức của Hai Bà, do bà Lan Hải và nhà thơ Ngọc An đảm trách.
Tại học khu Franklin,Hội Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại đã có một thủ tục nghi lễ công phu, ngoài những bài diễn văn chào mừng quan khách,các hội đoàn,đoàn thể,các cơ quan truyền thông báo chí, ban Tổ Chức đã có những bài tán dương công đức và lược sử về Hai Bà. Chương trình văn nghệ mừng ngày kỷ niệm Hai Bà nơi đây thật phong phú và đầy đủ những tiết mục: họp ca, đơn ca, do các ca sĩ ở địa phương biểu diễn,đặc biệt vỡ kịch hoạt cảnh "Đêm Mê Linh" đã được quan khách và đồng hương tán thưởng nhiệt liệt.Được biết vở kịch này do các môn sinh môn phái VoViNam Việt Võ Đạo trình diễn,theo người hướng dẫn võ sư Cẩm Bình thì các em tập luyện rất là công phu các em đóng vai Trưng Trắc phải tập luyện 3 năm vàTrưng Nhị phải tập luyện gần 10 năm mới đóng được trọn vai, còn các em đóng các vai phụ như tướng sĩ thì phải mất 2 năm các em mới đánh được những thế kiếm hay như thế.Những thế kiếm tuyệt diệu mà các môn sinh của Việt Võ Đạo biểu diễn trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, theo võ sư Cẩm Bình là phối họp giữa một số bài:"Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp","Thái cực đao pháp",ø"Song luyện kiếm" và khi đoạn biểu diễn đánh với quân Tàu thêm bài"Tam đấu nữ""Tứ đấu kiếm","Chống lý kiếm" và "Song luyện kiếm".Trong vỡ kịch có tính chất lịch sử hấp dẫn đó,huấn luyện viên Trương Công Minh thủ vai Tô Định,em đã tập võ với Việt Võ Đạo đã hơn 10 năm,thủ vai Trưng Trắc là em Nguyễn Hoàng Oanh Vàng và Trưng Nhị là em Lê Hồng Anh Na.Võ sư Cẩm Bình cũng cho biết, võ đường Việt Võ Đạo được thành lập từ năm 1983 do chị đứng lên thành lập,trước đó có võ sư Nguyễn Minh Hải 1981,nhưng đến năm 1983 thì chị đã có những lớp dạy võ cho tới bây giờ.Hiện tại, võ đường tọa lạc tại góc đường số 20 với Santa Clara,trong khu Community Center. Võ sư Cẩm Bình cho biết, kỷ niệm lễ Hai Bà Trưng hàng năm do Hội Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại tổ chức, đều có sự tham gia của võ đường ViVoNam Việt Võ Đạo và với tinh thần này chị rất phấn khởi,vì võ đường đã làm một công tác văn hóa tốt,hướng dẫn cho các em ý thức về nguồn gốc,trở về với cội nguồn,khi mỗi lần tham gia các em tập luyện rất kỹ và các em nhớ được mình là con dân Việt Nam, con cháu của Hai Bà. Võ sư Cẩm Bình nói rằng “rấtø vui được nối chí Hai Bà để thực hiện được câu:"Phấn son tô điểm sơn hà,Làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam". 
Cũng nhân dịp này,Hội Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại đã cho ra mắt tân ban chấp hành nhiệm kỳ mới với hội trưởng là bà Trương Bích Hoa,phó nội vụ bà Nguyễn Hoàng Yến,phó ngoại vụ bà Tôn Nữ Thuận An,tổng thư ký bà Phạm Thị Bảy…
Nói thêm về truyền thuyết của Hai Bà Trưng,theo sách Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên,một văn sĩ đời nhà Trần,soạn năm 1329,ghi:"Vua Anh Tông nhà Lý,nhân trời đại hạn,khiến Thiền sư Tịnh Giới đến cầu mưa,quả được mưa,khí mắt buốt người. Vua mừng liền xem qua,hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mặt họa mày liễu,áo lục quần hồng,mão đỏ,thắt lưng,cỡi ngựa sắt theo mưa mà chạy ngang. Vua lấy làm lạ mới hỏi.Đáp rằng:
-Thiếp là chị em Nhị Trưng đây,vâng lịnh Thượng đế xuống làm mưa.
Vua tỉnh dậy mà cảm,sắc phong trùng tu từ vũ,rồi sắm lễ vật đến tế,sai sứ rước về phía Bắc Đại nội,dựng đền VũSư mà thờ phụng.Sau lại thác mộng cho vuaxin lập đền thờ ở làng Cổ Lai,vua nghe theo,sắc phong Trinh Linh Phu Nhân.
Năm trùng tu thứ tư,phong bà chị là Chế Thắng phu nhân,năm Long Hưng thứ 21,gia thêm hai chữ Thuần Trinh.Lại gia phong thêm bà chị và bà em hai chữ Bảo Thuận,thường thường vẫn có linh ứng.
Phan Kế Bính( 1875- 1921),trong Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện việt năm 1912,đã ghi lại truyền thuyết về Hai Bà như sau:
"Từ lúc Hai Bà xuống sông,rồi hóa ra hai người bằng đá,nổi lênh đênh trên mặt nước trôi đi.Các làng quanh sông thấy vậy,tranh nhau ra khấn để vớt về thờ,nhưng chỉ có làng Đông Nhân, huyện Thanh Trì (bấy giờ thuộc tỉnh Hà Đông) vớt được,mới lập đền thờ ở bãi làng ấy. Dân xã Hát Môn thấy sự thiêng làm vậy,cũng lập đền thờ vọng ở bên sông.
Đến đời vua Anh Tông nhà Lý,chổ bãi Đồng Nhân lở gần đến miếu thờ. Vua sai làng Hưng yên bên trong đê,ra đền rước tượng Hai Bà vào,rồi vua ban tiền bạc cho dân lập miếu mà thờ,phong sắc là"Trinh Linh Chi Phu Nhân". Đền ấy bây giờ vẫn còn,tục gọi là đền Hai Bà.
Đến thời nhà Trần lại phong thêm tám chữ:"Uy Liệt Chế Thắng Thuần Trinh Bảo Thuận). Đến bây giờ vẫn còn anh linh lắm.
Trong sách Việt Nam Di tích và Thắng Cảnh do Đặng Đức Siêu chủ biên đã ghi nhận rõ hơn truyền thuyết dân gian về sự kiện rước tượng Hai Bà ở Đồng Nhân như sau:
"Không biết từ đâu,hai pho tượng Hai Bà theo dòng sông Cái trôi xuôi…Tới một đêm đầu tháng hai âm lịch,hai pho tượng tỏa sáng trước bãi Đồng Nhân.Dân làng lấy vải đỏ rước tượng vào bờ. Vua Lý Anh Tông biết chuyện truyền lập đền thờ ngay tại đó.Aáy là năm 1142.
Ngày nay,ở khắp mọi thành phố lớn hay nơi hải ngoại,người Việt đều có lập bàn thờ để cung kính Hai Bà và hàng năm đều có tổ chức lễ kỷ niệm, để nhớ đến công đức của Nhị Vị anh thư.

Duy Văn Hà Đình Huy



MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG,CẢ ĐỜI VÌ SÁCH
VUA SÁCH NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG.

      HÀ ĐÌNH HUY

Khi bài viết này lên khung, thì bác Nguyễn Hùng Trương không còn sống trên cõi trần gian ô trọc này ( theo triết lý nhà Phật). Có lẽ vong hồn bác đang an lạc nơi thế giới vĩnh hằng. Được tin bác Trương mất chiều ngày 11 tháng 03 năm 2005, cả tòa sọan Tuần Báo Đời Mới thật bàng hoàng. Niềm xúc động từ tâm hồn dâng lên của mỗi người  như có một sự mất mác lớn nào, khó khỏa lấp. 
Tôi được dịp biết bác Nguyễn Hùng Trương  từ thuở còn là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Luật Khoa Sàigòn, trước năm 1975. Vào dạo đó, cứ mỗi cuối tuần bọn sinh viên các trường đại học quanh vùng thủ đô Sàigòn thường đến nhà sách Khai Trí của bác để tìm sách cho mình. Lúc đó, thật sự tôi và một số bạn sinh viên không rõ được tên thật của bác là Nguyễn Hùng Trương như những trang cáo, phân ưu rõ nồn nột tên thật của bác bây giờ. Chúng tôi chỉ biết người Sàigòn thời đó gọi bác là “ ông Khai Trí”. 
Theo một số người am hiểu về bác Nguyễn Hùng Trương thì : Sở dĩ người Sàigòn gọi bác là “ông Khai Trí”  vì bác là chủ nhân nhà sách Khai Trí, nhà xuất bản lớn nhất Sàigòn trước năm 1975. Bác là người say mê sách hiếm có, lúc nào cũng sưu tầm những sách hiếm quí. Bác quí sách còn hơn cả tính mạng của Bác. Đến khi ngã bệnh, nằm hôn mê mà miệng Bác lúc nào cũng nhắc đến sách!
Bác Nguyễn Hùng Trương ( tức ông Khai Trí) sinh ngày 4 tháng 7 năm 1926, tại Thủ Đức tỉnh Gia Định. Thưở nhỏ học trường tiểu học Thủ Đức và trường Trung học Pétrus Ký Sàigòn. Năm 1952 lập gia đình với Bà Phùng Thị Bông. Có tất cả 4 con trai và 4 con gái, 8 cháu nội và 2 cháu ngọai.
Bác là một tấm gương sáng về khởi nghiệp, xuất thân từ nhà nghèo, tự thân lập thân từ hai bàn tay trắng!
Bác là một người căn cơ, kiên trì cần mẫn, nhiều sáng kiến về sách! Bác  sống rất giản dị! Hồi nhỏ đi học, Bác thường nhịn ăn sáng, lấy tiền mẹ cho đi mua sách, báo đọc. Bác thích những sách mở mang kiến thức, sách học làm người! Đến khi giàu có, nhiều bửa ăn sáng, Bác chỉ ăn vài củ khoai lang, trong khi nhân viên của Bác  lại thích ăn phở! Các con của Bác cũng chỉ cho học trường Việt bình thường ở Việt Nam chứ không học trường Tây, đi Tây như những nhà giàu khác! 
Trước 30 tháng 04 năm 1975 Bác có cơ nghiệp rất lớn, ngoài  hiệu sách lớn nhất miền Nam và cả Đông Dương là Hiệu Sách Khai Trí ở số 60-62 đường Lê Lợi tức Bonard cũ, Bác còn là giám đốc nhà xuất bản lớn với hàng trăm đầu sách có giá trị cùng nhà in lớn ở đường Chi Lăng Gia Định và hàng chục kho chứa sách hàng triệu cuốn tại đường Lê Lợi, Pasteur, Công Lý và Nguyễn Minh Chiếu…
Nhớ lại từ thập niên 40 trở về trước, cả Nam Bộ mới có 2 trường trung học Công Lập  bậc Tú Tài dành cho người Việt là trường  PéTrus Ký dành cho con trai và nữ sinh áo tím dành cho con gái ở Sàigòn và 2 trường trung học chỉ học đến lớp đệ tứ ( lớp 9 bây giờ) ở Cần Thơ và Mỹ Tho. Ngòai ra còn có trường trung học tư thục là Lê Bá Cang và trường Nguyễn Khuê ở Sàigòn. Trường trung học Chasseloup Laubat dành cho con em người Pháp hay người có quốc tịch Pháp.
Số người đọc sách nhất là sách về kiến thức, không nhiều, mới thấy công lao của Bác trong việc khai trí! Hiệu sách qui mô lớn ở Sàigòn chỉ có 2 nhà sách Pháp chuyên bán sách Pháp là nhà sách Albert Portail và nhà sách Ardin đều tọa lạc ở đường Catinat. Nhà sách Việt Nam chỉ có mấy nhà rất nhỏ vừa bán sách vừa bán thuốc cao đơn hườn tán. Sách chỉ để trong tủ kính. Nên việc nâng cao dân trí , phổ biến tri thức từ thập niên cho người Việt như là những bức xúc , tâm huyết của Bác Nguyễn Hùng Trương! Bác là một trong những người khai phá , đi tiên phong!
Bác bắt đầu bằng nghề mua sách cũ có giá trị của những người Pháp về nước bán lại và đặt mua sách quí từ bên Pháp về gởi bán cho các nhà sách ở Sàigòn kể cả nhà sách lớn của Pháp hay các quán sách báo ở lề đường hay những người bán sách báo dạo cho người nước ngoài ở mấy nhà hàng như Continental, Majestic! Bác xây dựng nhà sách người Việt lớn đầu tiên và sau lớn hơn cả những sách của người Pháp ở Sàigòn hay cả Đông Dương theo cung cách mới.
Có thể nói, nhà sách Khai Trí là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra không cần phải mua, thậm chí đọc hết cả cuốn sách cũng không cần phải trả tiền. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục , lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo…
Đến với nhà xuất bản, Bác Trương cũng thích xuất bản những sách có giá trị, phong phú cho nền văn học Việt Nam. Một trong những thú chơi đặc biệt của Bác Trương là sưu tầm sách báo . Bác cũng đã giúp rất nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trước năm 1975 bằng cách mua những bản thảo có giá trị mà lại khó bán hay chưa có thể xuất bản ngay được . Có khi là hình thức giúp đỡ, bằng thể thức ứng tiền trước cho nhà văn. Bác là người bảo trợ cho Tập San Sử Địa (1966- 1975) rất có giá trị cho nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn chủ trương, do ông Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm. Bác còn là chủ nhiệm báo Thiếu Nhi và xuất bản khoảng 300 đầu sách về thiếu nhi , nhi đồng. Sau năm 1975,Bác không còn bán sách, xuất bản. Bác tiếp tục sưu tầm chọn lọc viết thành nhiều sách như Tư Tưởng Về Tình Yêu (1974) Tình Yêu Trong Danh Ngôn Và Thi Ca( 1993). Thơ Tình Chọn Lọc ( 1993) Danh Ngôn Tình Yêu ( 1993) Thơ Tình Việt Nam Và Thế Giới Chọn Lọc ( 1998) Quê Em Mến Yêu (2001) Làm Con Nên Nhớ (2002) Chánh Tả Dành Cho Người Miền Nam (2003) Dưỡng Sinh Và Sức Khỏe (2003) . Danh Ngôn Hạnh Phúc (2003). Danh Ngôn Tình Bạn ( 2003) Danh Ngôn Đàn Oâng Đàn Bà ( 2003) THơ Tình Thế Giới Chọn Lọc ( 2003) Huế Mến Yêu (2004) . Sắp xuất bản : Những Bài Thơ Hay Trong Văn Chương Việt Nam. Bác Nguyễn Hùng Trương mất đi còn nhiều mộng ước về sách, còn đang dang dở! Yêu sự truyền bá kiến thức cho giới trẻ . Bác tâm đắc hai chữ khai trí cho người dân ! Nhiều người yêu sách, yêu thơ, yêu văn nhấtb là giới  văn nghệ sĩ thương tiếc Bác, một người hào hiệp đối với văn nghệ sĩ.!
Cuộc đời vì sách, lập nên sự nghiệp lớn, hạnh phúc vì sách mà mất cơ nghiệp, khổ cũng vì sách!  Con người suốt đời đam mê sách, tận tụy cho việc khai trí dân tộc Việt Nam thật sự không còn nữa. Bác Nguyễn Hùng Trương hay ông Khai Trí không còn nữa. Xin Vĩnh biệt Bác Nguyễn Hùng Trương! Vĩnh Biệt “ ông Khai Trí” ông vua sách Việt Nam của thế kỷ 20.

                           
HÀ ĐÌNH HUY

( Viết theo tài liệu của TS Nguyễn Nhã & báo VNĐT)   

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

TUẦN BÁO ĐỜI RA MẮT

DUY VĂN

Chiều chủ nhật này 04-5-2003,tại nhà hàng phở Bắc Hoa Việt,Tuần Báo Đời đã long trọng làm lễ ra mắt với hàng trăm quan khách, hội đoàn, bạn hữu và các cơ quan truyền thông tham dự.
Sau những nghi thức : chào cờ, quốc ca và mặc niệm cho những chiến sĩ , đồng bào và những người cầm bút đã nằm xuống cho lý tưởng tự do. Nhà Văn, nhà báo Thanh Thương Hoàng Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tuần Báo Đời đã ngỏ lời chào mừng, cám ơn đến quí quan khách,các đồng nghiệp và nói lý do tại sao Tuần Báo Đời ra đời. " Chúng tôi một số người cầm bút ở miền Nam, sau cơn biến động của Đất Nước 30-4-75 bị tứ tán khắp nơi. Người thì di tản vượt biên, kẻ thì bị cộng sản bắt tù đày. Qua một thời gian dài trên phần tư thế kỷ, những kẻ sống sót mới có cơ hội gặp gỡ và ngồi lại với nhau để cùng nói lên tiếng nói chung với hy vọng tạo được chút hữu ích cho đời. Đó là lý do Tuần Báo Đời ra đời." 
 Làm báo ở xứ người thật là khó khăn  và nhất là trong giai đoạn nghiệt ngã của nền kinh tế  Hoa Kỳ hiện nay. Có người vừa dí dõm vừa cường điệu nói với nhà văn Thanh Thương Hoàng " Nếu bắt buộc phải chọn giữa ở tù và làm báo thì tôi xin chọn ở tù. Anh mới sang đây mấy năm chưa có dịp bơi lội trong " vũng nước báo bổ" nơi hải ngoại này, nên chưa biết cái nỗi "đoạn trường" khổ lắm và đôi khi nhục lắm". Nhưng theo nhà văn Thanh Thương Hoàng thì như là có một sức mạnh vô hình nào đó đã thúc đẩy ông , dằn vặt ông, lôi cuốn ông," bắt" ông phải hành lại cái nghề mà ông đã dứt bỏ hơn một phần tư thế kỷ.Tuần Báo Đời ra giữa lúc này đây là một " cái nghiệp". Cái nghiệp đã buộc ông phải đi tới cùng.
Trong tâm tình và hình như cũng là quan điểm nhà văn Thanh Thương Hoàng nói: "Với gần 3 triệu người Việt chúng ta ở nơi hải ngoại nếu cùng lúc đưa tay lên và nói một tiếng chung thì nhất định lịch sử Đất Nước chúng ta không còn như ngày hôm trước"
Giáo sư , nhà văn, nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh, người mà theo nhạc sĩ  Sơn Văn người đã làm rạng rỡ cho dân tộc Việt trước những năm 1975 cũng như hiện nay, đã không kém phần dí dõm trong phát biểu dịp ra mắt Tuần Báo Đời. Ông và nhà văn Thanh Thương Hoàng có điểm giống nhau, và cũng có những điểm khác nhau; giống nhau vì ông và ông Hoàng sinh cùng một năm ( không nói là năm nào) ; khác nhau là ông sinh ngày mùng ba tháng giêng, tháng đầu của năm. " Cho nên nếu ai sinh cùng năm với tôi đều kém tuổi tôi hết."  Cái khác nữa là nhà văn Thanh Thương Hoàng "dám liều làm báo "  còn ông thì không dám liều,nhưng lúc nào cũng sẵn lòng ủng hộ các anh em.Ông nghĩ rằng với bạn hữu xa gần giúp đỡ, nhà văn Thanh Thương Hoàng sẽ thành công trong nghiệp báo chí.
Cựu "Tể Tướng " Nguyễn Bá Cẩn cho biết ông cũng cùng tuổi với nhà văn Thanh Thương Hoàng và Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, nhưng ông cũng không cho biết là tuổi gì. Tuy một tuổi nhưng ba người đều khác nhau. Ông thua giáo sư Vinh về cái can đảm vì ông không phải là một người của Không Quân. Ông cũng thua nhà văn Thanh Thương Hoàng cái liều vì tới tuổi này mà vẫn còn dám làm báo "Đời". Mấy tháng trước nhà văn Thanh Thương Hoàng có nói với ông sẽ làm tuần báo. Oâng  nói " nguy dữ", bởi vì một tuần nó qua lẹ lắm, đi nhanh lắm mà đây cũng không phải là Sàigon và đây cũng không phải là Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả nữa. Bây giờ đây như cua gãy càng, ai qua đây cũng như cua gãy càng mà nhà văn Thanh Thương Hoàng dám ra báo thì nghĩ cũng "gan". Giáo sư Vinh nói văn chương là nhà văn Thanh Thương Hoàng "hơi liều lĩnh", nhưng ông thì không nghĩ vậy .Lớn tuổi rồi tai nó điếc, mà hễ điếc thì không sợ súng.Tuy nhiên nói theo nghĩa nghiêm chỉnh tại vì thời cuộc thời thế chúng ta không còn phương tiện để cầm súng nữa để làm một việc gì cho quê hương mình nên phải thay vào đó là cầm bút…. Ông nghĩ từ cái văn hóa có lẽ hướng dẫn cuộc chiến đấu của chúng ta trở về đến chỗ toàn thắng. Chúng ta đã mất nước, mất nhà mất cửa, mất cả dĩ vãng, mất cả sự nghiệp, mất cả vũ khí chiến cụ trong tay, bây giờ chúng ta chỉ còn có một cái vũ khí duy nhất là " ngòi bút" và " văn hóa". Nước mất chúng ta còn có thể lấy lại được, Sàigon lấy lại được, chính quyền giành lại được nhưng không thể để mất văn hóa, bởi vì mất văn hóa thì mất luôn . Cộng sản có cưỡng chiếm chỉ cưỡng chiếm được cục đất, chúng không thể cưỡng chiếm được lòng người và càng không cưỡng chiếm được văn hóa. Chúng ta nhất định phải bồi đắp. Ông tin rằng Báo Đời sẽ đóng góp một phần quan trọng công cuộc giữ gìn văn hóa và đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do trong tương lai.
Với cựu Trung Tá Nguyễn Mộng Hùng ( tức Hùng Sùi) thì ngạc nhiên hơn, tuy bị MC nhạc sĩ Sơn Văn mời lên phát biểu bất ngờ, ông phát biểu dõng dạc, có lẽ do " chất" nhà binh còn nhiều ở trong người ông. Ông xác nhận ông không phải là một nhà văn ,nhà thơ hay nhà báo gì cả, nhưng ông có quen rất nhiều trong giới này cho nên cuộc sinh hoạt nào có liên hệ đến giới này đều có mặt ông. Ông cũng xác nhận ông là " người ăn tục nói khoét" không có thể nói văn chương như  mọi người. Cho nên ông cầu mong bạn ông nhà văn Thanh Thương Hoàng "làm  Báo Đời, nhưng đừng nợ đời". Xin chúc cho Nhà văn Thanh Thương Hoàng và Ban Biên Tập Tuần Báo Đời thành công mặc dù trong tờ báo hôm nay chỉ có tên nhà văn Thanh Thương Hoàng chưa có nội các trong đó.
Bà Kim Định, một nhà địa ốc nổi tiếng mà theo MC Sơn Văn là một nữ lưu người Việt hải ngoại của chúng ta thành công nhất về mặt thương mại phát biểu. Bà nói rằng lúc còn nhỏ ở Saigon bà đã có dịp biết và đọc Tuần Báo Đời, và bà rất thích thú vì nội dung phong phú. Nay Tuần Báo Đời lại có mặt tại San jose, nhân dịp này bà có một cơ sở thương mại thường hay quảng cáo trên các báo địa phương, bà ủng hộ Tuần Báo Đời một trang quảng cáo và kêu gọi những cơ sở thương mại ở vùng San Jose này giúp cho tờ báo được sống, vì báo chí không có quảng cáo thì không thể sống nổi.
Nhà thơ Trần Anh Lan chúc mừng nhà văn Thanh Thương Hoàng và Tuần Báo Đời, đồng thời đại diện cho Hội Aùi Hữu Quảng Ngãi ủng hộ năm trăm đô la.
Có người hỏi rằng tại sao ban tổ chức không mời một nhà văn hay nhà báo nào lên phát biểu . Ban tổ chức qua MC Sơn Văn trả lời : Tình cảm của chúng tôi đối với nhà văn nhà báo lúc nào cũng rất thân thiết và chúng tôi chia xẻ với nhau tất cả những ngọt bùi trong cuộc sống của nghề làm báo nhất là ở đất nước quê hương thứ hai này rất khó khăn. Và vì không muốn" mèo khen mèo dài đuôi nên chúng tôi không mời các bạn đồng nghiệp phát biểu . 
Luật sư  Nguyễn Thành người bạn vong niên của nhà văn Thanh Thương Hoàng đã tâm sự: Vào những năm tháng trước đây, khi nhà văn Thanh Thương Hoàng mới vừa đặt chân đến Mỹ, ông có mời nhà văn Thanh Thương Hoàng làm tờ nhật báo, nhưng vì nhà văn Thanh Thương Hoàng bận việc " riêng tư " nên không thể thực hiện. Và nay Tuần Báo Đời ra mắt là một  dịp tốt cho các bạn hữu, nhất là giữa ông với nhà văn Thanh Thương Hoàng, có phương tiện phục vụ cộng đồng và đồng bào hải ngoại. Ông cầu chúc Tuần Báo Đời vững mạnh.
Nhân dịp này, đại diện báo Tiếng Vang  trao cho nhà văn Thanh Thương Hoàng một bó hoa hồng vàng và nhà thơ Uyên Thy ngâm bài thơ của cụ Dương Huệ Anh, chủ tịch Thi Đàn Lạc Việt Bắc CaLi chúc mừng Tuần Báo Đời.
Ông Lại Đức Hùng đại diện Liên Hội Người Việt Bắc CaLi cầu chúc Tuần Báo Đời luôn tươi thắm, hứa sẽ dùng uy tín giúp cho Đời và ủng hộ một trăm đô la. Ngoài ra các thân hữu của bổn báo chủ nhiệm như  nhà thơ Vũ Triều Nghi, Hàn Phong Cao, Nguyễn Kim Khánh….đã ký mua báo báo năm.
Chương trình văn nghệ ra mắt Tuần Báo Đời thật đặc sắc,do nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Aùi phụ trách cùng với các ca sĩ nổi tiếng trong vùng như : Lệ Hằng, Đan Hùng,Thi Cầm, Nguyên Đán, Tuấn Đan, Thiên An, Uyên Thy……
Lễ ra mắt chấm dứt sau màn dạ vũ của các thân hữu với ban nhạc.
                                           
DUY VĂN

THƠ MỚI CÓ TỪ BAO GIỜ VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ 
 TRONG NỀN VĂN HỌC NƯỚC TA.
                                                                      

DUY VĂN  HÀ ĐÌNH HUY

Sau phong trào dựng lại thơ Đường do nhóm thi văn hữu Thiên Tâm, Đông Thiên Triết, Ngô Phủ…. chủ trương trên các diễn đàn thơ văn hải ngoại, được nhiều độc giả biết đến và hâm mộ. Phong trào dần dần lớn mạnh đã được giới văn nghệ sĩ  hưởng ứng, mỗi ngày thêm nhiều tác giả tham gia. Bên cạnh sự thành công việc “ gầy dựng” thơ Đường của nhóm này cũng có những nhóm khác chủ trương phát triển thơ Mới theo một định kiến riêng . Họ sáng tác những bài thơ có tính chân chất, nhưng không kém phần phóng khoáng lãng mạng, phần lớn thơ của họ ca tụng tình yêu, cốt lõi là tình dục và sự hưởng thụ của con người qua nét đẹp. Đi đầu trong những nhóm này là nhóm “Thi Văn Trẻ” ở Canada và Hoa Kỳ. Về phương diện hình thức nhóm họ mong muốn nền thơ Mới có từ trước không dừng lại một chổ với những bài thơ bất hủ của TTKH, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Tế Hanh Nguyễn Bính…. thơ Mới đối với họ phải hoàn toàn  mới về mặt  cấu trúc. Và với chủ đề  “ Xây Lại Nền Thơ” họ đã có rất nhiều bài thơ đăng trên các diễn đàn quốc nội cũng như hải ngọai.
Qua trên cho thấy thơ cũ lẫn thơ mới đều có những giá trị nhất định  của nó. Vậy thơ Mới là lọai thơ như thế nào? Thơ Mới xuất xứ từ đâu? Cách cấu trúc hình thức và nội dung như thế nào? Thơ Mới ảnh hưởng ra sao đối với nền văn học nước ta trong thời gian vừa qua và kể cả trong tương lai? Thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu một cách khách quan vai trò của thơ Mới hầu rút ra một ý niệm thực tiễn thẩm định vị trí thiết thực nó trong nền văn học nước nhà và trong đời sống của chúng ta.
I.NGUYÊN CĂN CỦA THƠ MỚI
Có nhiều vị học giả hoặc những giáo sư  dạy môn việt văn trong các trường trung và đại học nước ta cho rằng:  thơ Mới bắt đầu xuất hiện từ khi cụ Phan Khôi “trình chánh  giữa làng thơ” bài thơ Mới đầu tiên “ Tình Già” đăng trên báo Phụ Nữ Tân số 122 ngày 10 tháng 3 năm 1932. Và từ  đó, lại bùng nổ lên một phong trào chống đối thơ Mới của nhóm thủ cựu.
 Thực tế  thơ Mới xuất hiện không phải từ  cái mốc 1932 , và lại càng không phải bài thơ “ Tình Già “ của Phan Khôi là bài Thơ Mới đầu tiên được trình làng công khai trên các văn đàn. 
Sự thật thơ Mới đã du nhập vào nước ta, từ khi chữ quốc ngữ đang trên đà cũng cố đến phát triển do phát nguyên từ lối thơ của người Pháp. Các nhà làm thơ của ta thấy rằng thơ của Pháp trừ mấy lối định thể ( pòemes à forme fixes) như sonnet, ballade, rondeaux là đã ấn định sẵn số câu và cách hiệp vần không có hạn định số câu , số chữ không có niêm luật, không theo phép đối và nhiều cách gieo vần, nên cũng muốn đem các thể rộng rãi ấy ứng dụng vào trong thơ ta.
Mầm mống lối Thơ Mới đầu tiên, là bản  dịch  bài thơ ngụ ngôn “ Con ve sầu và Con Kiến” của La Fontaine của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đăng ở Đông Dương Tạp Chí số 40 năm 1914. Bản  dịch không theo thể cách của các lối thơ cũ đã có lâu đời  trong nước ta và lại không có niêm luật hoặc đối như thơ Đường Luật.
 Nguyên bản dịch đó như sau:
“ Ve sầu kêu ve ve
 Suốt mùa hè
 Đến kỳ gió bấc thổi;
Nguồn cơn thực bối rối
Một miếng cũng chẳng còn , 
Ruồi bọ không một con ;
Vác miệng chịu khúm núm,
Sang chị kiến hàng xóm,
Xin cùng chị cho vay,
Răm ba hạt qua ngày,
“ Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả,
Trước thu, thề Đất Trời!
Xin đủ cả vốn lời.”
Tính kiến ghét vay cậy,
Trăm thói, thói này vì,
“ Nắng ráo chú làm gì?”
Kiến hỏi ve như vậy,
Ve rằng : “ Luôn đêm ngày,
Tôi hát, thiệt gì bác”
Kiến rằng: “ Xưa chú hát?
Nay thử múa coi đây.”
( Nguyễn Văn Vĩnh)

Qua trên  cho chúng ta khẳng định về lai lịch của lối thơ Mới, và có thể nói rằng bản  dịch   bài thơ Ngụ Ngôn “ Con ve sầu và con Kiến” của nhà thơ Pháp La Fontaine như là một khởi đầu của phong trào thơ Mới trong nền văn học của nước ta. Và cụ Phan Khôi chỉ là khởi xướng lại vấn đề thơ Mới đã có trước . Kế đó các báo chí, nhất là tờ Phong Hóa Tuần Báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đứng đầu là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, thường đăng những bài thơ Mới của nhóm tân học như các thi sĩ Thế Lữ , Xuân Diệu ,Tế Hanh,  Huy Cận …cổ võ cho phong trào thơ Mới, thì thơ Mới bắt đầu thành lập và thịnh hành.
Tuy thơ Mới đã có trước, và cụ Phan Khôi không phải là người khai sáng thể chế thơ Mới, cụ chỉ xướng lại thể cách  thơ qua bài thơ “ Tình Già”, nhưng các nhà nghiên cứu văn học vẫn xem bài thơ “ Tình Già” của cụ Phan Khôi như là một biểu tượng của sự mở đường cho phong trào thơ Mới ngự trị trong nền văn học sử nước ta.
“ Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Đôi cái  đầu xanh, kề nhau than thở”
“ Ôi! Đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng, 
Mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
“ Để đến nỗi tình trước phụ sau, 
“ Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
…………………………………………………………………..
(Phan Khôi)
II SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THƠ MỚI VÀ THƠ CŨ.
Thơ giống nhau vì có vần, điệu, số câu, số chữ…, nhưng thơ vẫn có những điểm khác rất đặc biệt. Thơ cũ đại để là lối thơ Đường Luật có những lệ chặt chẽ về số câu, số chữ cách gieo vần bằng trắc  và phép đối , niêm luật thật gò bó , khắc khe, đến nỗi các nho sĩ chuyên làm thơ Đường cũng lắm khi than rằng khó quá vì luật lệ nghiêm khắc  có hại cho thi hứng , khiến tình ý khó diễn đạt. Cho nên các nhà thơ muốn phá bỏ các luật lệ nghiêm ngặt ấy để tự do diễn đạt tình ý.
Thơ Mới là một lối thơ không giới hạn số câu, số chữ, niêm, luật hay đối chỉ cần có vần và điệu mà thôi.
Tỉ dụ trong bài thơ Đường Luật Thất ngôn bát cú “ Tôn Phu Nhân Qui Thục” của Tôn Thọ Tường.
“ Cật Ngựa Thanh gươm vẹn chữ tòng;
Ngàn thu rạng tiết gái Giang đông,
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng,
So phấn thà cam dày gió bụi;
Đá vàng chi để thẹn non sông,
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn;
Thà mất lòng anh được bụng chồng.

Số câu bài thơ Đường trên ,bắt buộc phải là 8 và số chữ phải 7 chữ. Số câu không thể là 9 , 10 hay11… , và số chữ không thể là 8 hoặc ít hơn khi liên hành trong 8 câu. Ngoài ra còn ràng buộc bởi niêm, luật và đối thật là nhiêu khê. Một điểm đáng lưu ý trong bài thơ Đường cần phải theo cách bố cục nhất định. Câu số 1 phải là  câu Phá đề, câu số hai phải là Thừa đề. Câu 3 và 4 là hai câu Thực hoặc  Trạng. Câu 5 và 6 phải là Luận và cuối cùng là 2 câu 7 và 8 phải là Kết.
Với lối thơ Mới, thật đơn giản, chỉ cần có vần và điệu người làm thơ sẽ có được một bài thơ , với số câu dài, ngắn bao nhiêu cũng được và số chữ không giới hạn. ( Cũng cần chú ý điểm này: Thơ Mới về thể cách phải thật khác thơ cũ. Chứ không thể gọi những bài thơ vẫn được mệnh danh là “thơ Mới”nhưng không đáng gọi tên ấy, những bài ấy chỉ làm theo lối thơ đã có từ trước nhưng không phải là Đường Luật).
Trong bài thơ “ Sương rơi” của Nguyễn Vỹ dưới đây, cho ta thấy sự khác biệt hẳn giữa thơ cũ và thơ mới về số câu cũng như số chữ …
“ Sương rơi, 
Nặng trĩu, 
Trên cành dương liễu,
Nhưng hơi 
Gió bấc,
Thấm vào,
Em ơi 
Hạt sương, thành một vết thương.
(Nguyễn Vỹ)

III THỂ CÁCH CỦA THƠ MỚI.
Muốn xét về thể cách của thơ Mới, người ta thường xét đến số câu và số chữ trong bài và trong khổ. Đôi khi thi nhân cũng phải để ý đến điệu 
( air)
A. Số câu.
Trong thơ Mới số câu trong bài không nhất định. Có khi đặt các câu liên tiếp nhau từ đầu đến cuối, có khi chia các câu trong bài thành nhiều khổ. Số câu trong khổ cũng không nhất định: hoặc 4 câu hoặc 6 câu, hoặc 8 câu, cũng có khi các khổ trong một bài thơ có số câu khác nhau.

Những bài thơ sau đây tiêu biểu cho số câu nhất định trong một khổ.
Lọai 4 câu trong 1 khổ 

  “ Tiếng ve ran trong bóng cây rậm mát
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời,
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt,
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!”
(Hồn Xuân) / Thế Lữ

Lọai 6 câu trong 1 khổ.

“Lòng nao nức như hương trầm mới dậy:
Gió tâm tư say chúi nửa lừng mơ... 
Đêm kim sa hay sao mà run rẩy? 
Không khí men, trăng liễu mướt đường tơ.
Đây một đóa đồ mi, ta đón lấy,
Ấp hồn hoa... đem giặt giữa bài thơ.”
(Đồ Mi Hoa)/ Bích Khê

3.Lọai 8 câu trong 1khổ.

“Khi trời biếc bị mây tối phủ che
Ta ôm đàn, lẳng lặng lắng tai nghe,
Trên trời đen nghịt vang long sấm động;
Chớp nhoáng xé mây. Rừng ầm ĩ rống.
Gió điên cuồng gọi sóng sấn lên bờ, 
Dưới ánh trăng mờ, 
Mặc cho sét nổ.
Người trên cao, ôi mặt trời! Nhạo cơn giông tố.”
(Cùng Mặt Trời) / Huy Thông

B. Số chữ.
Số chữ trong câu của một bài thơ mới  không nhất định . Ngắn có thể là hai chữ và dài có thể đến 12 chữ hoặc hơn. 
Chữ trong câu của một bài thơ mới tạo nên:  câu dài ngắn khác nhau sắp đặt không theo thứ tự, như trong bài “ Tiếng Trúc Tuyệt Vời” của Thế Lữ .
“ Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao nghe réo rắt?
Lơ Lửng cao đưa tận long trời xanh ngắt.
Mây bay…gió quyến, mây bay…
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt,
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may,”
(Thế Lữ)
Có bài các khổ đều đặt những câu dài ngắn giống nhau như bài “ Cùng Mặt Trời “ của Huy Thông ở phần trên. Khổ nào cũng đặt những câu 8+8+8+8+8+4+4+10 chữ.

Nhưng về sau này, khi thơ Mới tương đối thịnh hành, đa số các thi nhân đều viết thơ Mới theo lối câu và số chữ nhất định. Lối câu 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, 10 chữ và khi cả bài dùng một lối câu nhưng xen vào một ít câu ngắn hoặc dài hơn.

Các bài thơ sau đây tiêu biểu cho các lối chữ:
a) Lối 5 chữ.
“Em không nghe mùa thu, 
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu
      Trong lòng người cô phụ?
      Em không nghe rừng thu, 
      Lá thu kêu xào xạc:
      Con nai vàng ngơ ngác
      Đạp trên lá vàng khô?

    (Mùa thu)/ Lưu Trọng Lư
b) Lối câu 7 chữ.
     Dù đường trần khe khắt hiểm nghèo,
     Dù gập ghềnh, dù lắm hùm beo, 
    Cứ quả quyết đường hòang ta tiến;
    Đời thảm đạm , ta càng vinh hiển!
 (Sống) / Huy Thông
c) Lối câu 8 chữ.

“ Tiếng ve ran trong bóng cây rậm mát
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời,
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt,
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!”
(Hồn Xuân) / Thế Lữ

d) Lối câu 10 chữ.

“Chiều thu. Sau rặng tre xa, mặt trời khuất bóng,
Aùnh vàng còn rải rác trên cánh đồng xanh rộng,
Đám mây chiều trắng xám đã nổi ở chân trời,
Từ xa lại gió thu làm man mác lòng người.”

( Trên đường về) / Nguyễn Văn Kiện

Trường hợp cả bài dùng một lối câu nhưng xen một số câu ngắn hoặc dài. Tiêu biểu cho trường hợp này là đọan thơ trong bài “ Nhớ Rừng” của Thế Lữ sau đây:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan;
Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn.
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội, 
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tong bừng?
Đâu những buổi chiều lênh láng máu sau rừng, 
Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt?
Để chiếm lấy phần tối tăm bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Tuy không chịu ảnh hưởng âm luật , như thơ Đường, nhưng thơ Mới vẫn chịu một số luật lệ về vần và điệu. Thơ Mới phỏng theo cách hiệp vần của thơ Pháp:
1.Vần liên tiếp:
Nghĩa là vần được gieo theo hai vần bằng , rồi đến hai vần trắc và ngược lại. Bài thơ “Trên Đường Về” của Nguyễn Văn Kiện ở phần trên tiêu biểu lối hiệp vần này.
Hai chữ bóng và rộng vần trắc ( gieo liên tiếp) . Hai chữ  trời và người vần bằng ( gieo liên tiếp)

2. Vần gián cách :
   Hiệp vần gián cách : nghĩa là một vần bằng rồi đến một vần trắc và ngược lại. 
Bài thơ “ Hồn Xuân “ của Thế lữ tiêu biểu cho lối hiệp vần này.
“ Tiếng ve ran trong bóng cây rậm mát
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời,
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt,
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!”
Chữ mát vần trắc, rồi đến chữ trời vần bằng.

3.Vần ôm nhau.
Hiệp vần ôm nhau nghĩa là: hai vần trắc xen vào hai vần bằng hoặc trái lại.
Tỉ dụ bốn câu thơ dưới đây trong khổ 1 bài thơ “ Hồn Xưa” của thi sĩ Vũ Đình Liên cho chúng ta khái niệm rõ về vần ôm .
“Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay,
“Như khêu gợi nỗi nhớ nhung thương tiếc”
Những cảnh với những người đã chết, 
Tự bao giờ phảng phất đâu đây!”
Chữ tiếc và chết vần trắc bị ôm bởi hai vần bằng là chữ bay và đây

4. Vần hỗn tạp.

Các vần bằng và trắc không theo nhất định nào cả. 
Khổ 1, trong bài “ Tiếng Trúc Tuyệt Vời” của Thế Lữ, thi sĩ cho chúng ta thấy được lối gieo vần hỗn tạp thật rõ nét.
“Tiếng địch thổi đâu đây,
Cờ sao nghe réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận long trời xanh ngắt.
Mây bay…gió quyến, mây bay…
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt. 
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may,
Chữ đây vần bằng , chữ rắt và ngắt vần trắc, rồi đến chữ bay vần bằng, chữ dặt vần trắc  và cuối cùng chữ may vần bằng.

C. Điệu Thơ (air) 

Điệu  thơ  tức là nói đến cách sắp đặt và phân phối các tiếng trong câu thơ sau cho âm thanh và tiết tấu được êm ái dễ nghe và cho hợp với tình ý trong câu. Điệu có lúc khoan, lúc nhặt, lúc mạnh mẽ, lúc du dương, trầm bổng làm cho bài thơ có sự điều hòa . Cho nên các nhà thơ Tây Phương rất chú trọng đến điệu của một bài thơ. Họ rằng điệu là một phần tử cốt yếu của bài thơ hay nói khác hơn đó là điểm lỏi tạo nên giá trị của bài thơ. Và thơ chính vì có điệu mới có sự khác biệt với văn xuôi.
Trong tập hợp để cấu thành điệu thơ, các nhà phân tích âm vị học cho rằng điệu được cấu thành 2 nguyên tố: Aâm thanh và tiết tấu.
1.Aâm thanh. (Voice)
Trong thơ cũ đặc biệt là thơ Đường vì bị ràng buộc bởi luật bằng trắc,nên các nhà thơ khó lựa chọn các tiếng cho âm hưởng câu thơ hợp tình hợp ý để diễn đạt ra.
Thơ Mới vì không ràng buộc bởi những luật lệ ấy nên dễ chọn lựa các âm thanh cho phù hợp với tình ý trong câu thơ, dùng những tiếng có âm thanh nhẹ nhàng để diễn tả những cảnh êm đềm, những tiếng có âm thanh mạnh để diễn tả những tình cảm mãnh liệt.
“ Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thưở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả cây già, 
Với tiếng giógào ngàn, với giọng nguồn hét núi’
Với khí thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng
(Thế Lữ)
Bài thơ trên đây những tiếng có gạch dưới diễn tả cáo oai lực dũng mãnh của con hổ.
2.Tiết tấu. 
Trong thơ mới cũng cần có tiết tấu để bài thơ có nhịp nhàng, người thi sĩ phải biết ngắt câu thành từng đoạn dài ngắn khác nhau  để điệu thơ trầm bổng mà không trở nên buồn tẻ.
Lối thơ ngũ ngôn cũ thường ngắt câu theo cách thức: 2-3, 1-4 hoặc 4-1.
Tỉ dụ bài thơ “ Khóm Gừng Tỏi” của Ôn Như Hầu .
Lởm chởm / gừng vài khóm
Lơ thơ /  tỏi mấy hàng
Vẻ chi /  là cảnh mọn
Thế mà / cũng tang thương
 Trong những bài thất ngôn bát cú cách ngắt câu khác hơn ngũ ngôn. Trong những bài thơ thất ngôn bát cú cách ngắt không theo một luật nhất định. Tuy nhiên thông thường các nhà thơ thường ngắt câu theo một trong thể thức sau: 4-3, hoặc 2-5.
Bài thơ “ Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan cho chúng ta cách ngắt câu trên.
Bước tới đèo ngang /bóng đã tà;
Cỏ cây chen đá/  lá chen hoa.
Lom khom dưới núi / tiều vài chú
Lác đác bên sông / chợ mấy nhà.
Nhớ nước / đau lòng con quốc quốc;
Thương nhà/  mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại / trời non nước
Một mảnh tình riêng / ta với ta.

Đối với thơ mới, vì theo tiết tấu của Pháp nên cách ngắt câu trong bài thơ tùy ý dài, ngắn khác nhau, không theo một định lệ nào. Ngoài ra còn dùng lối đem xuống đầu câu dưới một vài chữ để làm trọn nghĩa câu trên ( rejet ou en jambement) gây chú ý cho người đọc.
Đoạn thơ sau đây của Thế Lữ  chứng minh cho lối ngắt câu không theo định lệ trên.
Bấy lâu nay/ xuôi ngược trên đường đời,
Anh thấy chăng? /Tôi chỉ hát, /chỉ cười
Như vui sống mãi /trong vòng sung sướng
Là vì tôi muốn / để cho lòng tôi tưởng
Không bao giờ còn vết thương đau
Không bao giờ/ còn thấy bóng mây sầu
Vương vít mãi. /Bạn ơi/  nào có được.

IV. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ MỚI TRONG NỀN VĂN HỌC NƯỚC TA.
Sau cuộc cách mạng năm Tân Hợi (1911) do bác sĩ Tôn Dật Tiên khởi xướng với các tư tưởng dân chủ, dân sinh và dân quyền, nền văn học mới của Tàu đã chiếm lĩnh toàn bình diện văn học của Trung Hoa, và đã không ít truyền sang nước ta những tư tưởng học thuật Aâu  Tây nhưng vì là gián tiếp nên ảnh hưởng chưa rõ rệt cho lắm. Mãi sau khi người Pháp cai trị nước ta, Pháp học một ngày một phát đạt số người Việt học chữ Pháp càng ngày càng tăng nhiều, do đó các bậc thức học có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nền văn học Aâu Tây nên hấp thụ các tư tưởng mới .Và theo cao trào tư  tưởng nền thơ Mới du nhập và phát triển mạnh mẽ, chen trong nền văn học cổ của nước ta tạo một vị trí quan trọng trong lãnh vực ảnh hưởng tất yếu trên nhiều phương diện.
1.Về mặt luân lý xã hội.
  Thơ Mới đã góp phần đã phá những hủ tục cổ xưa của dân tộc ta, góp phần tạo một luồng tư tưởng mới nói đến chủ nghĩa cá nhân, nhằm đề cao hạnh phúc, quyền lợi của cá nhân, những quan niệm về công dân, sự bình đẳng trên nghĩa vụ và quyền lợi, về phương diện nghề nghiệp các nhà thơ Mới đã chứng minh cho xã hội phong kiến của ta thấy rằng:  không một nghề nào trọng hay khinh, như những quan niệm cổ của xưa là “ Nhất sĩ , nhì Nông , Tam Công, Tứ Thương”  mà nghề nào cũng được coi trọng cả, ngọai trừ những nghề nghiệp xã hội cho là kém đạo đức hoặc bị cấm bởi nhà cầm quyền đương thời. Đồng thời với luồng tư tưởng mới, qua thơ Mới hết sức tôn trọng danh dự và phẩm giá của con người.
2. Về mặt văn chương.
Thơ Mới đã đóng góp tích cực vào nền quốc văn của nước ta. Trước đây các cụ viết văn bằng chữ Nho, có ý khinh miệt nền quốc văn còn phôi thai của nước nhà, các cụ thường theo lối từ chương và khi sáng tác những tác phẩm phần lớn ảnh hưởng đến người có tước phẩm hoặc dòng tộc vua chúa mà ít nghĩ đến những con người có tâm hồn cao quí hoặc tầng lớp dân giả. Trái lại qua quốc văn và với thơ Mới, các thi sĩ tân học đã thực sự biết quan sát và và mô tả cảnh vật xác thực, biết để ý đến cuộc sinh họat của người bình dân.
4.Về ngôn ngữ và văn tự.
Phong trào thơ Mới thịnh hành đã góp phần làm phong phú chữ quốc ngữ của nước ta, các văn thi sĩ sáng tác biết trọng sự bình giãn, sáng sủa gãy gọn theo lối cú pháp Tây học, vì thế vai trò của thơ Mới xem như là yếu tố đưa nền quốc âm Việt Nam đến thịnh hành.
V. KẾT LUẬN.
Thơ Mới được cấu trúc theo thi phú của Tây Phương, nên mang nhiều âm hưởng mới lạ. Nhất là thơ Mới du nhập vào nước ta trong thời kỳ chữ quốc ngữ đang trên đường phát triển. Cho nên có thể nói : phong trào thơ Mới  là một chìa khóa văn học đưa chữ quốc ngữ đến thịnh hành trong nền văn học nước ta.
Tưởng cũng nên nhắc lại, thơ Mới được xem như là một bộ phận trong nền văn học nước ta, và hơn nữa đã góp phần không nhỏ vào làm phong phú cho văn chương nước nhà như  hiện nay, phong trào thơ Mới cũng trải qua thời gian  bút chiến gay go giữa thơ cũ và thơ mới. Các nhà thơ cũ đứng đầu là nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho rằng : thơ Mới nghĩa lý vơ vơ rồi vẩn vẩn. Thanh âm ngẩn ngẩn lại ngơ ngơ. So với Á học như dưa đắng. Sánh với Aâu văn tựa mít sơ. Các nhà thơ Mới đại diện là nhóm Tự lực Văn Đàn  với tờ báo Phong Hóa cho rằng các nhà thơ cũ ưa dùng những từ ngữ , hình ảnh cũ kỹ sáo mòn, hễ mùa xuân thì trăm hoa đua nở, mùa hè thì tiếng cuốc kêu, tiếng ve… mùa thu thì sương sa gió thổi, lá ngô đồng rụng, mùa đông thì tuyết phủ, mặc dù Việt Nam chẳng bao giờ có tuyết. 
Sau cùng thơ Mới vẫn thắng thế và đứng vững trong nền văn học. Có điều đáng nói là từ ngày thơ Mới du nhập vào nước ta đến nay gần một thế kỷ, thơ Mới ngày ấy nay trở thành thơ cũ. Một thời đại trong thi ca đã khép lại, nhưng chúng ta phải công nhận thơ Mới là một thực thể văn chương  không thiếu góp phần làm phong phú nền văn học nước ta.
                                                                      
 DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY

Sách tham khảo:
Hà Xuân Tế ( Unpòete annamite moderne) indochine 1941
Hoài Thanh và Hoài Chân ( Thi Nhân Việt Nam) 1932- 1941
Dương Quảng Hàm (Việt Nam Văn Học Yếu Lược ) 
Huyền Viễm ( Kiến Thức Ngày Nay)
Nhất Linh ( Thế Nào Là Thơ Mới)

ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ ĐƯỜNG 
   TRONG THI VĂN VIỆT NAM.
            
  DUY VĂN  HÀ ĐÌNH HUY 

Những năm gần đây, phong trào làm thơ Đường Luật bổng nhiên khởi sắc và tiến dần trở nên phong phú trong giới văn thơ người Việt hải ngoại. Ở Pháp nhóm Bảo Tồn Văn Hoá Việt đã có những chủ trương sưu tầm lại các thi phẩm cổ, mà phần lớn là những bài thơ Đường Luật của các danh nhân Trung Hoa cũng như Việt Nam. Những bài thơ của các thi hào Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lê Thánh Tông, được nhóm trân quý và cho in thành sách. Phong trào làm sống lại thơ Đường mạnh nhất là nhóm của các thi sĩ Thiên Tâm, Đông Thiên Triết, Trường Giang…, trong hội “Thi Văn Đàn Bốn Phương” ở miền Bắc tiểu bang California Hoa kỳ. Trong hội thơ này, ngoài những thi sĩ lão thành có khuynh hướng làm thơ cổ còn có thi sĩ Thiên Tâm một cây bút trung niên thường xuyên sáng tác thơ Đường. Ông thường họa thơ qua lại với các thi gia bốn phương trên hầu hết các mạng lưới điện toán toàn cầu. Nhóm bạn thơ “chuyên trị” thơ Đường của ông cũng không nhiều lắm, nhưng hiện nay đã có ảnh hưởng trong giới thi văn hải ngoại không ít.
Vậy thơ Đường là loại thơ như thế nào? Nó bắt nguồn từ đâu và thi pháp, âm luật nó ra làm sao? Chúng ta tưởng nên lượt qua những chi tiết về loại thơ này, để cùng nhau có một cơ sở căn bản, nhận định đúng mức về tầm quan trọng của nó trong văn học Việt Nam.
A.NGUỒN GỐC THƠ ĐƯỜNG.
Thơ Đường hay thơ Đường Luật, cũng có sách gọi là thơ Cận Thể: là thể thơ đặt ra từ đời nhà Đường bên Trung Hoa khoảng vào năm (618-907) trước công nguyên do một số sĩ phu dưới thời Đường Thái Tông sáng tạo truyền bá rộng khắp Trung Nguyên và sau này truyền sang nước ta. Thể thơ có niêm luật nhất định trái hẳn với loại thơ Cổ Phong hay Cổ thể trước đời Nhà Đường không theo niêm luật nào nhất định cả.
Thơ Cổ phong loại thơ có số chữ trong câu là nhất định (thường ngũ ngôn hoặc thất ngôn) còn số câu không hạn định. Cứ từ 4 câu trở lên , muốn làm dài ngắn bao nhiêu cũng được. Các nhà thơ thường hay làm 4 câu ( tứ tuyệt) hoặc 8 câu (bát cú), nhưng cũng có bài làm 6 câu hoặc 12 câu. Những bài thất ngôn dài quá 8 câu và những bài ngũ ngôn dài quá 16 câu gọi là trường thiên.
Tuy không có niêm, luật bắt buộc nhưng thơ Cổ Phong vẫn có vần. Vần trong thơ Cổ Phong có thể dùng độc vần (hay độc vận), cũng có thể dùng nhiều vận cho một bài thơ gọi là liên vận, nhưng phải đổi vần cho mỗi hai câu. Ngoài ra các nhà thơ còn dùng liên châu vận, cứ mỗi câu là hạ vần. Trong bài thơ liên vận có thể  dùng vừa vần bằng vừa vần trắc. Mỗi khi đổi vần câu thứ nhất có gieo vần hoặc không gieo vần vẫn được.

B.SỐ CÂU VÀ SỐ CHỮ TRONG THƠ ĐƯỜNG
Thơ Đường Luật được chia làm 2 lối: Ngũ ngôn tứ tuyệt (5 chữ 4 câu) và Thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu). Nhưng lối chính là bát cú thường được các thi gia sử dụng nhiều nhất.
Hai bài thơ Đường Luật  dưới đây tiêu biểu cho hai lối.
Tôn Phu Nhân Qui Thục
Cật ngựa thanh gươm ven chữ tòng;
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông.
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc;
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
Son Phấn thà cam dày gió bụi;
Đá vàng chi để thẹn non sông.
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn;
Thà mất lòng anh được bụng chồng.
                   (Tôn Thọ Tường)
Khóm Gừng Tỏi
Lởm chởm vài hàng tỏi;
Lơ thơ mấy khóm gừng.
Vẻ chi là cảnh mọn;
Mà cũng đến tang thương.
         (Ôn Như Hầu)

C.THI PHÁP VÀ ÂM LUẬT
Trong thơ Đường Luật, lối thơ “Thất Ngôn Bát Cú” được thông dụng, các thi gia thường sử dụng lối thơ này để diễn tả những phong cảnh, nỗi lòng và giải bày tâm sự của mình trước hoàn cảnh sống hoặc ca ngợi những công trình của con người. 

Này nghiên với bút nọ rành rành,
Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành.
Bay ngát xạ đưa khi vắng khách;
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh.
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím;
Bóng loan hồ soi nước biếc xanh,
Mây khoá một rào hoa chắn nước,
Đây là thật nổi tiếng uy linh
                                  (Vô Danh)
Từ đời nhà Trần trở về trước, nước ta vẫn có tiếng nói riêng. Tất cả cũng đã có một nền văn chương diễn xuất bằng quốc âm. Tiếc rằng đến nay nền văn cổ ấy đã bị thất truyền chỉ còn lại những câu ca dao tục ngữ, có lắm câu hay cũng không kém gì những câu trong Kinh Thi.
Mãi đến năm (1278-1293) khi ông Hàn Thuyên phỏng theo thơ Đường Luật của Trung Hoa đặt ra luật thơ văn quốc âm thường được gọi là Hàn Luật, từ đó các thi gia Việt Nam mới theo luật ấy mà ngâm vịnh và vì thế có thể nói thi pháp của ta tức là thi pháp của Trung Hoa và các niêm luật của thơ ta đều ảnh hưởng âm luật của Tàu. Do vậy các thi gia Việt Nam dù muốn dù không khi làm thơ (nhất là các loại thể thơ cổ) dù trong thời điểm nào cũng không nên xem thường các luật lệ của nó.
Khi viết một bài thơ Đường Luật theo lối Thất Ngôn Bát Cú thiết nghĩ  các thi sĩ  cần lưu ý đến 5 điều: Vần, Đối, Niêm, Luật và Bố Cục.
1)Vần Thơ (Vận) ( Rhyme) 
Là những tiếng thanh âm hoà hiệp đặt vào hai hoặc nhiều câu văn để hưởng ứng nhau. Thí dụ : cương và sương…
Trong thơ Đường Luật thường dùng vần bằng hoặc vần trắc. Cả một bài thơ chỉ hiệp theo một vần gọi la øgieo vần theo lối  độc vận. Trong bài thơ bát cú có 5 vần gieo ở câu đầu và các câu chẵn. Thí dụ: trong bài “Chúc Mừng Hội Thi Văn Đàn Bốn Phương” 
Đườngluật tập tành tặng Bốn Phương
Nghêu ngao mấy vận giải can trường
Vẽ tranh thi hữu dăm ba nét
Tả tánh đồng môn bảy tám chương
Niêm luật lôi thôi cần phủ chính ?
Văn chương quê kệch đáng khinh thường ?
Trời cao còn có trời cao nữa
Thành khẩn dâng lên để kính tường !
                         (Thiên Tâm)
Câu 1 (câu đầu)  Phương gieo vần với câu (2) Trường, câu (4) Chương, câu (6) Thường và câu (8) Tường.
Trong trường hợp gieo vần sai hẵn không đi vào đâu gọi là lạc vận hay là vận rụng và nếu gieo vần gượng gạo ép chế  không được hiệp cho lắm gọi là cưỡng vận hay gượng vận. Và như vậy theo luật vận thì không thể chấp nhận được.
2) Đối (Symmetry) 
Đặc điểm của thơ Đường Luật là phép đối. Đối là đặt hai câu đi song đôi với nhau cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng. 
Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu song nhau. Còn đối chữ  tức đối thanh nghĩa là bằng phải đối trắc và ngược lại trắc phải đối bằng. Trong ý nghĩ này còn có đối loại của chữ nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối với nhau ( danh từ đối với danh dứ và động từ với động từ v.v.).
Những câu bắt buộc phải đối trong bài thơ Đường Luật  Thất Ngôn Bát Cú là bốn câu giữa. Câu 3 đối với câu 4 và câu 5 đối với câu 6. Hai câu 1, 2 và 7, 8 được miễn trừ trong phép đối của thơ Đường Thất Ngôn Bát Cú.
Thí dụ: trong bài thơ “Tôn Phu Nhân Qui Thục” của Tôn Thọ Tường, hai câu 3và 4 đối nhau theo loại tự.
“Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng. 
……..
Son phấn thà cam dày gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông”
Ngô và Hán, hai từ chỉ ý nghĩa của hai nước đồng thời cũng là hai danh từ. Son phấn đối với đá vàng……
3) Luật (Regulation)   
 NIÊM LUẬT ĐƯỜNG THI !
Luật lệ Đường Thi giống lái xe,
Trên sông, mặt biển, các tàu bè.
Giữ niêm, chẳng phóng vào lề lộ,
Gìn luật, đừng tông trúng mũi ghe.
Xin chớ chê người say bết bát,
Hay là trách bạn nói lè nhè.
Đôi khi chính bác không lưu ý,
Cũng trật đường rầy, ủi gốc tre.
 (Đông Thiên Triết)
Với bài thơ viết ví niêm luật của thơ Đường đã cho thấy trong Thơ Đường Niêm và Luật là điểm then chốt nhất và tương đối khó cho người làm thơ nếu chưa thông suốt hết những luật lệ  của thơ Đường. Bởi nó là sự xếp đặt những tiếng trắc và bằng trong một câu thơ của bài thơ, mà phần lớn các thi gia đôi khi cũng đi ra ngoài khuôn khổ (sai luật thất niêm). Cho nên muốn hiểu luật thơ buộc các thi gia phải phân biệt tiếng bằng hay trắc. Bằng có người gọi là bình là những tiếng phát ra bằng phẳng đều đều. Trắc là tiếng phát ra nghe nghiêng, lệch hoặc từ thấp lên cao hoặc từ cao xuống thấp.Trong ngôn ngữ Việt Nam ta có tám thanh âm và được chia ra sáu thanh trắc và hai thanh bằng.
Thanh Bằng gồm có:Phù bình thanh và Trầm bình thanh chứa các chữ không dấu và dấu huyền. (  ø ). Thanh Trắc có: Phù thượng thanh, Trầm thượng thanh, Phù kứ thanh, Trầm khứ thanh, Phù nhập thanh, và Trầm nhập thanh, bao gồm những chữ mang dấu: ngã, hỏi, sắc, nặng và các tiếng đằng sau cho phụ âm c, ch, p,và t.
Một bài thơ Đường có thể làm theo hai luật: Luật bằng bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng và luật trắc bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc.
Đây là những bảng  biểu đồ liệt kê tất cả các luật của hai lối thơ  Đường Tứ tuyệt và Bát cú.
Các thanh bằng , trắc và vần , được ghi tắc như sau để áp dụng vào bảng biểu đồ. Tiếng bằng = b, tiếng trắc = t và tiếng vần = v. Những chữ in nghiêng buộc phải đúng luật, còn chữ in thường không đúng luật cũng không sao.
LUẬT BẰNG 
a)Vần bằng
 * .Ngũ Ngôn Bát Cú
Câu: 1. b b t t b (v)
         2. t t t b b  (v)
         3. t t b b t
         4. b b t t b (v) 
         5. b b b t t
        6. t t t b b  (v) 
       7. t t b b t
       8. b b t t b (v)
* Thất Ngôn Bát Cú.
Câu: 1. b b t t t b b (v)
         2.t t b b t t b  (v)
         3. t t b b b t t 
        4. b b t t t b b (v)
        5.b b t t b b t
        6. t t b b t t b (v)
        7. t t b b b t t 
        8. b b t t t b b (v)
LUẬT TRẮC 
b)Vần bằng
*Ngũ Ngôn Bát Cú.
Câu: 1. t t t b b (v)
         2. b b t t b (v)
         3. b b b t t 
         4. t t t b b  (v)
         5. t t b b t
         6. b b t t b (v)
         7. b b b t t 
         8. t t t b b (v)
*Thất Ngôn Bát Cú.
 Câu: 1. t t b b t t b (v)
          2. b b t t t b b (v)
          3. b b t t b b t
          4. t t b b t t b (v)
          5. t t b b b t t 
          6. b b t t t b b (v)
          7. b b t t b b t
          8. t t b b t t b (v)

LUẬT BẰNG
a)Vần Trắc
* Ngũ Ngôn Bát Cú
Câu: 1. b b b t t (v)
         2. t t b b t (v)
         3. t t t b b 
         4. b b b t t (v)
         5. b b t t b
         6. t t b b t (v)
         7. t t t b b 
         8. b b b t t (v)
*Thất Ngôn Bát Cú.
Câu: 1. t t b b b t t (v)
         2. b b t t b b t (v)
         3. b b t t t b b 
         4. t t b b b t t (v)
         5. t t b b t t b 
         6. b b t t b b t (v)
         7. b b t t t b b 
         8. t t b b b t t (v)
Luật thơ Đường rất khó, ngoại trừ những đại thi gia, còn phần nhiều các thi sĩ đôi khi còn phải thất niêm luật. Chính vì sự phức tạp của niêm luật nên vào thời mạc Đường các thi nhân đã nhiều phen tranh cải kết quả đã phát sinh ra sự xét lại luật của Thơ Đường nên lệ bất luận (không kể) đã được phổ cập áp dụng giảm bớt tính cứng nhắc trong thơ Đường.
Trong bài thơ Ngũ Ngôn chữ thứ nhất và chữ thứ ba không cần đúng luật: tức nhất tam bất luận . Trong bài thơ Thất Ngôn thì chữ thứ nhất chữ thứ ba và chữ thứ năm không cần phải đúng luật tức: nhất, tam , ngũ bất luận.
Với lệ bất luận có thể thay đổi mấy chữ trong câu thơ, như đang trắc mà đổi ra bằng thì được , chứ đang bằng mà đổi ra trắc thì có một vài trường hợp làm cho câu thơ trở thành khổ độc, (khó đọc)  đọc không được. Những trường hợp này thường xảy ra trong các bài thơ Ngũ Ngôn: Chữ thứ nhất của các câu chẵn và chữ thứ ba của các câu đáng bằng mà đổi ra trắc là thành khổ độc. Trong bài thơ Thất Ngôn: Chữ thứ ba các câu chẵn và chữ thứ năm các lẽ đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.
Trường hợp Thất Luật : Một câu thơ đặt sai luật nghĩa là một chữ đáng bằng mà đổi ra trắc hoặc trái lại thế thì gọi là thất luật.
Cho nên khi làm thơ Đường đòi hỏi các thi gia phải cẩn thận trong việc dùng tiếng bằng trắc cho đúng. Có nhiều thi gia rất nổi tiếng thành danh trên thi trường, và có  nhiều  tác phẩm xuất bản. Thậm chí có những bài thơ đã được các nhạc sĩ tiếng tăm phổ nhạc và được nhiều giới thưởng thức ái mộ, nhưng khi sáng tác về thể loại Đường Luật các thi gia này vẫn có nhiều sơ sót  để sai luật thật đáng tiếc.
4) Niêm (prosody) 
 Niêm trong thơ Đường Luật được định  nghĩa xem như là sự dính liền âm luật với nhau giữa hai câu thơ. Hai câu thơ được gọi là niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của chúng cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc. Như thế bằng niêm với bằng và trắc niêm với trắc.
Trong bài thơ Bát Cú những câu sau đây niêm với nhau. Câu 1 niêm với câu 8 và ngược lại. Câu 2 với câu 3, câu 4 với 5 , câu 6 với câu 7. 
Trường hợp xem là thất niêm ( mất sự dính liền) là khi các câu trong bài thơ đặt để sai không theo luật đã định 
5) Bố Cục (Disposition)
Thông thường một bài thơ hay một bài văn có ba phần: Đầu đề, thân bài và kết luận, nhưng đối với một bài thơ Đường Thất Ngôn Bát Cú có 4 phần.Bốn phần này gồm phá đề hay mở đề (câu 1) và thừa đề hay chuyển mạch (câu 2) nối câu phá vào bài.Thực hay trạng gồm câu 3 và 4 có nhiệm vụ giải thích đầu bài cho rõ ràng.Luận (câu 5 và 6) nhiệm vụ hai câu này là làm cho rộng nghĩa đầu bài. Cuối cùng là hai câu 7 và 8 có nhiệm vụ tóm ý của cả bài.
C. ẢNH HƯỞNG  CỦA THƠ ĐƯỜNG TRONG THI VĂN VĂN VIỆT NAM 
Các nhà văn học sử cũng đều công nhận, thời cực thịnh về thi phú của nước Trung Hoa có lẽ  dưới triều đại nhà Đường và thời suy yếu  nhất dưới  nhà Tần. 
Tần Thủy Hoàng đã đưa ra một chính sách cực kỳ dã man đó là “Đốt sách chôn học trò”. Nhiều sĩ phu và các nho sĩ đã bị chết oan uổng. Nền văn học Trung Hoavào triều đại nhà Tần đã xuống dốc  một cách thê thảm. Trái lại vào thời nhà Đường Vua Đường  Thái Tông khuyến khích giai cấp sĩ học. Ông mở mang thêm nhiều khoa thi và cho xây nhiều bia đá để tưởng niệm những sĩ phu có công với đất nước. Thể thơ Đường đã phát sinh vào thời kỳ này và đã sớm phát triển và truyền sang các nước lân cận.
Đối với Việt Nam thơ Đường đã du nhập từ lâu, nhưng không mấy phát triển, vì trước đó nước ta có một nền văn minh truyền khẩu duy sử dụng tục ngữ ca dao để diễn tả tình cảm hay truyền đạt tư tưởng… Nhưng cũng không được phát triển theo lối thượng tầng (nghĩa là không có được tổ chức qui mô, cẩn thận  và không có chữ viết để ghi lại nên đã mai một rất nhiều). Kể từ khi ông Hàn Thuyên biến cải luật thơ phú bên Trung Hoa nhất là luật của Thơ Đường thành ra luật cho thơ quốc âm của nước ta thì nền văn thi quốc âm của nước ta ngày càng phong phú. Sự phát triển thơ văn rộng khắp nước. Trong triều đình nhà vua lập hội thơ để cùng những sĩ phu làm thơ, ngâm vịnh (thời đại Lê Thánh Tông). Sau Hàn Thuyên thơ quốc âm còn được gọi là Hàn luật vì người ta cho rằng luật lệ thơ văn quốc âm do Hàn Thuyên sáng tạo. (có sách ghi rằng Hàn Luật không phải do ông Hàn Thuyên sáng tác mà đó chính là Đường Luật của Trung Hoa ông chỉ uyển chuyển ứng dụng vào việc làm thơ quốc âm mà thôi). Việc làm của ông thời đó đã gây lên một phong trào nên đời bấy giờ có nhiều người noi gương ông mà làm thi phú bằng quốc âm. 
Theo sử chép ông Nguyễn Sĩ Cố là một nội thị học sĩ đời vua Trần Thái Tông (1258- 1278) và thiên chương học sĩ đời vua Trần Anh Tông (1293-1313). Ông làm thơ quốc âm rất hay, ông khôn khéo và khôi hài, người đương thời ví ông với Đông Phương Sóc. Một người khác mà sử đã đề cập đó là ông Chu An ( + 1370), ông là một bậc danh nho đời Trần hiệu Tiêu Ẩn. Đời vua Trần Minh Tông ông làm Quốc Tử Giám tu nghiệp coi việc giảng kinh cho thái tử, ông soạn sách “Từ  thư thuyết ước”. Đến thời Dụ Tông ông dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần (Thất trảm Sớ) vua không nghe. Ông xin từ quan.
Qua trên , nhờ vào các thể văn của Tàu đặc biệt là thể Đường Luật nước ta đã có một nền quốc âm phong phú  phát đạt với  các thể loại văn vần , phú , văn tế…. 
Có nhiều văn sĩ không những viết văn  mà còn làm thơ phú cũng như các thể văn khác nữa.
Các thể văn nước ta ảnh hưởng Trung Hoa có Vận văn và Biền văn. Vận văn gồm thơ, phú và văn tế. Biền văn: văn không có vần mà có đối, những câu đối tứ lục và kinh nghĩa…
 MỘT SỐ BÀI THƠ ĐƯỜNG VÀ VĂN TẾ
Bán than
Một gánh kiền khôn quảy xuống ngàn;
Hỏi chi bán đấy? Gửi rằng than.
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt,
Hơn thiệt nào bao gốc củi tàn.
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp, 
Thử xem sắt đá có bề gan!
Nghĩ mình nhem nhuốc toan nghề khác,
Nhưng lẹ trời kia lắm kẻ hàn.
                      (Trần Khánh Dư)
Tô Hiến Thành
 Khinh bề tài hóa, trọng cương thường, 
Lòng giải hai triều một tiết sương. 
Mặc bạc trách ai toan đổi trắng,
Chiếu son còn đó dám tham vàng!
Nhà yên, gà mái mai không gáy,
Nước vững anh con cánh lại giương.
Phò chúa xin ai nên nghĩ lấy, 
Nghìn năm bia miệng có Tô Trương.
                 (Hoàng Cao Khải)
 Bài văn tế làm theo lối tán
Thanh thiên nhất đoá vân,
 Hồng lô nhất điểm tuyết, 
Thượng Uyển nhất chi hoa,
 Dạo trì nhất phiến nguyệt,
Y!Vân tán, tuyết tiêu, 
Hoa tàn, nguyệt khuyết.
         (Mạc Đĩnh Chi)   
   
DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY

Những tài liệu tham khảo.
Quốc Văn Trích Diễn  ( DQH) 
Việt Nam Văn Học Sử Yếu 
( Bilingual Resource Center)
       3. Đường Văn Thi Tập.
     4.Thơ “Niêm Luật Đường Thi” của Đông Thiên Triết
     5. Thơ “ Chúc Mừng Thi Văn Đàn Bốn Phương” của Thiên Tâm.